,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
1085050
Về những "sát thủ" ở một thành phố hòa bình
1
Article
null
,

Về những 'sát thủ' ở một thành phố hòa bình

Cập nhật lúc 03:07, Thứ Ba, 15/07/2008 (GMT+7)
,

 - Chuyện về cái chết của những con sẻ nâu trong thành phố của chúng ta là chuyện nhỏ phải không? Chuyện về việc một tiến sĩ và những sinh viên xâu xé những bông hoa anh đào (Nhật Bản) trong triển lãm Giảng Võ mùa xuân vừa rồi còn nhỏ hơn… Nhưng… những chuyện rất nhỏ ấy chính là những chấm hoại tử không nhỏ trong cơ thể văn hóa của một đất nước, một thủ đô được gọi là thành phố hòa bình.

 

Cái tít bài tôi đặt như là tên một bộ phim hành động của Hollywood. Nhưng nếu tôi đặt một cái tên bằng một cụm từ mỹ miều hay to tát nào đó thì có lẽ rất nhiều bạn đọc sẽ bỏ qua những điều tôi sẽ viết dưới đây. Những điều tôi sắp viết có thể trong mắt nhiều người là những điều vụn vặt không đáng nói. Có thể một nhà quản lý nào đó của thành phố này sẽ bực dọc: “Chúng tôi đang bận bao việc to lớn mà lại mang cái việc bé bằng hạt tấm ra mà nói”.

 

Thành phố này là thành phố nào?

-         Đó là thủ đô Hà Nội yêu dấu của chúng ta.

Cái việc bé bằng hạt tấm là việc gì?

-         Đó là việc liên quan tới những con sẻ nâu bé bỏng.

Và tôi muốn nói về cái chết của những con sẻ nâu ấy.

 

Thành phố hoà bình. Ảnh: nettra.vn

 

Cách đây vài năm, tôi nhớ là như thế, Hà Nội được gọi là thành phố hoà bình. Nhưng trong thành phố hoà bình ấy, tôi đã từng chứng kiến những công dân của thành phố vác súng hơi săn tìm những con sẻ nâu trở về làm tổ trong những mái nhà và bay lượn trong những vòm cây. Vào mùa hạ, bầy sẻ nâu như đông hơn. Đó cũng là mùa sinh nở của chúng.

 

Có những người đàn ông mặc soọc trắng, áo pull hàng hiệu, đi giày thể thao Adidas, tay lăm lăm khẩu súng hơi 12 ký, săm soi tìm những con sẻ nâu và những con chim khác để tiêu diệt. Tôi đã thấy những người đàn ông khoác súng hơi, đi xe máy Dylan hoặc SH và một dây những chú sẻ nâu bị bắn chết treo ở xe.

 

Trên đường về nhà sau chuyến đi săn, họ ghé vào một quán bia hay cà phê như để tự thưởng cho chiến công của họ. Những người trong quán nhìn thấy dây chim sẻ nâu dài thì ồ lên vẻ thán phục. Hình như không có ai cảm thấy day dứt về những con chim bị đạn chì bắn vỡ ngực.

 

Những người tìm giết những con chim bé bỏng ấy không phải là những kẻ đói khát. Việc bắn vỡ ngực những con sẻ nâu là thú tiêu khiển của họ. Họ mệt mỏi khi đọc một cuốn sách, khi xem một bức tranh, khi nghe một bản nhạc, khi chăm sóc một cái cây… nhưng bắn giết những con chim vẫn sáng sáng hót vang trong những vòm cây thành phố lại là niềm hứng khởi của họ. Đó là một niềm hứng khởi ma quỷ.

 

Ảnh - tưlieu.bachkim.vn

 

Những “sát thủ” vô cảm của bầy sẻ nâu kia là ai? Đương nhiên, họ không phải là những người nghèo. Vì nghèo thì làm gì có tiền mua súng. Người sở hữu những khẩu súng hơi nhãn hiệu của Đức chỉ thuộc hai loại: người giàu có và những công chức khá giả. Nghĩa là, hầu hết họ thuộc những người có học hành chứ không phải những người ít được giáo dục.

