Tiếng thở dài chiều thành phố
-Hải Phòng giống như một cậu bé đi chơi trong rừng và bị lạc, nhiều chục năm sau, cậu ấy trở về, cuộc sống đã đổi thay, đã mới nhưng cậu ấy vẫn cũ, cũ nhưng đẹp. Bởi vì qua cậu ấy những người hôm nay mới có cơ hội để được nhìn thấy quá khứ của mình, lịch sử của mình, gặp lại được mình.
Đối diện cổng vào bến Bính có một ngôi nhà xây từ thời Pháp. Những nan cửa chớp đã bạc sơn, những hoa sắt hàng rào và ban công uốn lượn điệu đà đã gầy đi vì hoen gỉ, những hoa văn đắp quanh đầu cột đã mòn đi, mờ nhòe đi theo năm tháng. Bức tường quét vôi màu vàng đã bong tróc gần hết, cái mầu vàng thổ rất nhiệt đới, đặc trưng của những công trình kiến trúc Pháp ở Đông Dương, cái màu vàng này quyến rũ ngay cả khi nó đã lở lói sau trăm năm mưa nắng, gió dông. Những tòa nhà từ thời Pháp còn lại bao giờ cũng vẫn đẹp cho dù nó đã trở nên nhếch nhác bởi sự tăm tối của con người. Ngược lại với những công trình mới xây dựng, mới tinh, vừa mở tiệc tân gia nhưng đã ngay lập tức nhếch nhác, biểu hiện của một đời sống khá giả vật chất nhưng nghèo tinh thần.
Ảnh: Lê Thiết Cương |
Không thể nhịn được, tôi bấm máy mấy chục kiểu ngôi nhà cũ đó trong nắng chiều. Có thể với ai, có gì đâu mà chụp. Lần đầu tiên đến Hải Phòng, nơi mới đến, thấy gì cũng hấp dẫn, cũng muốn chụp. Hải Phòng là một thành phố nhỏ nhưng chụp mãi không hết. Tôi hay nói với bạn bè, là nghệ sỹ, mỗi lần mở mắt đều phải là lần đầu tiên. Duy trì được cảm giác ngạc nhiên thực khó trong một đời sống chả hiểu sao cứ ngày càng nhanh hơn, chai lỳ hơn, thờ ơ, lạnh nhạt và vô tình với nhau hơn. Hải Phòng nhỏ thế nhưng có cả một đoạn phố, trước quảng trường Nhà hát Thành phố chỉ dành để bán hoa. Hoa tươi sáng chiều, mùa nào cũng vậy...
Hải Phòng còn những chỗ gần như nguyên vẹn để nhìn ngắm: Nhà ga, Bưu điện Trung tâm, ngân hàng, tháp nước, trường Ngô Quyền đều là những công trình kiến trúc đặc sắc. Đặc biệt Hải Phòng tuy nhỏ nhưng có tới 3 nhà thờ. Người ta sống vì nhiều lẽ nhưng hình như cũng cần phải có đức tin nữa chứ? Chưa kể Hải Phòng vẫn còn nhiều lắm những ngôi nhà như ngôi nhà cổ ở trước bến Bính. Trong khi Hà Nội đã mất gần hết. Những dãy phố ở khu vực bến Bình Đông - Sài Gòn hòa trộn nét văn hóa Việt, Hoa, Pháp cũng đã bị xóa sạch cách đây vài năm để… mở mang phát triển kinh tế. Đứt ruột vì tiếc. Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển thực sự khó khăn. Ai thì cũng có lúc phải băn khoăn, phải thao thức để chọn được này và mất này hoặc chọn điều mất kia để… được cái được kia.
Hải Phòng giống như một cậu bé đi chơi trong rừng và bị lạc, nhiều chục năm sau, cậu ấy trở về, cuộc sống đã đổi thay, đã mới nhưng cậu ấy vẫn cũ, cũ nhưng đẹp. Bởi vì qua cậu ấy những người hôm nay mới có cơ hội để được nhìn thấy quá khứ của mình, lịch sử của mình, gặp lại được mình.
