221
12025
Tin Nhanh
tinnhanh
/tinnhanh/
1309513
Đêm nhạc Tuấn Vũ: Bỏ tiền triệu mua... ấm ức
1
Article
null
Đêm nhạc Tuấn Vũ: Bỏ tiền triệu mua... ấm ức
,
- Tôi sẽ không viết về nỗi buồn mênh mang mà giọng hát mượt mà, khá tiêu biểu của dòng “Nhạc Vàng” Tuấn Vũ mang đến cho tôi cũng như nhiều khán giả trong “Đêm nhạc cuối cùng vào ngày 13/9 vừa qua mà viết về những nỗi buồn không tên trong sâu thẳm suy nghĩ của mình.
 
 
Vé chỉ dành cho đại gia?
 
Theo tờ rơi quảng cáo, giá vé vào cửa, phụ thuộc vào từng vị trí ngồi trong khán phòng lớn của Cung Văn hoá Hữu nghị - Hà Nội, từ 200.000 đ/vé đến 1.000.000 đ/vé. Trên vé có ghi “Mua một đôi vé được tặng một đĩa Tuấn vũ gốc có kèm chữ ký”. Tôi ghé phòng vé Cung Văn Hoá Hữu nghị, nằm ở đường Trần Hưng Đạo để mua vào buổi chiều Chủ Nhật (12/9). Đón tôi ngay từ lề đường là mấy chị tuổi “sồn sồn” với tập vé trong tay và chào mời “mua vé giá thấp”. Tôi không chấp nhận, tiến thẳng vào cửa bán vé, nơi một cô gái không còn trẻ lắm ngồi bán và mấy người đang đứng mua. Mặt bàn phía trước quầy dán thông báo đã hết các vé loại 200.000đ, 300.000đ, 400.000đ, 500.000đ. Và tôi đành quyết định mua 4 vé loại 600.000đ/vé.
 
Tuấn Vũ trong đêm nhạc
Tuấn Vũ trong đêm nhạc (Ảnh: Zing.vn)
 
Sau khi đã trao tiền và vé cho nhau, tôi quyết định “đòi hỏi quyền lợi” bằng việc đề nghị cô bán vé đưa đĩa tặng của Tuấn Vũ như quảng cáo. Cô gái trả lời “ráo hoảnh” phải mua 1 cặp vé từ 700.000đ/vé trở lên mới được tặng đĩa, việc ghi trên quảng cáo là lỗi của nhân viên đi in... Tôi đành chấp nhận việc quyền lợi chính đáng của mình bị “tước đoạt” và coi đó vẫn là một “trò lừa đảo” truyền thống của hoạt động quảng cáo. Thế nhưng, để ý những người khác mua thì tôi thấy có người mua cặp vé đến 1.000.000đ/vé nếu không biết mình được hưởng quyền lợi kia thì cô bán vé cũng sẵn sàng “làm ngơ”. Vậy số CD đáng ra cô phải tặng cho khách hàng sẽ đi đâu, anh Tuấn Vũ có biết chăng (!!!???).
 
Đêm Tuấn Vũ - đêm nhạc "cao su"
 
Theo những thông tin in trên tấm vé thì đêm nhạc Tuấn Vũ lần này là “ĐÊM DUY NHẤT" và bắt đầu vào lúc 19h30 ngày 12/9/2010 - Tại Cung Văn Hoá Hữu Nghị Việt Xô thế nhưng khán giả phải chờ mỏi cổ cho đến tận 20h05 thì sân khấu mới mở màn!!! 
 
Thế nhưng khi người dẫn chương trình Anh Tuấn ào ra, tươi vui, nhí nhảnh khuấy động không gian, khán giả cũng không nhận được bất kỳ một lời xin lỗi từ phía ban tổ chức về "giờ cao su".
 
Tuấn Vũ song ca cùng em gái
Tuấn Vũ song ca cùng em trai (Ảnh: TTVH)
 
Tiết mục đầu tiên là điệu múa “Tát nước đêm trăng” của 10 cô gái trong trang phục người Chăm. Sau tiết mục cũng không mấy xuất sắc ấy, những tưởng sẽ là giọng hát Tuấn Vũ cất lên, nhưng lại là Quang Tám, một ca sỹ thành danh ở Hà Nội với tư cách khách mời của đêm diễn. Sẽ không có gì đáng nói nếu anh hát 1 hoặc 2 bài như đã hợp đồng... thế nhưng anh hát “liền tù tì” tới ... 4 bài (đủ các thể loại: từ “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Ví Dặm”, “Hương thầm” đến cả một bài “kinh điển” của nhạc vàng là “Không bao giờ quên anh”). Khán giả vẫn ưu ái dành tặng anh những tràng pháo tay (và sau mỗi bài hát anh lại nói “đáp lại thịnh tình của các bạn tôi xin hát tiếp...”) đế đến ... bài thứ tư thì mọi người phải “hô huýt” mời anh vào để được nghe... “Tuấn Vũ cơ”! Anh đành “giở chiêu” là hôm nay sinh nhật anh, rồi anh giới thiệu một Vol. mới của Quang Tám, mời khán giả nếu dành tình cảm cho anh thì hãy mua, hiện đang bán tại...
 
