Sự thành tâm không có chỗ cho dối lừa
- Sau sự kiện các nam thanh nữ tú Hà Nội thản nhiên vặt trụi không thương tiếc cả ba cây hoa anh đào…nay lại đến sự kiện bánh dầy trong lễ giỗ Quốc tổ được nhét đầy mút xốp… Đó không chỉ là hành vi thiếu văn hoá, mà có gì đó như một sự dối lừa… “Văn hoá vặt trụi” và “văn hoá dối lừa”
Bánh chưng, bánh dầy khỏng lồ . Ảnh: Dân Trí |
Mấy ngày nay, hàng triệu con dân nước Việt choáng váng trước thông tin về cặp bánh chưng- bánh dầy khổng lồ của thành phố Hồ Chí Minh mà Công ty văn hoá Đầm Sen là tác giả, để cung tiến các Vua Hùng trong ngày Quốc giỗ- 10- 3 âm lịch vừa qua.
Cặp bánh chưng- bánh dầy có trọng lượng và kích thước lớn nhất từ trước đến nay. Chiếc bánh chưng nặng gần hai tấn,còn chiếc bánh dầy nặng gần một tấn (tính cả khung sườn bằng sắt và đế chiếc bánh), nhưng bánh chưng thì bị vữa, lên men có mùi khó chịu, còn bánh dầy bị mốc xanh, đặc biệt chỉ bên ngoài là một lớp bột mỏng, còn bên trong bánh hoàn toàn được làm bằng…mút xốp (!)
Sau phút choáng váng vì bị bất ngờ đến lặng người, là sự giận dữ, phẫn nộ bùng nổ. Hàng trăm email, ý kiến bạn đọc tới tấp gửi về toà soạn các báo mạng.
Sau sự kiện các nam thanh nữ tú Hà Nội khi đến thưởng ngoạn đã thản nhiên vặt trụi không thương tiếc cả ba cây hoa anh đào lớn- quà tặng thân thiện của nước Nhật, khiến những người có văn hoá, ngưỡng mộ cái đẹp quá xấu hổ vì “nỗi nhục quốc thể”, mà một tờ báo đã phải chua xót gọi là “văn hoá vặt trụi”...nay lại đến sự kiện bánh dầy trong lễ giỗ Quốc tổ được nhét đầy mút xốp.
Lại thêm một vụ việc làm đau đớn, làm tổn thương hàng triệu con người yêu văn hoá tâm linh, hướng về ngày giỗ Quốc tổ với tất cả tấm lòng tự hào, yêu thương và thành kính Tổ tông. Đó không chỉ còn là hành vi thiếu văn hoá, mà có gì đó như một sự dối lừa.
"Văn hoá vặt trụi” và “văn hoá dối lừa”.
Tôi bỗng nhớ đến tuổi thơ.
Mỗi lần có cúng giỗ, để ý, tôi thấy mẹ và dì tôi, ngay cái cách chọn hoa quả cũng rất cẩn trọng, thành kính. Hoa quả bao giờ cũng phải thật tươi ngon, nhất là những thức quả đầu mùa, chưa ai được nếm. Cho đến cách bày biện mâm cơm cúng trên ban thờ, mẹ và dì tôi cũng rất nâng niu, rón rén đi lại, như sợ sự khinh suất sẽ làm kinh động đến người đã khuất. Cả mẹ và dì đều mặc áo dài, trang trọng như một nghi lễ khi thắp hương khấn vái.
Nhưng cũng có những ngày thắp hương, tôi chỉ thấy mấy bông hoa tươi và chén nước trắng. Thấy tôi hỏi, mẹ xoa đầu tôi, nói khẽ: “Cần nhất là sự thành tâm thôi con ạ. Chứ “các cụ” cũng có sống lại được để thưởng thức đâu”. Tôi thấy mẹ thở dài, buồn buồn. “Các cụ là ai hả mợ?”. “Là tổ tiên, ông bà con ạ. Không có tổ tiên làm sao sinh ra ông bà, sinh ra cha mẹ hả con?”.
