Đến điền trang Lép Tônxtôi, nghĩ về những điều giản dị (2)
- Không cần lăng tẩm, không cần xây cất, phải chăng cái cao cả bao giờ cũng bắt đầu từ sự giản dị, giống như chân lý thật là giản đơn, giản đơn như hơi thở, như ánh sáng hàng ngày.
Cùng nhà văn Nguyễn Quang Thiều bên ngôi nhà của người quản gia. (Ảnh N.Đ.T). |
Đến điền trang của Tônxtôi, ta bắt gặp những cây táo mà tự tay ông đã trồng. Tôi cứ tự hỏi trong 6.000 cây táo còn đến ngày nay, có bao nhiêu cây được ông chăm bẵm tưới tắm vào những buổi chiều hoàng hôn vàng rực. Vàng rực bởi ánh trời, vàng rực bởi những lá cây phong đang trong độ thu vàng rực rỡ. Tôi cứ lang thang mãi bên những vườn táo mà cho đến tận giờ đã trở thành cổ thụ. Người bán táo trong trang trại sẵn sàng mời du khách thưởng thức những quả táo trong vườn
TIN LIÊN QUAN |
---|
, để rồi nếu khách thấy cái ngọt mát mà giòn tan, cái thơm dịu mà say đắm níu kéo thì hãy dừng lại để mua vài cân làm quà, hay thưởng thức trên cung đường trở về Thủ đô sau một ngày thăm thú.
Từ đường đi vào nhà ông phải đi qua vườn táo như vậy. Thấp thoáng dưới vòm những cây phong là những ngôi nhà nhỏ bằng gỗ của những người phục vụ trong điền trang. Trước khi vào ngôi nhà của nhà văn, chúng tôi đã có dịp đến thăm những ngôi nhà bằng gỗ nhỏ bé. Tôi đã cùng nhà văn Nguyễn Quang Thiều tranh thủ chụp mấy cái ảnh để làm kỷ niệm.
Vườn táo (Ảnh N.Đ.T).
Thăm nhà của ông, tận mắt chứng kiến nơi ở và làm việc của ông mới thấy rõ cái đơn sơ, giản dị. Tất cả đều hiện lên sự giản dị đến kinh ngạc. Ai đã từng đến thăm cung điện Mùa Đông hay Mùa Xuân, mới thấy cảnh ăn chơi đến tột cùng của ông hoàng, bà hoàng Nga. Và khi đến đây mới thấy tất cả đều đối lập. Một nhà văn vĩ đại, người có tư tưởng vĩ đại lại là con người giản dị đến tột cùng, giản dị đến không thể còn điều nào giản dị hơn. Sự giản dị càng nâng tầm cao của ông, bởi suy cho cùng cái mà bậc thánh nhân để lại cho đời không phải bằng sự nổi trội kiểu như “kẻ đốt đền” mà chính bằng tư tưởng vượt thời gian, bằng tác phẩm của mình.
Nhà ông ở có hai tầng. Chính xác là hơn hai tầng vì có cả tầng trên nhưng không sử dụng. Tầng một có phòng của cô con gái út và người bác sỹ. Những phòng này cũng đều rất bé. Tường thì dày, phải chăng cũng giống như những người nông dân Nga, để tránh mưa gió tuyết rơi nên họ cũng làm những ngôi nhà be bé và tường thì thật dày.
Tầng hai mới là nơi ở và làm việc của chủ nhân. Có một phòng rộng hơn để làm nơi gặp gỡ của gia đình, còn lại phòng làm việc, thư viện, nơi tiếp khách, phòng viết và phòng ngủ.
Ngôi nhà trong điền trang của nhà văn (Ảnh N.Đ.T).
Nhà ông cái gì cũng bé, từ chiếc giường sắt ông nằm, từ căn phòng làm việc đến chiếc ghế ông ngồi. Tất cả đều bé nhỏ và giản dị. Cái nhỏ bé sinh ra cái lớn lao phải chăng đó là qui luật. Ở trong cung điện nguy nga tráng lệ chỉ sinh ra những tư tưởng thấp lùn, còn ở những nơi nhỏ bé lại sinh ra tư tưởng vĩ đại, những tác phẩm vĩ đại.
Có một cái ghế rất thấp. Người hướng dẫn cho biết vì nhà văn bị cận thị phải ngồi thấp để viết, vì ông không thích đeo kính. Chiếc ghế đơn sơ như ghế của một cậu học trò nhỏ ngồi học bài ở nhà mình. Nhưng chính từ chiếc ghế này, những trang tiểu thuyết lay động lòng người ra đời. Ở đấy có những cuộc tình dưới đêm trăng sáng của chàng Anđrây và nàng Natasa, những trận chiến khốc liệt giữa đại quân Napoleon và Cutudop đã diễn ra. Những trang sách đưa người đọc từ thế giới của mộng mơ đến thế giới của hiện thực, vừa kỳ ảo lại vừa sinh động rất thực.
