221
478
Hồ sơ
hoso
/thegioi/hoso/
1230650
Ẩn ý chiến lược trong chính sách ngư nghiệp Trung Quốc
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Ẩn ý chiến lược trong chính sách ngư nghiệp Trung Quốc
,

Người ta đã chú ý quá nhiều tới việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh hải quân, đóng tàu thuyền và phát triển cơ sở hạ tầng cầu cảng, mà lại rất dễ quên một lĩnh vực quan trọng khác của chiến lược tăng cường hàng hải của Trung Quốc: Đó chính là vị thế như một cường quốc toàn cầu trong ngư nghiệp. 

a
Các tàu tuần tra ngư trường của Trung Quốc (Ảnh jamestown)
Với tổng lượng đánh bắt hơn 17 triệu tấn năm 2007, sản lượng của Trung Quốc gấp bốn lần với đối thủ liền kề, và vượt qua Nhật Bản, Mỹ cùng một số cường quốc hàng hải khác ở Thái Bình Dương.

Các đội tàu đánh bắt cá lớn của Trung Quốc tập trung tại Tây Thái Bình Dương, nhưng giờ đây cũng đã tăng cường hoạt động ở hầu khắp các vùng biển trên thế giới. Vấn đề này cần được đánh giá về mặt môi trường vì các đại dương toàn cầu đang lâm vào cảnh bị khai thác quá tải. 

Tuy nhiên, cần phải để ý tới khía cạnh chính sách đối ngoại và an ninh quốc tế với sự phát triển ngư nghiệp của người Trung Quốc. Trên thực tế, vấn đề ngư nghiệp lại là chú tâm an ninh hàng đầu đối với các nhà chiến lược hàng hải của Trung Quốc, vì nó liên quan trực tiếp tới tài nguyên và chủ quyền - hiện là tâm điểm dẫn dắt chiến lược phát triển hàng hải của nước này. Nhìn chung, những hành xử như một cường quốc ngư nghiệp lớn nhất thế giới của Trung Quốc sẽ là một dấu hiệu quan trọng cho thấy Trung Quốc có sẵn sàng tuân theo các quy chuẩn hàng hải quốc tế giống như một người "có trách nhiệm" hay không.

Đụng độ trên biển

Trong suốt năm 2009, các tàu cá và chính sách ngư nghiệp của Trung Quốc thường xuyên được nhắc tới trên các phương tiện truyền thông. Bắt đầu từ tháng 3 với cái gọi là Tai nạn Impeccable, khi Mỹ khẳng định, một số tàu cá Trung Quốc đã tiếp cận và ‘’quấy rối” tàu do thám của Mỹ mang tên Impeccable cách phía nam Hải Nam 75 dặm. Không lâu sau đó, tàu tuần tra ngư trường lớn nhất của Trung Quốc, tàu Ngư Chính 311, đã được điều động tới Biển Đông. 

Sau đó vào cuối tháng 6, một vụ đụng chạm lớn đã xảy ra giữa Bắc Kinh và Jakarta sau khi Indonesia bắt giữ tám tàu cá Trung Quốc cùng 75 ngư dân vì đánh cá trái phép ở Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Indonesia. 59 trong số 75 ngư dân đã được phép trở về Trung Quốc vào tháng 7.

Những vụ việc trên cho thấy hoạt động của các tàu cá Trung Quốc cũng như việc thực thi luật pháp liên quan tới các hoạt động này ở khu vực Thái Bình Dương đang là một phần gai góc nhất trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ hàng hải. Ở Trung Quốc và cả ở các nước láng giềng đang hình thành cái gọi là khai thác ngư trường gắn với chủ nghĩa dân tộc, vì tài nguyên đi kèm với những tranh cãi về chủ quyền đang là tâm điểm trong chiến lược gia tăng sức mạnh biển ở khu vực Đông Á. 

Không may là, những căng thẳng liên quan tới nghề cá có thể gây ra đụng chạm về quân sự. Gần đây, Trung Quốc có đưa ra đánh giá rằng: “Mặc dù chúng tôi đã ký kết thoả thuận khai thác đánh bắt với các quốc gia láng giềng, nhưng các vụ việc an ninh ngư nghiệp liên quan tới nước ngoài không ngừng gia tăng. Thậm chí có nước gửi tàu chiến can thiệp vào tàu cá của chúng tôi”.

Thống kê chính thức cho thấy, Trung Quốc gần đây có khoảng 297.937 tàu cá được cơ giới hoá, số ngư dân đại lục ước tính lên mức xấp xỉ 8 triệu người. Người Trung Quốc chủ yếu đánh bắt cá trồng, cá sòng Nhật Bản, cá hố, cá đù vàng cũng như tôm, cua và mực ống. 

