Ai đang làm hỏng Hà Nội?
- Một thầy thuốc quê ở vùng gió Lào nắng cháy, vậy mà yêu Hà Nội đến đắm đuối, nhưng cũng rất công bằng. Tình yêu ấy liệu có thức tỉnh được ý thức số đông chúng ta không, những người đang góp phần làm xấu, làm hỏng Hà Nội không ít. Để Hà Nội trên con đường hội nhập, trở thành một thủ đô văn minh và văn hóa, khi mà tầm vóc một Hà Nội mới đang đặt ra cấp bách hơn lúc nào hết.
Hà Nội- quê hương thứ hai của tôi
Sống mũi tôi cay xè khi tôi đọc những bài viết tâm huyết về Hà Nội, nhất là của bạn Phương Hà My… Cảm ơn VietNamNet, cảm ơn Thư Hà Nội đã cho tôi và bao người Việt Nam yêu Hà Nội khác được sống lại với bao kỷ niệm về Hà Nội của một thời.
Tôi không phải sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, không may mắn có một giọng nói nhẹ và ngọt ngào của người Hà Nội. Quê tôi, một vùng đất nghèo của miền trung đầy nắng và gió Lào. Không biết có phải vì dân quê tôi hiếu học hay vì quá nghèo mà rất nhiều người đã tìm đường mưu sinh, và Hà Nội đã trở thành quê hương thứ hai của tôi cũng như bao người đồng hương khác.
Tôi rất yêu quê tôi. Nhưng tôi cũng rất yêu Hà Nội, yêu đến cồn cào con phố nhỏ phảng phất mùi hoa sữa đêm đông, yêu mặt nước trong xanh của hồ Gươm với nhịp cầu Thê Húc đơn sơ mà huyền bí. Yêu những con phố cổ, phố cũ bắt đầu từ chữ “Hàng”, yêu những “Ô”, những “Làng” mà nghe tên, ngực tôi đã nghèn nghẹn. Tôi yêu cả từng loài cây, loài hoa rất riêng của Hà Nội và chỉ Hà Nội mới có.
Và không biết tự khi nào, tôi đã yêu cả nụ cười chúm chím đẹp hơn cả đào Nhật Tân, mái tóc đen và dáng người thon thả, thanh nhã của con gái Hà Nội. Hà Nội trong tôi còn là những kỷ niệm của thời thơ ấu. Tôi may mắn được lên Hà Nội vào những năm mới học tiểu học, khi theo chị gái lên tàu điện lang thang từ Hà Đông về Ngã Tư Sở, ra bờ Hồ, lên Bưởi…
“Phố Phan Đình Phùng giờ còn sấu không?”... Ảnh: toquoc.gov.vn
Hà Nội với tôi là những kỷ niệm thấm đẫm cùng với những câu thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Hà Nội có tàu điện. Đi về cứ leng keng. Người xuống và người lên. Người nào trông cũng đẹp”. Có một câu chuyện vui, khi mới bước chân ra Hà Nội, thấy con gái Hà Nội dạo đó đi dép “xăng đan”, trong khi ở quê tôi chỉ biết đến đôi dép cao su, nhiều người còn không có cả dép để đi. Thấy vậy, tôi đã hồn nhiên hỏi chị tôi: “ Chị ơi, sao ở ngoài này họ lại đi bằng “cái giỏ”(!)”. Và trời ơi, phở Hà Nội sao mà ngon thế. Tôi chưa bao giờ ăn phở ở đâu thấy ngon như phở Hà Nội…
Tôi cũng có may mắn là được đi nhiều miền quê khác nhau của đất nước, được đặt chân lên nhiều thủ đô và thành phố nổi tiếng của các quốc gia trên thế giới. Nhưng nếu như tôi được tự chọn một nơi để sống thì tôi vẫn chọn Hà Nội. Có hai kỷ niệm mà tôi nhớ mãi. Một lần, tôi gặp một vị giáo sư, bác sĩ người Mỹ gốc Việt tại California. Anh là người Hà Nội gốc, nhà anh đâu ở phố Hàng Nón gì đó.
