Châu Âu đặt cược khá lớn vào khả năng thuyết phục Iran ngừng chương trình năng lượng hạt nhân. Giờ đây, nỗ lực ấy của châu Âu dường như đổ xuống sông xuống biển. Iran đã tuyên bố tái khởi động chương trình làm giàu uranium, bác bỏ đề nghị thiện chí của EU. Vậy khi chiêu "củ cà rốt" thất bại, EU có tính đến giải pháp dùng "gậy"?
Bên trong cơ sở chuyển đổi nguyên liệu hạt nhân Isfahan. |
Hiện là thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức cho chính giới ở châu Âu, nhưng các ngoại trưởng châu Âu vẫn phải lao tâm khổ tứ với hàng loạt vấn đề nan giải như: tình hình vô vọng ở Iraq, cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, khủng bố và tất nhiên cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran.
Giờ đây, không chủ đề nào gây đau đầu nhức óc cho chính giới châu Âu như Iran.
Ông Mohammad Saeedi, người đứng đầu Tổ chức năng lượng hạt nhân Iran, tuyên bố nước này đã bắt đầu khởi động chương trình làm giàu uranium tại cơ sở chuyển đổi nguyên liệu hạt nhân Isfahan. Động thái này của Iran được tiến hành ngay trước thềm cuộc gặp giữa Iran và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA dự kiến sẽ diễn ra sau đó một ngày (9/8).
Kể từ tuyên bố trên của Tehran, 3 nước rường cột của châu Âu - Anh, Pháp và Đức - đã tích cực thuyết phục Iran đưa ra thoả hiệp.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Iran ra một tuyên bố khiến mọi nỗ lực ngoại giao của bộ tam nói trên trở thành ''phí công tốn sức''. Điều đó cho thấy, giới cầm quyền Iran phớt lờ đe doạ của EU đưa vấn đề này lên Hội đồng bảo an LHQ để xem xét áp đặt lệnh cấm vận.
Đối với châu Âu, chương trình hạt nhân Iran chỉ nhằm mỗi mục đích chế tạo bom nguyên tử. Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder tuyên bố: ''Khi tôi quan sát chương trình hạt nhân của họ, chẳng có lý gì mà họ chỉ dùng nó để sản xuất điện'' và rằng ông tỏ ra hết sức quan ngại về ''thái độ đối đầu của Iran''.
Thực ra, cánh cửa ngoại giao vẫn còn hé mở. Giới lãnh đạo Hồi giáo tại Iran tuyên bố sẽ chính thức đưa ra lời bác bỏ lên châu Âu vào tuần này. Cho dù đó là dấu hiệu u ám, nhưng Hamidreza Assefi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran, làm nhẹ vấn đề rằng, tài liệu do Anh, Đức và Pháo soạn thảo thay mặt châu Âu chỉ ''chưa đáp ứng những mong mỏi tối thiểu của Iran''.
Trong khi đó, châu Âu vẫn đang khẳng định lòng kiên nhẫn và tuyên bố không đầu hàng. Họ yêu cầu tổ chức cuộc họp khẩn cấp trong hội đồng điều hành Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi, trong phiên họp khẩn cấp đó, các bên Mỹ, EU, và IAEA đã cùng lên tiếng kêu gọi Iran cần dừng ngay chương trình hạt nhân của mình.
Trong khi đó Tổng thống Iran M.Ahmadinejad khẳng định Iran sẵn sàng quay lại bàn đàm phán, tuy nhiên với điều kiện là các đề xuất cần có sự "khác biệt hơn". Nga, một đồng minh của Iran trong việc hỗ trợ phát triển chương trình hạt nhân, cũng tỏ thái độ ủng hộ quyết định trên của IAEA và kêu gọi Iran nên hợp tác với cơ quan LHQ.
Phát biểu trước cuộc họp khẩn cấp, giám đốc IAEA El Baradei hy vọng quyết định của Iran về nối lại các hoạt động hạt nhân chỉ là một hành động nhất thời trong thời điểm hiện nay. Phía Washington cho rằng, các giải pháp ngoại giao vừa qua đã không đem lại hiệu quả như mong đợi và cần thiết phải đưa vấn đề Iran ra Hội đồng Bảo an LHQ cùng với một lệnh trừng phạt về kinh tế.
