Đàn chim câu mừng Đại lễ đang lâm nguy

Cập nhật lúc 08:19, 30/10/2010 (GMT+7)

- Trong dịp Đại lễ kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua (từ 1-10/10), hình ảnh 1.000 con bồ câu tung cánh trên bầu trời thu Hà Nội đã để lại những ấn tượng khó phai trong lòng người dân Việt Nam và du khách quốc tế. Thế nhưng, đàn chim hòa bình này đang bị chết dần chết mòn.

TIN BÀI KHÁC

/chuyenmuc/quangcao/2010/images/vnnmobiad.gif

Sự có mặt của đàn chim 1.000 con bồ câu đã góp phần không nhỏ vào thành công của Đại lễ. Phần lễ của Lễ khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (1/10) kết thúc bằng nghi thức thả 1.000 con bồ câu trên bầu trời hoà bình thật ấn tượng. Trong buổi lễ mít tinh chào mừng Đại lễ vào sáng 10/10, 1000 em thiếu nhi đã thả lên bầu trời quảng trường Ba Đình lịch sử 1000 quả bóng bay và chim bồ câu với ước nguyện đất nước hòa bình, phồn vinh, phát triển. Có thể nói, đàn chim 1.000 con bồ câu là điểm nhấn ấn tượng của Đại lễ.

Hàng nghìn con chim bồ câu được thả lên bầu trời trong ngày khai mạc Đại lễ. (Ảnh: Bee.net.vn)

Đại lễ kết thúc, đàn chim câu này được đưa về chăm sóc tại công viên Bách Thảo làm biểu tượng vườn chim hòa bình cho TP. Hà Nội. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đàn chim này đang chết dần chết mòn với những diễn biến vô cùng phức tạp.

Có mặt tại khu vực hồ Bách Thảo những ngày này, thay vì nhìn thấy đàn chim câu tung cánh chao lượn trắng trời là một quang cảnh vô cùng ảm đạm. Những con chim câu sã cánh, đầu nghiêng vẹo, đúng rúm ró, ủ rũ ở những gốc cây, có con đã chết từ bao giờ.

Chia sẻ trên báo Đất Việt, ông Phạm Tài Thu - người hàng ngày chăm sóc và huấn luyện đàn chim câu này - cho biết, số lượng các con chim bị ốm, chết ngày càng tăng lên và tình trạng ngày càng trầm trọng.

Theo ông Thu, sự thay đổi đột ngột của thời tiết miền Bắc trong những ngày qua khiến cho đàn chim không thích ứng kịp dẫn đến việc chim kém ăn, sức đề kháng kém, dễ nhiễm bệnh…

Tuy nhiên, ông Thu cho rằng, nguyên nhân chính khiến đàn chim mắc bệnh đậu thứ nhất là do điều kiện sinh sống tại khu vực giữa hồ trong công viên Bách Thảo không được đảm bảo. Khu vực chuồng trại, sân chim không được chuẩn bị từ trước, đến ngày chim được mang đến đây thì mới vét bùn lên gò giữa hồ đắp ụ san bằng. Khi sân chưa kịp khô, mưa đến, bùn bẩn dễ bắn vào mắt, miệng chim gây nhiễm bệnh.

Thứ 2 là việc thiếu hệ thống nước sạch trong công viên cho chim uống. Dù ông Thu đã thuê một người xách nước sạch ở ngoài vào cho chim uống nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ cho nhu cầu của cả ngàn con, do vậy đàn chim buộc phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm trong hồ. Mà chim câu chỉ uống nước sạch thì mới khỏe mạnh. Chính điều này đã khiến nhiều con bị bệnh và lây lan sang các con khác, số lượng chim bị chết tăng nhanh.

Một nguyên nhân quan trọng khiến số lượng chim bị giảm là do chim câu mới mang ra Hà Nội nên chưa quen địa hình, dễ lạc không quay về được, thậm chí, trong ngày bế mạc thả chim câu vào 20h (ngày 10/10) lại có bắn pháo hoa nên cả 200 con chim câu thả hầu như mất hết.

