- Tại Hawaii, chính quyền đang đau đầu trước những yêu cầu chứng minh Tổng thống Barack Obama thật sự sinh ra tại đây.
TIN BÀI KHÁC
Việc ông Barack Obama trở thành tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ đã làm gai mắt những người ủng hộ phong trào cực hữu ở nước này. Họ tìm mọi cách chứng tỏ ông Obama không sinh tại bang Hawaii, nghĩa là không đáp ứng tiêu chuẩn “người Mỹ sinh tại Mỹ” để có thể trở thành chủ nhân Nhà Trắng.
Nghi ngờ nhân thân tổng thống
Theo The New York Times, chính quyền bang Hawaii đang chìm ngập trong đơn thư yêu cầu được cung cấp thông tin về hộ tịch của Tổng thống Obama. Tác giả của những lá thư hầu hết đều là “birthers” (người theo thuyết bẩm sinh), một nhánh cực hữu nổi tiếng về kỳ thị chủng tộc và bài ngoại.
Sở Y tế Hawaii bị làm phiền đến mức Thống đốc bang Linda Lingle vừa thông qua một điều luật cho phép các viên chức nhà nước từ chối yêu cầu của những người từng được trả lời trước đây. Điều luật được nhân viên Sở Y tế hoan nghênh nhiệt liệt vì chỉ riêng trong tháng 3 vừa qua, chồng thư liên quan đến Tổng thống Obama đã dày đến... 3 tấc. The New York Times dẫn lời phát ngôn viên Janice Okubo của Sở Y tế Hawaii than thở: “Đó thật sự là một gánh nặng”. Việc xử lý chồng thư về “hộ tịch của Obama” tốn rất nhiều thời gian và rất nhiều thư trong số đó do cùng một người viết.
Theo luật của Hawaii, giấy khai sinh của mỗi công dân chỉ được cấp cho những người thuộc trực hệ với người đó nhằm giải quyết những vấn đề hành chính như thừa kế tài sản. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2008, khi có nhiều nghi vấn về gốc gác của ứng viên đảng Dân chủ Barack Obama, các trợ lý đã đưa bản sao giấy khai sinh của ông công khai trên website. Nội dung giấy khai sinh chứng nhận rằng Barack Obama sinh ở Honolulu ngày 4.8.1961 vào lúc 7 giờ 24 phút.
Trước những câu hỏi dồn dập của phe cực hữu, Giám đốc Sở Y tế Hawaii Chiyome Fukino, tuyên bố bà có tài liệu gốc trong tay xác nhận ông Obama “sinh tại Hawaii và là người Mỹ ngay từ lúc vừa chào đời”. Tuy nhiên, sự can thiệp của bà Chiyome chẳng đạt được hiệu quả như mong muốn. Sở Y tế Hawaii lại lập website “Những câu hỏi thường gặp về giấy tờ hộ tịch của Tổng thống Barack Hussein Obama” nhưng xem ra vẫn chưa thể thuyết phục những birthers.
Chính quyền bang Hawaii đang tìm nhiều biện pháp để giảm bớt áp lực để Sở Y tế có thể tập trung cho những vấn đề quan trọng hơn so với đòi hỏi nhì nhằng của các birthers. Phong trào birthers không phải mới mẻ gì tại Mỹ mà bắt đầu từ giữa thế kỷ 19. Vào thời điểm đó, những “người Mỹ chính gốc” - thật ra cũng xuất thân từ Anh, Hà Lan hay Scotland - lại phản đối gay gắt những người nhập cư mới gốc Ireland.
Tự do mang vũ khí là “nhân quyền”
Trong vòng 2 năm nay, phong trào cực hữu tại Mỹ đã trỗi dậy mạnh mẽ. Những thay đổi về chính trị, xã hội và kinh tế là nguyên nhân khiến hằng hà sa số những phe phái cực hữu được thành lập. Theo tạp chí Intelligence Report, số lượng băng nhóm cực hữu năm 2008 đã tăng lên 54% so với năm 2000. Cuộc khủng hoảng kinh tế và việc tổng thống Mỹ là một người da màu càng thổi bùng ngọn lửa cực hữu tại nước này. “Tín điều” của những băng đảng cực hữu tại Mỹ là kỳ thị, “yêu nước” cực đoan và tự vệ bằng vũ lực. Đối với họ, quyền tự do mang vũ khí là nhân quyền.
Đảng Quốc đại lao động, một tổ chức tân nazi nổi tiếng tại Mỹ, đã tan vỡ vào tháng 11.2008 nhưng số lượng các tổ chức cực hữu vẫn tăng mạnh trong năm 2009. Theo Southern Poverty Maw Center, tổ chức chuyên giám sát phong trào cực hữu, năm 2009 có 932 nhóm cực hữu được ghi nhận tại Mỹ, so với 926 nhóm năm 2008. Chưa hài lòng với những quy định về nhập cư ngày càng nghiêm ngặt của chính phủ, số lượng các băng nhóm birthers chuyên hành hung và lăng nhục người gốc nước ngoài cũng tăng từ 173 nhóm năm 2008 lên 309 nhóm năm 2009.
Phát triển mạnh mẽ nhất hiện là phong trào yêu nước cực đoan với phương châm hành động bằng bạo lực. Phong trào này ra đời từ cuộc đụng độ thảm khốc làm hơn 80 người của giáo phái vũ trang Branch Davidians thiệt mạng tại Waco, Texas năm 1993. Tập trung những kẻ kỳ thị chủng tộc, phong trào yêu nước cực đoan gần như biến mất vào đầu năm 2000.
Nhưng từ năm ngoái, phong trào này bỗng trỗi dậy mạnh mẽ. Năm 2009, số lượng băng nhóm yêu nước cực đoan đã tăng 240%, từ 149 lên 512 (trong đó có 127 băng nhóm vũ trang). Xu hướng này rất đáng lo vì trước đây, những băng nhóm theo phong trào này đã gây nên nhiều vụ bạo động đẫm máu, tiêu biểu là cuộc đánh bom do Timonthy McVeigh thực hiện năm 1995 ở Oklahoma City làm 168 người chết. Mới đây nhất là hồi tháng 3, chính quyền đã phá được tổ chức Thiên Chúa giáo cực đoan Hutaree, vốn âm mưu tấn công vũ trang hàng loạt sĩ quan cảnh sát cao cấp trên toàn quốc.
Hiện nay, điều kiện phân biệt giữa các phong trào cực hữu tại Mỹ rất mập mờ. Các băng nhóm birthers sử dụng luận điệu của chủ nghĩa yêu nước cực đoan. Ngược lại, phe yêu nước cực đoan cũng liên tục có nhiều tuyên bố kỳ thị chống lại Tổng thống Obama. Dù thuộc trường phái nào, các phần tử cực hữu Mỹ luôn tỏ ra nguy hiểm vì họ không chỉ thể hiện bằng lời nói hay nắm đấm mà còn bằng cả súng đạn
-
Theo Thanh Niên