Milan đại thắng: Sự kỳ lạ phi thường

Cập nhật lúc 14:47, 08/01/2010 (GMT+7)

- Milan khởi đầu năm 2010 bằng chiến thắng "hoành tráng" trước Genoa, đối thủ tương đối khó chịu, với rất nhiều điểm mới trong đội hình cũng như cách chơi. Những gì diễn ra ở San Siro rạng sáng thứ Năm vừa qua là hết sức ấn tượng của một Milan có nhiều thay đổi đến mức... kỳ lạ, một "sự kỳ lạ phi thường".

[video(14257)]

Một Milan kỳ lạ

Milan khép lại năm 2009 bằng một thất bại bạc nhược ngay trên sân San Siro trước Palermo, và cũng khép lại chuỗi thăng hoa cựu kỳ ấn tượng của triều đại Leonardo: 13 trận bất bại liên tiếp, tính trên mọi mặt trận.

Beckham là một trong những thay đổi đặc biệt của Leonardo, và tiền vệ người Anh đóng thế hoàn hảo vị trí tiền đạo phải của Pato. Ảnh: Getty Images
Beckham là một trong những thay đổi đặc biệt của Leonardo, và tiền vệ người Anh đóng thế hoàn hảo vị trí tiền đạo phải của Pato. Ảnh: Getty Images

Những lo ngại xuất hiện, khi tính đột biến trong chiến thuật của Leonardo dường như đi đến điểm tới hạn. Không có những nét mới, không còn sự luân phiên, đội hình Milan rất dễ để dự đoán về từng vị trí trong sơ đồ 4-2-1-3.

Thế nhưng, chỉ sau hơn 2 tuần lễ nghỉ Đông, điều kỳ lạ đã xuất hiện. Sự kỳ lạ ấy xuất phát từ ý tưởng táo bạo của Leonardo (tất nhiên, có một phần yếu tố khách quan buộc ông làm thế): xây dựng đội bóng dựa trên những con người tấn công.

Không có Seedorf? Pirlo được đẩy lên đá hộ công để nhường vị trí phía sau cho Gattuso, người vừa trở lại sau chấn thương. Không có Pato? "Tân binh" Beckham được trám vào vị trí đó, dù ai cũng biết khả năng khuấy đảo và xâm nhập vòng cấm của anh không bằng "chú Vịt".

Chưa hết. Ở vị trí hậu vệ phải là một Abate xuất thân từ... tiền vệ trái. Dù đã quen với việc phải đá hậu vệ khi Oddo chấn thương, nhưng Abate chưa bao giờ mang lại sự chắc chắn, trừ tốc độ mà khó đồng đội nào bì kịp. 

Do Zambrotta chấn thương, hậu vệ phải cũng được trao cho Luca Antonini, môt cầu thủ đa năng nhưng sở trường là tiền vệ trái.

Gần như cả đội hình Milan đều tấn công, và một trung vệ như Thiago Silva cũng có bàn thắng cho riêng mình. Ảnh: AP
Gần như cả đội hình Milan đều tấn công, và một trung vệ như Thiago Silva cũng có bàn thắng cho riêng mình. Ảnh: AP

Nhìn vào đội hình ấy, trước khi trận đấu diễn ra, không ít người dự cảm về một Milan mất tính cân đối, và áp lực mà cặp trung vệ Nesta - Thiago Silva có thể phải chịu là rất lớn.

Kết quả cũng... kỳ lạ

Dự cảm về sự thiếu cân đối nhanh chóng được xua tan, khi Milan nhập cuộc đầy ấn tượng. Becks chứng minh anh thừa khả năng hoàn thành vai trò của Pato bằng cú lật cổ chân điệu nghệ, để Borriello băng vào đá nối mà chỉ có phản xạ khó tin của Amelia mới ngăn được bàn thắng xảy ra.

Khi Ronaldinho cực kỳ "hào phóng" trao cho Amelia cơ hội thứ hai để trổ tài, bằng cách sút rất hiền quả phạt đền mà Ambrosini chủ động ngã, cũng như việc Sculli bất ngờ đánh đầu đưa Genoa vươn lên dẫn trước, Milan vẫn giữ được sự ổn định trong lối chơi.