Nhưng bên trong bánh dầy toàn...mút xốp - Ảnh: TTO |
Câu nói ngắn gọn của mẹ về sự thành tâm, vậy mà ấn tượng sâu đậm trong tôi đến tận bây giờ. Mỗi tháng, ngày mồng một hay ngày rằm, ngày cúng giỗ hay lễ tết, khi chọn mua hoa quả để “cúng cụ”, tôi không bao giờ dám đưa lên mũi ngửi vì mẹ tôi bảo như thế là bất kính.
Hoa quả bao giờ cũng phải tươi ngon đã đành, nhất là những thức quả đầu mùa, với ý nghĩa dâng cúng tổ tiên, ông bà, những người đã khuất núi, những trái qủa và hương hoa tinh khiết nhất của trời đất, mà ngay cách chọn hoa quả cũng phải rất gượng nhẹ. Mới hay, niềm tin tâm linh sâu sắc có khi còn là điểm tựa, làm tay vịn, cũng là sự tự răn dạy để con người ta không được làm những điều thất đức, và sống cho phải đạo.
Thế nhưng thời buổi kinh tế thị trường bây giờ, sự hưởng thụ vật chất của con người càng lên cao thì đức hạnh của con người dường như càng xuống thấp. Lỗi tại ai? Tại con người không được giáo dục đến nơi đến chốn từ trong gia đình, cho đến nhà trường, còn ra xã hội, pháp luật không nghiêm minh? Có người chua chát bảo thần Công lý đã bị “bịt mắt”. Hay bởi ngài cũng đang mê mải bán, mua?
Đáng sợ nhất sự giả trá, dối lừa không còn là căn bệnh nữa. Nó đã trở thành thâm căn cố đế trong cơ thể xã hội, từ lời nói đến cách hành xử, khiến con người ta dần phải quen sống chung với thói “đạo đức giả” như một lẽ thường tình và hiển nhiên, hít thở “độc tố” của nó như khí trời vậy.
Khi xảy ra sự kiện gian lận thi cử tại một hội đồng thi huyện Phú Xuyên (Hà Tây) bị thầy giáo Đỗ Việt Khoa dũng cảm tố cáo, khi chất lượng GD rởm bị bóc mẽ trước ánh ngày, trước thanh thiên bạch nhật, không ít lời, không ít người “xỉ vả” ngành GD mắc bệnh hình thức, bệnh dối trá.
Thế nhưng thực ra căn bệnh hình thức, dối trá ấy không phải của riêng ngành GD. Nó đã nhiễm vào từ rất lâu, rất sâu ở tất cả các lĩnh vực. Nó không chỉ hoành hành ở các ngành “vật thể” như kinh tế, giao thông, xây dựng…mà nó còn lây lan ra cả những ngành “phi vật thể” như văn hoá.
Nó ngang nhiên dối lừa người đời đã đành, khi nó ăn mòn bức tượng đồng Điện Biên Phủ, ăn rút ruột công trình cầu Văn Thánh, các công trình cầu đường, ăn cả sắt thép các khu nhà chung cư hiện đại…mà nó còn nâng lên thành “văn hoá dối lừa” cả các bậc tiên đế đã yên giấc thiên thu.
Dối lừa, như lời nói không biết xấu hổ và cũng thật thất tín của ông Phó giám đốc Công viên văn hoá Đầm Sen: “ Không nên cắt bánh dầy vì thực chất đây chỉ là khối bột nếp, mang ý nghĩa tượng trưng cho một lễ vật truyền thống dâng cúng nhân ngày giỗ Quốc tổ Hùng Vương, hơn là để phục vụ người dân thưởng thức chiếc bánh khổng lồ”.
Xin thưa, xưa nay việc dâng cúng tổ tiên các vật phẩm cũng chính là một sự tạ ơn của con cháu với các bậc tiền nhân đã cho sự sống, cho sự dưỡng dục nên người, đâu có chuyện thờ cúng tượng trưng, thắp hương xong thì con cháu đổ đi?
Con cháu các Vua Hùng. Ảnh: mQuiz.net |
Giỗ chạp tổ tiên một gia đình, một dòng họ còn là việc linh thiêng, một lễ trọng, nữa là việc giỗ Quốc tổ. Những con dân nước Việt chúng ta không chỉ tạ ơn bậc tiên đế- các Vua Hùng đã cho con cháu sự sống, mà còn cho con cháu, cho chúng ta cả giang san, bờ cõi, cả đất cả trời mang tên nước Việt.
