Một đồng minh Ảrập cốt cán của Mỹ cho báo TIME hay rằng phản ứng của Washington trước cuộc xung đột mới ở Trung Đông là "quá ít, quá muộn" và tiết lộ các chi tiết về nỗ lực làm trung gian hòa giải của Ai Cập.
>>>Toàn cảnh cuộc xung đột Israel - Lebanon
Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, nhà hỏa giải chính trong cuộc xung đột Israel - Ảrập 25 năm qua, đang bày tỏ sự bất bình trước cách giải quyết khủng hoảng ở Lebanon của chính quyền Bush.
Trả lời các câu hỏi của TIME, Tổng thống Mubarak nói một cuộc họp khẩn cấp với các đại diện Ảrập do Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice chủ trì ở Rome ngày 26/7 đã thất bại trong nỗ lực ngăn chặn cảnh máu đổ. Tuy không chỉ trích trực tiếp việc Nhà Trắng từ chối kêu gọi một sự ngừng bắn ngay lập tức ở miền nam Lebanon song ông than phiền rằng cuộc khủng hoảng "đã có thể được ngăn chặn ngay từ đầu". Nhà lãnh đạo này yêu cầu cộng đồng quốc tế đưa ra "một sự phản đối ngoại giao đúng đắn và khẩn cấp" nhằm đạt được hòa bình và an ninh.
Chiến dịch quân sự của Israel, theo Tổng thống Mubarak, đã "đi quá xa" và "chọc giận trong cộng đồng Ảrập, Hồi giáo và cả thế giới". Với tình cảnh bế tắc của tiến trình hòa bình cho một Trung Đông rộng lớn hơn, ông bày tỏ sự bi quan về việc giải quyết khủng hoảng: "Không có ánh sáng ở cuối đường hầm".
Khi trả lời phỏng vấn, người đứng đầu chính quyền Cairo cũng tiết lộ các chi tiết về nỗ lực làm trung gian hòa giải của Ai Cập, một vai trò vốn gần như đã tháo được ngòi nổ xung đột ở Trung Đông trước khi bạo lực lan từ Dải Gaza tới miền nam Lebanon ngày 12/7.
Mubarak khẳng định, trước khi bùng nổ các hành động thù địch ở Lebanon, các nhân viên tình báo Ai Cập gần như đã môi giới xong một thỏa thuận, theo đó binh sĩ Israel bị du kích Palestine bắt cóc sẽ được tự do. Tuy nhiên "một số bên thứ 3" - dường như là ám chỉ thủ lĩnh Hamas lưu vong Khaled Mishal và chính quyền Damascus ủng hộ ông ta - "đã phá hỏng nỗ lực của chúng tôi".
Tổng thống Ai Cập cũng tiết lộ ông đã yêu cầu người đồng nhiệm Syria Bashar Assad can thiệp để Hezbollah trả tự do cho hai binh sĩ Israel bị tổ chức này bắc cóc. Tuy nhiên, ông Mubarak tỏ ý sẽ không tham gia cùng với Mỹ thúc ép khối Ảrập gây áp lực lên Syria - một trong hai nhà bảo trợ chính của Hezbollah, viện dẫn "các nỗ lực nhằm cô lập Syria sẽ phản tác dụng".
Mubarak chỉ trích Hezbollah đã hành động như "một nhà nước trong lòng một nhà nước" và phàn nàn rằng sự đối lập của Iran đối với hòa bình Ảrập - Isarel "đang làm phức tạp thêm tình hình vốn đã quá phức tạp".
Tổng thống Mubarak đưa ra những lời bình luận trên trong văn bản viết tay trả lời các câu hỏi của báo TIME. Dưới đây là trích đoạn cuộc phỏng vấn:
TIME: Ai Cập đang làm gì trước cuộc khủng hoảng hiện nay?
Mubarak: Chúng tôi đã nỗ lực ngay từ những ngày đầu. Một đoàn đại biểu tình báo của Ai Cập đã được phái tới Gaza. Chúng tôi đã gần đạt tới một thỏa thuận trao trả binh sĩ bị bắc cóc cho [Tổng thống Ai Cập còn được biết đến là] Abu Mazen hoặc cho Ai Cập.
Tuy nhiên, sự can thiệp của một số bên thứ ba đã phá ngang nỗ lực của chúng tôi. Chúng tôi không mất hy vọng. Chúng tôi có lý do để tin rằng một thỏa thuận vẫn có thể ra đời. Đây là điều cực kỳ quan trọng nhằm đưa chiến dịch của Israel ở Gaza tới điểm kết thúc và duy trì các cơ hội khôi phục nỗ lực hòa bình.
TIME: Còn về Hezbollah?
Mubarak: Vài giờ sau khi Hezbollah bắt cóc hai binh sĩ Israel, tôi đã cử Ngoại trưởng Ahmed Aboul Gheit tới Damascus. Ông đã chuyển một thông điệp tới Tổng thống Syria Bashar Assad khuyến cáo sự nghiêm trọng của tình hình và yêu cầu ông Assad can thiệp để Hezbollah trả tự do cho con tin. Nỗ lực của chúng tôi vẫn tiếp tục cùng với các đối tác quốc tế và khu vực nhằm chấm dứt sự leo thang hiện nay. Chúng tôi luôn mở rộng các kênh của mình với cả Lebanon và Israel cùng với người Ảrập Xêút, Jordan, Mỹ, châu Âu, Nga và LHQ.
TIME: Vậy cần phải làm gì?
