,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
1084900
Những cơn mưa đầy…kỷ niệm
1
Article
null
,

Những cơn mưa đầy…kỷ niệm

Cập nhật lúc 03:20, Thứ Sáu, 18/07/2008 (GMT+7)
,

- Mưa là chuyện của đất trời. Vậy nhưng với người này là niềm mong mỏi, chờ đợi, với người kia là nỗi lo ngại đến mức “Tháng 6 này anh không lạy trời mưa”. Dầu vâỵ, những cơn mưa vẫn mang lại cho con người đầy kỷ niệm. Bởi nó là cơn cớ mang đến cho người này nỗi nhớ tuổi thơ, và mang đến cho người kia sự chia sẻ với…"em"!

 

Mưa tuổi thơ

Quê tôi ở miền trung, vùng đất đầy cát, nắng và gió, nhất là mùa hè. Nắng nóng có khi kéo dài cả tháng trời, lúc đó nước ở hồ ao, ở con sông gần nhà cũng cạn dần theo thời gian. Tôi còn nhớ, mỗi lần sông cạn là lũ trẻ chúng tôi háo hức đi bắt trai, bắt hến. Sông cạn đồng nghĩa với nước giếng cũng cạn. Cả làng ai cũng mong ngóng một cơn mưa mùa hạ.

 

Khi cây cối, động vật cũng như con người không thể chịu nổi  cái nắng nóng và hạn hán thì lúc đó mùa mưa cũng về. Cơn mưa đầu mùa bao giờ cũng to lắm, và ai cũng chờ đón y như đón một vị khách sang trọng. Nhưng mặc dù mưa có to, vẫn chưa thấm vào đâu với những ngày hạn hán. Làng tôi vẫn thèm khát một cơn mưa hào phóng, một cơn mưa thật to cho bõ những ngày cả làng khốn khổ vì thiếu nước.

 

Mẹ tôi vẫn nói mưa đầu mùa không được tắm, không được dầm mưa. Nếu chẳng may mưa dọc đường thì cũng cố gắng kiếm chỗ nào mà trú chân, không thì lại khổ bố, khổ mẹ. Thế nhưng với bọn trẻ chúng tôi thì thích nhất là được dầm mưa, mà mưa càng to càng thích.

 

Có những bận đang chăn bò, chăn trâu ngoài bãi Hà Sau mà bất chợt cơn mưa kéo đến, thì chúng tôi sướng vô cùng. Biết bao nhiêu trò chơi được bày ra. Dường như những trò mà lũ trẻ chúng tôi bày ra chơi trong cơn mưa thú vị hơn nhiều so với những ngày thường, những lúc trời quang đãng.

 

 

( Ảnh mang tính chất minh họa). Nguồn ảnh - Corbis

 

  Bởi vì với tôi đó là lý do chính đáng nhất để tôi tắm mưa, dầm mưa. Rồi có về nhà với bộ quần áo “ướt như chuột lột” thì mẹ cũng chẳng thể mắng được. Có chăng chỉ cốc nhẹ hay véo tai tôi một hay hai cái gì đó và nói: “Cha bố anh, nghịch đùa cho lắm vào rồi ngày mai mà nằm rên trên giường!”.

 

Những lúc như thế tôi cười với mẹ một nụ cười tươi rói: “Chẳng có mưa nào làm con ốm cả đâu mẹ ơi!”. “Vâng không ốm. Mẹ để quần áo ở đầu giường đó, nhanh mà thay đi kẻo nước mưa ngấm vào người”.

 

Nghe mẹ nói tôi cũng vội vàng lau người. Chắc mẹ đoán tôi kiểu gì cũng dầm mưa nên lấy sẵn quần áo khô cho tôi thay. Xong xuôi đâu đó mẹ bắt tôi ăn cơm nóng ngay đề phòng cảm lạnh. Có lẽ vì thế mà những cơn mưa tuổi thơ với tôi như một cái gì đó rất thiêng liêng trong tâm hồn.

