Vẫn có một Hà Nội khác
- Một cộng tác viên của Thư Hà Nội, sau khi đọc bài “Hà Nội ơi, tôi xin thôi…không làm người Hà Nội” đã gửi chúng tôi bài viết này. Những dòng tâm tình nói với “em” là cái nhìn của một người Hà Nội về chính Hà Nội, cái nhìn của người đang yêu, biết những gì là dở, là kém, là nhếch nhác nhất định sẽ trở thành quá vãng, để có một Hà Nội khác, Hà Nội đang xuân, Hà Nội vào xuân.
Hơn một tháng ngủ đông trốn chạy đợt rét kỷ lục, hôm nay Hà Nội mới nhìn thấy ánh nắng mặt trời. Thật thú vị và ý nghĩa biết bao khi lại đúng dịp Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng). Chui ra khỏi tấm chăn nặng nề, bàng bạc và xám xịt của mùa đông, tấm chăn đáng ghét khiến cho bầu trời như sắp đè vào mái ngói rêu phong phố cổ, Hà Nội chợt bừng tỉnh dưới ánh nắng mặt trời. Thoáng nheo mắt một cái làm cho vài cơn gió lăn tăn mặt hồ, Hà Nội như cô thiếu nữ tuổi đôi mươi choàng lên lên mình chiếc áo dài gấm hoa muôn sắc để dành từ trước Tết, vội vã trảy hội. Hà Nội vào xuân
![]() |
Lễ chùa đầu năm. Ảnh: VnExpress |
Ngày này, anh cùng em đi lễ Phủ Tây Hồ, chốn linh thiêng bậc nhất Hà thành, dịp lễ Nguyên tiêu người đông như hội. Anh nhìn em, nhìn mọi người, ai cũng hân hoan trong tiết xuân, bỗng thấy lòng mình thư thái lạ. Ở nhà của Mẹ (Mẫu) giữa mênh mông trời nước hồ Tây em ước vọng điều gì? Thấy mắt em long lanh lắm, đất trời đang chiều lòng người đấy em. “Lạy mẹ kính yêu cho tim chúng con mùa xuân luôn ngự trị”. Đứng ở đây quay ra mặt hồ, nắng như đang dát vàng khắp Hà Nội. Nhìn ra xa kia, em có thấy Hà Nội của em, của chúng ta đang vươn vai lớn dậy trong mùa vạn vật sinh sôi. Hà Nội vào xuân.
![]() |
Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: LAD (chụp lại từ cuốn Hoàng Thành Thăng Long) |
“Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”
rồi "Thành Thăng Long" của đại thi hào Nguyễn Du:
“Nghìn năm dinh thự thành quan lộ
Một dải tàn thành lấp cố cung”.
Những câu thơ chỉ đọc qua một lần cũng khiến ta nhớ mãi, bâng khuâng mãi đúng không em. Thời gian như “bóng câu qua cửa sổ”, bao nhiêu năm qua đi, vật đổi sao dời cùng với những biến thiên của thời cuộc nhưng đôi rồng đá vẫn còn đây, giếng cổ bị vùi lấp dưới bao tầng trầm tích của lịch sử vẫn trong lành dòng nước ngọt, vẫn còn đây, và hàng ngàn hàng ngàn những hiện vật khác nữa vẫn còn đây. Phố cổ, phong cách sống và muôn điều tạo thành nét thanh lịch hào hoa của người Hà Nội vẫn còn đây.
Tất cả mang đến cho em thông điệp gì? Đừng buồn em nhé, vì tất cả những gì chúng ta chưa hài lòng khi Thăng Long - Hà Nội sắp bước vào đại lễ kỷ niệm nghìn năm. Đừng buồn em nhé khi Hà Nội của chúng ta còn bộn bề ngồn ngang bao nhiêu điều khó xử. Đừng buồn em nhé khi em nhận thấy lối sống của người Hà Nội đang có nhiều thay đổi không như xưa cũ…
![]() |
Hà Nội ngày nay. Ảnh: VNN |
Anh và em lại đi dạo Hồ Gươm em nhé, như mọi khi đi chơi chúng ta vẫn thường qua. Em thấy không người xe đang tấp nập dưới nắng xuân, như anh và em dung dăng dạo phố Hà Nội xuân, “Em ơi mùa xuân đến rồi đó, Thắm đỏ ngàn hoa khát mặt trời. Nghe không gian mênh mang trong lời ca yêu thương đến với muôn người, đến với muôn đời. Xuân ước vọng ngàn năm lại tới, nghe lòng vui phơi phới. Kìa em nắng đã lên rồi mừng xuân hát lên thôi…”(**)
Vẫn có một Hà Nội khác, một Hà Nội đang xuân, một Hà Nội vào xuân, phải không em?
(*) Mang phương thức hợp tác mới đến VN- Báo Lao Động số 33 Ngày 14/02/2008
(**) Lời bài hát Em ơi mùa xuân đến rồi đó, tác giả Trần Chung.
-
Phạm Thành Vương
Ý kiến đóng góp và bài vở gửi cho Thư Hà Nội xin liên hệ với địa chỉ: kyduyen@vasc.com.vn hoặc hpthao@vasc.com.vn
>> Cảm nhận của bạn về bài viết?