 

Lúc này, tôi nhớ là hình như trong sách giáo khoa phổ thông không có những bài học về cái thế giới kỳ diệu của côn trùng và chim muông. Và bao nhiêu năm nay, trên nhiều kênh truyền hình, người ta quảng cáo về các game thủ chứ đâu có ai nói về những con chim đang chết dần chết mòn trong những vòm cây thành phố.

 

Đã nhiều lần tôi (và cả chúng ta) chứng kiến trên hè đường ở ngay cạnh Hồ Gươm một cảnh tượng hãi hùng. Một người ngồi bán những con sẻ nâu còn sống. Những con sẻ nâu bị vặt trụi lông đứng run rẩy bên nhau như những đứa trẻ con bị lột truồng trong gió rét. Trong khi đó, người bán hàng điềm nhiên lôi những con sẻ nâu khác từ trong lồng ra và tiếp tục vặt lông.

 

Nhưng cảnh tượng ấy hình như không gây nên bất cứ cảm giác gì với những người đi đường. Và rồi, một người béo tốt nào đó, ăn mặc sang trọng dừng lại mua những con sẻ nâu đã vặt trụi lông đang rúc vào nhau và tươi tỉnh xách đi. Họ đang nghĩ về một bữa tối có bia lạnh hay rượu vang đỏ nhấm nháp với những con sẻ nâu bị vặt trụi lông vũ như những đứa trẻ cởi truồng được chiên vàng.

Những chú chim để... chiên bơ? - Ảnh: vietbao.com

Không ít nhà hàng ở Thủ đô Hà Nội, các nữ tiếp viên xinh đẹp nồng nhiệt giới thiệu với khách món đặc sản của họ: Chim sẻ chiên bơ. Và không chỉ mình tôi mà rất nhiều người trong chúng ta đã chứng kiến những vị khách đeo caravat nhai rau ráu những con sẻ nâu chiên vàng làm mỡ tứa ra hai bên mép.  

 

Tôi không nói thì mọi người đều biết những vị khách ẩm thực kia thuộc loại người nào trong xã hội. Tuy nhiên tôi vẫn phải nói: họ là những người có tiền và có vị trí trong xã hội. Chính thế mà tôi mới cảm thấy rùng mình về một cái gì đó thuộc về văn hoá trong đời sống của chúng ta. Nếu những người ăn những con sẻ nâu kia là những người ăn mày thì chúng ta có thể tha thứ. 

 

Những con sẻ nâu bị đạn chì bắn vỡ ngực hay bị vặt trụi lông vũ, khi còn sống chưa bao giờ trở thành đề tài của chúng ta. Có lẽ người ta nghĩ những con sẻ nâu quá vớ vẩn và chẳng có một chút ý nghĩa gì trong sự phát triển một một đô thị hiện đại. Rằng họ phải lo những điều lớn lao. Nhưng họ đã sai lầm - một sai lầm có thể nói là hệ trọng. 

 

Việc hành xử với những con sẻ nâu bé bỏng kia đã để lại một lỗ thủng không nhỏ trong tâm hồn con người và trong đời sống văn hoá của chúng ta. Sự bắn giết và ăn thịt những con sẻ nâu chỉ là một ví dụ trong muôn vàn ví dụ khác. Và cái lỗ thủng tâm hồn ấy cũng chỉ là một trong muôn vàn lỗ thủng tâm hồn khác của các công dân trong một thành phố vốn chứa đựng một nền văn hóa lâu đời.

 

Toà tháp đôi khổng lồ đến nhường kia mà sau khi bị sụp đổ, người ta đã đang bắt đầu xây dựng những toà nhà khổng lồ hơn thế. Chỉ vài ba năm nữa, chúng ta sẽ được chứng kiến sự xuất hiện của những toà nhà khổng lồ ấy. Nhưng  một lỗ thủng lớn trong tâm hồn con người sẽ mất bao lâu thời gian để hàn gắn lại?

 

Chúng ta đang mắc rất nhiều sai lầm trong chiến lược về con người. Và mỗi ngày, chúng ta đã được chứng kiến hậu quả của những sai lầm ấy. Nhiều lúc, chúng ta không tìm được cách lý giải vì đâu mà con người hôm nay trở nên hiếu sát, cay nghiệt và vô cảm hơn hôm qua.

