Trách nhiệm của vương miện

Cập nhật lúc 22:31, 19/08/2010 (GMT+7)

Chỉ ít giờ sau khi giành vương miện HHVN 2010, Ngọc Hân đã có chuyến làm từ thiện đầu tiên (đến một xã nghèo thuộc Quảng Ninh, nơi diễn ra cuộc thi). Nàng Tây Thi của Tràng An (một cách gọi khác về Hà Nội) cố vui cười, dù vẫn đang trong tình trạng thiếu ngủ trầm trọng và khá mệt mỏi sau kỳ thi dài ở Tuần Châu.

 

TIN LIÊN QUAN

/chuyenmuc/quangcao/2010/images/vnnmobiad.gif

Ngọc Hân cũng đã tâm sự với báo chí, rằng cô rất ngưỡng mộ và quyết tâm làm được những gì mà HHVN 2006, cũng là bạn thân, Mai Phương Thúy, đã và đang làm. Không chỉ là trách nhiệm với 2 năm giữ vương miện, mà nó sẽ theo cô suốt cả cuộc đời.

Làm từ thiện là trách nhiệm xã hội lớn lao của một hoa hậu, là bổn phận, và thậm chí đã được đưa vào “khung”. Vì những lý do khách quan, có thể sự đóng góp cho cộng đồng của các hoa hậu khác nhau, nhưng tựu trung lại thì bắt buộc phải có, dù ít hay nhiều. Câu chuyện của Ngọc Hân có liên quan gì tới bóng đá không?

Cùng với Ngọc Hân, Hà Nội tiến tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long bằng với một “vương miện” khác: chức vô địch V-League 2010 của HN T&T (HN.ACB cũng lên ngôi ở giải hạng Nhất năm nay, nhưng danh hiệu này ít tiếng tăm hơn nên không được nhắc tới nhiều).

Chức năng hay trách nhiệm với HN T&T là đảm bảo cái tiếng thơm cho chức vô địch V-League
Chức năng hay trách nhiệm với HN T&T là đảm bảo cái tiếng thơm cho chức vô địch V-League
Nhưng, khác với danh hiệu HHVN của Ngọc Hân, có lẽ đội bóng HN T&T sẽ không phải mang nặng trách nhiệm lớn lao với xã hội, với cộng đồng. Ngược lại, nếu tân vương của BĐVN không làm “từ thiện” hoặc “trả ơn” những người đã ủng hộ mình thì càng tốt?! Tất nhiên các cụm từ “trả ơn” hay “từ thiện” trong tình huống này, mang một nghĩa khác.

Thực tế, đã không ít những nhà vô địch VN trong quá khứ lập tức tuột dốc ngay sau mùa giải đăng quang. SLNA năm 2001 – 2002 hay Cảng Sài Gòn 2002 – 2003 là những bằng chứng. Họ không còn đủ mạnh để đọ với các thế lực mới hay buộc phải làm “từ thiện”, phải “trả ơn” những người đã làm phận lót đường để mình đăng quang?! Dư luận (dù không phải lúc nào cũng đúng, cũng chuẩn), nghiêng về vế 2 nhiều hơn. Nghi án mua chức vô địch của SLNA năm 2001 không phải vô cớ, dù bây giờ, những nghi can đã bình an vô sự.

SLNA, 10 năm sau khi vô địch, vẫn chưa một lần lấy lại được hình ảnh. Việc ĐKVĐ Cảng Sài Gòn xuống hạng ở mùa sau đó (để rồi phải thay đổi phiên hiệu), cũng đặt ra nhiều dấu chấm hỏi. Mới đây nhất là tình huống của SHB.ĐN. Vẫn với những con người ấy (thậm chí còn được thêm mắm, thêm muối), nhưng xứ Quảng – Đà đã tự bắn vào chân mình, chấp nhận phận lót đường cho người anh em lên ngôi…

Đấy gọi là làm “từ thiện” với trách nhiệm của tân vương, trong làng BĐVN?! Thế nên, mới có người đặt giả thuyết, rằng HN T&T vững mạnh như thế nhưng cũng có thể rơi vào tình huống của Cảng Sài Gòn năm nào. Nó cũng không phải không có cơ sở, dù khả năng này là rất ít xảy ra, ở cái thời bóng đá kim tiền đang thịnh như bây giờ.

Rõ ràng, chức năng hay trách nhiệm với HN T&T là đảm bảo cái tiếng thơm cho chức vô địch V-League, rằng họ xứng đáng với sự tôn vinh hơn bất cứ đối thủ nào. Giống như cái cách mà tam đại gia HA.GL, ĐT.LA và B.BD đã từng làm. Vinh quang phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu, nhưng bảo lưu các giá trị ở trên đỉnh của nó, mới thực sự khó. Đó là thách thức với HN T&T.

(Theo TTVH)

Ý kiến của bạn

Các tin khác