Lầu Năm Góc vừa lên tiếng thừa nhận mạng lưới máy tính của quân đội Mỹ đã từng là nạn nhân của một cuộc tấn công tin tặc nghiêm trọng vào cuối năm 2008 và phải mất đến 14 tháng sau khi phát hiện người ta mới giải quyết được hết những hậu quả do nó để lại.
Cuộc tấn công bắt đầu khi một ổ nhớ di động chứa vi rút của tin tặc là gián điệp nước ngoài được cắm vào một chiếc máy tính xách tay trong mạng lưới của quân đội Mỹ ở Trung Đông.
Ngay sau khi được kết nối, vi rút chứa mã độc này lập tức lan truyền khắp các mạng lưới của Lầu Năm Góc mà không hề bị phát hiện. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, William S. Lynn III cho biết: “mã độc này lan truyền cả vào những hệ thống tuyệt mật và truyền dữ liệu tới các máy chủ ở nước ngoài.” “Tai nạn vốn được giữ bí mật này là vụ tấn công nghiêm trọng nhất từng xảy ra trên mạng máy tính của quân đội Mỹ, nó thực sự là một tiếng chuông cảnh tỉnh đối với hệ thống an ninh mạng của quốc gia”, ông Lynn nói thêm. Mặc dù Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định trách nhiệm của vụ tấn công thuộc về gián điệp tin tặc của nước ngoài, một số nguồn tin khác lại cho biết có thể nó xuất phát từ nội bộ quân Mỹ. Tạp chí công nghệ Wired cho biết mã nguồn của loại vi rút này đã từng được các tin tặc nước Nga sử dụng, nhưng làm sao biết được kẻ đã truyền nó vào mạng của quân đội Mỹ là ai?
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, William S. Lynn III (Ảnh Time)
James Lewis, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và Quốc tế học nhớ lại một bữa tối cách đây 2 năm khi ông còn ngồi cùng bàn với các thực khách từ Trung tâm An ninh mạng Quốc gia, họ đã phải bỏ dở bữa ăn và đứng lên cáo từ với một lý do ngắn gọn: “Mạng máy tính của bộ quốc phòng vừa bị tấn công nghiêm trọng. Chúng tôi phải đi.”