Buồn vui nghề... "sờ nắn" chị em

Cập nhật lúc 06:47, 26/10/2010 (GMT+7)

Một người làm bảo vệ doanh nghiệp kể, cứ mỗi ngày làm việc, ông phải “ngắm” hơn ba nghìn bộ ngực, hơn ba nghìn eo lưng, cặp đùi, thậm chí có khi phải khám xét chị em.

TIN BÀI KHÁC

/chuyenmuc/quangcao/2010/images/vnnmobiad.gif


Gắn bó với nghề bảo vệ hơn hai mươi năm, ông D. kể rằng cty ông có hơn ba nghìn lao động, chủ yếu là nữ. Cứ mỗi ngày làm việc, ông phải “ngắm” hơn ba nghìn bộ ngực lúc công nhân vào, rồi “ngắm” hơn ba nghìn eo lưng, cặp đùi chị em lúc tan ca. Và ban đêm người ta đi ngủ thì ông lại cùng đồng đội “lang thang”…


Giải nghĩa cho điều trên, ông D. - bảo vệ một công ty giày cười nói: “Mỗi khi vào ca, 3.000 công nhân họ chỉ vào khoảng 30 phút, nghĩa là mỗi phút bọn mình phải nhìn vào 100 ngực để kiểm tra thẻ. Còn tan ca chỉ mất 15 phút, lại phải nhìn vào 200 chị em mỗi phút xem có biểu hiện giấu cái gì trong người không…”.

Khái niệm chung về nghề bảo vệ doanh nghiệp, ông D. “gói” lại là như vậy. Ông D. cho biết, làm ở ngành giày da chị em cũng hay tắt mắt mà “tinh vi” lắm, chỉ có điều toàn những thứ lặt vặt, từ cuộn chỉ hay băng dính bỏ lõi nhét vào trong bụng, miếng da quấn vào eo lưng hay đùi, keo chết rót vào lọ thuốc đau mắt, đến đôi giày cho vào cốp xe, cái gì lấy được là lấy. Khổ thế, đấy hình như cũng là “thói quen”, ở nhà cái gì cũng thiếu, đến nhà máy nhìn tài sản ngồn ngộn ra đấy mà ngợp.

“Ngỡ rằng làm nghề này là “mạt” lắm rồi, chỉ những ai kém học kém hành mới chịu, nhưng va vào mới nghiệm ra rằng, nghề nào cũng cần phải giỏi cả”, ông D. ngậm ngùi. Rồi ông nói thêm: “Doanh nghiệp như một xã hội thu nhỏ, phần lớn công nhân chỉ trạc tuổi con mình, nhưng nhiều lúc mình ứng xử không khéo, các cháu nó chửi vuốt mặt không kịp cũng phải cố nhịn”. Lý do bị “chửi’ thì nhiều lắm, chị em đi làm muộn vào cổng không được: chửi!, đi vệ sinh tranh thủ tụ tập “buôn dưa lê” bị nhắc nhở: chửi!, táy máy “nhặt” đồ của công ty bị phát hiện cũng… chửi.

Mà cái nghề này, việc gì cũng đến tay, ngoài nghiệp vụ an ninh trật tự, ngộ nhỡ có chị em công nhân ốm ngất… đã có bảo vệ “khiêng” đi cấp cứu. Hàng xuất nhập kho lúc cao điểm, thiếu người bốc vác… đã có bảo vệ. Thậm chí vợ con giám đốc thèm ăn đột xuất… gọi bảo vệ. Nếu chẳng may những lúc ấy xảy ra cháy nổ, trộm cắp hay ẩu đả trong nhà máy thì việc quy trách nhiệm đầu tiên… chính là bảo vệ.

Có lần trực ca với một đồng nghiệp tên là T., giữ một công nhân ăn cắp, đầu tiên cô này còn mồm loa mép giải không chịu cho kiểm tra, đến khi ông T. phải mời một cán bộ nữ ra khám, lòi ra tang vật giấu trong… đũng quần. Lúc này cô nàng mới chịu nhẹ giọng: “Tha cho em, cùng đồng bào mình cả”. Nghe thế ông T. buột miệng: “Đồng bào có ra đồng bào đâu mà đòi tha…”, nhắc lại chuyện này ông D. phì cười.

Nghề bảo vệ doanh nghiệp xem ra cũng lắm buồn vui (Ảnh: ANHP)

Theo ông D., thông thường nếu phát hiện công nhân vi phạm nhỏ, khéo cho được đôi đường là sử dụng họ làm “đặc tình”, họ vừa đỡ mất việc mà mình cũng nhàn, dựa vào mạng lưới ấy mà kiểm soát, chứ chỉ khám xét thôi thì không đủ. “Một lần cơ sở báo, chúng tôi kiểm tra thấy một nữ công nhân quấn da vào người, lập biên bản xong báo cáo giám đốc công ty, ai ngờ ông ấy làm quyết liệt mời công an phường vào. Cô này về bị nhà chồng gằn hắt, lại xấu hổ nên uống thuốc sâu tự tử, may mà không chết…”. Nghĩ lại ông D. cứ thấy day dứt, giả như cô công nhân ấy chết thật thì không biết sự thể thế nào, làm bảo vệ nhiều khi cũng phải lăn tăn thế.

Những năm gần đây, các công ty dịch vụ bảo vệ ngày càng xuất hiện nhiều, vì nghề này tuy gọi là phổ thông nhưng ở đâu cũng cần, nhất là các doanh nghiệp lớn. Bảo vệ mục tiêu cố định lẫn di động, con người hay tài sản, an ninh hay trật tự, kiêm luôn cả phòng chống cháy nổ bão lụt và đôi khi là hoạt động phong trào thì lực lượng bảo vệ càng chuyên nghiệp càng tốt.

