Mộc mạc áo trắng - Nét văn hóa Việt
Dưới thời phong kiến, những bộ quần áo màu sắc như vàng, đỏ, xanh… thường được xem là sắc màu tôn quý, chỉ dành riêng cho bậc đế vương. Thế nhưng, có điều rất lạ là tuy khiêm tốn, giản dị, nhẹ nhàng như chẳng “cạnh tranh” với ai, màu trắng và những tà áo trắng thanh khiết lại vẫn luôn có một chỗ đứng riêng trong cuộc sống và văn hóa của người Việt, dù giữa chốn sang trọng quyền quý hay len lỏi trong đời thường của giới bình dân…
Sắc trắng trong văn hóa Việt
Sắc màu là hiện thân của những gì trong sáng, quý báu trong tâm thức của người Việt Nam. Thế nên, bao người dân đất Việt xưa vẫn thuộc lòng câu ca dao:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Sắc trắng như nổi bật lên giữa câu ca dao ấy. Bông sen trắng chính là hình ảnh những con người Việt Nam từ ngàn xưa muốn nói về mình: Giản dị, hiền lành, trong sáng nhưng cũng vô cùng cao quý, tươi tắn, đẹp hơn mọi vẻ đẹp ở đời…
Tà áo dài trắng luôn là biểu tượng trong sáng của nữ sinh Việt.
Vì sao người Việt lại chuộng màu trắng thế? Đừng quên Việt Nam là một đất nước nhiệt đới với hầu hết ngày trong năm nóng như đổ lửa. Vì thế, ngay từ những ngày tháng còn chưa biết gì về “bức xạ nhiệt”, bằng kinh nghiệm của mình, người Việt Nam đã biết tìm đến màu trắng để làm dịu mát đi những buổi trưa hè.
Thấy một bóng áo trắng là như thấy dịu cả lòng, cái nắng chang chang dường như vơi đâu mất. Chẳng thế mà họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ nên bức tranh sơn dầu “Thiếu nữ bên hoa huệ” tuyệt diệu. Chỉ một thiếu nữ với tà áo dài trắng ngần, nghiêng đầu sang phía lọ huệ tây trắng giản đơn, thế mà cả bức tranh sáng lên một sự dịu mát đến lạ thường.
Và không chỉ làm cho “mát mắt”, người ta dần nhận ra rằng đằng sau sắc màu dịu dàng còn ẩn chứa một sự thanh khiết, chứa một ước mơ rạng rỡ về tương lai: Tươi sáng, đầy hạnh phúc! Những chiếc áo trắng bắt đầu ngợp khắp sân trường. Từ cấp 1 đến cấp 3, từ vùng thành thị đến nông thôn còn nhiều cơ cực, đều là một sắc trắng thuần khiết, đầy những ước mơ.
Cô bé học trò nghèo mặc chiếc áo trắng bỗng dưng thấy mình tự tin hơn về con đường phía tương lai. Cậu bé học trò may mắn có cuộc sống đủ đầy cũng thấy mình cũng thuần một sắc màu trong sáng với bạn bè. Màu trắng không phải ngẫu nhiên mà thành màu đồng phục cho mọi lứa học trò. Nó như một niềm cháy bỏng ước mơ. Nó như một sắc màu trong sáng, bình yên, không nỗi cực nhọc, thiếu thốn nào vấy nổi.
Mộc mạc áo trắng - Nét văn hóa Việt
Xã hội dần hiện đại hơn, cuộc sống đầy đủ hơn, người ta có nhiều chọn lựa giữa vô vàn sắc màu tím, vàng, xanh, đỏ… Thế nhưng, dường như màu trắng đã ăn sâu vào tâm thức, nên mỗi cột mốc sự kiện quan trọng nhất trong đời, người ta vẫn thích tìm đến màu trắng như sắc màu nhắc nhở về sự hạnh phúc, bình yên, kể cả trong thời hiện đại.
"Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong".
Em bé chuẩn bị chào đời, người mẹ hiền tỉ mẩn chuẩn bị cho từng chiếc khăn choàng trắng muốt, như gởi gắm tất cả những yêu thương, hy vọng cho cuộc đời tươi sáng, trong lành của con mình. Rồi khi bắt đầu đi học, vẫn là màu áo trắng ấy, bình yên như sắc màu của dòng sữa mẹ, như vòng tay âu yếm nâng đỡ con những bước đầu tiên chập chững vào đời, mộc mạc, giản đơn nhưng đầy bao dung, che chở.
Đến tuổi cấp 3, khi vừa chớm trở thành thiếu nữ, những cô gái Việt Nam lại được mẹ dành dụm may cho chiếc áo dài màu trắng. Tà áo dài trắng sáng tinh khôi ấy lại tiếp thêm niềm tin cho những cô gái trẻ: Tin mình đứng vững giữa cuộc đời này. Tin mình luôn giữ mãi một tà áo, một tâm hồn, một tính cách hiền dịu, trắng trong.
Ngày cưới thời hiện đại, chiếc váy cưới lộng lẫy tinh khôi, trong ngần sắc trắng đã trở thành không thể thiếu. Sao không phải là sắc màu nào khác? Đơn giản lắm. Vì cái màu thanh khiết, kỳ diệu ấy như lời chúc tốt lành cho một khởi đầu bình yên, đầy hy vọng.
Màu trắng dường như đã cùng song hành trong những khoảnh khắc đẹp nhất của đời người, vượt cả không gian và thời gian, để trở thành một sắc màu riêng biệt, thể hiện được những nét tinh túy mộc mạc và đầy chất nhân văn của nền văn hóa Việt Nam.
-
Thúy Nga