Bao giờ cho đến những năm… 3000
- Hà Nội vừa trải qua những ngày mưa tầm tã, thất thường và đỏng đảnh, thoắt nắng thoắt mưa, thoắt vui thoắt buồn. Trong cơn mưa, ngắm phố xá ngập lụt, tắc đường, bẩn thỉu, người ta hòai niệm quá khứ và ao ước “viễn tưởng” tương lai, về một Hà Nội của những năm…3000
Hà Nội những năm 80 Mỗi lần mưa là mỗi lần lo. Lo nước ngập, lo chạy đồ, lo sơ tán …trăm mối lo. Nhà tôi nằm ở khu vực trũng của thành phố, khu Mưa xối xả, mưa như trút nước. Tôi còn nhớ như in hình ảnh bố tôi mượn được chiếc thuyền nhỏ nhà hàng xóm dùng vớt bèo, vớt rau ở hồ, đưa các con lên rồi ra sức đẩy giống như du kích lội nước đánh giặc ngày xưa vậy. Chưa bao giờ nước ngập cao đến thế, ngập đến gần cửa sổ nhà, đến ngực bố, cả nhà cứ thế di chuyển khỏi “vùng nguy hiểm”. Vài ngày sau nước rút dần, nhưng những gì để lại sau những trận mưa mới kinh khủng làm sao. Rác, nhiều rác quá, mọi thứ rác đều dồn về một mối. “Rác chảy chỗ trũng” có khác. Sau mỗi trận lụt là những buổi dọn nhà, dọn ngõ, dọn sân. Những năm đó, đi chỗ nào Hà Nội cũng có rác, đống lớn, đống nhỏ, ao tù nước đọng. Nhà tôi lại gần sông Tô Lịch, con sông được sách vở mô tả là nước xanh trong, thơ mộng, một thời vua chúa dong thuyền du ngoạn trên đó, giờ thành con mương với bùn và rác hôi thối kinh khủng. Mùa mưa… Úng, ngập là mối lo lớn nhất. Nước ngập rồi rút ngay thì đã đành nhưng thời đó, có ngập thì phải một tuần sau nước mới rút hết. Lũ nhỏ chúng tôi ngày nào cũng mong mưa để được dầm, và mong nước ngập để bắt cá. Nhà gần hồ nên mỗi bận mưa to, cá trong hồ tràn ra, khi nước úng thì cá, tôm dồn về rất nhiều. Lội trong ngõ, có khi tôi cũng thấy cả cá tung tăng. Lũ trẻ con cứ quần sooc, cầm túi nilon, rổ để vớt cá. Những hình ảnh chỉ có ở nông thôn chứ ở thành phố thật là lạ. Thế mà chúng tôi cứ vô tư cười, vô tư nghịch với cái thứ nước bẩn đến sợ, rác quấn quanh chân. Mùa mưa, mùa nước cũng là “mùa” vui chơi của bọn trẻ. Đường phố, dây điện chăng như mắc cửi và kỷ niệm về lần “chết hụt” ghi dấu suốt đời tôi. Năm đó, tôi 7 tuổi, con gái nhưng nghịch không kém gì con trai. Trời mưa, tôi cũng cởi trần, mặc quần đùi đi tắm mưa, chạy nhảy trên vỉa hè khắp phố. Đang cười đùa, bỗng tôi giật bắn người rồi tự dưng thấy mình ngã lăn xuống mặt đất không thể ngồi dậy, cũng không thể kêu được… Tôi bị điện giật. Cái dây “mát” của cột điện nổi lên mặt đường, vì không chú ý nên tôi vấp phải và bị giật dính xuống đất. Lũ bạn chạy vào lôi tôi cũng bị giật ngã ngửa. May quá, chú chủ nhà mặt phố nhanh tay gỡ tấm ván cửa hàng, ngày đó người ta hay dùng những tấm ván ghép lại che hàng, đẩy tôi ra. Một phen hú vía, phải lúc sau tôi mới định thần, chỉ kịp líu ríu cảm ơn chú rồi cả bọn mặt tái xanh rủ nhau về. Bây giờ, tôi vẫn mang trên mình vết sẹo của ngày đó. Ngày mưa mà tôi không thể quên. Hà Nội những năm 2000
Mọi thứ đều hiện đại hơn, văn minh hơn, hoành tráng hơn và mưa hình như cũng khác hơn. Giờ mưa vẫn to, vẫn dữ dội…vẫn lầy lội nhưng khác cái, đường làng, ngõ xóm được cải tạo nâng cấp nên hình như cũng ít ngập hơn? Không phải! Bởi thời đô thị hiện đại nên nước “lên đời”, chẳng “thèm” ngập ngõ, xóm mà ngập… đường phố, ngập hè phố, ngập vào những nhà mặt đường nền thấp. Nước ngập ngoài phố nên ít rác bởi rác đống to đống nhỏ đã chất trong ngõ xóm, còn nước ngập dồn ra đường nên ngoài đường nước “trong leo lẻo”, ngập đến đùi vẫn nhìn thấy… bàn chân. Nước trong, sạch thế mà giờ bọn trẻ lại không thích lội nước mới kỳ lạ chứ. Vẫn động mưa là ngập, nhưng chắc ngập ngoài đường không “lãng mạn” như ngập trong ngõ, bởi lượng xe cộ ùn tắc quá nên không có chỗ cho chúng “vui chơi”. Từng đoàn xe tụm lại đông đúc, người người lội nước, xe to xe nhỏ, ô tô, xe máy, xe đạp thay nhau lội nước, thay nhau “bắn” nước tung tóe. Xe lớn, xe bé, xe to, xe nhỏ chết máy nối thành hàng dài. Ngập từ phố nhỏ: Tôn Thất Tùng, Tây Sơn, Chùa Bộc, Nguyễn