Dù gì đi nữa, Nga và Trung Quốc chắc chắn vẫn sẽ bác bỏ đề nghị trừng phạt Iran bởi 2 nước này có quan hệ mua bán vũ khí với nước CH Hồi giáo này.
"Cơn ác mộng"
Tại sao cuộc khủng hoảng hạt nhân đi xa như vậy? Vì sao nỗ lực ngoại giao của EU thất bại nhanh đến thế?
Về phần mình, Ngoại trưởng Đức Fischer biết rõ các cuộc thương thuyết không hề dễ dàng. Tuần trước, ông đã hai lần đàm phán với Trưởng Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế Mohammed al-Baradei tại Vienna - Áo. Ông cũng thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và các đồng sự khác tại Paris và London.
Lần nào cũng vậy, các câu hỏi đều giống nhau: Làm thế nào để ngăn chặn chính quyền Tehran phát triển vũ khí hạt nhân? Giới lãnh đạo Hồi giáo Iran ''thách thức'' cộng đồng quốc tế đến mức nào? Và, liệu có phải Đức, Anh, Pháp có đánh giá sai lầm thiện chí thoả hiệp của Iran?
Cho đến nay, châu Âu, châu Mỹ, Nga, Trung Quốc và Israel đều chấp nhận một thực tế rằng, Tehran đang chế tạo bom hạt nhân ngay cả khi họ có nhấn mạnh rằng chỉ quan tâm tới năng lượng hạt nhân vì mục đích dân sự.
Ngoại trưởng Đức Joschka Fischer, người đồng nhiệm Anh Jack Straw và Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Hassan Rowhan. |
Tình hình này tựa như ''cơn ác mộng'' không chỉ đối với các ngoại trưởng phương Tây. Việc giới Hồi giáo cầm quyền Iran sở hữu bom nguyên tử chắc chắn sẽ làm thay đổi sâu sắc cơ cấu quyền lực trong khu vực và châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Iran với các quốc gia Ảrập, Israel và có thể cả Thổ Nhĩ Kỳ. Tất nhiên, cuộc chạy đua vũ trang này tạo ra hậu quả chiến lược nguy hiểm đối với Trung Âu.
Anh, Đức và Pháp đã nỗ lực rất nhiều trong vai trò ''trung gian hoà giải''. Họ đã thuyết phục được Mỹ tạo điều kiện cho châu Âu đi tiên phong và thử con bài ngoại giao chứ không phải dùng đến các biện pháp mạnh khác.
Củ cà rốt
Với khoảng 34 trang, châu Âu đã vạch ra bản ''đề xuất hợp tác toàn diện'' nhằm ''chặn'' Tehran sản xuất vũ khí hạt nhân. Nhìn vào đó, người ta thấy chủ yếu toàn ''cà rốt'' mà không hề có bóng dáng của ''chiếc gậy'' nào.
* Chính thức công nhận quyền sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích dân sự của Iran.
* Đảm bảo cung cấp nhiên liệu hạt nhân lâu dài cho các nhà máy hạt nhân của Iran.
* Hỗ trợ nghiên cứu hạt nhân
* Dỡ bỏ những hạn chế về xuất khẩu công nghệ cho Iran.
Ngoài ra, châu Âu còn đề nghị hợp tác lâu dài với Iran về các lĩnh vực như: Thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, giáo dục, nghiên cứu công nghệ vi tính và thông tin, bảo vệ môi trường, cơ sở hạ tầng vận tải trên biển, trên không và trên đất liền...Thậm chí, hợp tác du lịch cũng sẽ được xúc tiến nếu Iran ký thoả thuận không làm giàu uranium và cho phép thanh sát toàn diện các cơ sở hạt nhân của mình.
Liệu châu Âu sẽ dùng gậy?
Đại diện ngoại giao các nước thuộc G8 đã nhóm họp tại Washington đi tới thống nhất 3 quốc gia EU là Pháp, Đức và Anh chịu trách nhiệm hội đàm với Iran, yêu cầu nước này ngừng chu trình sản xuất nhiên liệu. Bằng không, Iran sẽ đối mặt với lệnh cấm mới của LHQ.
Đề xuất của Pháp, Đức và Anh còn đòi hