Olimpico: Hoàng hôn trên phế tích

Cập nhật lúc 06:23, 12/01/2010 (GMT+7)

- Vừa bừng dậy sau nụ cười chiến thắng tại Ennio Tardini, ánh nắng bình minh trong tâm trí các Juventini đã lại phụt tắt, khi họ phải chứng kiến sân Olimpico trở thành một đống hoang tàn đổ nát dưới bước quân hành của đoàn viễn chinh Milano.

[video(14280)]

Tang thương và tiêu điều, nhưng phải chăng khung cảnh hoàng hôn ảm đạm ấy chỉ xuất phát từ lầm lỗi của một người duy nhất: Ciro Ferrara?

Ferrara. Ảnh: Reuters
Ferrara khẳng định ông sẽ không từ chức, nhưng quyết định lại thuộc về lãnh đạo Juve. Ảnh: Reuters

1. Thật dễ dàng, và cũng không phải là vô lý, khi tất cả những búa rìu phẫn nộ của các Juventini đều chĩa về phía ông.

Ciro Ferrara, tấm lá chắn thép năm nào, giờ chấp nhận để đoàn quân của mình bị đánh tơi tả bởi những sai sót không thể tha thứ trong ba tình huống cố định liên tiếp. Ciro Ferrara, thành viên của giai đoạn vàng son xưa cũ ấy, lại dám để một tượng đài như Del Piero ngồi lạnh cóng trên ghế dự bị.

Ciro Ferrara, kẻ hâm mộ Diego đến cuồng tín, bất chấp việc tiền vệ người Brazil đã từ lâu lắm rồi không còn tỏ ra xứng đáng với những kỳ vọng mà người ta đặt lên vai anh.

Mùa trước, Rossoneri đào tẩu khỏi đây với thất bại 2-4, sau một trận đánh được khép lại ngay từ phút 69 với một Amauri rực sáng. Mùa trước nữa, Carlo Ancelotti đã phải cay đắng thốt lên: “Chúng tôi không có đủ những cầu thủ cao lớn để chống chọi lại với Juve, đặc biệt là trong các tình huống cố định". Còn mùa này?

Mùa này, tại Olimpico là một Juve không biết mình phải làm gì, không biết mình muốn làm gì. Một Juve băm bổ ở trung lộ và vội vã thảy bóng ra hai biên hoặc nối những đường bóng dài vô vọng lên cho trung phong duy nhất.

Nesta. Ảnh: Reuters
Sai lầm của hàng thủ tạo cơ hội cho Nesta mở ra bước ngoặt cho Milan. Ảnh: Reuters

Một Juve phòng ngự như những kẻ nghiệp dư. Một Juve loay hoay với những sơ đồ chiến thuật, mà cuối cùng không thứ nào mang đến hiệu quả thật sự.

Juve ấy lạc lối trong đám sương mù dưới mặt cỏ, còn trên khán đài, lửa giận dữ bừng lên khi các tifosi của họ cảm thấy bị sỉ nhục. Hơn ai hết, Ciro Ferrara là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về sự bẽ bàng tủi hổ này, khi để Milan ca khúc khải hoàn huy hoàng đến như thế.

2. Nhưng, dù sao thì Ferrara vẫn có những lý do để ghen tị và cảm thấy buồn tủi trước những vầng hào quang đang được tô điểm quanh người đồng nhiệm ở bên kia chiến tuyến.

Ít nhất, dù không thể có Pato, Seedorf và Zambrotta, Leonardo vẫn có thể bố trí được một đội hình ra quân tương đối xứng ý, bởi đó cũng chính là 11 cái tên xuất phát trong trận tàn phá thành Genoa hồi giữa tuần qua.

Ngược lại, chỉ riêng việc thiếu vắng tấm bùa hộ mệnh mang tên Buffon trong khung thành, cái sự uy nghi của La Vecchia Signora đã bị tổn thương đáng kể, chưa bàn đến những thương binh danh giá như Camoranesi, Sissoko, Iaquinta hay những dự bị chiến lược như Giovinco và Trezeguet.

Cao hơn nữa, trước trận “sinh tử chiến” - trận “derby d’Italia đích thực” này, nếu Leo nhận được sự hậu thuẫn và khích lệ công khai của Galliani (“Tôi chưa bao giờ nghi ngờ Leo. Tôi chỉ có thể hài lòng với những gì cậu ấy đã làm được”), thì Ciro vẫn phải ra trận với một lưỡi gươm hành tội treo lơ lửng trên đầu. Để rồi ngay sau trận đấu, người ta thấy Tutto Sport (tờ nhật báo thể thao lớn nhất Torino) kêu toáng lên rằng:
“Nhanh lên, Hiddink!”

Ông biết là “hiện tại Milan đang ở trạng thái tốt hơn Juve”, điều đã được chính Leonardo thừa nhận sau đó (“
Nhìn Juve, tôi nghĩ đến chính chúng tôi vào tháng 10 vừa qua, trong bối cảnh mà dường như tất cả mọi điều đều chống lại bạn”).