Phương pháp chủ yếu là đánh lưới vét, lưới kéo cũng được sử dụng.  Trong công nghiệp hàng hải Trung Quốc, ngành công nghiệp cá và công nghiệp liên quan là lĩnh vực lớn nhất. Quảng Đông và Sơn Đông là các tỉnh dẫn đầu về sản lượng đánh bắt, Phúc Kiến và Chiết Giang theo sát cạnh.

Những ngư trường cạn kiệt

Cũng như ngành ngư nghiệp khắp thế giới, giờ đây, Trung Quốc đang phải đối mặt với thực trạng cạn kiệt tại các bãi đánh bắt. Một nghiên cứu gần đây của Trung Quốc chỉ ra rằng: “Hiện tại, một thực tế rõ ràng là, việc phát triển công nghiệp nghề cá của đất nước chúng ta đang ở giai đoạn cực kỳ hệ trọng. Hầu hết - nếu không phải là tất cả - các ngư trường đã được khai thác, rất nhiều trong số đó đã kiệt quệ”.

Theo một nghiên cứu khác xuất bản trên Marine Policy, một trong những tờ báo hàng đầu quốc tế về chính sách đại dương, đã đưa ra cách nhìn sâu hơn về vấn đề này. Nghiên cứu kết luận, khác với hầu hết người dân Trung Quốc, rõ ràng là, công nghiệp đánh bắt cá trên biển ở những khu vực duyên hải đại lục không được hưởng lợi từ sự bùng nổ kinh tế thời “hậu Đặng Tiểu Bình”. Trái lại, nó đã trở thành nạn nhân của sự phát triển quá mau lẹ nhưng thiếu quy định chặt chẽ.

Thực tế ngành đánh bắt cá Trung Quốc gần tới bờ vực sụp đổ đã khiến Bắc Kinh phải đưa ra nhiều sáng kiến. Trong đó phải kể tới kế hoạch “Tăng trưởng không” bắt đầu từ năm 1999. Vào năm 2004, 8.000 tàu cá đã bị loại bỏ. Trung Quốc còn đặt ra nỗ lực giảm đội tàu đánh bắt xuống còn 192.000 chiếc vào năm tới. Hàng nghìn ngư dân đã không còn làm nghề.

Để xoa dịu họ, chính phủ Trung Quốc đưa ra hình thức trợ cấp với ngư dân xa nghề, đồng thời hỗ trợ và khuyến khích nuôi trồng thuỷ sản như một chọn lựa kinh tế sống còn với công nghiệp cá. Trên thực tế, nghề nuôi trồng thuỷ sản đã tăng trưởng mạnh tại Trung Quốc trong suốt thập niên qua. 

Trung Quốc đã thành lập các khu bảo tồn biển khá rộng lớn dọc bờ biển. Kinh nghiệm cho thấy, các khu bảo tồn này có thể là công cụ hiệu quả để khôi phục sức khỏe của công nghiệp nghề cá đang bị cạn kiệt. Tuy nhiên, các biện pháp thực thi luật pháp lại đang gặp nhiều thách thức.

Trên thực tế, Cơ quan Giám sát ngư nghiệp của Trung Quốc - một công cụ thực thi pháp luật chính của Bắc Kinh trong việc quản lý nghề cá, dường như có nhiều khó khăn đáng kể. Khác với Mỹ và Nhật Bản, Trung Quốc thiếu một lực lượng phòng vệ bờ biển thống nhất với cơ quan giám sát hàng hải rộng lớn. Một chuyên gia nghề cá nước này đánh giá: “Mặc dù chính phủ trung ương đã có nhiều biện pháp nhưng kết quả bị hạn chế. Lực lượng giám sát, thực thi luật pháp ngư nghiệp không đủ khả năng. Sự thiếu quản lý trong ngành đã vượt xa khỏi mức độ tranh cãi".

Trong các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý bờ biển tại Trung Quốc, Cục Giám sát Ngư nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp dường như tụt hậu so với các cơ quan khác. Những báo cáo gần đây cho thấy, Bắc Kinh đang ưu tiên vào việc phát triển Cục Giám sát Ngư nghiệp. Ví dụ, hàng loạt biện pháp hiện đại đã được thực thi như đưa hệ thống giám sát tàu thuyền vào hoạt động thường ngày của cục.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn. Nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Học viện Phòng vệ bờ biển Trung Quốc ở Ninh Ba viết: “Cơ quan thực thi pháp luật ngư nghiệp, có chức năng hộ tống những tàu cá, nhưng lại không được vũ trang… Cảnh sát hàng hải được trang bị mọi loại vũ khí, nhưng vì hạn chế trong việc thực thi pháp luật nên chỉ có thể đóng vai trò hỗ trợ, và ở vào vị trí khó xử khi phát sinh tình huống".

