Ngô Bảo Châu sẽ lập hat-trick "Nobel Toán học"?
Cập nhật lúc 08:25, 11/09/2010 (GMT+7)
Có lẽ ít người biết rằng, ngoài giải thưởng Fields danh giá, được ví với giải "Nobel Toán học", còn 2 giải thưởng khác trong lĩnh vực này cũng danh giá không kém: Đó là giải thưởng Wolf và giải thưởng Abel.
Do không có giải Nobel cho các nhà Toán học nên bộ 3 giải Wolf Prize, Abel Prize và Fields Medal đều được xem là giải “Nobel Toán học”.
GS. Ngô Bảo Châu của Việt Nam sau khi chinh phục giải thưởng Fields Medal, hoàn toàn có thể tiếp tục đạt được 2 giải thưởng còn lại.
Do không có giải Nobel cho các nhà Toán học nên bộ 3 giải Wolf Prize, Abel Prize và Fields Medal đều được xem là giải “Nobel Toán học”.
GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: Bích Ngọc |
GS. Ngô Bảo Châu của Việt Nam sau khi chinh phục giải thưởng Fields Medal, hoàn toàn có thể tiếp tục đạt được 2 giải thưởng còn lại.
Chúng tôi giới thiệu vài nét về giải thưởng Wolf và giải thưởng Abel để độc giả tham khảo. Bài viết đăng tải trên báo điện tử VTC:
1. Giải Wolf cho Toán học
Wolf Prize là một bộ giải thưởng được trao bởi Quỹ Wolf (Wolf Foundation), bắt đầu từ năm 1978 cho các nhà khoa học và các nghệ sĩ. Giải Wolf hầu hết được trao hàng năm, hoặc đôi khi 2 năm một lần, dành cho 6 hạng mục: Nông nghiệp, Hóa học, Toán học, Y học, Vật lý và Nghệ thuật. Giải Wolf cho Nghệ thuật được xoay vòng giữa 4 lĩnh vực: kiến trúc, âm nhạc, hội họa và điêu khắc. Người được trao giải Wolf sẽ nhận được bằng chứng nhận và khoản tiền lên đến 100.000 USD.
Quỹ Wolf được thành lập từ năm 1976, với tổng ngân quỹ ban đầu là 10 triệu USD được tài trợ bởi gia đình Wolf. Người sáng lập quỹ này là Tiến sĩ Ricardo Wolf và vợ ông, bà Francisca.
Ricardo Wolf (1887-1981) có tên đầy đủ là Ricardo Subirana y Lobo Wolf. Ricardo Wolf sở hữu 3 quốc tịch Đức, Israel và Cuba. Ông sinh tại thành phố Hanover, Đức trong gia đình có 14 người con. Bố ông là Moritz Wolf, một lãnh tụ của cộng đồng Do Thái di cư sang Đức.
Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Ricardo Wolf chuyển tới sinh sống ở Cuba, nơi trở thành quê hương thứ 2 của ông. Wolf là một nhà đầu tư và một nhà ngoại giao có tiếng. Năm 1924, ông kết hôn với nhà vô địch tennis những năm 1920 Francisca Subirana. Wolf là người ủng hộ Fidel Castro trong cuộc Cách mạng Cuba và sau đó được bổ nhiệm làm Đại sứ Cuba tại Israel từ năm 1961.
Các giải Wolf đều là những giải thưởng danh giá hàng đầu trong mỗi lĩnh vực xét giải. Giải Wolf trong Vật lý và Hóa học đều chỉ kém danh tiếng so với giải Nobel. Trong Y học, đó là giải thưởng uy tín thứ 3, sau giải Nobel và giải Lasker. Trong Nông nghiệp, nó được xem là giải “Nobel Nông nghiệp”.
Trong khi đó, ở lĩnh vực Toán học, giải Wolf và giải Fields đều được xem như giải “Nobel Toán học”, giải Fields uy tín hơn nhưng giải Wolf lại giống với giải Nobel hơn về mặt thể thức: Được trao hàng năm và không giới hạn tuổi của người chiến thắng.
Năm 2002, khi giải Abel ra đời thì giải Wolf, giải Fields và giải Abel được xem là bộ ba “Nobel Toán học”, trong đó mỗi giải có một ưu thế riêng trội hơn 2 giải còn lại.
Những nhà Toán học đầu tiên được trao giải Wolf là Israel Gelfand (Liên Xô) và Carl L. Siegel (Đức) vào năm 1978. Mỗi năm, Quỹ Wolf thường trao giải cho 2 người ở lĩnh vực Toán học (riêng năm 1994/5 chỉ có một mình Jürgen Moser được trao giải, năm 2008 có 3 người: Pierre Deligne, Phillip A. Griffiths và David B. Mumford). Trong một số năm, Quỹ Wolf không trao giải cho Toán học, gần đây là các năm 1998, 2004, 2009.
Dennis P. Sullivan (trái) và Shing-Tung Yau cùng nhận Wolf Toán học 2010. |
Đáng chú ý là có tới 12 nhà Toán học đoạt giải Wolf cũng từng nhận Huy chương Fields, giải thưởng mà GS Ngô Bảo Châu vừa nhận được tại Ấn Độ. 12 người đó là: Grigory Margulis (Nga), Sergei Novikov (Nga), Stephen Smale (Mỹ), Pierre Deligne (Bỉ), Jean-Pierre Serre (Pháp), Lars Hörmander (Thụy Điển), John Milnor (Mỹ), Kunihiko Kodaira (Nhật Bản), Atle Selberg (Na Uy), Lars Ahlfors (Phần Lan), Shing-Tung Yau (Mỹ, Trung Quốc), David Mumford (Anh).