Có một lần Nguyễn Quang Thiều kể tôi nghe câu chuyện thi sĩ Mai Văn Phấn đưa dịch giả Diễm Châu đi tìm lại ngôi nhà của mình. Diễm Châu sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, ông rời Hải Phòng năm 1954, lãng du nhiều nơi, trước khi mất ít năm, ông về Hải Phòng và nhờ Mai Văn Phấn đưa đi tìm lại ngôi nhà thời thơ ấu của ông. Mãi thì cũng tìm được, nhưng lạ ở chỗ ông chỉ dừng trước cửa, ông nói với Phấn, đây không phải là ngôi nhà của mình. Thực ra thì đúng là ngôi nhà của Diễm Châu tuy nó đã "tăm tối" đi nhiều, bên ngoài còn vậy, huống hồ vào trong làm gì, chả thà không vào để không bị mất đi hình ảnh ban đầu, không bị thất vọng.
Tôi chia sẻ với Diễm Châu, tôi nghĩ, ký ức có logic riêng của nó. Câu chuyện này ám ảnh tôi mãi, mỗi lần đến Hải Phòng, mỗi lần đi ngang qua một ngôi nhà cổ nào ở Hải Phòng, chả hiểu sao, tôi cứ nghĩ đó chính là ngôi nhà của Diễm Châu và tôi cứ tưởng tượng là Diễm Châu đang tần ngần ở cửa? Chắc là không chỉ tôi mà ngay cả Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều cũng sẽ đều tần ngần thôi. Để giữ gìn được một kỷ niệm đẹp thì cũng phải biết mất, mất đi điều gì đó.
Ảnh: Lê Thiết Cương |
Hải Phòng là một thành phố nhỏ, đi đâu, lúc nào cũng vẫn nghe thấy, thỉnh thoảng thôi, tiếng còi của những con tầu rên rỉ to nhỏ, thở ngắn thở dài len lỏi trong từng ngõ phố. Thiếu những tiếng còi buồn bã nhưng thân thuộc và đầy thương yêu đó thì Hải Phòng có còn là Hải Phòng không nhỉ? Cảng Hải Phòng không còn sầm uất như nhiều năm trước. Những con tầu vào ra đã thưa vắng hơn, nhiều con tầu đã nhàn rỗi hơn. Tôi nghe tiếng còi tầu vọng đến trong một buổi chiều muộn khi đang ngồi trú mưa, dưới mái hiên của chợ Cầu Tre. Chợt nhớ đến câu chuyện Nguyễn Quang Thiều kể về bà nội của anh. Trước khi mất, bà anh ốm và nằm trong buồng, lúc này bà đã lẫn, tai đã điếc hẳn, bà không thể nghe được cả tiếng nói của chính mình nhưng thỉnh thoảng bà vẫn cứ nói vu vơ một câu gì đó. Thiều bảo: bà tôi muốn nói để mọi người biết là mình vẫn còn sống, vẫn đang ở đây. Tiếng còi của những con tầu thỉnh thoảng lại rúc lên, có khi dở dang chưa hết một hồi, thường nghe rõ vào lúc nửa đêm, kiên trì, nhẫn nại chờ đợi giống những câu nhát gừng của bà nội Nguyễn Quang Thiều. Những con tầu muốn nhắc nhở mọi người về sự tồn tại của nó. Cũng có thể nó muốn kêu lên vì buồn quá, nó muốn ra đi.
Hãy đi đi dù đi buồn đứt ruột
Con tim dù hoen ố nhớ thương
Hãy sống như những con tàu phải lòng muôn hải lý
Mỗi ngày bỏ sau lưng nghìn hải cảng mưa buồn. (Trần Dần)
Giá như những ngôi nhà cổ cũng biết nói, thì thể nào nó cũng sẽ cất tiếng để báo với mọi người rằng nó vẫn đang cố sống (sống thì phải cố), mọi người hãy cứu, hãy gìn giữ nó.
Lại là buổi chiều, Thi Hoàng có một nỗi buồn bất hủ "Có những buổi chiều không biết cất vào đâu". Đồng Đức Bốn thì viết "Chiều mưa phố Huế một mình/ Biết đâu là chỗ ân tình đến chơi". Hải Phòng là một thành phố nhỏ, nhỏ nhưng đẹp vì Hải Phòng có những con người như thế, có nhiều người như thế, nên Hải Phòng nhỏ mà đi mãi không hết. Tôi muốn đến nhà thi sỹ Mai Văn Phấn để hiểu thêm câu Trong hốc lặng tôi im trôi với bao người của anh. Tôi muốn đến nhà những đồng nghiệp của tôi: Nguyễn Trường, Thọ Vân, Tường Vân, Trịnh Thái, Sơn Lâm, Đinh Quân, Mai Duy Minh.