Lương Bằng đến những phố lớn Quang Trung, Giảng Võ, Láng Hạ, Trần Quốc Toản… Đường phố tắc hàng giờ cứ như ghe thuyền chợ Năm Căn vùng sông nước Cà Mau. Mấy bác sửa xe mùa này lại đội áo mưa chạy khắp phố tha hồ lau bugi, thay dầu, cứu hộ mấy cái xe chết máy, cười cứ giòn tan, nụ cười…được mùa. Chỉ khổ mấy chủ xe chết máy, người ngợm ướt sũng, mặt mày cau có, mưa táp vào mặt, khóc dở mếu dở, tiến không được, lui chẳng xong. Một số người thấy còn khuya mới về nhà được thì nhằm có quán nào là vào ngồi, mặc dù chẳng thiết tha café, bia hơi lúc này. Sáng ra, chị đồng nghiệp, nhà mặt phố Núi Trúc tất tả vì đến muộn, than thở: “Sáng nay, cả nhà phải làm vệ sinh cửa hàng, hôm qua ngập mấp mé cửa nhà, đã dùng ván chặn nước rồi nhưng có cái ô tô nào chạy qua thì nước lại dềnh vào nhà”. Một chị khác ở phố Đội Cấn chia sẻ: “Sáng nay, hai mẹ con em cũng phải dọn nhà vì ngập. Mưa to quá!” Vậy nên, cứ thấy trời kéo mây đen, mọi người lại hò nhau: “Về nhà cho nhanh kẻo ngập”. Dù dở dang việc gì cũng cố làm nhanh hoặc để đấy mai làm tiếp chứ “Sợ nhất là ngập nước và tắc đường”. Và cũng không đâu như các thành phố của ta, vỉa hè toàn cột điện, dây điện chăng như tơ nhện. Từ những năm 80, giờ đến những năm 2000, dây điện vẫn “che mát” mặt đường, cũng phát triển như cây cối vậy. Mưa, ngập, dây điện loằng ngoằng là nguyên nhân dẫn đến bao vụ tai nạn thương tâm. Chẳng biết có phải vì mưa ở Hà Nội to hơn các nơi khác nên cứ động mưa là ngập hay không? Cũng chẳng biết có phải vì Hà Nội thiếu cây xanh nên các búi dây điện là vật thế thân, che mát ngày hè không nữa? Chỉ biết…. Hà Nội những năm 3000…
Tráng lệ quá, lộng lẫy quá! Mưa cũng đẹp quá! Những tuyến phố được mở rộng, văn minh, hiện đại bậc nhất. Thái Hà, Láng Hạ, Chùa Bộc, Nguyễn Lương Bằng, Núi Trúc… chẳng thấy lại hình ảnh ngập nước ngày nào. Vỉa hè rộng thênh thang vì không còn cảnh xe máy, người bán hàng rong chen chân với người đi bộ. Lượng xe cộ giảm dần, người người chuyển dần sang đi xe đạp và đi bộ để bảo vệ môi trường, đường phố không còn cảnh tắc đường hàng giờ, chen lấn nhau giờ tan tầm. Bầu trời thoáng đãng hơn vì không còn những “mớ mạng nhện” dây điện treo lơ lửng nữa, đường điện, cáp đều đi ngầm dưới mặt đất. Mặt phố không một chút rác, sạch như lau. Cây xanh hai bên đường, lá không chút bụi, nghiêng vai che nắng, như những tán dù thiên nhiên âu yếm che chở những cặp tình nhân… Tháng 7, trời lại đổ mưa… Không còn cảnh nước ngập, đọng trên mặt phố, ngõ. Không còn cảnh rác thải chất đống trong từng con hẻm, dưới chân các cột điện hay góc nào đó ngoài phố. Không còn cảnh người ta nháo nhác đổ xô về nhà trước khi trời mưa vì sợ ngập và tắc đường. Và nhất là xã hội an bình, không còn tham nhũng, mua quan bán tước, không còn tệ nạn xã hội ma túy, đĩ điếm, trộm cắp, tội ác hoành hành như cơm bữa. Không còn “người ngay sợ kẻ gian”, “thằng còng” làm cho “thằng ngay ăn”… Mưa… mưa vẫn lớn…vẫn xối xả… mưa thưa dần… rồi lại mưa Vài nhóm trẻ vui đùa trên hè, thưởng thức vị mưa, hắt nước mưa vào nhau cười khanh khách. Chúng tận hưởng không khí mát lành sau cơn mưa, như tận hưởng sự diệu kỳ, trong lành của tuổi thơ. Nước mưa giờ sạch đến độ có thể dùng làm nước uống. Những đôi trai gái tay trong tay, tình tứ, nồng nàn, khúc khích…. Dân công sở ngày nghỉ, rủ nhau đi dạo phố, thay đổi không khí trong các căn phòng máy lạnh. Các cụ già bắc ghế ngồi ra cửa chuyện trò và tận hưởng sự trong lành, cái mát mẻ của trận mưa… cười móm mém. Một xã hội bình yên quá, trong lành và “sạch sẽ” quá. Mưa vẫn cứ mưa và tôi thầm ước… …Bao giờ cho đến những năm 3000… Ý kiến đóng góp và bài vở gửi cho Thư Thăng Long- Hà Nội xin liên hệ với địa chỉ: kyduyen@vietnamnet.vn
Động mưa là ngập. Nguồn ảnh - Dantri.com.vn
Nước "lên đời" nên không ngập ngõ, mà ngập hẳn ...đường phố. Nguồn ảnh - VNN
Hà Nội đang đẹp dần lên... Nguồn ảnh - Forum.vietstock.com.v.bmp