Các vị trí có độ kết dính cao, với khả năng phối hợp nhuần nhuyễn. Từ bóng ngắn đến bóng dài, Milan đều thể hiện được hiệu quả cao trước đối thủ từng khiến họ điêu đứng trong mùa giải trước (Milan hòa 1-1 trên sân nhà, thua 0-2 tại Genova), và hai bàn thắng lật ngược tình thế trong hiệp 1 như hệ quả tất yếu.

Borriello đã nhảy múa trước hàng thủ Genoa. Ảnh: Reuters
Borriello đã nhảy múa trước hàng thủ Genoa. Ảnh: Reuters

Sự bùng nổ của Milan còn mạnh mẽ hơn trong hiệp đấu thứ hai. Các vị trí liên tục xoay vòng và di chuyển nhịp nhàng của Milan khiến đội khách hoàn toàn mất phương hướng. Không có phản ứng nào từ đội bóng đến từ thành phố cảng Genova trong hai tình huống Borriello bùng nổ.

Một đội hình kỳ lạ với nhiều vị trí đặc biệt; một lối chơi kỳ lạ khi cả đội luôn dâng lên trước vòng cấm địa đối phương, trừ thủ môn Dida (Ambrosini chơi hệt như một tiền đạo); 3 quả phạt đền chỉ trong một trận mà Milan được hưởng cũng rất kỳ lạ, điều chưa từng xảy ra ở Serie A suốt 6 năm qua.

Sự kỳ lạ của Milan khiến Genoa ngơ ngác, và minh chứng là khi Borriello thực hiện tuyệt tác nâng tỉ số lên 4-1, pha bóng mà anh đã việt vị, các cầu thủ khách không còn nhớ đến việc khiếu nại trọng tài.

Một điểm quan trọng khác trong trận đấu kỳ lạ của Milan: khi tỉ số đã là 4-1, Milan vẫn hướng về phía trước, vẫn tỏ ra khát khao tìm kiếm thêm bàn thắng. Trong giai đoạn kỷ nguyên Ancelotti, nếu Milan đã dẫn 2-1 trong hiệp 1, các tiền đạo sẽ được rút ra chứ đừng hòng có chuyện cả đội đều tấn công.

Thử thách ở Turin

Tất nhiên, những gì gói gọn trong một trận đấu chưa đủ để khẳng định tuyệt đối về một Milan mới, một tập thể chiến thắng. Ở San Siro rạng sáng thứ Năm vừa qua, cần phải thừa nhận sự sụp đổ nhanh đến mức ngạc nhiên của Genoa đã tạo cơ hội để Milan kết thúc trận đấu một cách hoành tráng.

Milan đã thể hiện tinh thần rất tốt, và hướng luôn khát vọng ghi bàn. Gặp Juve sẽ là liều thuốc thử hợp lý cho tham vọng của đội trưởng Ambrosini và các đồng đội. Ảnh: Getty Images
Milan đã thể hiện tốt tinh thần và khát vọng ghi bàn. Gặp Juve sẽ là liều thuốc thử hợp lý cho tham vọng của đội trưởng Ambrosini và các đồng đội. Ảnh: Getty Images

Vì thế, Milan cần thêm thách thức mới để kiểm chứng về tham vọng lật đổ ngôi đầu của Inter. Chuyến làm khách của Juve, trong trận đấu cuối cùng của giai đoạn lượt đi, thực sự là một liều thuốc thử hợp lý đối với những thay đổi của Leonardo.

Seedorf và Zambrotta chắc chắn ngồi nhà, trong khi khả năng kịp trở lại của Pato là rất thấp, nên có thể Leonardo sẽ giữ nguyên đội hình đã thắng Genoa.

So với giai đoạn cuối năm 2009, Juve đã tỉnh giấc ngủ đông kéo dài bằng chiến thắng trước Parma. "Lão phu nhân" đã khoác lên mình một tinh thần khác và có đủ thời gian để nghiên cứu những gì Milan vừa thể hiện.

Mọi lời khen chỉ có giá trị nếu Milan đến Turin bằng một chiến thắng. Còn không, màn nhảy múa của đội quân Leonardo tại San Siro vừa qua chỉ mang tính nhất thời.

  • Ngọc Linh

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác