221
5362
Nhân vật và đối thoại
nhanvat
/thegioi/nhanvat/
872818
Tổng thống Chavez và con đường chủ nghĩa xã hội của Venezuela
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Tổng thống Chavez và con đường chủ nghĩa xã hội của Venezuela
,

Sau chiến thắng lớn của Tổng thống Hugo Chavez, có nhiều tin đồn về cách Venezuela sẽ thay đổi trong vài năm tới dưới sự lãnh đạo của ông.

Soạn: HA 976613 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Tổng thống Chavez

Ông Chavez đã công khai nói về nhiệm kỳ thứ ba như ''một giai đoạn mới'' trong dự án dài hạn của ông đối với quốc gia Mỹ La tinh này. Ông không giấu giếm trong suốt chiến dịch vận động tranh cử và cả sau khi tái đắc cử rằng ''Cuộc cách mạng Bolivarian'' của ông - được đặt tên theo nhà lãnh đạo độc lập Nam Mỹ thế kỷ 19 Simon Bolivar - đang hướng tới chủ nghĩa xã hội.

Trong 14 năm tới, ông Chavez muốn biến Venezuela từ xã hội tư bản thành xã hội xã hội chủ nghĩa. Kế hoạch chiến lược giúp ông làm điều đó đã được soạn thảo và được gọi là ''Kế hoạch quốc gia Simon Bolivar''. Một nghị sĩ quốc hội thân Chavez, Carlos Escarra, cho biết ông đã được cá nhân ông Chavez chỉ định để chuẩn bị các cuộc cải cách sâu rộng về hiến pháp của quốc gia này.

Đổi tên nước và cải cách hiến pháp

Ông Escarra, một thành viên của uỷ ban cải cách hiến pháp của Tổng thống, cho biết: ''Một trong các đề xuất là thay đổi tên gọi của đất nước chúng tôi từ Cộng hoà Venezuela Bolivarian thành Cộng hoà Bolivarian và chủ nghĩa xã hội. Chẳng hạn, chúng tôi muốn xoá bỏ các cấu trúc nhà nước cũ, quan liêu và thay thế chúng bằng các cơ quan của nhân dân''.

Tổng thống Chavez thường nói về dự định nắm quyền cho tới năm 2021 để thực hiện dự án xã hội chủ nghĩa của ông. Để nắm quyền lâu như vậy, ông Chavez và những người ủng hộ muốn thay đổi hiến pháp để xoá bỏ các hạn chế đối với số lần ông có thể tái cử liên tiếp.

''Đây là một phần của kế hoạch năm tới. Nên nhớ rằng Tổng thống Chavez đã tái đắc cử với một chiến thắng lớn. Chiến thắng đó đã trao cho ông tính hợp pháp và sự uỷ nhiệm của nhân dân để tiến hành những thay đổi lớn'', Hector Navarro, Giám đốc cao cấp trong nhóm vận động tranh cử của ông Chavez cho biết.

Tuy nhiên, mọi thay đổi đối với hiến pháp Venezuela ban đầu phải được đa số 2/3 nghị sĩ trong quốc hội ủng hộ và sau đó là tiến hành trưng cầu dân ý toàn quốc. Điều này không có gì khó khăn đối với nhà lãnh đạo cánh tả của Venezuela vì quốc hội gần như do những người trung thành với ông kiểm soát và một bộ phận lớn dân chúng đang ủng hộ ông.

Tháng 12/2007 có thể là ngày trưng cầu dân ý về hiến pháp. Với thời hạn này, tổng thống Chavez có nhiều thời gian để chuẩn bị các chi tiết và tìm kiếm sự ủng hộ của người dân.

Những thay đổi khác

Theo nhiều nhà phân tích có uy tín, sẽ có những thay đổi khác ngoài cải cách hiến pháp. Phần lớn mọi người dự đoán rằng nền kinh tế tư nhân của Venezuela sẽ biến mất. Orlando Ochoa, một nhà kinh tế hàng đầu, dự báo nền kinh tế thị trường tự do này sẽ được thay thế bằng một mô hình xã hội chủ nghĩa mà trong đó nhà nước có quyền kiểm soát lớn hơn nhiều đối với khu vực tư nhân. ''Nhà nước sẽ điều tiết giá cả và lợi nhuận ở khu vực tư nhân'', ông Ochoa nói.

Alberto Garrido, một nhà phân tích độc lập, chắc chắn rằng trong 14 năm tới các bộ phận của nền kinh tế hiện nay sẽ biến mất. ''Chăm sóc sức khoẻ tư nhân và giáo dục tư nhân sẽ bị chính phủ loại bỏ trước tiên như một phần của bước tiến tới chủ nghĩa xã hội. Toàn bộ quốc gia này sẽ được hướng tới khẩu hiệu: một lãnh đạo - một đảng - một hệ tư tưởng'', ông nói thêm.

Một đề xuất sẽ được đưa ra năm tới là thành lập một đảng chính trị duy nhất để đại diện cho những người ủng hộ ông Chavez. Hiện có một loạt đảng ủng hộ ông Chavez, mỗi đảng có lãnh đạo và cơ cấu riêng.

Về quan hệ đối ngoại, gần như chắc chắn rằng chính phủ Chavez sẽ lựa chọn tính liên tục: ở Caracas không có sự ủng hộ việc nối lại tình hữu nghị với Washington và chính quyền hiện tại của Tổng thống Mỹ Bush.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ đã nỗ lực hết sức để nối lại quan hệ sau chiến thắng của ông Chavez song ông Chavez vẫn lãnh đạm. Ông đã coi các đề nghị ngoại giao của Washington là ''giả dối''. ''Thỉnh thoảng họ ngỏ ý dàn hoà với chúng ta. Tuy nhiên, luôn có những sợi dây gắn kèm. Và chúng ta, một quốc gia có chủ quyền, không thể chấp nhận các điều kiện'', ông Chavez nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo gần đây ở Caracas.

Thứ trưởng Ngoại giao Venezuela phụ trách các vấn đề Bắc Mỹ, Jorge Valero, cho biết trong vài năm tới sẽ có nhiều sự hợp tác hơn giữa chính phủ Venezuela và các nước ở Nam bán cầu. Venezuela cũng đang nỗ lực thay thế Mỹ bằng Trung Quốc với tư cách là đối tác thương mại số một. ''Ý định trong vài năm tới của Venezuela là bán tất cả dầu thô mà nước này hiện đang chuyển tới Mỹ cho Trung Quốc'', Alberto Garrido nói.

Mục tiêu cuối cùng là độc lập hoàn toàn về kinh tế với Mỹ bởi ông Chavez không muốn là một nhà lãnh đạo ngoan ngoãn phục tùng giới kinh tế và chính trị Bắc Mỹ. Ông không muốn chính sách ngoại giao của ông, phong cách lãnh đạo và dự án xã hội chủ nghĩa của ông bị quốc tế giám sát.

  • Minh Sơn (Theo BBC)
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,