Ngày 18/9, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã khai mạc khóa họp thường niên lần thứ 62 tại New York, Mỹ. Đối với Việt Nam, khóa họp này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì lần đầu tiên các nước thành viên sẽ bỏ phiếu bầu Việt Nam vào ghế ủy viên không thường trực HĐBA.
Hội đồng Bảo an là một trong sáu cơ quan chính của Liên hợp quốc, được thành lập nhằm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Theo Hiến chương LHQ, tất cả các nước thành viên LHQ phải cam kết cung ứng cho HĐBA, căn cứ theo những thoả thuận đặc biệt thông qua thương lượng đối với những đề xuất của HĐBA, những lực lượng vũ trang, những trợ giúp và các phương tiện cần thiết khác để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại New York (Ảnh minh họa: www.whitehouse.gov)
Trong khi các cơ quan khác của LHQ chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị đối với Chính phủ của các quốc gia thành viên thì các quyết định và nghị quyết của HĐBA khi đã được thông qua đều mang tính chất ràng buộc và tất cả các thành viên của LHQ đều có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành. Chính bởi vậy, HĐBA được coi là một bộ phận quan trọng và quyền lực của LHQ.
Gia nhập HĐBA là một vinh dự và quyền lợi quốc gia đối với các nước thuộc LHQ. Việc tham gia cơ quan này không những góp phần nâng cao vị thế của nước thành viên trên trường quốc tế mà còn tạo điều kiện cho họ đề xuất, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến khu vực và thế giới. Do đó, khi tham gia HĐBA, các nước thành viên sẽ phải hoạt động ngoại giao tích cực hơn, tham vấn nhiều hơn để có thể đưa ra những quyết sách kịp thời.
Ghế không thường trực HĐBA
HĐBA gồm 15 nước thành viên, trong đó có 5 nước uỷ viên thường trực là Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và 10 thành viên không thường trực do Đại hội đồng LHQ bầu ra trên cơ sở phân chia công bằng về mặt địa lý (5 nước thuộc châu Phi và châu Á; 1 nước thuộc Đông Âu; 2 nước thuộc vùng Mỹ Latinh và Caribbe; 2 nước thuộc Tây Âu và các nước khác) và có tính tới sự đóng góp của những nước này cho tôn chỉ cũng như mục đích của tổ chức. Tại HĐBA, các thành viên thường trực được quyền phủ quyết. Những thành viên không thường trực không có quyền phủ quyết nhưng được quyền tranh luận và bỏ phiếu cho các nghị quyết.
Các nước ủy viên không thường trực được chia thành 2 nhóm với nhiệm kỳ 2 năm xen kẽ nhau, tức mỗi năm có 5 thành viên ra đi để nhường chỗ cho 5 gương mặt mới, và không được bầu lại nhiệm kỳ kế tiếp ngay sau khi mãn nhiệm. Năm ngoái, 5 quốc gia được bầu là Bỉ, Indonesia, Italia, Nam Phi và Panama. Năm nay, vào ngày 31/12, 5 quốc gia sẽ hết nhiệm kỳ là Congo, Ghana, Peru, Qatar và Slovakia.
Theo quy định, một nước muốn trở thành thành viên không thường trực của HĐBA phải đạt tối thiểu 2/3 số phiếu bầu của các nước thành viên LHQ có mặt và tham gia bỏ phiếu tại phiên họp Đại hội đồng, nghĩa là phải giành được khoảng 125-128 phiếu. Trong thực tế, cuộc đua giành chiếc ghế không thường trực thường rất khó khăn và gay cấn, nhất là khi có hơn một ứng cử viên cho một khu vực địa lý. Có lần, Đại hội đồng từng phải cho tiến hành 155 vòng bỏ phiếu, kéo dài hơn 3 tháng, mới bầu được một ủy viên không thường trực mới.
Trong lịch sử LHQ, có hơn 74 nước chưa từng tham gia HĐBA. Những nước tham gia HĐBA nhiều nhất (trừ 5 thành viên thường trực) là: Nhật, Brazil (9 nhiệm kỳ), Ấn Độ, Pakistan, Colombia, Italia (6 nhiệm kỳ).
Tính đến tháng 5/2007, 7 quốc gia đã tuyên bố ứng cử cho 5 ghế không thường trực tại HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009. Trong đó, Việt Nam, quốc gia đông dân nhất và chưa từng tham gia HĐBA, ứng cử cho chiếc ghế của châu Á. Burkina Faso (lần gần nhất có mặt trong HĐBA là năm 1985) và Libya (lần gần nhất có mặt trong HĐBA là năm 1977) ứng cử cho 2 ghế của châu Phi. 3 quốc gia này đều đã nhận được sự đề cử của nhóm khu vực mình đại diện.