 

Xâu xé những bông hoa anh đào Nhật Bản. - Ảnh: VNN
Chúng ta thấy sự cay nghiệt và vô cảm ngay trong chính ngôi nhà của mình. Bạn phải thừa nhận với tôi điều ấy và xin đừng ngụy biện. Nhưng tôi tin rất nhiều người đồng ý với tôi về sự thật này. Nếu con người biết yêu một con chim thì sẽ biết yêu một con người. Đấy là một chân lý đơn giản mà ai cũng biết dù bây giờ quá ít người muốn nghe.

 

Chuyện về cái chết của những con sẻ nâu trong thành phố của chúng ta là chuyện nhỏ phải không? Chuyện về việc một tiến sỹ và những sinh viên xâu xé những bông hoa anh đào (Nhật Bản) trong triển lãm Giảng Võ mùa xuân vừa rồi còn nhỏ hơn. Chuyện các công dân thành phố này vứt những con chuột chết ra đường còn nhỏ hơn nữa. Chuyện một người trẻ không chịu nhường chỗ cho một người già trên những chuyến xe buýt thành phố lại còn nhỏ hơn nhiều…

 

Và nhiều người trong chúng ta chẳng hề cảm thấy những việc trên có ảnh hưởng gì đối với họ hay đối với công cuộc hiện đại hóa thành phố. Nhưng họ không biết rằng, những chuyện rất nhỏ ấy chính là những chấm hoại tử không nhỏ trong cơ thể văn hoá của một đất nước, một thủ đô được gọi là thành phố hòa bình. 

  • Nguyễn Quang Thiều 
Ý kiến đóng góp và bài vở gửi cho Thư Hà Nội xin liên hệ với địa chỉ:
 
 
PHẢN HỒI CỦA ĐỘC GIẢ VỀ BÀI VIẾT:
 

Ho ten: Roket

Dia chi: Hà Nội

Email: rocketsize@...