 

Những quả bưởi cũng đã đủ lớn để làm bóng. Chẳng vậy mà  mưa mùa hạ thật thú vị. Những quả bưởi chỉ khoảng bằng chiếc bát con, chúng tôi thường hái trộm nhà chú Thường, bởi nhà chú là lắm bưởi nhất. Chúng tôi hái bưởi để đá bóng nhưng cũng có ý thức, đá  cho đến khi nào quả bưởi hỏng rồi mới hái quả khác. Lý do đơn giản là để dành bưởi đến tháng tám khi bưởi chín còn có cái mà ăn trộm nữa.

 

Những “trận mưa ếch” từ đó mà hình thành. Đứa nào mặt mũi, chân tay, người cũng lấm lem. Cũng may là bãi đá bóng toàn là cỏ, nhưng thay vào đó thỉnh thoảng có bãi phân trâu, phân bò thì khỏi cần phải nói ai cũng biết. Của đáng tội, khi đã hăng lên, phân trâu, phân bò cũng không “là cái đinh gì” khi trái bóng lăn tới.

 

Tôi là một thằng láu cá, biết trước bóng sẽ lăn vào, tôi lại lao vào trước, bóng tôi chẳng đá mà nhè bãi phân trâu, phân bò mà đá. Cũng chẳng cần nói cũng biết bọn bạn sẽ như thế nào. Đứa nào đứa nấy bị phân trâu, phân bò bắn tung toé vào người, vậy là cả bọn nhằm vào tôi mà rượt.

 

Tôi chạy rất nhanh nhưng chẳng thể nào ăn thua với cả một đội bóng đang lùa tôi. Có chạy đằng trời mới thoát khỏi bọn chúng. Hình phạt mà bọn chúng dành cho tôi là tất cả  khiêng tôi vứt vào ủng trâu đằm, một cái hố rộng bằng hai cái nong lớn. Vì trâu đằm mình nhiều nên ủng một ngày một rộng và to hơn. Nước ở đưới đó toàn là phân trâu, hôi thối một cách kinh khủng. Tôi phải nín thở mà ngoi ngóp bò lên. Cả lũ nhìn tôi cười ngả cười nghiêng.

 

Những lần đá bóng như thế xong, cả bọn lại nhảy ào xuống sông Ông Na mà tắm, rồi mới trở về nhà. Hôm nào mưa rồi nắng to thì giặt luôn quần áo, vắt lên cành cây, đầm mình dưới sông đến khi nào quần áo khô mới lên bờ. Những cơn mưa tuổi thơ cứ thế đi qua tôi như một điều kỳ diệu 

 

Tháng 6 (âm lịch) này anh không lạy trời mưa

 

Em yêu dấu!

 

Như "bầy kiến" tháo chạy khỏi cơn hồng thủy. Nguồn ảnh - VNN

 

Chúng ta đều đã nghe “Tháng 6 trời mưa, trời mưa không dứt. Trời không mưa anh cố lạy trời mưa…”- giai điệu mới tuyệt vời làm sao. Anh không biết Nguyên Sa trong một hôm nào đấy đã thăng hoa đến độ, ra đời những lời thơ quá đẹp, để nhạc sĩ Thanh Tâm tải điệu đến mê hồn: “Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng, tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân…” Và từ tận đáy lòng mình, anh tin những lời có cánh kia xứng đáng dành cho bất kỳ cô gái nào đang yêu được người tình cất giọng.

 

Anh cũng không là ngoại lệ, em nhỉ?

Nhưng em à! Bây giờ đã sang tháng 6 âm lịch. Có lẽ tháng 6 này anh… không lạy cầu mưa nữa. Đừng giận dỗi và cũng đừng cho rằng dòng đời đã khiến anh trở nên khô khan. Trái tim anh vẫn dành cho em dù cứ mỗi ngày nó càng đập mạnh hơn khi anh phải “cày” nhiều hơn trước cơn “bão giá” cũng ngày càng mạnh.

 

Em biết không, con đường xưa ta chung bước nay đang rơi vào tình trạng đào lên, lấp xuống không biết khi nào ngừng nghỉ. Nếu kết thúc chuyến công tác dài ngày, hẳn em sẽ không muốn cùng anh quay về chốn cũ đầy kỷ niệm của đôi mình. Nơi ấy giờ đây chỉ còn bụi khói đầy trời, tiếng ồn đinh tai nhức óc và cả tiếng than trời của bao người. Anh công chức mỗi ngày phải đi làm bằng sơ mi trắng lầm bầm khó chịu, cô hàng phở bị ế hơn tháng nay thở dài sườn sượt, bác nhà văn già vốn khó ngủ cứ chắt lưỡi chèm chẹp… 

 

Ôi, tất cả đã khác xưa rồi em ạ!