2. Giải Abel
Giải Abel (Abel Prize) là giải thưởng thường niên được nhà vua Na Uy trao cho một hoặc một vài nhà Toán học. Tên gọi của giải thưởng này được đặt theo tên của nhà Toán học Na Uy Niels Henrik Abel (1802-1829) - một thiên tài bạc mệnh, người qua đời ở tuổi 27 vì bệnh lao.
Giải Abel được công bố vào năm 2001 và bắt đầu được trao từ năm 2003 để kỷ niệm 200 năm ngày sinh của thiên tài Abel. Mục đích của giải Abel khi ra đời là để khỏa lấp sự thiếu vắng của giải Nobel trong Toán học. Dù giải Fields trước đó đã được xem là tương đương với “Nobel Toán học”, nhưng chỉ được trao 4 năm một lần (giải Nobel được trao hàng năm) và với số tiền thưởng chỉ bằng 1% so với giải Nobel. Từ khi ra đời, giải Abel cũng được xem như giải “Nobel cho các nhà Toán học” (Mathematician’s Nobel).
Abel Prize cùng với Wolf Prize và Fields Medal hợp thành bộ ba giải thưởng danh giá nhất mà các nhà Toán học có thể đạt được. Giống như giải Nobel và giải Wolf, giải Abel không giới hạn độ tuổi của người đoạt giải. Ngoài ra, khoản tiền thưởng cho người nhận giải Abel cũng rất lớn, lên đến 6 triệu krone (tiền Na Uy). Ở thời điểm trao giải Abel năm 2010, khoản tiền này tương đương 740.000 euro hay 992.000 USD, không kém nhiều so với giải Nobel (khoảng 1,4 triệu USD).
Mục đích của giải Abel là để phổ biến Toán học và làm cho nhiều người yêu Toán học, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Theo điều lệ, hàng năm Viện hàn lâm Khoa học và Ngôn ngữ Na Uy công bố chủ nhân giải Abel sau cuộc tuyển chọn do một hội đồng gồm 5 nhà Toán học quốc tế tiến hành. Người đứng đầu hội đồng từ năm 2006 là Kristian Seip - nhà Toán học Na Uy và là cựu Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học và Ngôn ngữ Na Uy. Ngân quỹ ban đầu để trao giải do chính phủ Na Uy cấp vào năm 2001 là 200 triệu krone (khoảng 23 triệu USD).
Lẽ ra, giải Abel phải được trao trước đó cả trăm năm. Năm 1897, nhà Toán học Na Uy Sophus Lie (1842-1899) là người đầu tiên đề xướng việc thành lập một giải thưởng tương đương với giải Nobel cho các nhà Toán học. Ở thời điểm đó, Na Uy và Thụy Điển vẫn còn nằm trong một liên bang và nhà vua Oscar II đã đồng ý tài trợ cho giải thưởng này. Năm 1902, ý tưởng thành lập giải thưởng mang tên Abel đã được đưa ra nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Thậm chí, các nhà Toán học Ludwig Sylow và Carl Størmer đã phác thảo những quy chế và luật lệ cho giải. Tuy nhiên sự tan rã của liên bang Thụy Điển - Na Uy năm 1905 đã kết thúc cố gắng đầu tiên để thành lập giải thưởng Abel.
Phải mất gần 100 năm sau, giải thưởng Abel mới chính thức ra đời vào tháng 5/2010. Tới tháng 8/2001, chính phủ Na Uy tuyên bố giải thưởng Abel đầu tiên sẽ được trao vào năm 2002 để kỷ niệm 200 năm ngày sinh Abel. Tới tháng 4/2003, nhà Toán học Pháp Jean-Pierre Serre được công bố là người đầu tiên nhận giải Abel.
Tính đến nay, sau 8 năm giải Abel được vận hành, đã có 10 nhà Toán học được trao giải, trong đó có 5 nhà Toán học Mỹ và 3 người Pháp.
Ngoài ra, Na Uy còn giới thiệu bộ sách giới thiệu về các nhà Toán học đoạt giải Abel và công trình của họ, được phát hành 5 năm một lần. Cuốn sách đầu tiên giới thiệu các nhà Toán học đoạt giải trong 5 năm đầu (2003-2007) xuất bản vào năm 2007.
2 nhà Toán học Jean-Pierre Serre và John G. Thompson là những người đã thống nhất cả 3 danh hiệu “Nobel Toán học” |
Trong số 10 nhà Toán học đoạt giải Abel, đã có 3 người trước đó từng đoạt Huy chương Fields (Jean-Pierre Serre - 2003, Michael F. Atiyah - 2004, John G. Thompson - 2008) và 7 người từng nhận giải Wolf (Jean-Pierre Serre, Peter D. Lax, Lennart Carleson, John G. Thompson, Jacques Tits, Mikhail Gromov, John Tate).
Như vậy, cho đến hiện tại chỉ có 2 nhà Toán học Jean-Pierre Serre và John G. Thompson là những người đã thống nhất cả 3 danh hiệu “Nobel Toán học”.
- Theo VTC