Tieu de: Làm gì trưứoc

Noi dung: Nếu ở đâu đó trên thế gian này, người nào đó nói rằng có một dân tộc Việt Nam nhỏ bé đã từng đánh bại những đế quốc vào loại hùng mạnh nhất thế giới, hẳn lúc đó bạn sẽ ngẩng cao đầu và tự hào vì bạn là người VN. Nếu có người ngoại quốc nào đó nói rằng đã từng đến mảnh đất VN, và ở nơi đó còn thấy rất nhiều người vác súng săn hồn nhiên đi bắn những chú sẻ nâu nhỏ bé, không có khả năng tự vệ, đang líu lo ngay giữa TP để làm "mồi" nhậu giống hệt như những bộ tộc sống giữa rừng xanh. Hoặc chỉ ở VN mới có cái cảnh xảy ra vụ tai nạn đụng xe thì rất nhiều người xúm lại xem, nhưng chẳng ai nâng người bị nạn, gọi cấp cứu, họ vui tươi, hớn hở như được xem phim hành động miễn phí và thảo luận với nhau rằng:" thằng này, con kia đi ngu thế !", hoặc đại loại là: "phí quá, cái xe mới thế kia mà bị xây xát hết cả", thậm chí có nhiều kẻ khốn nạn còn hào hứng xem nạn nhân có bị văng đồ ra ngoài không để nhanh tay, nhanh mắt…nhặt. Tôi chắc rằng, lúc này, bạn sẽ không dám lớn tiếng nhận bạn là người VN, thậm chí sẽ cố gắng nói thứ ngôn ngữ khác nếu có thể. Đọc chuyện của Ông Thiều xong, tôi như cảm thấy như người bị…nhổ một bãi nước bọt to  vào mặt, vì đi đâu, tôi cũng tự hào mình là người HN gốc. Nhưng thế mà lại thấy vui !!! Vì còn có người nhổ vào mặt mình, hóa ra mình vẫn là con người. Trong câu chuyện kia của Ông Thiều, chỉ đơn giản những kẻ đi bắn chim sẻ được thỏa mãn cảm giác mạnh của người đi săn, họ cũng không phải là những đứa trẻ lên 5 lên 3 nữa, hay bản tính của người Việt Nam chúng ta là hiếu sát ? Còn những quan khách ăn mặc sang trọng, ngồi nhà hàng, trả tiền và ăn những chú chim sẻ kia họ nghĩ gì nhỉ ? Đúng là tiền có thể mua được sách nhưng không mua được trí thức ! Tôi cũng không phải là ngoại lệ, bởi vì tôi cũng đã từng ăn những chú chim sẻ tội nghiệp kia. Buồn quá ! Nhục nhã quá ! Người ta nhổ vào mặt cũng đáng lắm. Nhưng mà lại vui quá, vì bài học này không mất tiền mua. Nếu ai đó hay đi qua con đường Hoàng Hoa Thám – Hà Nội, đoạn công viên Bách thảo, từ Văn phòng Chính phủ tới đầu dốc Ngọc Hà ( ngay gần Bộ Nông Nghiệp & Phát triển Nông Thôn) sẽ được thấy cảnh những người rải rác cầm cả sâu dài những con chim tội nghiệp đủ các loại, đã bị vặt trụi lông, đỏ hỏn, kêu yếu ớt. Họ giơ vào mặt những người đi đường, chào mời thật nhiệt tình, mua bán, mặc cả, kết cục là những chú chim đó sẽ vào nồi và thành món nhậu. Nếu hôm nay họ không bán được thì sao ? Không sao, mai lại đem ra bán, vẫn những chú chim đã bị vặt trụi lông đó. Khi nhìn thấy, tôi đã rùng mình và cảm giác rằng nếu mình bị tra tấn bằng cách không giết chết ngay mà lột hết da rồi phơi ngoài nắng thì sẽ ra sao nhỉ ??? Chắc chỉ có bọn phát xít hoặc dưới 9 tầng địa ngục mới có kiểu tra tấn này, thôi cố sống làm sao để mình không phải xuống địa ngục ! Năm ngoái, ngay giữa chiến dịch cúm gia cầm đang lên tới đỉnh điểm, hàng ngày đi qua vẫn thấy khoảng chục người đứng bán chim sống đã vặt trụi lông, bức xúc quá, tôi vác máy ảnh ra định làm vài kiểu chơi, gửi cho mấy bác bên Bộ NN&PTNT. Đâu ngờ, đang loay hoay chụp cảnh một chị giơ sâu chim đỏ hỏn vào mặt khách đi đường để chào mời thì anh chồng cũng đứng bán cách đó khoảng 20m chạy lại dọa đập máy ảnh, thế là bất đắc dĩ phải dở giọng ... xã hội đen ra để…tự vệ, kết cục là phải dùng đến kế chuồn, vì nhiều người dừng lại xem và số đông đều nói rằng mình là đồ rỗi hơi đi chọc ngoáy vào việc kiếm ăn của người khác. Kể ra thế cũng phải, bởi vì các cán bộ của mấy cơ quan lớn gần đó họ còn chẳng có ý kiến nữa là mình. Mà họ có đi qua đó thì họ ngồi trên ôtô dán nilon tối om nên không nhìn thấy, hoặc chăng là do ôtô chạy nhanh quá nên không kịp để ý thôi, cũng có thể họ còn đang mải lo các dự án rất lớn.

 

Ho ten: Cẩm Nguyên

Dia chi: Dalat

Email: dao@...