Anh theo cha mẹ vào nam khi mới lên 8-9 tuổi. Sau khi kết thúc du học anh trở thành công dân Mỹ. Anh nói đã gần 30 năm anh không trở lại Hà Nội nhưng những kỷ niệm về Hà Nội gắn với tuổi thơ anh không bao giờ quên. Anh hỏi tôi: “Phố Phan Đình Phùng giờ còn sấu không?”. Khi anh kể với tôi những kỷ niệm anh cùng lũ bạn đi hái sấu mùa hè… thì anh đã khóc. Anh luôn đau đáu về quê hương, về Hà Nội. Anh đã cười khi nghe tôi trả lời, phố Phan Đình Phùng vẫn rợp bóng me bóng sấu. “Thế mà tôi cứ sợ người ta làm nhà cao tầng, sẽ phá bỏ hết…”
Lần thứ hai ở Pari, thủ đô hoa lệ của nước Pháp. Anh bạn tôi đang du học ở Pháp, biết tôi đến Pari, anh mời tôi đi ăn “Phở Hà Nội” trong một khu phố nhỏ khá yên tĩnh. Ấn tượng đầu tiên đối với tôi không phải là hương vị phở Hà Nội nơi đất khách quê người mà là cách bài trí rất Việt Nam, rất Hà Nội của quán. Cũng bàn ghế tre, những bức tranh về Hà Nội như “Phố Phái”, “Làng hoa Ngọc Hà”, “Cầu Long Biên”… nhưng đặc biệt là những hiểu biết của bác Ngọc- việt kiều người Hà Nội.
Chồng bác, một người đàn ông Pháp từng là lính lê dương phản chiến. Câu chuyện về đôi vợ chồng này có lẽ phải viết thành một chuyện dài, nhưng tôi chỉ muốn nói đến những hiểu biết và tình cảm của họ về Hà Nội của chúng ta. Nghe họ nói, tôi không khỏi ngượng ngùng, xấu hổ vì chính mình đang sống ở Hà Nội mà có những điều kỳ diệu về Hà Nội mình không hay biết, có những điều rất thiêng liêng về Hà Nội, mình lại rất vô cảm…
Thôi, thì cũng đừng giận khi ai đó nói rằng người ở đâu cứ về Hà Nội và họ cứ “quy hoạch”, họ cứ “xây”, họ xem Hà Nội như mảnh đất để họ “khai hoang” làm giàu. Người Hà Nội họ bực, họ buồn và họ bất lực, đến nỗi họ muốn “thôi… không làm người Hà Nội”… Đau lắm chứ. Nhưng không được đâu, người Hà Nội ơi, bởi tôi muốn trở thành người Hà Nội cũng có được đâu. Tuy nhiên, nếu chúng ta dám nói hơn, dám làm hơn và dám hy sinh hơn thì Hà Nội vẫn sẽ là Hà Nội của chúng ta, Hà Nội vẫn là quê hương và niềm yêu nhớ của mỗi người dân Việt.
“Hà Nội của bạn “rớt lạ”
Những ngôi “nhà siêu mỏng”, mặt phố loang lổ đủ màu, kiến trúc “thò thụt” tùm lum. Chung cư thì cơi nới, xuống cấp. Ảnh: VNN |
Anh bạn tôi, một người nước ngoài đã đến Việt Nam nhiều lần bảo: “Hà Nội của bạn “rớt đẹp” (rất đẹp), nhưng mà “khung phải củ” (không phải cổ), “khung phải kem” (không phải kim) nhưng “rớt lạ” (rất lạ). “Rớt ít nơi trên thế giới có”. Thôi thì cũng đừng luận nghĩa câu nói của anh bạn tôi làm gì. Có thể là anh lịch sự xã giao, cũng có thể là vốn tiếng Việt của anh nghèo nên anh đã dùng từ “rớt lạ” nhưng tôi lại thấy anh chí tài, nói đúng, đúng đến lạ lùng. Lạ quá đi chứ, làm gì ở nơi nào có một thành phố như Hà Nội của chúng ta?
