Chuyển nhượng V-League: Xôm tụ như thị trường chứng khoán

Cập nhật lúc 00:58, 22/08/2010 (GMT+7)
Chưa hết mùa bóng, thị trường chuyển nhượng của V-League đã bắt đầu “họp”, với những thông tin “thật - ảo” không lường không khác gì thị trường chứng khoán..

Huấn luyện viên – những cuộc chia li được báo trước

HLV ngoại khó mà thành công tại V-League (trừ trường hợp ông Calisto), những gương mặt HLV nội có tên tuổi và bản lĩnh thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính vì vậy, người thuyền trưởng mới là món hàng đắt giá và kham hiếm trên “sàn chuyển nhượng V-League”.

Chưa hết mùa nhưng hàng loạt cái tên chắc chắn sẽ ra đi, kéo theo điều đó là hàng loạt đội bóng sẽ phải lo tìm nhân sự mới. Ông Phan Thanh Hùng sau chức VĐ với HN T&T sẽ hồi hương Đà Nẵng để đào tạo trẻ. Ông Vương Tiến Dũng sau thời gian gắn bó cũng đã tuyên bố sẽ chia tay sân Lạch Tray. Rất có thể, dẫn dắt HN T&T mùa giải năm sau sẽ là tướng Dũng, khi nhà Tân vương V-League muốn “Hà Nội hóa” đội bóng của mình.

Tướng Dũng chắc chắn sẽ rời Lạch Tray, và có thể sẽ về sân Hàng Đẫy
Tướng Dũng chắc chắn sẽ rời Lạch Tray, và có thể sẽ về sân Hàng Đẫy

Về V.Ninh Bình với mức lương khủng, ông Hải “lơ” đã kí bản hợp đồng kèm 2 cam kết là tại vị đến cuối mùa cùng mục tiêu lọt vào Top 5. Mục tiêu Top của V.Ninh Bình đã tiêu tan khi đội bóng mới lên hạng này cả mùa luôn phải vật lộn với nỗi lo tránh đi play-off. Lê Huỳnh Đức sau thành công lớn ở mùa giải năm ngoái cũng đã có một mùa giải thất bại thảm hại với SHB.Đà Nẵng. Không có được thành công như mong đợi, khả năng ra đi của “hàng hiệu chất lượng cao” Lê Thụy Hải lẫn “tài năng trẻ” Lê Huỳnh Đức đều đang ở mức cao.

Thông tin về việc sẽ ra đi của ông Mai Đức Chung sau khi không giải cứu thành công con tàu đắm Navibank Sài Gòn, rồi việc HA.GL và Kiatisuk sẽ đôi ngả chia li đều đã có. Bình Dương sau một mùa thay 3 tướng mà tướng nào cũng thất bại cũng sẽ phải tìm một người cầm cương có đủ bản lĩnh. Việc Lê Huỳnh Đức được chèo kéo với mức lương 200 triệu đồng/ tháng cũng là từ một trong 2 cái tên Bình Dương và Navibank Sài Gòn.

Những cuộc chia li đã được báo trước, và đi kèm theo đó là sự sôi động trên “thị trường chuyển nhượng” HLV.

Cầu thủ - nhiễu loạn thông tin bởi giá ảo

Mức tiền lót tay cho 1 cầu thủ đang “lạm phát” với 1 tốc độ phi mã, và giờ đây có thể lên đến mức triệu đô. Một cầu thủ trung bình về một đội bóng dạng trung bình giờ đây cũng đã ở mức 3 đến 5 tỷ đồng, con số ấy phải tăng gấp đôi với một cầu thủ ngôi sao đã có “thương hiệu” đội tuyển.

Trước kia, Công Vinh lập kỉ lục khi về HN T&T với mức giá khoảng 7 tỷ đồng, và sau đó đến lượt Như Thành, Việt Thắng về Ninh Bình cũng với khoản tiền tương đương tầm đó. Thông tin Công Vinh được định giá 1 triệu USD (khoảng 20 tỉ đồng) hay Quang Hải giá nửa triệu USD có vẻ như là một “chiêu PR” mới, nhưng qua đó cũng nói lên phần nào sự tăng giá chóng mặt của cầu thủ hiện nay.

Có thật sự là mức giá chuyển nhượng dành cho CV9 gấp 10 lần 1 chiếc SLK 200?
Có thật sự là mức giá chuyển nhượng dành cho CV9 gấp 10 lần 1 chiếc SLK 200?

Đội bóng sắp xuống hạng Navibank Sài Gòn sắp trở thành một “Man City Việt Nam”, nhưng điều đó mới chỉ dừng ở mức “có thông tin”. Từ việc tiếp xúc, đưa ra lời đề nghị cho một cầu thủ đến khi thương lượng và kí hợp đồng là một quá trình với nhiều công đoạn, mà những mức giá “tiếp xúc” của CLB và mức tiền mà cầu thủ yêu cầu thì chỉ có tính chất “đánh bóng tên tuôit” là nhiều.

Việc có nhiều cầu thủ chất lượng cao muốn “tháo chạy” khỏi Bình Dương, những tài năng muốn rời XM.HP đi tìm thử thách mới, rồi ngay cả việc đội bóng vừa lên hạng HN ACB cũng sẵn sàng chi đậm để tuyển mộ cầu thủ sẽ hứa hẹn sự sôi đồng của thị trường chuyển nhượng thời gian tới. Còn hiện tại, những thông tin, những mức giá được đưa ra đa phần đều là ảo.

V-League vốn đã “lắm chuyện” khi thi đấu, và đương nhiên, chuyện chượng nhượng thì càng lắm cái để nói hơn. Những cái “thật” thì chưa chắc chúng ta đã nhất Đông Nam Á, nhưng những cái “ảo”, những cái “chém gió để cho vui” thì V-League của chúng ta giờ đây chắc đã lên đến tầm Châu lục.

(Theo Zing)

Các tin khác