Tieu de: Càng ngẫm càng đau

Noi dung: Tác giả (chắc là nhà văn) NguyễnQuang Thiều như tôi biết có một ý kiến rất nhỏ mà song chấn lay động đến nhiều tâm can bạn đọc ! Cảm ơn anh, thêm một lần bỏ hạt muối vào thành ruột lương tri ! Tôi đau, và chắc nhiều người cũng đau với anh Thiều. Dẫu vẫn biết, xung quanh mình không ít người vô cảm (cố ý và cả vô tình). Một luận đề mà tôi đã đọc rất lâu rồi, chợt hiện về: Con người - càng văn minh thì càng dã man ! Trong trường hợp anh Thiều khắc khoải đã phần nào minh chứng. Tôi cũng chợt hơn một lần nhớ lại một thời từ gốc rạ đồng quê miền Trung ra sống ở Hà Nội để nhận ra một điều (mà cũng nhiều người nhận ra, thốt lên), rằng: ghẻ lạnh của hàng xóm kiểu sống chết mặc bay; xỏ xiên, mẹo luật trong ứng ...Và bây giờ, tôi gặp lại ông bạn học cùng lớp phổ thông cách đây hơn 30 năm, hiện là cán bộ giảng dạy trường ĐH lớn HN nói; "tao bây giờ khác xa hồi xưa rồi" ! Hắn tự thú với tôi và còn nói : "Mày chưa đắc nhân tâm!". Tôi hiểu , bởi tôi đã và mãi chỉ là kẻ nhà quê- mặc dù tôi là người cầm bút. Bất chợt tôi sờ sợ cái gọi là "đắc nhân tâm " của ông bạn trí thức hạng nặng của mình !

 
Ho ten: Bình Minh
Dia chi: Hà nội
Email:
Tieu de:
Noi dung: Bài viết thật hay, 10 điểm, ông Nguyễn Quang Thiều lên làm bộ trưởng văn hoá thì VN được nhờ biết mấy. Hiện nay những điểm hoại tử có khắp nơi trên cơ thể nước VN, mong rằng chúng ta cùng nhìn ra và cùng chung tay khắc phục. Tôi quyết không bao giờ ăn thịt chim nữa. Cảm ơn anh Thiều, cảm ơn Thư Hà Nội đã đăng một bài viết lay động lòng người.
 
Ho ten: Bau Le
Dia chi: Binghamton-NY-USA
Email: le_nguyen_41@
Tieu de: Nen di du lich sang Singapore
Noi dung: Toi tin se co mot ngay, nhung khung hinh luat de bao ve moi truong, dong thuc vat cua nuoc ta se duoc ban hanh them chat che va nghiem tuc thuc thi. Phat trien dat nuoc len tam vy mo, nhung phai song hanh tu vi mo.
 
Ho ten: ManhQuan
Dia chi: Hà Tây
Email: quan_tempbox@...
Tieu de: Không bất ngờ lắm!
Noi dung: Tôi không bất ngờ với việc những "sát thủ" là những người đi SH, Dylan. Điều này thể hiện ở bất cứ đâu ta có thể thấy. Vào những nhà xe, những chiếc xe dựng giữa lối đi kềnh càng là những @, SH... Đi đường phố, hoặc trong ngõ nhỏ, buổi tối, những chiếc xe bật đèn chiếu xa chói loá cũng là những xe ga đắt tiền. Nhiều tiền, được ăn học cẩn thận nhưng chưa chắc đã tỉ lệ thuận với nhận thức và hành vi văn hóa.
 
Dia chi: đức lạc-đức thọ-hà tĩnh
Email: hoangga15@.
Tieu de: Thật sự buồn
Noi dung: Tôi cũng đã có thời gian sống ở Hà Nội và tôi cũng đã rất nhiều lần đi qua đường Thuỵ Khuê đoạn trước công viên Bách Thảo, nơi mà tôi thấy hàng ngày họ bán rất nhiều thứ nào là rắn, chim sẻ, và rất nhiều loại chim tự nhiên khác để làm thịt. Tôi thực sự buồn vì nơi đó cách không xa là ngôi trường Chu Văn An danh tiếng. Hy vọng moi người cùng lên tiếng nói và hành động
 