Tuy nhiên cũng có những doanh nghiệp lại thích sử dụng lực lượng bảo vệ tại chỗ vì không phụ thuộc nhiều vào hợp đồng mà lại có thể sử dụng lực lượng này vào nhiều việc khác. Hơn nữa nếu được chỉ huy tập trung, huấn luyện bài bản thì hiệu quả sử dụng rất cao, vì lực lượng bảo vệ được coi là “tai mắt”. Nếu lãnh đạo “nắm” được bảo vệ, thì việc kiểm soát nhân sự trong doanh nghiệp sẽ khách quan hơn, vì thông thường khi nhiều cán bộ cấp dưới “khéo” quá khiến giám đốc cũng bị “nhiễu”.

Về lý thuyết, các đơn vị bảo vệ dù là dịch vụ hay tại chỗ có quy mô lớn đều phải được đào tạo nghiệp vụ cơ bản như võ thuật, PCCC, an ninh trật tự… Nhưng sự dễ dãi trong công tác quản lý hiện nay cũng bộc lộ nhiều bất cập. Ông Bùi Duy Đ. - Phó giám đốc một công ty may trên đường 353 - kể lại: “Khi được tiếp thị, chúng tôi quyết định lựa chọn dịch vụ bảo vệ, trong hợp đồng ghi rõ là nhân viên phải có các chứng chỉ chuyên môn, nhưng một lần nhà máy bị sự cố, nhân viên bảo vệ không biết thao tác bình bọt chữa cháy, may mà có lực lượng tại chỗ, sau này hỏi ra, anh em họ nói thật là có chứng chỉ nhưng chưa được đào tạo ngày nào”. Ông Đ. cũng cho biết, năm ấy cụm doanh nghiệp an toàn PCCC đường 353-355 tổ chức hội thao, công ty ông lấy lực lượng bảo vệ làm nòng cốt dự thi nghiệp vụ chữa cháy, anh em lóng ngóng nên đành chịu về bét, sau đận ấy công ty lại phải quay về lập lực lượng bảo vệ tại chỗ.

Nhưng nghiệp vụ dù có đủ đôi khi làm bảo vệ cho doanh nghiệp cũng khổ. Ông T. - giám đốc công ty bảo vệ M.T - ấm ức mãi chuyện bị một giám đốc doanh nghiệp nổi tiếng của thành phố “chơi xấu”. Số là sau một năm thực hiện hợp đồng cho doanh nghiệp này, công ty ông T. không nhận được đồng nào, đòi mãi chưa được thì một hôm vị giám đốc này làm toáng chuyện bị mất nhiều tài sản khác trong phòng. Khổ nỗi vì anh em “nể” giám đốc nên không nhận niêm phong phòng “vip”, hơn nữa xe giám đốc ra vào cổng có ai “dám” kiểm tra? Thành thử sau đấy vị này nằng nặc đòi cắt hợp đồng, dù ông T. đã cam kết đền tài sản. Đến nay tiền nợ cũng chưa đòi được, qua tìm hiểu ông T. mới biết vị giám đốc này chỉ là ảo danh, nợ chồng chất, kể cả tiền cơm hộp của công nhân. Thật ra, chẳng có tài sản nào bị mất, đấy chỉ là chiêu để vị này “đảo” hợp đồng giãn nợ với các đối tác, thảo nào khi tiếp thị ký hợp đồng, ông T. thấy vị này “thoáng” thế.

Còn chị Lương Ngọc L. - vốn từng là nhân viên bảo vệ - tâm sự: “Khi bọn em bảo vệ cho siêu thị, qua camera phát hiện có một khách hàng có biểu hiện đổi quần lót đắt tiền, mới mời vào phòng thay đồ kiểm tra, ai ngờ không phải, bị họ chửi cho té tát và còn đe đánh, em sợ phải xin chuyển đi nơi khác rồi bỏ hẳn nghề…”. Mới đây chị L. vào siêu thị Big C cùng chồng, đi xe Suzuki nhưng khi vào nhân viên bảo vệ ghi luôn trên vé là xe Air Blade, chị yêu cầu đổi vé thì nhân viên này nói là không sao, cứ đúng số xe là được. Ai dè lúc về vợ chồng chị bị nhân viên bảo vệ kiểm soát giữ lại, đòi lập biên bản vì nghi rằng tráo xe. Tự ái quá vợ chồng chị nổi nóng “quạc” nhau với bảo vệ một trận, vì cái lý của chị L. là chẳng ai lại đi tráo cái xe Air Blade hơn 40 triệu đồng để lấy chiếc xe Suzuki có 26 triệu đồng cả.

Theo thống kê, Hải Phòng hiện có hơn 16.000 doanh nghiệp, chưa kể các cơ sở nhỏ và cơ quan đơn vị khác sử dụng bảo vệ, mới thấy nghề này cũng là một lĩnh vực rất đáng nể trong việc giải quyết việc làm cho xã hội. Dù thu nhập không cao, nhưng nó cũng đảm bảo được cuộc sống cho hàng vạn lao động. Vất vả, trách nhiệm, nhiều điều tiếng nhưng có thể khẳng định đây là một trong những nghề ổn định nhất, vì doanh nghiệp dù phải nghỉ nhỡ việc, nhưng còn đất đai còn tài sản thì còn cần bảo vệ. Chỉ mong sao nghề này được chú trọng hơn, cả về quản lý lẫn rèn luyện đạo đức và huấn luyện nghiệp vụ.

(Theo ANHP)

Các tin khác