Cách dạy con của cha GS Ngô Bảo Châu

Cập nhật lúc 22:05, 26/09/2010 (GMT+7)

Khi những rầm rộ của những gì liên quan đến giải thưởng Fields 2010 đã qua, những tôn vinh, ca tụng lắng xuống... lại nhân dịp năm học mới, khi guồng quay của học hành bắt đầu, chúng tôi đã liên hệ với GS.TSKH Ngô Huy Cẩn, thân sinh của GS Ngô Bảo Châu để nghe ông chia sẻ về cách dạy con cũng như cuộc sống của gia đình mình.

TIN BÀI MỚI

/chuyenmuc/quangcao/2010/images/vnnmobiad.gif

Châu là đứa trẻ bình thường

Mô tả ảnh.
GS.TSKH Ngô Huy Cẩn

Ở vào 69 tuổi Tây, 70 tuổi ta, dù vẫn thuộc "lớp trẻ của người già" nhưng GS.TSKH Ngô Huy Cẩn luôn cho rằng: "Tôi già rồi, lẩm cẩm rồi, có biết gì đâu". Dù vậy, ông cũng đã có những chia sẻ trong việc dạy dỗ nên một người con vừa đây đã mang vinh quang về cho đất nước với giải thưởng Fields...

Là cha nuôi dưỡng Ngô Bảo Châu từ nhỏ, ông có thấy hồi nhỏ Ngô Bảo Châu có gì đặc biệt, khác các bạn cùng lứa như mọc răng sớm hơn, biết đi, biết nói sớm hơn...
Không. Châu là đứa trẻ bình thường. Nếu nói về đặc điểm thì hồi nhỏ Châu khá bụ bẫm do được mẹ nuôi tốt. Còn tôi thời gian đó đi bộ đội, xa nhà suốt, không chăm được con mấy.

Nhưng những lần về thăm nhà, quan sát con, và nghe vợ kể về con, ông thấy Ngô Bảo Châu là đứa trẻ thế nào?

Châu cũng hiếu động, nhưng ngoan, khi bố mẹ nói biết nghe lời.

Còn khi con lớn, ông nhận xét về Châu như thế nào?
Nó là người điềm đạm, chín chắn.

Cái điềm đạm, chín chắn này là do rèn luyện hay do tính cách Ngô Bảo Châu từ trước như thế? Ông thấy mình ảnh hưởng tới con ở điều gì là nhiều nhất?

Nói chung, "cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Ngay khi học xong phổ thông, Châu đã đi học xa nhà. Lúc con còn nhỏ thì tôi đi bộ đội nên cũng hay xa nhà. Tính cách Châu là tự nó thế chứ không phải do mình muốn uốn mà được. Vả lại, vợ chồng tôi cũng không can thiệp nhiều vào con. Chúng tôi để Châu tự phát triển, cả tính cách cũng như khả năng.

Đứa trẻ nào cũng dễ nghịch ngợm, thậm chí nghịch dại và khó có thể nói không mắc lỗi. Với Ngô Bảo Châu, ông đã bao giờ phải cho đòn roi?

GS.TSKH Ngô Huy Cẩn sinh năm 1941, là bố của GS Ngô Bảo Châu - người vừa giành giải thưởng Fields danh giá. Ông từng du học ở Nga chuyên ngành cơ học, nhiều năm công tác ở Viện cơ học, là cán bộ Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước. Hiện ông đã nghỉ hưu và sống cùng vợ là PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền (nguyên cán bộ Viện Y học cổ truyền TƯ) ở phố Đào Tấn, Hà Nội.