Ho ten: Le Quang Thoi
Dia chi: Kon Ray _ Kon Tum
Email: quangthoikr@...
Tieu de: Trong len va trong xuong
Noi dung: Tôi lại nhớ đến lời các cụ ngày xưa: "Trông lên mình chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình" để rồi mình tự an ủi mình. Những việc bé tí kia mình làm và không làm có ai khen, ai chê; đã có chế tài gì đâu mà mình sợ. Người ta nói: bần quá hoá liều. Ấy là khi người ta thấy một số người vì bần cùng quá, vì cuộc sống mưu sinh mà phải làm một việc vi phạm pháp luật, xã hội lên án và chính bản thân mình khi làm việc đó phải day dứt. Việc bắn những con chim sẻ nâu kia có nghĩa lý gì. Chim trời - cá nước, người ta còn dùng súng, bẫy để bắt những đàn chim bồ câu (những đàn chim bồ câu kia chắc chắn đến 98% là có chủ) ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật. Việc làm này có vi phạm pháp luật không đấy? Lại trông đến người ta. Có những thành phố chim câu bay rợp trời, quấn lấy chân du khách. Bao giờ mình được như thế nhỉ. Có thành phố nào, quốc gia nào cấm những hành động săn hại những đàn chim tại thành phố không nhỉ? Có đấy chứ. 
 
Ho ten: Nguyễn Hữu Phước
Dia chi: Bến tre
Email: phuocnguyen1608@...
Tieu de:
Noi dung: Tất cả những hiện tượng mà tác giả nêu trong bài viết này là một sự thật đáng buồn và nhục nhã. Nó nói lên một điều đã đến lúc phải báo động đỏ: Đạo đức xã hội ta hiện nay đã xuống dốc một cách thậm tệ.
 
Ho ten: nguyen xuan long
Dia chi:  hanoi
Email: long @...
Tieu de:
Noi dung: Tôi hoàn toàn nhất trí quan điểm của tác giả. Tôi đã từng học tập ở nước ngoài và cho rằng ở ta còn quá nghèo nhưng không chịu khiêm tốn học hỏi. Nói hay, làm chẳng ra gì. Tham nhũng nhiều, quan không tận tâm với nước với dân, mua quan, mua chức vơ vét tiền của.

Ho ten: Tiêu Nghề
Dia chi: TP. Nha Trang, Khánh Hòa
Email: tieunghe@...
Tieu de: Một trong những tế bào ung thư được Nguyễn Quang Thiều cảnh báo!
Noi dung: Trước hết tôi rất vui mừng về bài viết của Nguyễn Quang Thiều. Đây như là sự cảnh báo về căn bệnh ung thư. Hà Nội đã đánh mất niềm tin và tình yêu của cả nước từ những việc như thế này, từ việc xây tường chặn nhà hàng xóm, từ việc vườn bách thú mở quán vô tội vạ, từ việc đấnh đập con ở suốt 10 năm, từ việc coi thường CSGT và Luật đường bộ Việt Nam ngay giữa Hà Nội... Thành Ủy và UBND TP. Hà Nội vẫn để cho nhân dân trông chờ vào sự "ra tay" có hiệu lực của họ.

Ho ten: mai le hoang
Dia chi: thanh hoa
Email: lehoang @...
Tieu de:
Noi dung: Tôi đồng tình với tâm tư tình cảm của tác giả, nếu mỗi một người dân Việt Nam đọc và suy nghĩ về vấn đề này thì xã hội Việt Nam văn minh đến nhường nào?

Ho ten: Minh
Dia chi: HCM
Email: caominh8004@...
Tieu de:
Noi dung: Cám ơn tác giả bài báo đã chạm vào một trong những nổi buồn và xấu hổ của mỗi công dân ... Càng ngày càng có những bài báo tâm huyết và sâu sắc về những vấn đề dân sinh quan, và đã đến lúc chúng ta cần những hành động, những chiến dịch mạnh hơn, hình như xã hội càng hiện đại và vật chất hóa thì con người dễ bị vô cảm và lạnh nhạt hơn chăng? Cần có những sợi dây kết lại để hâm nóng tính nhân bản trong mỗi chúng ta... Hãy để những người tâm huyết đầy tri thức và nhân văn kết nối tính nhân văn đó! Tôi vẫn tin một ngày đầy nắng...

Ho ten: imagineland
Dia chi: imagineland
Email: imagineland@...
Tieu de: Chim sẻ
Noi dung: Tôi cũng từng nhìn thấy người ta bán chim sẻ ở lề đường thành phố. Quả thật, nhìn một xâu chim sẻ còn sống nhưng đã bị vặt trụi lông, run rẩy và xám ngoét đem lại cảm giác ghê sợ. Thêm nữa, vấn đề ở đây là tính nhân văn của con người trước bất kỳ sự vật, sự việc xảy ra trước mắt chúng ta. Đôi khi, "chuyện nhỏ" như thế này lại có thể ảnh hưởng rất lớn đến chúng ta. Hãy thử nghĩ, "những đứa trẻ" lớn lên với những tâm hồn vô cảm, khi trưởng thành chúng sẽ trở thành những con người thế nào?