Milan. Ảnh: Reuters
Juve đã chẳng thể làm gì ngoài việc nhìn đối phương ăn mừng. Ảnh: Reuters

Vì biết điều ấy nên ông không dám và không thể mạo hiểm có một lựa chọn nào khác ngoài việc để các học trò chơi 4-4-1-1 với hai tiền vệ phòng ngự và chỉ một tiền đạo duy nhất, nghĩa là phải hy sinh Del Piero để lấy chỗ cho Poulsen.

Trong 20 phút đầu, đó không phải là một quyết định tồi. Juve kiểm soát chỉ 45% bóng, nhưng lại là phía triển khai tấn công hiệu quả hơn, với 7 quả tạt và một cơ hội rõ rệt (Diego, phút 13). Phía bên kia, Milan chỉ có thể yên lặng chờ đợi, và Ronaldinho đã bị đẩy dạt về gần các hậu vệ, như khi anh phạm lỗi với Shalihamidzic.

Đến cựu chủ tịch Cobolli Gigli cũng phải lên tiếng: “Những phút đầu, Juve chơi tốt trước Milan. Song bàn thua đã đến bởi một sai lầm tai hại”.

“Sai lầm tai hại ấy”, của Melo và Poulsen, đã trở thành một bước ngoặt không thể ngăn cản, nghiêng hẳn chiến thắng về phía Milan. Dưới cú đòn choáng váng ấy của Nesta, điều Leonardo chờ đợi (“Ciro sẽ truyền được tinh thần bình thản và sự điềm tĩnh của mình vào các học trò”) đã không thể xảy ra, mà ngược lại, tâm trí Ferrara cũng bị cuốn theo những ý tưởng vô định.

Với Del Piero, anh quay về với cấu hình 4-3-1-2 quen thuộc. Tung nốt De Ceglie vào hành lang trái, Juve chơi trong dáng dấp 4-4-2. Liên tục xoá ván cờ làm lại, liên tục xáo trộn, liên tục quay cuồng, những nỗ lực của Bianconeri lại càng như mất hút dưới làn sương mù.

Juve

Số liệu thống kê

Milan

39%

Kiểm soát bóng

61%

0

Bàn thắng

3

14

Sút

7

1

Cứu bóng

4

4

Sút trúng mục tiêu

4

8

Phạt góc

9

28

Phạm lỗi

15

4

Việt vị

8

2

Thẻ vàng

1

0

Thẻ đỏ

0

Nguồn: soccernet


3. “Đó không phải là Juve đích thực” (Chiellini), còn bên kia lằn ranh, chính là Milan của những trận chiến lớn mà người ta đợi mong, đặc biệt là sau khi Nesta đưa họ vượt lên.

Juve_Milan_Pirlo_Getty
Cùng với Gattuso, Ambrossini, Pirlo (bìa phải) tạo thành bộ ba đầy lợi hại. Ảnh: Getty

Ronaldinho, 4 lần tung sút đều trúng khung thành, hoàn tất một cú đúp, nhưng hình bóng quen thuộc của một Milan huy hoàng mùa vàng son 2007 không được tạo dựng nên bởi anh.

Sự gần gũi mà các Milanista có thể cảm nhận được hẳn phải là khả năng gắn bó của một bộ ba tuyệt vời phía sau anh: Pirlo – Gattuso – Ambrossini, những chiến binh của các trận đại chiến.

Họ đã quá hiểu nhau để giúp nhau chia cắt hàng tiền vệ chắp vá của Juve, và sau đó là chặn đứng mọi nỗ lực vùng vẫy tuyệt vọng từ phía đối thủ. Trong cả trận, Milan không bao giờ kiểm soát ít bóng hơn Juve là nhờ cái giá đỡ thượng thặng ấy.

Nếm trải thăng trầm cùng nhau dưới màu áo Đỏ-Đen bao năm qua, họ là những biểu tượng của một sự ổn định, là cái nền tảng để Ronaldinho hay Pato thăng hoa và trở thành những sự bổ sung đáng giá.

Juve hiện tại, và đặc biệt là tại Olimpico, là hình ảnh phản chiếu ngược lại. Del Piero vào sân như một quân bài tuyệt vọng, rồi trở thành người dứt điểm nhiều nhất (4 lần), nhưng cũng không cứu vãn nổi chút danh dự cho các vị chủ nhà, sau khi các đồng đội mới của anh đã tự bắn vào chân mình.

Nhưng, giả như anh có ghi bàn, thì thứ ánh sáng hắt lên ấy cũng chỉ càng gợi thêm tiếc nuối, ảm đạm và chán chường. Sau hai mùa trở lại Serie A, với “tài ba”của những nhà kiến thiết trên thượng tầng, Juve vẫn chỉ là một đống ngổn ngang phế tích và trông chờ vào sức toả sáng của một tượng đài đã đi gần hết buổi hoàng hôn của sự nghiệp hay sao?

  • Đông Tửu

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

todesengel, 08:31, 12/01/2010

Bài viết rất hay. Một thời là nỗi khiếp sợ đối với toàn cõi Châu Au đã lùi vào dĩ vãng. Juve cần phải biết mình là ai, đang đứng đâu và phải dũng cảm đứng lên xây dựng lại từ phế tích. Cẩn phải lấy lại những gì đã mất.

Tin liên quan

Các tin khác