(Cười) Chúng tôi gần như không bao giờ đánh con. Thực ra cũng do Châu ngoan, khi làm gì sai, chúng tôi nói là Châu biết nghe. Tôi nhớ có lần Châu đang học trường Trưng Vương, Hà Nội do ở lớp Châu nghịch, hình như là nhảy lên bàn nên bị thầy giáo bắt làm bản kiểm điểm. Hôm đó, Châu sợ không dám về nhà. Hết giờ học đã lâu mà không thấy con về, vợ chồng tôi cuống lên đi tìm. Mãi lâu lắm, không nhớ là mấy giờ, nhưng tối mịt rồi, công an mang Châu tới nhà trả. Hóa ra, cu cậu sợ quá, đi bộ tuốt lên Cầu Giấy rồi bị lạc.

Lúc đó, thấy con về, ông có trách phạt gì không?
Không. Thấy nó về là mừng rồi.

Nhưng ít ra, để làm nghiêm với con, có lẽ cũng phải giả vờ nghiêm nghị trách mắng...

Thú thực là lúc đó mừng quá rồi, chẳng còn trách phạt gì nữa.

"Châu không được học trước chương trình"

Nhiều người tò mò, vợ chồng ông đã dạy con như thế nào khi con còn nhỏ, để bây giờ có một GS Ngô Bảo Châu giỏi đến thế?
Thực ra, cách dạy con của chúng tôi không có gì đặc biệt. Tôi không cho Châu học trước chương trình. Chỉ khi đến khoảng lớp 3, lớp 4, tôi thấy Châu giải toán nhanh nên có hướng cho con sau này học chuyên toán.

GS Châu đã từng giải toán nhanh như thế nào?

Trong một chương ở sách giáo khoa, tôi giao cho 1, 2 bài toán, Châu giải loáng cái xong ngay. Giao cho cả chương, từ hôm trước, đến hôm sau Châu cũng xong. Thực sự là tôi thấy con ngay từ hồi đấy giải toán nhanh, bộc lộ khả năng về toán nên hướng cho cháu học chuyên sâu về toán.

Và ông có kỳ vọng sau này con mình trở thành một nhà toán học?
Chúng tôi đều là những nhà nghiên cứu, lại thấy con học được về toán nên cũng mong con mình sau này trở thành một nhà nghiên cứu. Chỉ là một nhà nghiên cứu thôi, chứ cũng chưa nghĩ xa hay kỳ vọng kiểu như con phải nổi tiếng, giành giải thưởng này nọ. Khi Châu lớn, học đại học rồi, tôi muốn Châu nghiên cứu sâu hơn về cơ học, nhưng Châu chỉ thích toán nên tôi cũng không ép.

Đừng thái quá!

Năm học mới vừa bắt đầu. Những bậc cha mẹ có con vào lớp 1 hay có con vào đầu cấp nói chung (lớp 6, lớp 10) thường rất kỳ vọng vào con. Nhiều trẻ mới đầu năm đã căng thẳng bởi lịch học kín từ sáng đến tối, kể cả ngày nghỉ. Trẻ 4 - 5 tuổi đã phải học thêm để biết chữ, biết số, biết tiếng Anh và bố mẹ đã phải tính toán, thậm chí "đặt cọc" để cho con vào học trường nào tốt, dù trái tuyến... Cá nhân ông nhận xét về điều này thế nào?

Tôi nghĩ rằng mọi thứ đừng thái quá. Hãy để con trẻ phát triển tự nhiên đúng với khả năng của nó. Việc chạy trường hay học thêm, dạy thêm cũng phải nhìn đến yếu tố giáo viên và nền giáo dục nói chung. Nếu chỉ có một vài trường thật sự bật lên dành cho đối tượng giỏi đặc biệt, còn lại chất lượng các trường đồng đều nhau, giáo viên đều yêu nghề, đồng lương đảm bảo cuộc sống... thì sẽ không có chuyện chạy trường, học thêm, dạy thêm.

Nếu chỉ trần trụi đồng lương, thực sự lương giáo viên đang rất thấp. Không thể yêu cầu giáo viên không được kiếm tiền. Hơn nữa, cuộc sống có cung ắt có cầu. Vì thế, giáo viên đi dạy thêm cũng là điều dễ hiểu. Ở nhiều nước tiên tiến, giáo viên rất yên tâm với công việc của mình, yêu nghề... bởi vì môi trường và đồng lương cho phép họ như vậy.