Và chính cái tập quán “thụ lộc” của con cháu, sau khi đã dâng cúng thành tâm ấy, là sự mong mỏi được hưởng “âm phúc, âm đức” của Tổ tông- hưởng cái lộc ngàn đời, tích tụ bằng lao động tài giỏi và niềm kiêu hãnh, bằng khí phách và tố chất bất khuất của giống nòi con Rồng cháu Tiên.
Cũng chẳng phải riêng các dân tộc Á đông như dân tộc ta, mà ngay nhiều nước phương tây, sau các lễ hội làm những chiếc bánh pi- da, bánh nướng, những chảo cơm rang khổng lồ, người dự lễ có được niềm hạnh phúc cùng nhau thưởng thức các “lễ vật” của chính tài năng lao động đồng loại.
Chưa nói đến sự lãng phí “phải tội với trời đất”, phải tội với người nông dân một nắng hai sương trên đồng ruộng, câu nói đó còn là sự bất kính và bất nhẫn. Chỉ khổ cho không ít người dân thật thà, cả tin và thành kính, mong đợi khi bánh xẻ ra, được mang về thắp hương trên chính ban thờ gia tiên nhà mình.
Cũng có lời biện bạch, rằng vì làm bánh khổng lồ đến vậy, phải có những nguyên liệu “sắt, mút xốp”. Đó có thể là một sự thật. Nhưng sự sáng suốt của trí tuệ, của tầm nhìn văn hoá còn là ở chỗ, nếu trình độ công nghệ và tay nghề bảo quản còn hạn chế, thô sơ, xin hãy thành tâm làm những đồ cúng tế- những bánh chưng, bánh dầy phù hợp với tầm vóc công nghệ và bảo quản thực phẩm của ta. Chắc Tổ tông không nỡ chê con cháu dâng cúng bánh bé, bánh nhỏ.
Tự lúc nào trong xã hội ta có một tâm lý đua tranh, cái gì con người cũng muốn làm là phải to nhất, lớn nhất, phải "kỷ lục" nhất. Đương nhiên khát vọng khẳng định trí tuệ, sự tài giỏi, khẳng định thương hiệu là chính đáng, nhưng thành quả hoặc sản phẩm ấy phải có chất lượng thực chất, chứ không thể phô trương, hình thức, bên ngoài khổng lồ mà bên trong lại toàn...mút xốp.
Làm đồ cúng tế như thế để bị mốc, bị thiu phải đổ đi, vừa không tôn kính và xúc phạm Tổ tông, vừa quá lãng phí, làm tổn thương lòng đồng bào ngưỡng vọng, vừa mắc tội dối lừa chỉ vì cái tham vọng kỷ lục Ghi nét, tham vọng thành tích quá lớn, trong những cái đầu còn bé nhỏ.
Sự phẫn nộ của dư luận xã hội đòi hỏi thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan quản lý có thẩm quyền xử lý nghiêm khắc và nghiêm túc cả nhận thức lẫn việc làm “phi văn hoá” này. Đến bao giờ trong xã hội ta mới hết các "sự kiện văn hoá" xấu hổ, là nôĩ đau cho quốc thể?
Mới hay, sự thành tâm không bao giờ có chỗ cho dối lừa.
-
Kỳ Duyên
Ý kiến đóng góp và bài vở gửi cho Thư Hà Nội xin liên hệ với địa chỉ:
kyduyen@vasc.com.vn
PHẢN HỒI CỦA ĐỘC GIẢ VỀ BÀI VIẾT:
Ho ten: Nguyễn Thúy Hoàn
Email: ngthuyhoan@...
Tieu de: Rat hay
Noi dung: Bài rất hay. Cảm ơn tác giả và bản báo đã đăng.
Ho ten: Lê Văn Hoặc
Email: hienthanh0141987@...
