Nhà lịch sử học kiêm nhà phân tích chính sách an ninh quốc gia Gareth Porter - tác giả của cuốn Những hiểm hoạ của Sự thống trị: Mất cân bằng quyền lực và Con đường dẫn tới chiến tranh ở Việt Nam - cho rằng Kế hoạch tăng quân Mỹ tại Iraq của Tổng thống Bush phản ánh một logic chính trị ngoan cố. Logic đó đã ngăn cản chính quyền Mỹ đảo ngược các cuộc phiêu lưu quân sự ngay từ khi bắt đầu.
Tổng thống Bush |
Quy luật bất di bất dịch là các nhà lãnh đạo - những người đưa quân ra nước ngoài tham chiến - vào một lúc nào đó nhận ra họ đã sai lầm nghiêm trọng và không thể giành thắng lợi trong cuộc chiến. Tuy nhiên, sau đó họ cho rằng đã quá muộn, họ phải hành động như thể họ đang nhắm tới một chiến thắng, bởi họ sợ thừa nhận sự thật.
Sai lầm lớn
Với kế hoạch tăng thêm 20.000 binh sĩ Mỹ tại Iraq, ông Bush đã phải thay thế các tư lệnh tại Iraq để tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch này bởi tướng George Casey và Tướng John Abizaid đã thừa nhận rằng tăng thêm quân Mỹ tại đây sẽ làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn, chứ không phải tốt hơn.
Thậm chí một số quan chức cấp cao trong chính quyền Bush đã nói riêng rằng, tăng quân là một sai lầm lớn. Tờ Washington Post đưa tin hôm 7/10: ''các quan chức cao cấp trong quân đội và chính quyền thừa nhận những lo ngại sâu sắc của họ rằng tăng quân sẽ đem lại kết quả ngược với mong đợi và để nước Mỹ không có sự lựa chọn nào khác ngoại trừ phải rút khỏi Iraq trong vòng 6-8 tháng tới''.
Thất bại lớn nhất của một chính sách như vậy sẽ là kết quả của sự đối đầu lớn về quân sự và chính trị với các chiến binh Shiite ở Baghdad và ở miền Nam Iraq. Trung tướng Ray Odierno nói với báo giới ông mong đợi quân đội Mỹ sẽ tiến vào khu vực thành Sadr của Baghdad bởi nơi đây tập trung đông đảo những người lao động Shiite trung thành với giáo sĩ cực đoan Muqtada al-Sadr. Nếu Mỹ khiêu khích một cuộc chiến với đội quân Mehdi của Muqtada, không nghi ngờ gì nữa, sự chết chóc trên chiến trường và thương vong của dân thường sẽ tăng mạnh. Xung đột cũng có thể làm tan vỡ các thoả thuận cực kỳ mong manh mà giúp cho Chính phủ Iraq khỏi sụp đổ.
Ngay cả khi đảng Dân chủ không cản đường kế hoạch tăng quân của ông Bush, về mặt nội chính kế hoạch này chắc chắn cũng phản tác dụng. Lãnh đạo trong quốc hội của đảng Dân chủ giờ có thể sử dụng quyền lực của họ để tổ chức các cuộc điều trần, điều tra, v.v.. nhằm quấy rối và gây áp lực lên một chính quyền đã suy yếu tột cùng do cuộc chiến Iraq.
Mặc dù đối mặt với những nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng, ông Bush đã cố tình bác bỏ mọi khuyến nghị, chẳng hạn như đề xuất của Nhóm nghiên cứu Iraq (ISG) về việc giảm bớt sự tham gia của quân Mỹ tại Iraq. Thay vào đó, ông Bush ám chỉ rằng ông sẵn sàng chống lại bất kỳ ai - cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hoà trong Quốc hội Mỹ, cả người Sunni và Shiite ở Iraq - để theo đuổi chiến thắng.
Sự ngoan cố đó đã được các nhà quan sát tại Washington phân tích trong nhiều tháng nay và lời giải thích được ưa thích nhất cho sự ngoan cố này là phương pháp hoạch địch chính sách dựa trên niềm tin của ông Bush. Phương pháp đó bác bỏ trí óc và chuyên môn, ủng hộ niềm tin lý tưởng hoặc niềm tin tôn giáo.
Tuy nhiên, tuần trước, tờ New York Times đã tiết lộ một tuyên bố của ông Bush trước ISG, giúp giải câu đố về sự ngoan cố của ông Bush về vấn đề Iraq. Ông Bush đã giải thích tại sao ông tiếp tục sử dụng thuật ngữ ''chiến thắng'' liên quan tới Iraq. ''Đó là một từ mà người Mỹ hiểu và nếu tôi bắt đầu thay đổi, sẽ như thể tôi đang bắt đầu thay đổi chính sách của tôi'', ông Bush nói với ISG. Ẩn ý của tuyên bố này rõ ràng là ông phải tiếp tục tỏ vẻ đang theo đuổi chiến thắng, ngay cả khi ông hiểu rằng từ ngữ đó chẳng thích hợp chút nào với những sự thật trần trụi trên chiến trường Iraq. Tuyên bố đó cũng ngụ ý rằng làm ngược lại có nghĩa là tự sát về chính trị.
Trên thực tế, khi thừa nhận rằng ông buộc phải tiếp tục ra vẻ như đang theo đuổi chiến thắng, ông Bush nhắc mọi người nhớ lại một tuyên bố tương tự của một quan chức trong chính quyền Lyndon Johnson, nhân vật mà khi nhắc tới tên mọi người liên tưởng ngay tới cuộc chiến tranh Việt Nam: Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara.