Nền giáo dục của mình chạy đua. Tôi không nghĩ cái đó là hay. Tuy nhiên, để giải quyết điều này rất khó, đòi hỏi trách nhiệm xã hội. Nếu Bộ GD&ĐT làm sao để chất lượng giáo dục đồng đều thì việc chạy đua vào các trường sẽ giảm.

Xin cảm ơn ông!

Các thầy cô nói về Ngô Bảo Châu:

PGS.TS Nguyễn Vũ Lương, Chủ nhiệm Khối THPT chuyên Toán-Tin (ĐH KHTN – ĐHQGHN):

Thành tích Ngô Bảo Châu đạt được có thể nói là một kỳ tích, trời đất đã ban tặng cho Việt Nam một giải thưởng lớn quá sức tưởng tượng.

Nhưng ý nghĩa lớn lao hơn tất cả, đó là từ nay, giới trẻ Việt Nam đã có một hình ảnh thực để hướng tới, để phấn đấu, để tin tưởng, để có động lực mạnh mẽ...

Giải thưởng mà Châu đạt được cũng là món quà tinh thần vô giá đối với các học sinh chuyên, các thầy giáo dạy chuyên và tất cả các thầy giáo giảng dạy môn toán nói chung.

Thạc sĩ Phạm Văn Hùng Phó Chủ nhiệm Khối chuyên Toán- Tin, ĐH KHTN:
Ngô Bảo Châu là một học sinh xuất sắc nhất khóa, nhưng hồi đó tôi cũng chỉ ấn tượng rằng Châu là một học sinh giỏi, chưa đầu hàng trước một bài toán khó nào, chứ chưa nghĩ rằng Châu sẽ đạt được thành tích rực rỡ như thế này.

Là thầy dạy Ngô Bảo Châu 3 năm học phổ thông tại khoa Toán - Tin trường ĐH Tổng hợp (nay là Đại học KHTN) thầy Hùng cho biết, Châu là người ngoan ngoãn, kính thầy mến bạn và học giỏi, làm việc rất nghiêm túc. Châu là một số học sinh ít hỏi đoạt hai HVC toán học quốc tế liên tiếp (năm 1988 và năm 1989). Tất nhiên, Khoa Toán tin - trường Đại học KHTN cũng có những người đoạt hai HCV toán học quốc tế liên tiếp như Đào Hải Long, Ngô Đắc Tuấn và Lê Hùng Việt Bảo… nhưng Châu là người gặp được kì duyên “được gặp bạn, gặp thầy và đào tạo trong môi trường làm việc thuận tiện”.

Cô giáo Đặng Thanh Hoa dạy môn văn (trường Đại học Tổng Hợp):

Tôi quý Ngô Bảo Châu không phải vì anh ấy giỏi toán, không phải vì giỏi văn mà là vì bản tính của anh ấy. Châu luôn là người học trò giỏi giang, giản dị, khiêm tốn, thông minh và rất nhạy cảm. Đó cũng là điều giúp anh gặp được những người bạn, người thầy, người đồng chí hướng trong môn toán của mình để anh tích lũy được trí tuệ, phát triển tài năng, lần lượt chinh phục được những đỉnh cao trong học tập và nghiên cứu khoa học.

Nhiều người nói rằng những người học toán giỏi thì học văn kém, tôi cho rằng đó là nhận xét rất thô thiển… tôi chia làm 3 nhóm người liên quan tới môn toán như sau: nhóm thợ làm toán, nhóm ảo tưởng mình là tài năng toán học, nhóm người có tư duy, năng khiếu về toán học... nhóm này có khả năng tư duy rất logic với môn toán và những môn học khác và Ngô Bảo Châu thuộc nhóm thứ 3.

  • Anh Anh (tổng hợp theo Bee, VTCnews)

Ý kiến của bạn

Các tin khác