Mubarak: Lebanon đang có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Các chiến dịch quân sự sẽ không giải quyết được vấn đề của Israel với Hezbollah. Một lệnh ngừng bắn lập tức là ưu tiên hàng đầu. Chấm dứt các hành động thù địch sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi để giải quyết những vấn đề trên một cách thẳng thắn. Cần chặn đứng cảnh máu đổ và thương vong do các cuộc tấn công của Israel gây ra. Cuộc gặp ở Rome về khủng hoảng ở Lebanon đã không thể đạt được mục tiêu này. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có một vai trò và phải thể hiện trách nhiệm của mình.
TIME: Điều gì đằng sau cuộc khủng hoảng?
Mubarak: Vấn đề cốt lõi là tình trạng tối tăm của tiến trình hòa bình. Tiến trình hòa bình phải được hồi sinh và sớm được đưa tới một điểm kết cuối cùng, thành công. Chỉ cần như vậy thôi cũng sẽ đảm bảo được an ninh và ổn định cho mỗi và tất cả các nước ở Trung Đông, trong đó có Israel. Các diễn biến leo thang ở Lebanon và Gaza là triệu chứng của tình hình bị đảo lộn kinh niên ở Trung Đông. Không thể đạt được một tiến trình nào dựa theo Lộ trình Hòa bình. Viễn cảnh hai nhà nước mà Tổng thống Bush tuyên bố không tiến được một tấc nào. Con đường hòa bình Israel - Syria thì bế tắc còn với Lebanon thì nghẽn bởi vấn đề Shebaa Farms. Không có lấy một chút ánh sáng nào ở cuối đường hầm. Nó gây ra nỗi thất vọng lớn trong toàn khu vực và dẫn tới những hành động leo thang như hiện nay.
TIME: Thế còn về vai trò của Syria và Iran?
Mubarak: Syria là một nước Ảrập quan trọng mà sự ổn định của họ góp phần vào ổn định của toàn khu vực. Chúng tôi vẫn để các kênh mở với Damascus và người Syria phản hồi lời khuyên cũng như yêu cầu của chúng tôi với khả năng tốt nhất của họ. Mọi nỗ lực cô lập Syria đều có tác dụng ngược lại. Khát vọng của Syria nhằm giải phóng Cao nguyên Golan khỏi sự chiếm đóng phải được giúp đỡ và thực hiện trọn vẹn.
"Phản ứng của Israel ở miền nam Lebanon là quá mức độ.", Hosni Mubarak. |
Mubarak: Không phải một vai trò nào đó có thể "quyết định đến mức nào". Lựa chọn của Ai Cập là đóng góp một cách tích cực và xây dựng cho hòa bình, an ninh và ổn định ở Trung Đông. Không một thỏa thuận an ninh khu vực nào cho Vùng Vịnh hay cho Trung Đông có thể bỏ qua hoặc phớt lờ chúng tôi. Vấn đề với Iran liên quan tới sự đối lập công khai lâu đời của họ đối với tiến trình hòa bình. Một lập trường như Iran đang theo đuổi sẽ làm phức tạp thêm tình hình vốn đã rất phức tạp trong vùng. Tôi cũng hy vọng rằng Tehran có thể sử dụng ảnh hưởng của họ đối với các nhóm theo trào lưu chính thống và cấp tiến trong toàn khu vực vì lợi ích của một Trung Đông ổn định và an toàn hơn.
TIME: Ông nhìn nhận như thế nào về Hamas và Hezbollah?
Mubarak: Cả hai đầu cần xem xét đường lối cũng như chiến thuật và nên đánh giá lại những lợi ích và những mất mát của mình. Cả hai đều chịu trách nhiệm đối với khu vực bầu cử của họ. Có rất nhiều bài học sẽ được rút ra từ các cuộc khủng hoảng hiện tại. Tôi hy vọng điều đó sẽ thông suốt các lãnh đạo của họ vì lợi ích của người dân Palestine và Lebanon. Hamas, tất cả các phe cánh Palestine và Abu Mazen (Tổng thống Abbas) phải gạt sang bên những bất đồng của mình và cất lên cùng một tiếng nói. Họ phải chứng minh được sự tồn tại của một đối tác Palestine có khả năng đàm phán một thỏa thuận hòa bình với Israel. Với Hezbollah, họ là một phần cơ cấu của người Lebanon. Tuy nhiên, không một ai nên được cho phép thiết lập một nhà nước trong lòng một nhà nước, Lebanon hay là bất cứ nước nào khác.
TIME: Ông đánh giá ra sao về phản ứng của Israel trước cuộc tấn công của Hezbollah nhằm vào họ?
Mubarak: Thất vọng, ít nhất có thể nói như vậy. Phản ứng của Israel thể hiện một sự trừng phạt chung nhằm vào người Palestine và người Lebanon. Tình trạng đổ máu và tàn phá mà Israel gây ra đã đi quá xa. Phản ứng quá mức độ của Israel đã kích động sự giận dữ trong cộng đồng Ảrập, Hồi giáo và toàn thế giới. Vấn đề con tin phải được giải quyến một cách sáng suốt và cẩn trọng.
TIME: Ý kiến của ông về phản ứng của Mỹ và cộng đồng quốc tế trước cuộc khủng hoảng?
Mubarak: Quá ít, quá muộn. Tình hình đã có thể được ngăn chặn ngay từ đâu. Thay vào đó, nó đã được để cho leo tháng với một chút nỗ lực được thực hiện bên trong và bên ngoài Hội đồng Bảo an. Giờ là lúc mà Hội đồng Bảo an gánh vác trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Mỹ và các thành viên thường trực khác phải đảm đương một trách nhiệm cụ thể. Cũng cần đến một sự phản đối về ngoại giao nghiêm túc và khẩn thiết của cộng đồng quốc tế. Ai Cập đã sẵn sàng, quyết tâm, có khả năng và trông đợi sẽ đóng góp vào những nỗ lực như vậy.
-
Thanh Hảo (gt)