Trời mưa. Mưa nhỏ ngập mắt cá, mưa vừa ngập đầu gối, mưa lớn ngập quá rốn…Và đi đôi với nó là tình trạng kẹt xe. Những ngả đường ngập… lúc nhúc xe như "bầy kiến" tháo chạy khỏi cơn hồng thủy. Anh thực sự lo lắng cho những người như chúng ta- vừa chạy ngập vừa sợ trễ máy bay, trễ giờ đón con, trễ buổi cơm cho gia đình,…

 

Anh còn lo lắng hơn khi những bệnh nhân trên xe cứu thương đang nguy kịch cần đến ngay bệnh viện phải phó mặc số phận cho… ông trời với một niềm mong muốn duy nhất- nước rút (!) Anh thương cậu sinh viên cuối xóm đến mùa thi mà cứ tát nước liên hồi sức đâu mà học(?) Anh thương cả những người già vốn xương cốt không mấy khỏe mạnh lại gánh thêm các bệnh về thấp khớp và da liễu nơi tay chân. Vân vân và vân vân...

 

 

 Tháng 6 này anh không lạy cầu trời mưa. Nguồn ảnh - VNN

 

Anh không biết thiệt hại kinh tế của mỗi lần “thiên tai” thế này là bao nhiêu nhưng anh đoan chắc rằng số lương mà chúng ta bị trừ hàng tháng vì đi trễ không hề nhỏ. Mà mấy đồng lương còi của chúng mình thì làm sao so sánh được với bao nhiêu là tiền thuế của dân xứ mình.

 

Không biết em còn nhớ chúng ta đã từng bốn lần đi súc máy, năm lần sửa bugi và vô số lần tắc máy xe vì ngập nước hay không? Không biết em còn nhớ chúng ta đã tím tái làn da vì lạnh, tóc chải chuốt mượt mà bết cả lại hay không? Không biết em còn nhớ cảnh lãng… xẹt như trên phim, khi anh bế em qua vũng nước ngập và… trượt chân vì một cái cống không có nắp nào đó hay không?

 

Em ạ, anh nhớ rất rõ và anh tin rằng mình đã khám phá ra được “thủ phạm”, Chúng có những cái tên dài ngoẵng và hết sức khéo léo như “Tôi sẽ trả lời khi có báo cáo đầy đủ”, “Chúng tôi đang xem xét phương án khác”, “Đây là vấn đề của tất cả các bên”.… Hoặc những lời tự bào chữa hết sức thuyết phục “đầy tính khoa học” như “Nguyên nhân khách quan”, “Tiến độ chậm”, “Thiếu sót trong hoạch định”,..v.v..

 

Nói theo ngôn ngữ tuổi teen bây giờ, là… bótay.cơm!

 

Anh còn định viết cho em nhiều, nhiều hơn nữa nhưng bóng mây xám xịt cuối chân trời kia đã báo hiệu cơn mưa to lắm. Đành gác bút với xiết bao nỗi lòng chưa tỏ hết cùng em. Hãy hiểu cho anh, em nhé, tháng 6 này anh sẽ chẳng cất giọng “Trời không mưa anh cố lạy trời mưa” như trước nữa, dù vẫn rất yêu em! Anh sợ…

 

P/s: Em nhớ mang một ít thuốc bôi chống viêm da, mấy cái áo mưa dự phòng cùng vỉ thuốc cảm liều cao trước khi ra khỏi nhà nhé. Tình yêu của anh!

 

  • Lê Văn Bảo- Tám Điều

 
Ý kiến đóng góp và bài vở gửi cho Thư Hà Nội xin liên hệ với địa chỉ:
(Xin mời tác giả bài Mùa sấu, công tác tại Báo Hà Nội mới, liên hệ với địa chỉ này)
 
 
Ý kiến bạn đọc:

 

 

 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,