Arjen Robben: Thiên tài & Thủ đoạn

Cập nhật lúc 16:03, 11/07/2010 (GMT+7)
Mối hiểm họa mà Robben có thể tạo ra với TBN (cụ thể là mắt xích yếu nhất Capdevilla) “hứa hẹn” sẽ còn gia tăng gấp nhiều lần, khi tiền vệ đầu hói này không còn chỉ muốn “chơi” bóng một cách đơn thuần nữa. Anh còn muốn trả đũa đối thủ, lừa phỉnh trọng tài bằng tiểu xảo và ăn vạ.
 

TIN LIÊN QUAN

/chuyenmuc/quangcao/2010/images/vnnmobiad.gif
Mô tả ảnh.
Robben còn là một cầu thủ nhiều thủ đoạn - Ảnh Getty
Màu Da cam của cơn lốc Hà Lan, nói vui, đã bị “bán” cho quỷ: Không còn lối chơi tốc độ và ồ ạt, hoán chuyển vị trí linh hoạt, Hà Lan chơi một thứ bóng đá cứng nhắc, thiếu sáng tạo, dù không thể phủ nhận là nó quá hiệu quả, một cách… đầy may mắn. Đi kèm với phong cách ấy là một lối chơi rất dữ dằn và đậm màu sắc triệt hạ: Hà Lan là đội bóng phạm lỗi nhiều nhất ở World Cup tính đến thời điểm này, với 98 lần cho đối thủ nằm sân (trung bình 16.33/ trận), và nhận thẻ vàng nhiều nhất (15 thẻ).
 
Trong guồng máy ấy, Robben là một trong những cầu thủ chơi tiểu xảo nhất của Hà Lan trên chặng đường vừa qua, cùng với van Bommel. Tiền vệ đầu hói này đã sử dụng cái chân trái siêu việt của mình không chỉ để đi bóng đảo ngoặt liên tục và đánh lừa đối thủ, mà anh còn dùng nó đề giẫm trả đũa lên người đối thủ sau khi bị phạm lỗi, và ôm lấy nó để “diễn kịch” hòng bịp trọng tài (có thể việc Melo bị đuổi trong trận Hà Lan – Brazil là xác đáng, nhưng không thể phủ nhận rằng quyết định rút thẻ đỏ trực tiếp của trọng tài chịu sự tác động không nhỏ từ pha lăn lộn rất “kịch” của Robben).
 
Cái chân trái thiên tài ấy đã nhuốm màu sắc thủ đoạn, và khi một thiên tài có ý định “chơi bẩn”, mức độ nguy hiểm của anh ta có thể gia tăng gấp nhiều lần. Như khi Maradona dùng “Bàn tay Chúa” để ghi bàn (Messi sau này cũng đã bắt chước), hay việc Cristiano Ronaldo, dù khỏe như trâu, vẫn thi thoảng ngã vật ra trong vòng cấm dù đối thủ chỉ mới “sờ” vào người anh ta.
 
Việc chuyển sang một lối đá có phần tiêu cực hơn có thể không phải lỗi của Robben: Sau quá nhiều lần dính chấn thương từ những pha vào bóng triệt hạ của hậu vệ đối phương (Robben quá nhanh, và lối dắt bóng như dính vào chân của anh rất dễ khiến anh bị phạm lỗi), việc anh trả đũa và lăn lộn có thể xem như những phản ứng tự vệ. Chưa hết, như đã nói, khi Hà Lan không còn đặt nét đẹp truyền thống lên hàng đầu và hướng đến một lối chơi tiểu xảo, bạo lực, Robben cũng chẳng phải áy náy nhiều.
 
Thế nhưng có lẽ cũng không ít người thất vọng khi thấy cầu thủ khéo léo nhất của Hà Lan, nét đẹp hiếm hoi trong đội hình hiện tại, cũng bị “đổi màu” theo cuộc cách tân xấu xí của Bert van Marwijk. Đáng ra Robben, với những phẩm chất thiên tài của mình, nên là người làm dịu bớt đi nét khô cứng trong lối chơi của Hà Lan hiện tại mới phải.
 
Thực tế, Robben cũng đã tạo ra những khoảnh khắc thiên tài ở World Cup lần này: Bàn thắng rất thông minh vào lưới Slovakia ở vòng 1/8 (đi bóng sở trường từ cánh phải và sút vào góc gần), và đặc biệt là cú đánh đầu khó tin ấn định tỉ số 3-1 cho Hà Lan trong trận gặp Uruguay. Thế nhưng như vậy là chưa đủ để xua tan cảm giác về một Robben thực dụng đến mức bất chấp thủ đoạn. Như cách anh thẳng thắn phát biểu trước trận đấu này: “Tôi thích chiến thắng một cách xấu xí, hơn là đá đẹp mà thua”.
 
Song, cũng chẳng thể trách được anh: “Hà Lan bay” đẹp mê hồn trong quá khứ vẫn mãi chỉ là kẻ thất bại vĩ đại, và Johan Cruyff, cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Hà Lan, cũng chưa bao giờ ở trên đỉnh Thế giới.
 
Robben đã biết anh cần thêm điều gì để có thể vượt cả “Thánh Johan”: Một chút ranh ma và thủ đoạn, đôi khi là thứ vũ khí không thể thiếu của những nhà vô địch.

(Thể thao&Văn hóa Online)

Ý kiến của bạn

Các tin khác