Tận tay sờ chiếc áo vải thô ông khoác, kiểu áo đã đưa ông trở thành nhà tạo mốt. Mốt áo ấy thật giản dị. Nói cho công bằng thì đó chỉ là một mảnh vải mà chỉ cần một vài những sáng tạo giản đơn cùng với một cái đai là trở thành áo. Người ta đâu cứ phải hơn nhau tấm áo mảnh quần mới là vĩ đại. Cái vĩ đại là tâm hồn bên trong ấy.
Đến kính cẩn trước mộ ông, một ngôi mộ đơn sơ bên cạnh con suối nhỏ và phải đi xuyên qua cánh rừng già bằng con đường đất nhỏ giống như đường quê Việt Nam, chỉ có khác chăng được đi dưới bóng những cây phong, cây bạch dương hay cây sồi già tỏa bóng mát rượi, gió luôn rì rào ca hát. Có thể nói chỉ là một nắm đất cao giữa cây cỏ. Theo ước nguyện của Tônxtôi, mộ ông sẽ ở nơi ngày thơ ấu, ông đã cùng các anh chôn cây gậy xanh thần kỳ nói về hạnh phúc của con người. Một nắm đất không thể nào thấp hơn được nữa. Nó như bao ngôi mộ của người dân bình thường, nhưng có khác chăng trên nắm đất ấy, trải qua hàng trăm năm, người đời vẫn đến đây, họ kính cẩn đặt lên ngôi mộ những bông hoa. Những bông hoa ấy màu đỏ kết tròn như mặt trời tỏa sáng. Không biết có phải ánh sáng từ những bông hoa hay từ trái tim một con người luôn hướng về những người nghèo khổ.
Ngôi mộ đơn sơ có nhiều hoa (Ảnh N.Đ.T).
Không cần lăng tẩm, không cần xây cất, phải chăng cái cao cả bao giờ cũng bắt đầu từ sự giản dị, giống như chân lý thật là giản đơn, giản đơn như hơi thưở như ánh sáng hàng ngày.
Ông đã sống ở đây 82 năm, làm việc đến giây phút cuối cùng và không bao giờ có dấu hiệu suy sụp năng lực tinh thần. Nhiều lần ông muốn từ bỏ ngôi nhà của mình để ra đi tìm đến những người nghèo khổ, đến với thực chất CON NGƯỜI, đến với những tư tưởng mới nhưng đều không thành. Bị áp lực bởi sự đối lập giữa các quan điểm giằng xé, đan xen. Chấp nhận và phá bỏ, để đi tìm cái mới. Ông đã từng chấp nhận cuộc sống dễ chịu, chấp nhận quan điểm của người vợ, với tình trạng bực tức ngày càng tăng với gia đình. Cuối cùng ông đã rời Yasnaya, cùng với con gái Alexandra và bác sĩ riêng, đi đến một nơi vô định. Sau một số cuộc đi không nghỉ và không mục đích, ông muốn tới một tu viện nhưng đã phải dừng lại tại ga đầu mối Astapovo vì bị bệnh. Tại đây ông phải vào nghỉ trong nhà của người trưởng ga và mất ngày 7 tháng 11 năm 1910.
Đến điền trang của Tônxtôi, cái ngỡ ngàng của du khách chính là sự nguyên vẹn của nó trước thời gian bởi bao biến cố. Hơn một thế kỷ đã trôi qua, nhưng điền trang vẫn như những ngày bố mẹ và ông đã ở, mặc dù lịch sử đã trải qua những biến thiên, những khốc liệt, thay đổi qua bao chế độ. Nước Nga đầy những biến cố nhưng điền trang và những gì của Tônxtôi để lại thì vẫn như còn nguyên vẹn.
Có thể nói Tônxtôi và tầng lớp của ông đều phải là đối tượng đầu tiên của cách mạng Nga. Nhưng ở đấy người ta không tịch thu hay chia cho những người nghèo khổ. Nếu vậy thì bây giờ chúng ta đã không còn thấy những bậc cầu thang, mấy cái bàn, ghế, những vật dụng hàng ngày… tất cả đều rất đơn sơ nhưng đã thành vô giá, trở thành tài sản quốc gia trường tồn mãi với thời gian.
Bài học về sự tôn trọng văn hóa, tôn trọng lịch sử ở đây thật là sâu sắc.
Nước Nga những ngày thu 2009
- Nguyễn Đăng Tấn