Vào ngày 29/6/1965, vài ngày trước khi McNamara và các nhà hoạch định chính sách khác trong chính quyền Johnson bắt đầu tiến trình thông qua kế hoạch leo thang quân sự không hạn chế ở miền Nam Việt Nam, McNamara đã nói với Ngoại trưởng Anh Gordon Walker rằng ''không ai trong chúng tôi nói về việc giành được một chiến thắng'' song ông nói thêm rằng họ không thể nói với công chúng Mỹ cuộc chiến không thể thắng lợi.
Trong vòng 18 tháng, McNamara đã rời chính quyền, từ bỏ mọi hy vọng giành được chiến thắng ở Việt Nam. Tuy nhiên cuộc chiến tiếp tục kéo dài thêm 6 năm nữa.
Việc chính quyền Bush duy trì cái vẻ vẫn đang theo đuổi chiến thắng tại Iraq còn có ẩn ý rằng ông Bush quan tâm tới việc có thể chuyển chính sách chiếm đóng cho tổng thống kế nhiệm năm 2009. Hôm 7/1, vị tướng mà ông Bush chỉ định để trở thành tư lệnh mới của các lực lượng chiến đấu Mỹ tại Iraq, Odierno, nói với báo giới rằng có thể mất 2 hoặc 3 năm nữa để quân đội Mỹ và Iraq đạt được tiến bộ. Nói theo cách của tờ New York Times thì mất 2-3 năm để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh này. Hai hoặc ba năm sẽ chuyển chính sách chiếm đóng cho chính quyền kế tiếp.
Chiến lược chính trị kiểu Kissinger
Hoàn toàn không ngẫu nhiên khi cố vấn bên ngoài có ảnh hưởng nhất của ông Bush và nhóm an ninh quốc gia của ông là cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger. Tờ McClatchy đưa tin hồi giữa tháng 12 rằng ông Kissinger đã thường xuyên gặp gỡ ông Bush và Ngoại trưởng Condoleezza Rice vài lần vài cuối năm 2006.
Sự xuất hiện đột ngột của ông Kissinger với tư cách là một nhân vật then chốt trong chính sách Iraq của Bush đáng xem xét kỹ hơn. Mặc dù biết rất ít về cách đối phó với người Sunni và Shiite song Kissinger biết cách truyền ảo tưởng chiến thắng tới công chúng Mỹ cho dù vị thế hiện nay của Mỹ trong cuộc chiến này là rất yếu và bất ổn.
Một trong những thành tựu của Kissinger là làm cho các phương tiện truyền thông tin vào chương trình tuyên truyền của chính quyền Nixon: chiến dịch ném bom Hà Nội 1972 đã làm cho miền Bắc Việt Nam mất nhuệ khí tới mức chiến dịch đã giúp Tổng thống Richard Nixon và Kissinger giành được một chiến thắng ngoại giao trước những người cộng sản trong Hiệp định Paris. Chương trình tuyên truyền đó là sự bóp méo hoàn toàn những điều thực sự xảy ra trước và sau các cuộc không kích.
Tuy nhiên, có lẽ ông Bush quan tâm tới kinh nghiệm của Kissinger trong việc chuyển trách nhiệm thất bại sang cho đảng Dân chủ. Đó chính là cái mà ông Kissinger đã cố gắng làm vào mùa xuân 1975 khi chế độ quân sự miền Nam Việt Nam tan rã dưới áp lực tấn công của miền Bắc. Mặc dù Kissinger đã thừa nhận vào thời điểm ký kết Hiệp định Paris rằng chế độ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có thể không trụ được song ông quả quyết rằng người kế nhiệm của Nixon - Tổng thống Gerald Ford, sẽ yêu cầu Quốc hội phê chuẩn thêm một khoản viện trợ quân sự 722 triệu USD vào ngày 11//4, chưa đầy ba tuần trước sự sụp đổ cuối cùng.
Trong bài tường thuật về thời kỳ này, nhà báo Arnold Isaacs nhớ lại cách Kissinger viết bài diễn văn cho Ford để đổ trách nhiệm về thất bại ở Sài Gòn cho Quốc hội và bào chữa cho vai trò của chính ông ta trong chính sách đối với Việt Nam. Vì vậy trong cuộc phỏng vấn với CNN ngày 14/12 năm ngoái, khi Kissinger nói rằng sự gia tăng sức mạnh sẽ đóng một vai trò ở Iraq nếu thể hiện rằng Mỹ chưa kiệt sức'', chúng ta có thể thấy những phác thảo của một chiến lược chính trị kiểu Kissinger nữa cho một chính quyền đang đối mặt với nguy cơ thất bại.
Tuần trước, Thượng Nghị sĩ Joseph Biden, Chủ tịch Uỷ ban các quan hệ đối ngoại của Thượng viện cho biết, ông đã đi tới một quyết định không dứt khoát rằng đa số thành viên trong chính quyền Bush, có lẽ bao gồm cả Phó Tổng thống Dick Cheney, đã tin rằng Mỹ thua cuộc ở Iraq. Ông đã mô tả chiến lược hiện nay của chính quyền Bush chỉ nhằm ''duy trì cho chiến lược này khỏi hoàn toàn sụp đổ trong thời gian cầm quyền và chuyển nó cho tổng thống kế nhiệm''.
Lãnh đạo đảng Dân chủ trong Quốc hội hiện có thế để buộc Mỹ ngừng chiếm đóng Iraq. Cả họ và ông Bush đều biết điều đó. Luận điểm đâm vào lưng của ông Kissinger được phép tồn tại trong hàng thập kỷ mà không có một phản ứng kiên quyết nào từ phe Dân chủ. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay khó khăn hơn nhiều đối với ông Bush so với năm 1975.
-
Minh Sơn (Theo Asia Times)