Dĩ nhu thắng cương

Các hoạt động của đội tàu đánh bắt Trung Quốc hiện vượt ra ngoài vấn đề khu vực. Mặc dù đội tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc chỉ thành lập vào giữa thập niên 80, nhưng tới năm 2006, đội tàu phát triển lên gần 2.000 chiếc hoạt động tại các khu vực biển cả và vùng đặc quyền kinh tế của 35 nước. 

Đội tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc thường được chính phủ trung ương trợ cấp nhằm hướng hoạt động đánh bắt cá đại lục ra ngoài vùng biển địa phương vốn đã bị cạn kiệt. Ví dụ, theo một nguồn tin xác thực, số tàu đánh cá của Trung Quốc ở vùng biển Tây Phi có thể đạt gần 300 chiếc. Với công nghệ tương đối thấp so với đội tàu đánh bắt xa bờ của châu Âu, các tàu Trung Quốc không hướng tới việc đánh bắt loại cá ngừ vây xanh có giá trị, nhưng lại tập trung vào cá thu và các loài giá trị thấp hơn. 

Các loại cá này đã góp phần ổn định cuộc sống của các ngư dân duyên hải ở các nước đang phát triển. Vì thế, thực tiễn đánh bắt của người Trung Quốc có thể góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng lương thực ở châu Phi và nhiều nước nghèo.

Thực tế, có một lý thuyết giải thích cho nạn hải tặc ở vịnh Aden là việc đánh bắt quá mức của các cường quốc nước ngoài đã buộc ngư dân địa phương Somalia phải "tìm kiếm nghề nghiệp khác". Trung Quốc từ chối thông qua Hiệp định về Nguồn lợi của LHQ (có hiệu lực năm 2001), mặc dù khẳng định đã có những cải tổ cụ thể về việc kiểm tra, giám sát đội tàu đánh bắt xa bờ.

Bên cạnh nguy cơ khai thác không bền vững, vai trò của Trung Quốc trong ngư nghiệp còn có những ảnh hưởng về an ninh quốc tế. Đầu tiên, sẽ là một tuyên bố khá hợp lý rằng, đội tàu đánh bắt đang ngày càng được mở rộng của Trung Quốc sẽ mang lại những cơ hội to lớn để tăng cường "nhận thức hàng hải’’ tại một số vùng biển nhạy cảm về chiến lược, kéo dài từ Ấn Độ Dương tới Trung tâm Thái Bình Dương. 

Nếu Trung Quốc thông qua quan điểm phát triển hải quân trong những thập niên tới, với sự hiện diện mở rộng tại Ấn Độ Dương và vùng biển châu Phi, thì sau đó, các đội tàu đánh bắt sẽ có vai trò quan trọng trong “nâng cao nhận thức hàng hải’’.

Thứ hai và khá thích hợp với xu thế phối hợp chặt chẽ giữa dân sự và quân sự của Trung Quốc là các tàu đánh bắt lớn của Trung Quốc sẵn sàng trở thành lực lượng “dân quân” hàng hải để có thể hỗ trợ cần thiết trong một chiến dịch quân sự nếu cần thiết. Sự “chuyển hướng” của một số tàu đánh cá Trung Quốc có thể là thách thức với bất cứ đối thủ nào nỗ lực chống lại chiến lược này.

Cuối cùng, có một khả năng gần như chắc chắn rằng, Bắc Kinh sẽ tiếp tục đi theo quan niệm của người Trung Quốc là “dĩ nhu khắc cương” để phát triển các tàu đánh bắt không vũ trang hoặc tàu giám sát ngư trường để đối phó với những tàu nước ngoài hoạt động ở các vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển còn tranh chấp.

Tuy nhiên, dù có nhiều quan ngại, nhưng chính sách nghề cá của Trung Quốc có thể được dùng như chất xúc tác trong việc phối hợp với những quốc gia khác ở Đông Á, cũng như với Mỹ. Trên thực tế, lực lượng phòng vệ bờ biển của Mỹ đã làm việc hơn một thập niên qua tại Bắc Thái Dương với cơ quan giám sát ngư nghiệp Trung Quốc để đảm bảo thực thi lệnh cấm dùng lưới vét đánh bắt cá. Những hình thức hợp tác khác còn gồm các hoạt động nghiên cứu, đánh giá môi trường, thời tiết khẩn cấp, cứu hộ...

Có điều, xu thế này còn phải trải qua con đường dài phía trước để thực hiện nỗ lực “bình ổn” những căng thẳng ở vùng biển Đông Á.

  • Kỳ Thư (lược dịch từ jamestown)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,