Tiếp sau Quang Tám, một nữ ca sỹ trẻ, khá nổi tiếng với dòng nhạc Trịnh bước ra sân khấu trong sự thất vọng không đáng có của khán giả bởi họ vẫn đang háo hức chờ ... Tuấn Vũ.

Và cô cũng lại phải hứng chịu sự phản ứng không đáng có của khán giả dành cho mình, mặc dù cả 3 ca khúc cô trình bày đều là những ca khúc rất hay của Trịnh Công Sơn. Tội nghiệp, khi cô mời khán giả thưởng thức “bài thứ 3” thì sự “tán thưởng” dành cho cô là những câu la hét “thôi”.... “xuống đi”... “Tuấn Vũ cơ!” ... khiến cô phải đứng ngẩn ra rồi nói một câu đầy “bất đắc dĩ” ... “nhưng anh Tuấn Vũ chưa tới”... 
 
Sân khấu sơ sài
 
Tôi nhẩm tính tiền bán vé theo số ghế và sơ đồ giá tiền được in trong tờ rơi thì thấy tổng số tiền thu được 872.800.000đ (Tám trăm bảy mươi hai triệu tám trăm nghìn đồng). Tôi hiểu, để có một đêm diễn như vậy, tiền chi trả cũng nhiều khoản, thế nhưng điều làm tôi buồn lại là ở chỗ họ đã không đầu tư cho khâu “tôn trọng khán giả”. Sân khấu được trang trí hết sức sơ sài, nếu không muốn gọi là không trang trí gì. Ngoài 4 cây hoa giả (chắc có sẵn của Nhà văn hoá) được chiếu sáng bằng hệ thống đèn màu không có thêm gì hơn. Và trên tấm phông cũng chỉ có dòng chữ khổ lớn tên đêm nhạc “TUẤN VŨ – ĐÊM TẠM BIỆT VIỆT NAM”.
 
Có chăng sự đầu tư cũng chỉ là một màn hình lớn phát đi phát lại clip có một số hình ảnh tình cảm lãng mạn của một đôi trai gái, rồi một số cảnh phố phường Hà Nội... và mấy clip minh hoạ cho các ca sỹ biểu diễn trên sân khấu... Dàn nhạc đệm cũng rất nghèo nàn dẫu có đủ mấy cây ghi ta, đàn ooc-gan, trống. Dường như họ không đầu tư cho việc hoà âm, phối khí cho từng ca khúc và có lẽ cũng không có một buổi tập khớp nhạc và hát với nhau nên hầu như các bài hát đều được đệm một cách rất đơn điệu, theo kiểu “hát thế nào cũng chơi được”. Ấy là chưa kể, hệ thống trang âm hôm đó cũng “hơi tệ”, thỉnh thoảng có tiếng rít do bị “lạc-xen”, âm thanh không nét. Khi ca sỹ Kim Anh tâm sự với khán giả và khi chị diễn tấu một đoạn trong bài hát “Mùa thu lá bay” nhiều người hỏi nhau “không hiểu chị nói gì”.
 
Lời bàn cuối:
 
Nếu bỏ qua những yếu tố khách quan mà tôi kể trên thì đêm nhạc vẫn là đáng xem bởi những giọng hát vàng Tuấn Vũ, Kim Anh cùng một số giọng hát khách mời đã diễn hết mình. Khán giả Thủ đô cũng đã rất ưu ái dành cho các ca sỹ và đặc biệt là hai thần tượng âm nhạc loại này là Tuấn Vũ và Kim Anh những tràng pháo tay không ngớt. Họ đã rất bao dung khi nghe Tuấn Vũ cất lời đầy nhiệt tình, rất mùi mẫn những ca khúc đã “nằm lòng” nên dường như sẵn sàng cho qua mọi nỗi bực mình kia.
 
Riêng tôi, tôi vẫn buồn và nỗi buồn càng nặng hơn khi cứ tự hỏi: “Không biết các nhà quản lý văn hoá - Nghệ thuật có theo dõi để chấn chỉnh kịp thời không những việc làm chưa phù hợp này (!!!???). Bởi theo tôi, điều vô cùng nguy hại là những cách hành xử ấy đã và đang vô tình tạo nên một “nếp văn hoá xấu” trong cộng đồng xã hội ta: Ấy là sự không tôn trọng giờ giấc; sự thiếu ý thức chung ở nơi công cộng, đặc biệt là khi tham gia các hoạt động văn hoá nghệ thuật và cao hơn nữa là một thẩm mỹ thấp về thưởng thức nghệ thuật.”
 
Dẫu không muốn, tôi vẫn phải viết lên những điều này bởi đây sẽ không phải là đêm diễn duy nhất. Kết thúc đêm diễn, bước ra cửa Cung Văn hoá, chúng tôi lại nhận được những tờ rơi quảng cáo cho “Đêm nhạc  Phi Nhung – Hương Lan: Hoàng Hôn Màu Tím” sẽ diễn ra tại Nhà Hát lớn Hà Nội vào tối 16/9/2010 với giá vé “ngất ngưởng” từ 500.000đ/vé đến cao nhất là 1.700.000đ/vé.
  • Thu Băng
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,