Ho ten: Nguyen Van Tuan
Dia chi: Me Linh-Vinh Phuc
Email: tuannv@...
Tieu de: Gui bac Thieu
Noi dung: Chau rat tam huyet voi noi dung cua bac, xin cam on bac!
 

Ho ten: Nguyen Hoang Quan
Dia chi: Hanoi
Email: knt758002@...
Tieu de:
Noi dung: Bài viết của bác Thiều đã phản ánh một thực tế đáng xấu hổ đối với một TP vì Hoà Bình như Hà Nội. Giống như phản ánh bạn hoangga15@ ở trên, hàng ngày đi làm, đi chơi qua đầu đường Hoàng Hoa Thám đoạn nằm cạnh công viên Bách Thảo tôi thấy không hiểu sao tại một trung tâm văn hoá, chính trị của một đất nước, một thủ đô nghìn năm tuổi và một thành phố vì hoà bình lại tồn tại những hình ảnh, việc làm ngược lại hoàn toàn so với những danh tiếng của Hà Nội. Bên cạnh một công viên xanh tốt, đa dạng thực vật như công viên Bách Thảo, một nơi lý tưởng cho chim chóc đến làm tổ tạo một cảnh quan lý tuởng cho TP. Bên kia đuờng là các chị các cô cầm trên tay những con chim (nhiều loại) đã được vặt trụi lông, nhiều con chỉ nhỏ bằng ngón chân cái đang giẫy dụa. Người mua thì đủ loại cán bộ công chức, công nhân, ngưòi già, thanh niên... Xa hơn công viên Bách Thảo là công viên Lênin, nơi có tượng dài Lênin là nơi mà thỉnh thoảng vào dịp lễ tết có các anh chị bên công viên cây xanh xếp những chậu hoa màu vàng thành doàng chữ THÀNH PHỐ VÌ HOÀ BINH. 

Ho ten: nguyen ban
Dia chi: trung tu ha noi
Email:
Tieu de:
Noi dung: Xin lỗi tác giả Nguyễn Quang Thiều, cháu đồng ý với chú về nhưng sự thật trên là hoàn toàn chính xác. Nhưng duy nhất có một điều cháu không đồng ý là chú đã bao che cho họ (Những “sát thủ” vô cảm của bầy sẻ nâu kia là ai? Đương nhiên, họ không phải là những người nghèo. Vì nghèo thì làm gì có tiền mua súng. Người sở hữu những khẩu súng hơi nhãn hiệu của Đức chỉ thuộc hai loại : người giàu có và những công chức khá giả. Nghĩa là, hầu hết họ thuộc những người có học hành chứ không phải những người ít được giáo dục). Họ không phải như vậy mà họ là những người giả vờ có học, có giáo duc thôi.. 

Ho ten: TÔ THƯỞNG
Dia chi: 52 Nguyễn Phi Khanh, Q1, TP HCM
Email: tothuong06@...
Tieu de: Rất cảm ơn ông Nguyễn Quang Thiều
Noi dung: Những hành động của những người "có văn hóa" mà ông Thiều nêu là những tế bào ung thư, nó đang âm thầm hủy hoại của cơ thể sống có nền văn hóa rực rỡ của dân tộc VN, nếu nó không được những người có trách nhiệm ở Bộ Văn Hóa sớm ngăn chặn bằng luật lệ. Đã có thời những kẻ có học đó "xuất khẩu" thứ văn hóa sang các nước Đông Âu bằng cách bắt trộm chim bồ câu, chó, mèo... về ký túc xá ăn thịt! Thật là xấu hổ cho một dân tộc đối với những ai có lòng tự trọng dân tộc! 

