Ngư dân các làng chài ven biển dường như không xa lạ gì với nghề lặn bắt vích, tôm hùm, hay chĩa cá... ở những bãi san hô, rạn đá ngầm lởm chởm. Song, có thể nói, cánh thợ lặn ở làng chài Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, "nổi danh" hơn, vì họ dám lần mò xuống tận đáy đại dương giữa mênh mông trùng khơi sóng vỗ, sục sạo tìm kiếm cổ vật, châu báu trong những con tàu bị đắm từ hàng trăm năm trước.
TIN BÀI KHÁC |
|
---|---|
Có một thực tế hết sức phũ phàng, cánh thợ lặn vớt cổ vật dưới đáy biển không hề biết giá trị thực của cổ vật nên rất hiếm người được "lộc" đổi đời; ngược lại, rất nhiều người phải bỏ mạng do không chịu nổi sức ép của áp suất nước biển, nếu may mắn sống sót thì bị liệt tứ chi, chịu cảnh sống thực vật trong suốt quãng đời còn lại...
Hút hồn vì cổ vật
Những lão ngư ngoài tuổi 80 ở làng chài Bình Châu gắn bó gần hết cuộc đời với biển cả vẫn không biết được ai là người đầu tiên của làng đã mở đầu cho cuộc tìm kiếm cổ vật, châu báu trong những con tàu cổ bị đắm giữa lòng đại dương. Họ chỉ nhớ mang máng là đời ông cố, ông nội của mình cũng đã kể về chuyện lặn tìm đồ cổ...
Anh Qúy đã bị liệt nửa người suốt 10 năm qua trong một tai nạn khi lặn tìm cổ vật. |
Nhắc lại chuyện này, nhiều thợ lặn cứ chép miệng tiếc rẻ, cho rằng, hồi đó do họ thiếu thông tin nên không hiểu hết giá trị thực của cổ vật, đã bán "non" những món đồ vớt lên từ con tàu cổ bị đắm cho những kẻ chuyên buôn bán cổ vật; dù là những món đồ cổ rất giá trị, song cũng chỉ có vài trăm ngàn đồng. Sau này, mới nghe phong thanh các trùm buôn bán cổ vật đưa những món đồ cổ mua "rẻ như bèo" ấy ra nước ngoài bán lại thu lời bạc tỉ dễ dàng.
Thậm chí, có thợ lặn còn tỏ ra hiểu biết rằng, họ đã đọc được tài liệu về cuộc bán đấu giá cổ vật là gốm cổ Chu Đậu, Hải Dương, do Hãng eBay thực hiện cách đây khoảng 10 năm tại San Francisco và Los Angeles (Mỹ), mỗi chiếc bình rượu tạo hình rồng vẽ lam, có giá ít nhất từ 30 đến 50.000USD, thậm chí có đại gia còn mua tới giá 70.000USD... Nhưng biết được thì đã muộn, "lộc trời" mà họ chịu bao khổ cực, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng tìm thấy từ đáy biển chỉ làm giàu cho những kẻ chuyên buôn bán cổ vật trái phép, lén lút tuồn cổ vật trong nước ra nước ngoài để thu lợi bất chính...
Đồ gốm sứ cổ Chu Đậu được tìm thấy từ con tàu cổ bị đắm tại tọa độ X vùng biển Cù Lao Chàm. |
Mặc dù vậy, cổ vật ở những con tàu bị đắm từ thế kỷ XV tại tọa độ X Cù Lao Chàm dường như đã hút hồn cánh thợ lặn của làng chài Bình Châu, khiến họ xem nghề lặn bắt hải sâm, tôm hùm, rùa biển... chỉ còn là nghề tay trái. Sau những vụ mua bán cổ vật ì xèo thì tọa độ X trên vùng biển Cù Lao Chàm bị các cơ quan chức năng phong tỏa; cánh thợ lặn làng chài Bình Châu vẫn tìm mọi cách lén lút đột nhập con tàu cổ bị đắm để lấy cổ vật. Những cuộc rượt đuổi, vây bắt giữa lực lượng chức năng với các nhóm thợ lặn khai thác cổ vật trái phép diễn ra như... cơm bữa, trên mặt biển.
Và lúc này, bí mật về con tàu cổ bị đắm tại tọa độ X trong lòng biển Cù Lao Chàm từ thế kỷ XV mới được vén màn. Người ta đã đo đạc chính xác con tàu cổ này có chiều dài đến 29,4m; lòng tàu chia thành 19 khoang, mỗi khoang đều chất đầy ắp đồ gốm, sứ Chu Đậu, Hải Dương...
Từng là thợ lặn có mặt tại tọa độ X trên vùng biển Cù Lao Chàm ngay khi ngư dân phát hiện con tàu cổ bị đắm, anh Tiêu Viết Thạnh, Trưởng Công an xã Bình Châu, nói chắc, từ mặt nước xuống đến đáy biển, nơi có con tàu cổ bị đắm độ sâu chừng 30 sải (ước khoảng 70m). Lặn xuống độ sâu như thế, song các tàu ngư dân chỉ dùng một máy nén khí để trên khoang, nối với những ống cao su dẫn khí cung cấp cho người lặn. "Chỉ cần sơ sẩy, hoặc ống dẫn bị tắc, bể thì người lặn sẽ mất mạng ngay trong lòng biển". Nhớ lại chuyện cũ, anh Thạnh lắc đầu ngao ngán. Nguy hiểm là vậy nên chỉ đi vài chuyến là anh Thạnh "rửa tay, gác kiếm", sau đó về tham gia công tác ở xã và được cử làm xã đội trưởng, rồi trưởng công an xã... Nhưng, trường hợp anh Thạnh chỉ rất hãn hữu.
( Theo CAND)