Tieu de: Tâm linh cúng tiến
Noi dung: Cho đến tận lúc này (tôi đang viết những dòng thư nay), tôi vẫn không hiểu nỗi những người làm bánh chưng, bánh dầy để cúng thần lại có thể nghĩ ra cái nguyên liệu có một không hai trên thế giới vậy. Bởi vì tôi thấy người ta lập kỷ lục thôi (chứ không phải để cúng thần linh), sau đó là phá cỗ và tất cả những người chứng kiến thưởng thức. Tết đến, tôi (có lẽ do ảnh hưởng sâu sắc của mẹ) tôi thường nói với vợ và các con: bánh chưng, và tất cả những thứ gì dùng để cúng CỤ thì phải tự tay làm ngoại trừ rượu, mứt, kẹo Và phải cúng xong mới được ăn. có lẽ tôi là người MÊ TÍN.Còn các Đại gia nghĩ ra cái nguyên liệu đặc biết kia chắc là không sợ Thánh vật. Vậy đến thánh mà họ cũng còn cho ăn mút xốp thì không còn gì để nói nữa. Xin chào thua. Kính thư
Ho ten: Nguyễn Thanh Sơn
Email: sonnt_btm@...
Tieu de:
Noi dung: Tôi hoàn toàn ủng hộ những ý kiến của tác giả. Đúng " Thành tâm không bao giờ có chỗ cho dối lừa". Xin trân trọng cảm ơn tác tác giả đã mạnh dạn nêu ra sự thật " đau buồn" này.
Ho ten: Thiện Hải
Email: josvuthien@...
Tieu de: bài viết rất sâu sắc
Noi dung: Tôi rất tâm đắc với bài viết. Quả vậy, sự giả dối không dừng lại ở những mối quan hệ đời thường mà có nguy cơ lan đến cả những hoạt động mang tính tâm linh. Cần nghiêm khắc với nền văn hóa "vặt trụi" và văn hóa "dối lừa" để chúng ta có một thế hệ tương lai tươi sáng và chân thành.
Ho ten: Nguyễn Bửu Dược
Email: nguyenbuuduoc@...
Tieu de: Cảm xúc khi đọc bài viết này
Noi dung: Cảm ơn tác giả Kỳ Duyên đã viết bài "Sự thành tâm không có chỗ cho dối lừa". Một bài viết đầy cảm xúc. Những điều Mẹ bạn nói sao mà giống Mẹ tôi đã nói với tôi đến thế. Phải chăng đó là sự truyền thụ chung của các bà mẹ Việt Nam dành cho con cháu Lạc Hồng ?.
Ho ten: Võ Văn Châu
Email: chautckhbienhoa@...
Tieu de:
Noi dung: Tôi rất tán đồng với bài viết. Khi biết được thực chất của cặp bánh này, tôi sửng sờ không thể tin nổi đó là sự thật. Đề nghị các ngành chức năng có biên pháp xử lý thật nặng để làm gương.
Ho ten:
Email:
Tieu de:
Noi dung: Cam on nha bao Ky Duyen
Ho ten:
Email: vulongv@hn.vnn.vn
Tieu de:
Noi dung: Tôi đồng tình với bài viết. Xin bày tỏ thêm vài cảm nghĩ cá nhân.Tôi rât phẫn nộ khi đọc bài viết. Không có điều gì thất lễ với tổ tiên bằng hành động như thế. Đó là hành động thiếu văn hóa trầm trọng, thậm chí là phản văn hóa. Họ chi muốn quảng cáo cho thương hiệu của họ chứ đâu có phải lòng thành kinh dâng lên tổ tiên ( Cần có cuốn phản Guiness để ghi lại những kỷ lục tương tự.) Tôi đề nghị từ nay cấm CTy này đem đồ tế lễ ra dâng đền Hùng. Còn Sở VH-TT của TP HCM liệu có vô can trong việc này? Cần xử lý kỷ luật cán bộ nào chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức việc dâng lễ vật này. Với Ban tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương cũng cần rút kinh nghiệm: đừng bị hoa mắt về những lễ vật lớn, bị lừa vì những trò quảng cáo nhố nhăng. Phải kiểm tra trước chất lượng cuả lễ vật lớn được dâng lễ ( kể cả về an ninh).