Xem ra thì mọi người đang đổ lỗi nhiều lên các nhà kiến trúc, các nhà làm quy hoạch. Sự tình thì cũng đúng thôi, nhà lập dị, đường quanh co, nút cổ chai, phố xù xì… không tại kiến trúc và quy hoạch thì ai? Cũng như chúng tôi thôi, tất cả những gì liên quan đến sức khoẻ, bệnh tật tốt xấu gì thì cũng liên quan đến nghề y, đến thầy thuốc hết. Nhưng có phải tất tần tật do các nhà kiến trúc, hay do các thầy thuốc không?
Không phải tôi bênh các nhà kiến trúc hay quy hoạch đâu, nhưng nói người phải nghĩ đến ta. Loáng cái, không có công an là chúng ta vượt đèn đỏ. Xe chở đất chở bùn cứ nhè ban đêm đổ ra đường, không đội mũ bảo hiểm, đái bậy, nói tục… đâu phải tại KTS? Ngay “nhà siêu mỏng”, mặt phố loang lổ đủ màu, kiến trúc “thò thụt” tùm lum, là y như của mấy ông chủ lắm tiền phô trương, khoe khoang chứ đâu của KTS. Tiền của tôi, tôi trả tiền cho anh thì anh cứ phải vẽ theo tôi!
Rồi chuyện quy hoạch “chôn” hay “treo” cũng vậy. Nhiều khi quy hoạch là chuyện của mấy “sếp” chứ đâu phải chuyện của KTS. Nhưng nói vậy cũng không phải giới KTS “vô can”. Có những KTS thiết kế cái nhà trên phố mà cứ như trong phim ma. Như vậy rõ ràng Hà Nội đang hỏng dần đi là do tất cả chúng ta. Có thể đó là sự thiếu trách nhiệm, lòng tham lam, sự vô cảm hay sự thiếu hiểu biết… mà chúng ta đang làm Hà Nội trở nên dị dạng đi ở nhiều khía cạnh.
Tại sao các nước họ có thủ đô “cổ ra cổ”, “kim ra kim”. Tại sao bài học về quy hoạch và giải phóng mặt bằng của bao nhiêu nước đi trước chúng ta hiệu quả như vậy mà chúng ta không chịu học, hay học mà không “vào”? Tại sao những đoạn phố vừa “đắt nhất hành tinh” nhưng cũng “xấu nhất hành tinh” vẫn ra đời và có thể vẫn tiếp tục ra đời?... Ông Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đương nhiệm nghe đâu vốn là dân kiến trúc, hy vọng ông sẽ làm được nhiều thứ tốt hơn cho Hà Nội.
The Manor - một khu kiến trúc cao cấp của Hà Nội - Ảnh: VNN |
Với mỗi người dân Việt, dù là Hà Nội gốc hay Hà Nội “nhập cư” xin hãy góp ít nhiều cho Hà Nội, từ tấm lòng, ý thức hay công sức đều quý. Đừng vất rác ra đường, đừng lấn một chút ngõ vốn đã rất hẹp, đừng thích thể hiện cái tôi thiếu hiểu biết và thiếu thẩm mỹ trên ngôi nhà của mình. đừng vượt đèn đỏ, đừng đái bậy… Nếu mỗi chúng ta biết “đừng” một cái, “đừng” một chút, thì Hà Nội chúng ta đã có thể giữ được nét cổ xưa hơn, mà lại hiện đại hơn, thanh lịch hơn như Hà Nội vốn có…
Vậy thì những người Hà Nội ơi, xin đừng viết đơn xin thôi… không làm người Hà Nội. Mà hãy vì Hà Nội của chúng ta, góp thêm tiếng nói, tấm lòng và việc làm thiết thực cho Hà Nội thêm đẹp, thêm văn minh văn hoá, tương xứng với tầm vóc hàng nghìn năm Thăng Long- Hà Nội.
-
Nguyễn Viết Lượng
Ý kiến đóng góp và bài vở gửi cho Thư Hà Nội xin liên hệ với địa chỉ: kyduyen@vasc.com.vn
>> Cảm nhận của bạn về bài viết?