Nguyên nhân nữa khiến đàn chim thường xuyên bị hao hụt là do bị bắt trộm. Ông Thu cho biết nhiều lần thấy người dân bắt trộm chim câu, nhưng vì có một mình và cả vườn Bách Thảo cũng chỉ có một bảo vệ chung nên bảo vệ không xuể.

Nghệ nhân Phạm Tài Thu và chú bồ câu trắng (Ảnh: Dân Việt)

Hiện ông Thu và các học trò đang cố gắng hết sức để cứu đàn chim. Biện pháp trước mắt là mỗi sáng nhỏ thuốc thường xuyên cho từng con.

TIN LIÊN QUAN
Theo ông Thu, để khôi phục đàn chim, cần phải bổ sung một số lượng chim câu khoảng 200 - 300 con nữa, số còn lại sẽ tự sinh sản; phải nhanh chóng hoàn thành việc thi công tại khu vực tổ chim, rồi dùng thuốc sát khuẩn khử trùng chuồng trại cẩn thận, có máng ăn, máng uống hợp lý, có nước máy cho chim uống...

Trước đó, những con chim này đều là những con chim khỏe mạnh, được tuyển lựa kỹ càng từ nhiều tỉnh, thành; do ông Phạm Tài Thu đích thân mang từ Đà Nẵng quê ông ra để phục vụ Đại lễ. Ông Thu là một trong những chuyên gia hiếm hoi của Việt Nam theo nghề huấn luyện chim.

Trước khi mang ra Hà Nội, ông Thu đã phải bỏ công huấn luyện đàn chim cả tháng ròng, chăm chút từ thức ăn, nước uống rồi chuẩn bị cả thuốc thang sao cho khi vận chuyển, chim không bị ốm, mệt…

Mong muốn của nghệ nhân Phạm Tài Thu là xây dựng nhiều vườn chim hoà bình trên khắp đất nước. Trước khi thực hiện dự án nuôi 1.000 con chim bồ câu trắng cho Hà Nội, ông cũng đã thực hiện nhiều dự án nuôi chim bồ câu ở các tỉnh, thành khác. Chia sẻ trên báo Dân Việt, ông Thu cho rằng: "Hà Nội là thành phố hoà bình vậy nên các công viên Bách Thảo, Thống Nhất, Thủ Lệ, Hoà Bình... đều nên có sự hiện diện của những cánh chim bồ câu trắng".

  • Thu An (Tổng hợp)

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

tho loc, 22:14, 31/10/2010

Lại là một bệnh hình thức hay thành tích. BTC chỉ quan tâm hình ảnh thả 1000 con chim bồ câu cho hoành tráng mà không quan tâm số phận chim sau đó. Sự cố gắng của một người không thể giải quyết rốt ráo được vấn đề dù cố gắng của họ rất đáng trân trọng!

Nguyễn Huệ Quang, Hà Nội, 15:09, 30/10/2010

Tôi không hiểu ý đồ của các nhà lãnh đạo thế nào, chứ ở Châu Âu các đàn chim bồ câu và các loài chim có mặt ở khắp mọi nơi. Để làm được điều đó, cần tuyên truyền người dân về văn minh đô thị, bảo vệ môi trường. Mặt khác, cần xử phạt thật nặng những kẻ săn bắn chim.

Về chuyện đàn chim bồ câu bị ốm, theo tôi bên cạnh việc kiểm soát nguồn nước và chuồng trại, cần kiểm soát cả nguồn thức ăn nữa. Nhà tôi trước đây cũng nuôi trên dưới 100 con chim bồ câu, có đợt chúng cũng bị ốm cả đàn, mổ ra thấy có rất nhiều khối u ở gan, đường ruột. Sau này mới phát hiện ra nguyên nhân là do cho chúng ăn ngô có phun thuốc bảo vệ thực vật.

Tôi muốn nhờ báo VietnamNet chuyển giúp thông tin này tới nghệ nhân Phạm Tài Thu và lãnh đạo vườn Bách Thảo.

Nguyễn anh, P.hùng vương.tx phú thọ.t.phú thọ, 09:05, 30/10/2010

Bài báo đưa tin thật đúng lúc. Tôi hi vọng đàn chim sẽ được quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền.

Các tin khác