Ho ten: Ngô Đức
Email: ngoduc@...
Tieu de:
Noi dung: Tôi thấy bài viết hết sức đúng, "văn hoá dối lừa" hiện nay là "văn hoá" chủ đạo trong xã hội. Con người phải sống bằng nhiều "bộ mặt". Tôi là một đảng viên, ngay trong sinh hoạt đảng hàng tháng, ai cũng nói những lời "dối lừa", trong việc bình bầu cuối năm "chủ nghĩa thoả hiệp" ngự trị, ai cũng chiến sĩ thi đua cơ cở...Con người đang không sống thật, sống lương thiện với nhau. Nếu sống thật, anh có "nguy cơ" bị bật ra khỏi tập thể đó.
Ho ten: Quang Ho
Email: kooreeho@...
Tieu de:
Noi dung: Cam on Ky Duyen. Bai viet qua hay nhung dong thoi cung qua buon va...dau. Doc bai nay, toi nhu co the cam nhan duoc vi man cua nuoc mat, su phan no va su im lang cua ho then. Toi xin chia se voi ban tat ca nhung noi long do. Quang Ho
Ho ten: Huỳnh Văn Thuận
Dia chi: TPHCM
Email: thuanv@...
Tieu de: Hình thứcvà nguỵ biện !
Noi dung: Hoan hô bạn Kỳ Duyên đã thay mặt bao nỗi niềm tâm tư của bao công dân nước Việt : "Thay lời muốn nói" ; gửi đến những người có trách nhiệm, có lương tâm và có văn hoá văn minh là hãy nhìn thẳng vào sự thật phũ phàng ; một sự thật hình thức dối trá lừa đảo , giải quyết khâu oai của một số người muốn trục lợi. "Thượng bất chính hạ tắc loạn " cần phải đươc diệt trừ bởi sức mạnh công lý sáng suốt của mọi người công dân chân chính và thời gian.
Ho ten: Nghiêm Thị Tuyến
Dia chi: hải dương
Email: kimtuyen782000
Noi dung: Tôi hoàn nhất trí với bài viết của Kỳ Duyên.Thực chất, dường như ngày nay chúng ta đang dần bị mất đi những nét văn hoá vốn là tố đẹp nhất, vốn là thiêng liêng nhất.Vì vậy, rất mong có được sự can thiệp kịp thời của các cấp lãng đạo ban ngành.Hãy làm sao để văn hoá Việt Nam không bị mất đi,để xứng đáng là con dân nước Việt,xứng đáng với lòng tin của nhân dân.
Ho ten:
Email:
Noi dung: Hay ,bài viết quá hay
Ho ten: Tô Thị Bình Minh
Dia chi: Cục quản lý giá-bộ tài chính
Email: tobinhminh@...
Tieu de: ý kiến về bài viết
Noi dung: Bài viết rất hay. Tôi thấy rất tâm đắc. Rất mong có nhiều bài hay như vậy trên trang web này.
Ho ten: Phùng Văn Huấn
Email: huan_phungvan@...
Tieu de:
Noi dung: Tôi rất tâm đắc với bài báo này. Bởi vì đối với người Việt Nam, khi thờ cúng tổ tiên, ai cũng tỏ lòng thành kính và trân trọng. Vậy mà Công viên Đầm Sen đã làm một việc dối trá như vậy trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Vậy mà cặp bánh lại còn mang danh lễ vật của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Tôi không hiểu tại sao Thành uỷ và UB nhân dân thành phố Hồ Chí Minh không có lời xin lỗi nào.
Ho ten: Nguyễn Hạnh
Email: hanhnt@isoftco.com
Tieu de:
Noi dung: Bài viết rất hay và sâu sắc với lối viết nhẹ nhành, tự nhiên mà thâm thúy
Ho ten:
Email:
Tieu de: Sự thành tâm không có chỗ cho dối lừa
Noi dung: Đọc rất đã....rất đúng & cũng rất xót xa. Cảm ơn quý báo đã nói thật.
Ho va ten: Truong Si Thi Vu
Email: thivu@...
