Các thành viên mê chim chào mào đang chuẩn bị cho Hội thi với tiêu chí được đặt ra là "Hãy cùng làm cuộc sống tốt đẹp hơn".
TIN BÀI MỚI |
|
---|---|
Chủ nhật tuần tới (22/8), Hội thi Chim chào mào sinh vật cảnh Hà Nội lần thứ hai sẽ được tổ chức tại Khuôn viên sân sau của Khách sạn Tây Hồ. Tối đa sẽ có khoảng 150 lồng chim tham gia giải. Cuộc thi dành cho mọi đối tượng từ những người đã nghỉ hưu và những bạn học sinh đam mê nuôi chim chào mào.
Bao năm nay vẫn đều đặn như vậy, cứ đến sáng chủ nhật hàng tuần là Đảo quán Hoàng Cầu lại trở thành nơi tụ hội của nhóm chơi chim chào mào thuộc Hội Sinh vật cảnh Hà Nội. Phần đông người vào quán đều xách theo một lồng chim có phủ vải điều để che nắng mưa cho những chú chim cưng của mình.
Anh Kiên (hiện đang công tác tại Báo Pháp luật Việt Nam), một hội viên đến quán cùng hai chú chim chào mào, cho biết: "Có nhiều hội chơi các loại chim cảnh ở Hà Nội nhưng chơi chim chào mào thì mới có vài năm nay".
Các lồng chim cũng được treo lên để mọi người trao đổi, chia sẻ từ chuyện lồng chim, bí quyết giữ lửa cho chim, chuyện cuộc thi chim lần thứ hai sắp diễn ra... Chốc chốc lại có một chú chào mào "nổ" một tràng lảnh lót khiến mọi người phải trầm trồ...
Hình ảnh tại Hội thi chim chào mào lần thứ nhất
|
Được biết, nhóm chơi chim chào mào thuộc Hội Sinh vật cảnh Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức đi dã ngoại để bẫy những chú chim hay hoặc để mua những chiếc lồng đẹp. Hiện nay, có bốn dòng chim chào mào chính phân theo vùng ở miền Bắc, miền Nam, Huế và miền Trung.
Đa số các anh thường bẫy chim đã lớn ở nhiều nơi, sau đó về nuôi sẽ nhanh chóng đạt ý muốn hơn là nuôi chim từ lúc chúng còn non.
Bên cạnh những hoạt động đó, hàng năm Hội Sinh vật cảnh còn đứng ra tổ chức một cuộc thi chim chào mào. Năm ngoái, tại cuộc thi lần thứ nhất, ngôi vị quán quân thuộc về chú chào mào Yếm Lam.
Yến Lam là chú chào mào có bộ lông trước ngực mang màu sắc rất đặc biệt, giống như một dải yếm màu lam. Đặc biệt hơn, chú chim này còn sở hữu một giọng hót dài, khả năng đổi giọng cũng như giữ được lửa trong suốt cuộc thi.
Hiện nay, Yếm Lam được chăm sóc bởi một nghệ nhân ở Hội An, tuy chất lửa đã không còn như trước nhưng vẫn được biết đến như là một chú chim chào mào quý hiếm trong giới sinh vật cảnh cả nước.
(Theo PL&XH)