Ho ten: Tran Quoc Thuong
Dia chi: Yen Ho Duc Tho -Ha Tinh
Email: Thuongyenho@...
Tieu de: Tre em que toi
Noi dung: Tre em que toi gia dinh lam nong.Chim se van thuong hay an thoc cua gia dinh nhung cac em khong bao gio san bat no. O thanh pho khong hieu vi sao ho lai thich tan sat chim se nhu the?May ong hoc hanh nhieu va giau co nen suy nghi lai. Cam on tac gia Nguyen Quang Thieu.

Ho ten: Nguyen Tung
Dia chi: Hai Duong
Email:
Tieu de:
Noi dung: "Những con sẻ nâu bị vặt trụi lông đứng run rẩy bên nhau như những đứa trẻ con bị lột truồng trong gió rét". Lieu con nguoi co bao gio muon minh bi doi xu nhu vay khong? 

Ho ten: nguyenthanh
Dia chi: Ha Noi
Email: nguyenthanh.fs@...
Tieu de: cuoc song cua Chim Se và cuoc song nguoi dan
Noi dung: Bài viết thật hay, từ cuộc sống của chú Chim Sẻ khiến tôi lại nghĩ đén cuộc sống của người dân từ nông thôn đến thành phố. Loài Chim vô tội bị giết bất cứ lúc nào để thoả mãn thú tiêu khiển của những người được coi là có tiền có học vấn. Còn người dân thì đang bị huỷ hoại hàng ngày bởi việc ô nhiễm từ nguồn nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng động rồi đến thực phẩm rau quả nhiễm độc. Không ai quản lý cả vi có cơ quan quản lý thì họ không đủ năng lực quản lý hoặc cố tình không làm đúng trách nhiệm của mình.


Ho ten: VTT
Dia chi: Hà Nội
Email:
Tieu de: !!!
Noi dung: Cám ơn chú Thiều đã có một bài viết hay. Cháu là một sinh viên, hiện đang học về văn hoá nước ngoài đặc biệt là các nước phương Đông. Cháu đã tiếp xúc với rất nhiều người bạn nước ngoài khi họ sang VN, cháu đã dẫn họ đi thăm Hà Nội. Và thực sự là, nhiều lúc cháu thấy rất xấu hổ khi phải trả lời những thắc mắc của họ về hành động thiếu ý thức của nhiều người trên đường phố. Lúc đang đi bộ trên một đoạn phố đẹp, có người mang nước hàng ra đổ ngay trên lòng đường...hay trên tàu thăm vịnh Hạ Long nổi tiếng thế giới, du khách người Việt rất tự nhiên vứt vỏ bánh xuống biển...Cháu rất mong rằng có một quy định hay một biện pháp nào đó để hạn chế những hành vi thiếu ý thức của khá nhiều người dân ta hiện nay.

Ho ten: Luong van Lo
Dia chi: SAPA Lao cai
Email:
Tieu de: ve bai viet cua Nguyen Quang Thieu
Noi dung: Toi hoan toan tan dong voi suy nghi va noi dung bai viet cua anh Thieu . Nam 2000 toi co sang Duc tham con va cac chau toi ,toi tranh thuc cuoc cho cac chau mot mieng vuon nho trong hoa va trong co , chang may cuoc phai mot con giun dut lam doi , dung luc ay chau gai toi di hoc ve nhin thay chau toi da khoc oa len va be con giun do di chon can than , chau toi la nguoi VN vi bo me no la nguoi VN , nhung duoc giao duc yeu quy cac loai vat tu be nen da co hanh dong do . Cho hay tat ca do giao duc ma nen . Hien tai giao duc chua lam tot viec nay thi phai kem them che tai nao do de buoc moi nguoi tuan thu chu nhi

Ho ten: Lê ngọc Thanh
Dia chi: Thăng long
Email: Thanhln62@...
Tieu de:
Noi dung: Bài viết của tác giả rất hay , nên chăng cần có một cơ quan nào đó quản lý về vấn đề này để Hà Nội của chúng ta không chỉ là thành phố hòa bình mà là thành phố văn hóa , thanh lịch mang đậm nét truyền thống Việt Nam .
 

  
Ý kiến bạn đọc:
 
 

 

 

 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,