TIN BÀI KHÁC |
|
---|---|
Ở tuổi 12-13, các ông bố bà mẹ thường nhận thấy những thay đổi về tâm, sinh lý ở con cái mình. Ở cái tuổi đó các em bắt đầu xuất hiện tình cảm yêu quý, ngưỡng mộ bạn khác giới. Vì vậy, đây là thời điểm các bậc phụ huynh cần phải quan tâm, chia sẻ đến con cái nhiều hơn, có cái nhìn khoa học và nhân ái hơn với những lỗi lầm của tuổi mới lớn.
Nhật ký tình yêu tuổi 13
"Trên đời này có rất nhiều điều để chúng ta phải luyến tiếc, nhớ nhung. Người ta cười vì cảm thấy hạnh phúc, đau đớn vì bất hạnh. Còn tôi đã khóc thật nhiều vì hối hận về những điều mình đã đánh mất. Tôi đứng lặng bên hàng cây kỷ niệm để lắng nghe thời gian, để nếm vị mặn chát của nước mắt và hối tiếc. Tôi đã dâng tặng nhiều như vậy, để đổi lấy sự buồn phiền, nặng trĩu. Phải chăng chính vì sự nhiệt thành quá mức với hắn đã khiến tôi đau khổ thế này? Bức tường thành bao bọc trái tim tôi đã sụp đổ, nếu không được xây đắp lại, tương lai của tôi sẽ chỉ là một màu xám xịt...”.
Đó là đoạn nhật ký của một cô bé học lớp 7. Khi được hỏi điều gì thôi thúc em viết ra những bí mật thầm kín đó, em trả lời rằng: “Viết nhật ký cũng giống như đang tâm sự với một người bạn, giúp em giải tỏa được tất cả những dồn ứ trong lòng. Người bạn trai kia đã cho em quá nhiều cảm xúc cả hạnh phúc lẫn buồn đau”.
Ảnh chỉ mang tính minh họa |
Theo phân tích của chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội): Khi ở vào lứa tuổi 12, 13, phần lớn các em đều ý thức rất mơ hồ về tâm sinh lý của chính mình. Ở tuổi này các em bắt đầu xuất hiện tình cảm yêu quý, ngưỡng mộ bạn khác giới. Vì vậy các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con cái nhiều hơn.
Tuyệt đối không nên quá kinh hãi khi phát hiện con có bạn trai. Hãy khéo léo chuyển hướng chú ý của các em sang các lĩnh vực khác như học tập, vui chơi cùng gia đình. Tránh mắng mỏ, nạt nộ bởi sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm lý của các em sau này.
Rung động đầu đời
Câu hỏi đặt ra là: Nên bắt đầu yêu ở độ tuổi nào thì phù hợp?
Một số chuyên gia tâm lý cho rằng: Khái niệm “yêu sớm” thực ra không khoa học lắm. Xã hội ngày nay nhìn chung định nghĩa “sớm” là trước tuổi THPT hoặc là trước đại học.
Các nhà xã hội học phương Tây đặt tên cho tình cảm khác giới của thanh thiếu niên lứa tuổi từ 12 đến 19 là “tình yêu tuổi dậy thì”. Định nghĩa này khoa học và vị tha hơn đối với các em.
Đa số phụ huynh đều nhìn nhận tình yêu tuổi học trò theo chiều phản đối vì cho rằng các em còn quá non nớt để có thể yêu như người lớn. Phụ huynh thường lấy kinh nghiệm sống (kể cả sự thất bại trong tình cảm) để răn dạy con.
Về mặt nào đó phương pháp này là tích cực và cần thiết. Song trên thực tế, kinh nghiệm của cha mẹ có thể phù hợp có thể không đối với các bạn trẻ.
Nhiều em gái cảm thấy sự răn dạy của bố mẹ giống như rào cản, chẳng giúp ích được gì. Các em háo hức đi tìm “khoảng trời riêng”, chỉ đến khi phải trả giá đắt, các em mới nhận ra sai lầm.
Có một điểm cần nhấn mạnh rằng: Yêu sớm hoặc “quan hệ” quá sớm đều có nguy cơ gây bất lợi cho sự chín muồi trong tình yêu. Bản chất của tình yêu khác xa với tình dục, cho dù ở một khía cạnh khác, tình dục là sự chuyển hóa năng lượng của tình yêu.
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn phân tích: Theo tự nhiên, một ngày kia cô bé và cậu bé thấy trong lòng mình ngân lên những cảm xúc mới mẻ dịu ngọt chưa từng xảy đến, đó là sự thức giấc của tuổi xuân tươi trẻ, sự rung động đầu đời. Bởi vậy các bậc cha mẹ cần tâm lý và có những hiểu biết đúng đắn về con cái ở lứa tuổi này.
Hãy nhớ rằng, mục tiêu của cha mẹ là giúp con mình đưa ra những quyết định đúng đắn về đạo đức trong quá trình “đánh thức tầm xuân” và hướng nó phát triển theo chiều tích cực chứ không phải để chỉ trích hoặc lên án.