Lại thêm một loại bột nữa của Trung Quốc có thể biến cua đồng thành cua sông đặc sản chỉ trong 20 phút. Nạn dịch đang tràn lan ở Trung Quốc này không biết đã "chạy" sang Việt Nam chưa?
VTC cho biết những ngày này, tại nhiều tỉnh thành Trung Quốc đang vào vụ thu hoạch cua sông, một loại thủy sản rất được ưa chuộng và có giá khá cao bởi cả năm chỉ vào mùa thu, loài cua sông này mới béo và ngon nhất.
Tuy nhiên, các phóng viên Trung Quốc đã phát hiện "công nghệ" tẩy trắng cua đồng thành cua sông và những người tiêu dùng ăn phải loại cua này sẽ chịu tác động tiêu cực tới sức khỏe.
Không gặp khó khăn gì để phóng viên Trung Quốc tiếp cận với những người buôn bán cua và hỏi họ về công nghệ "chế biến" cua sông.
Một chủ buôn cua khẳng địnhcó đi khắp các chợ thủy sản cũng chỉ mua được cua đồng bị tẩy trắng bởi cua sông vừa hiếm, giá cả đầu vào lại cao nên lời lãi không bao nhiêu. Nhưng chỉ cần bỏ ít tiền mua bột tẩy, lượng cua đồng, cua ao gom về, sau khi qua xử lý lập tức biến thành cua sông và theo đó, giá bán sẽ tăng gấp đôi, gấp ba mà có lúc vẫn thiếu hàng để bán.
Cua đồng và cua sông ở Trung Quốc có trọng lượng xấp xỉ như nhau. Tuy nhiên cua sông yếm trắng, mai xanh trong khi cua đồng yếm vàng đất và có những đốm đen, mai nhiều rêu, giá rẻ chưa bằng một nửa giá cua sông. Mặt khác, do cua sông khá khan hiếm nên người mua cũng không kén đều con, to nhỏ đều được.
Một người chuyên làm nghề buôn cua và bỏ mối cho các nhà hàng, khách sạn tại Trung Quốc đã “thí nghiệm” công nghệ này. Với một muỗng bột trắng được khuấy đều trong chậu nước, sau đó thả cua đồng vào và cho vòi vào sục không khí. Mùi hăng hắc từ chậu nước bốc lên rất khó chịu. Những chú cua khi bị thả vào đều cố gắng vùng vẫy do bị kích thích, nhưng chỉ một lát chúng trở nên đờ đẫn.
Những vết đen, vàng ố dưới yếm cua hoàn toàn biến mất, vết rong rêu trên mai cua đồng cũng không còn. Lúc này, con cua đồng nhìn không khác gì cua sông, chỉ có điều ai để ý kỹ thì thấy chúng “lờ đờ” hơn. Sau khi được tẩy trắng, cua được vớt ra một chiếc rổ và dội qua nước lã cho hết mùi hóa chất
Do tác dụng của thuốc tẩy trắng rất mạnh nên những con cua đã tẩy không thể sống qua ngày hôm đó. Chính vì vậy, những người bán cua ở chợ Hạ Quan, Nam Kinh chỉ tẩy cua khi có đơn đặt hàng với số lượng lớn bởi nếu để lâu cua chết là lỗ vốn. Khi có đơn đặt hàng, chỉ mất khoảng 20 phút là các chủ sạp này đã "hô biến" cua đồng thành cua sông.
Khi phóng viên hỏi về tem chống hàng giả, vẫn được dán lên sản phẩm cua sông chính hiệu trước khi bán ra thị trường, chị chủ hàng cười và vào trong quầy lấy ra cả nắm, sau đó dán lên càng những con cua vừa tẩy.
Theo chị chủ hàng, những chiếc tem chống hàng giả này là tem thật, nhiều nhà hàng sau khi mua cua sông “xịn” về lột tem để riêng và bán lại cho các đầu mối cung cấp cua. Chính vì vậy, người tiêu dùng sẽ khó có thể phát hiện ra mình vừa bị móc túi, vừa ăn phải “cua bẩn”.
Theo một chuyên gia trong ngành thủy sản Trung Quốc, thứ bột tẩy trắng cua đồng mà các tiểu thương sử dụng là loại hóa chất công nghiệp mà khá nhiều người dùng để rửa, tẩy trắng tôm. Tuy nhiên so với thứ bột dùng rửa tôm hùm non, loại tôm hùm gây chứng tan cơ hoành ở người ăn vốn gây xôn xao dư luận thời gian qua thì bột tẩy cua này còn độc hại hơn nhiều.
(Theo VTC News)