Mãi rồi tôi cũng đã tìm được cái quán cơm bé nhỏ của Nghị, một người bạn nhỏ, cậu ta học 4 năm rưỡi khoa Văn, Trường Tổng hợp (K 23). Chúng tôi lạc nhau gần hai chục năm. Vợ chồng Nghị mở quán cơm trong khu Sở Dầu. Tôi đến đúng giờ nghỉ ca của công nhân. Cái quán chật chội, tù mù trong ánh điện vàng và mùi nước mắm. Bao nhiêu khách ăn vào ra tấp nập, tấp nập nhưng lặng lẽ, thế mà tôi tưởng vẫn chỉ là một người. Ai ai cũng mặc quần áo bảo hộ đồng phục, mặt mũi, cử chỉ, điệu bộ, dáng dấp như nhau. Thế mới hay cái môi trường công nghiệp cũng làm mọi thứ ít đi. Có thể tôi hơi tưởng tượng quá lên về sự nghèo khó và nỗi buồn nhưng biết làm sao được.
Hải Phòng có một nhà ga nhỏ, tuổi thọ cả trăm năm. Tôi đã đến đó để uống đôi chén trong cái quán gầy gò ngay cửa ga, để nhớ lại một lời hứa. Đó là một chuyện tình, tình cờ (thường là vậy), vào một buổi chiều đầu hè năm 1999. Cô gái đó như dòng sông nhỏ yên tĩnh… Và tôi đã bỏ đi để giữ lời hứa với cô ấy, giữ cho cái dòng sông nhỏ đó mãi không xao động. Thế là có duyên rồi, duyên nhỏ thì cũng vẫn cứ là…
Anh trót dại mải chơi đáo lỗ
Để mẹ mìn cười cợt bế em đi. (Chu Điền)
Tôi còn nhớ chiều hôm đó đường phố Hải Phòng tự nhiên trở nên vắng lặng. Với riêng tôi, Hải Phòng chỉ có hai lần vắng thôi, lần đó và lần mà rocker Hải, bạn tôi kể lại: Vào những năm 79, 80 có buổi sớm thức dậy bỗng dưng chẳng còn thấy hàng xóm đâu nữa, dễ có đến một phố đã bỏ đi, hồi ấy có nhiều người Hải Phòng đã ra khơi để tìm kiếm hy vọng ở nơi xa xôi nào đó.
Tôi đã đi đến nhiều thị xã, thị xã Sơn Tây, thị xã Uông Bí, thị xã Hà Đông. Và tôi tự hỏi, thị xã và các thành phố nhỏ khác nhau thế nào. Khi đến thăm Nhà hát Lớn (nhưng nhỏ) ở Hải Phòng thì tôi biết, thành phố dù nhỏ nhưng vẫn phải có một nhà hát thì mới thành thành phố. Chả mong gì vài tuần lại có một đêm hòa nhạc nhưng họa hoằn thôi, cả năm chỉ một lần cũng được, chợt đi ngang qua và nghe văng vẳng giai điệu Concerto Piano/ Chopin chẳng hạn thì đã là sang trọng rồi, đã cảm thấy rất thành phố rồi.
Tôi có duyên với những buổi chiều, cái buổi chiều cuối cùng trước khi rời Hải Phòng, tôi lang thang đi dạo ở vườn hoa đầu cầu Hạ Lý. Bỗng thấy một cô gái cao gầy đứng khóc, tay nắm chặt chiếc áo len nhỏ mầu xôi gấc. Tôi lại gần hỏi thăm, cô ấy bảo, dẫn em đi chơi và bị lạc, "bị mất em rồi" chiếc áo đó là của cậu em. Tôi bảo: Em đừng khóc nữa, Hải Phòng nhỏ như thế này thì lạc sao được, cứ tìm là sẽ gặp lại nhau thôi. Đôi khi người ta cố tình để lạc mất nhau thì không nói nhưng dẫu sao đó cũng là những điều chả ai muốn và chả bao giờ muốn.
6.09
- Lê Thiết Cương