Vì đó là Triều Tiên...

Cập nhật lúc 19:23, 16/06/2010 (GMT+7)

- Ngưỡng mộ tinh thần quả cảm của CHDCND Triều Tiên, bạn Hoàng Duy (Hà Nội) gửi đến Thể thao VietNamNet những lời tâm sự ngay sau khi chứng kiến trận đấu.

Bạn và tôi, chúng ta là những người châu Á. Chúng ta vui vì Nhật Bản và Hàn Quốc đều thắng trận đầu. Nhưng có ai trong số chúng ta dám đặt niềm tin vào Triều Tiên, khi đối thủ của họ là một Brazil huyền thoại?

Vậy mà chính Triều Tiên mới là những người làm rạng danh châu Á, dù điểm số dành cho họ chỉ là 0.

Nhìn các cầu thủ Triều Tiên chạy trên sân, tôi bỗng liên tưởng đến màu áo đỏ thân thương của Thể Công.

Thể Công đã là quá khứ, nhưng Thể Công có một cái gì đó rất máu thịt với Triều Tiên. Nếu đọc những dòng này, chắc hẳn thế hệ những Phan Văn Mỵ, Vương Tiến Dũng... đều hiểu cả.

Cầu thủ Triều Tiên khóc khi hát quốc ca
Cầu thủ Triều Tiên khóc khi hát quốc ca

Triều Tiên, họ là đội bóng đặc biệt nhất của World Cup lần này. Tất cả các đội bóng đều mang theo niềm tự hào của mỗi quốc gia, nhưng Triều Tiên còn hơn thế.

Trong bối cảnh Triều Tiên đang tự cô lập và giương vây lên với phần còn lại của thế giới thì bóng đá là cánh cửa duy nhất để họ thể hiện mình.

Tôi nhìn thấy nước mắt của các cầu thủ Triều Tiên khi họ hát quốc ca. Tôi nhìn thấy lửa trong những cú vào bóng như búa bổ. Tôi nhìn thấy thép ở niềm tin... Triều Tiên đã "thết đãi" Brazil bằng sự quyết tâm đến cực đoan.

Carlos Dunga từng thú nhận ông "mù" thông tin về bóng đá Triều Tiên. Không có gì ngạc nhiên cả. Vì đã từng có những đoàn nhà báo thể thao được cấp giấy phép đến thăm thầy trò Kim Jong Hun, nhưng đổi lại, họ chỉ được dẫn đi lòng vòng để... chiêm ngưỡng tượng đài ông Kim Nhật Thành.

Và ngay trên đất Nam Phi, cũng vô cùng khó để "moi" được điều gì đó từ đại bản doanh của Triều Tiên.

Brazil đã mất đến hơn một hiệp đấu để tìm ra đường chạm vào mành lưới. Quá bế tắc và vất vả với một ứng viên vô địch. Tôi tự hỏi, nếu thủ môn Ri Myong Guk không đứng sai vị trí ở tình huống dứt điểm của Maicon, liệu kết cục sẽ ra sao?

Tất nhiên, Brazil vẫn cứ là Brazil, và chiến thắng là của họ. Nhưng các cầu thủ Triều Tiên cũng đã thành công trong sứ mệnh chinh phục cả thế giới rằng ngoài tên lửa hay bom nguyên tử, họ còn biết đá bóng, và đá bóng rất cừ.

Đâu phải ai cũng lì lợm được trước Brazil suốt 55 phút? Đâu phải ai cũng khoá chặt được Kaka, Robinho? Và đâu phải ai cũng làm được cái việc như Yun Nam Ji - sút tung lưới Julio Cesar, dù đó là một bàn thắng quá muộn màng? Yun Nam Ji đang làm cả Ronaldo và Drogba ghen tị...

Ở một bảng đấu tử thần, Triều Tiên rất khó có cơ hội đi tiếp. Nhưng với một đội bóng 3/4 thành phần là quân nhân và đá bóng như chiến đấu thì 90 phút với Brazil có thể coi là trên cả thành công.

Và bây giờ, cả thế giới bóng đá đang nhìn Triều Tiên bằng ánh mắt đầy thiện cảm. Họ đã thắng!

Bạn đọc viết bài cho chuyên mục Tôi & World Cup trên Thể Thao VietNamNet xin gửi theo email: banthethao@vietnamnet.vn. Trong mail, các bạn vui lòng ghi địa chỉ chính xác, số điện thoại hoặc tài khoản ngân hàng (tại chi nhánh nào) để chúng tôi thuận lợi trong việc liên lạc cũng như gửi nhuận bút khi bài được sử dụng.

  • Hoàng Duy (Hà Nội)

Ý kiến của bạn

Các tin khác