Tieu de: Qua xau ho
Noi dung: Khong the noi gi hon ngoai cam giac bi xuc pham. That bat hanh khi phai song trong su doi tra den muc khong the tin vao bat cu dieu gi.... Vo cung xau ho khi doc nhung dong viet ve cap banh chung banh day dang len ngay Gio To. Kinh hoang ve nhung cai dau doi tra da nghi ra va lam nen noi nhuc Quoc the nay. Phan no nhung cung cam thay bat luc hon bao gio het... Xin chan thanh cam on Ky Duyen
Ho ten: Dương Yên
Dia chi: Michigan, Hoa Kỳ
Noi dung: Tôi cảm thấy lặng người khi đọc bài viết của tác giả Kỳ Duyên. Lặng người vì không thể tin việc ấy lại có xảy ra. Lặng người vì một "nỗi nhục quốc thế". Lặng người vì câu nói của ông phó giám đốc. Lặng người vì những điều phân tích của tác già hòan tòan đúng. Tôi mong các cơ quan chức năng phải xử lý đến nơi đến chốn việc này và thông tin việc xử lý cho công chúng được biết. Xin cảm ơn.
Ho ten: Nguyễn Quang Hồng
Email: quangnh2007@...
Tieu de: Cần lên án bệnh thành tích
Noi dung: Đây là một bài viết rất hay với những phân tích cực kỳ chí lý. "Sự thành tâm không có chỗ cho dối lừa", việc làm bánh "nhân mút xốp" vừa qua của Công ty Văn hóa Đầm Sen chẳng phải vì kính trọng Tổ tông mà đó chỉ là nhân cơ hội để quảng cáo cho họ mà thôi. Chúng ta cần lên án nhận thức, hành vi sai lầm đó không những của công ty VH Đầm Sen mà còn của những kẻ tương tự.
Ho ten: Nguyen Nam
Email: nam_tang2002@...
Tieu de:
Noi dung: Một bài viết rất hay. Thiết nghĩ, cần gì phải làm bánh quá to như vậy. Xã hội ta cứ trọng hình thức quá, thích phô trương, thích "nổ" và phải hoành tráng... hơn người ...dù có thể dối lừa hay nguy hiểm hơn và vi phạm pháp luật. Hầu hết mọi mặt trong xã hội đều vậy. Cần gì phải thế, cái quan trọng là thực chất. Người lớn có làm tốt thì mới hy vọng làm gương được cho thế hệ trẻ sau này.
Ho ten: Trần Quyên
Email: tranquyen@...
Tieu de:
Noi dung: Tôi thấy bài viết này rất hay , cần lên án bệnh hình thức , cách làm lừa đảo ,vô văn hoá của công ty làm ra chiếc bánh dày để cúng vua Hùng . Bây giờ bệnh nói dối , bệnh hình thức , thích phô trương đã ăn sâu vào mọi ngõ nghách của đời sống xã hội , đến nỗi lừa dối cả vua Hùng ,lừa cả tổ tiên , làm như thế là không tôn kính Vua Hùng và không tôn trọng cả hơn 80 triệu người dân Việt nam .
Ho ten: Nguyễn Mai Lệ
Dia chi: Vĩnh Phúc
Emai:lenvy76@...
Noi dung: Tôi thực sự khen ngợi tác giả bài viết này. Đúng, chúng ta vẫn thường nói "trần sao âm vậy", mỗi gia đình khi có giỗ chạp mọi thành viên đều rất thành kính dâng lên tổ tiên lễ vật là sự kết tinh của trời đất thể hiện sự tôn kính sâu sắc của mình. Thờ cúng phải trang nghiêm sạch sẽ, vậy mà trong ngày Quốc giỗ có những kẻ lại dâng lên Tổ tiên sự ô uế của họ, vậy mà họ lại còn cao giọng nói đây là một lễ vật truyền thống dâng cúng nhân ngày giỗ Quốc tổ Hùng Vương. Giá như Tổ tiên linh thiêng có thể trừng phạt được những kẻ dối trá ấy thì tốt biết bao, sẽ bớt đi nỗi nhục nhã cho Quốc thể. Thật xót xa.
>> Cảm nhận của bạn về bài viết?