Trong khi đó, Costa Rica (lần gần nhất có mặt trong HĐBA là năm 1998) và Cộng hòa Dominica (chưa từng được bầu) đang chạy đua vào ghế duy nhất của Mỹ Latinh. Cộng hòa Czech (lần gần nhất có mặt trong HĐBA là năm 1995) và Croatia (chưa từng được bầu) cạnh tranh giành ghế đại diện Đông Âu.
Các buổi bỏ phiếu bầu 5 ghế không thường trực tại HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009 dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới, đúng dịp Việt Nam kỉ niệm 30 năm chính thức gia nhập LHQ, tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh.
Việt Nam nắm chắc cơ hội trở thành thành viên HĐBA
Ngày 27/10/2006, nhóm các nước châu Á tại LHQ đã nhất trí thông qua quyết định đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của châu lục vào ghế ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009. Theo nhận định của giới phân tích, động thái này cho thấy Việt Nam gần như chắc chắn sẽ trở thành thành viên HĐBA vì các nước ngoài khu vực ít có lý do để không ủng hộ chúng ta.
Hơn thế nữa, cho đến nay, Việt Nam đã nhận được cam kết ủng hộ của nhiều nước thành viên khác. Gần đây nhất, Chính phủ Mỹ cũng quyết định sẽ bỏ phiếu ủng hộ Việt Nam. Theo đài RFA, Tổng thống Mỹ George W. Bush sẽ chính thức thông báo quyết định này với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc gặp sắp tới của hai lãnh đạo tại New York, bên lề hội nghị Đại hội đồng LHQ.
Trong khi đó, dư luận cũng như các quan chức, chuyên gia trong và ngoài nước đều thừa nhận Việt Nam "đủ năng lực" và xứng đáng đảm đương vị trí ủy viên không thường trực HĐBA. Suốt 30 năm qua, kể từ khi gia nhập LHQ vào năm 1977, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế, xã hội, khiến bạn bè thế giới nể phục. Cụ thể là, chúng ta duy trì được tốc độ phát triển kinh tế bình quân hơn 7% mỗi năm, đầu tư và xuất khẩu đều tăng mạnh. Thu nhập bình quân đầu người và đời sống người dân đều cao hơn trước.
Việt Nam luôn tuân thủ những nguyên tắc và quy định của Hiến chương LHQ cũng như cam kết thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của tổ chức. Đặc biệt, chúng ta đã được LHQ khen ngợi về những thành tích ấn tượng từ việc xóa đói giảm nghèo, giảm tỉ lệ tử vong trẻ em...
Trong khuôn khổ chính sách đối ngoại vì hoà bình, đa phương và đa dạng hoá quan hệ quốc tế, Việt Nam ngày càng tham gia tích cực và sâu rộng hơn vào công việc của LHQ. Ngay từ năm 1997, chúng ta đã ứng cử làm ủy viên không thường trực HĐBA. Việt Nam cũng từng nắm giữ một số vai trò lãnh đạo trong các cơ quan của LHQ trong những năm gần đây như chức Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, thành viên của Hội đồng Xã hội và Kinh tế (ECOSOC), Chủ tịch Đại hội đồng FAO, thành viên của Hội đồng điều hành UNESCO và Phó Chủ tịch Ban điều hành UNFPA và UNDP.
Song song với đó, Việt Nam cũng khẳng định vai trò ngày càng lớn hơn tại các diễn đàn đối thoại và hợp tác quốc tế. Chúng ta gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998; tổ chức Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 năm 1997, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 năm 1998, Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM) lần thứ 5 năm 2004 và Hội nghị cấp cao APEC 2006...
Nhờ những hoạt động trên, uy tín đất nước ngày càng được nâng cao. Việt Nam nhận được đồng tình, ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực - điều này thể hiện rất rõ qua quyết định chọn nước ta làm ứng cử viên duy nhất vào HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009 của nhóm các nước châu Á.
Với những nền tảng đã có, nếu được bầu làm ủy viên không thường trực HĐBA LHQ thay cho Qatar sẽ hết nhiệm kỳ vào cuối năm nay, Việt Nam sẽ hoàn thành tốt trọng trách và đáp ứng sự trông đợi của cộng đồng quốc tế.
-
Thanh Bình (Tổng hợp)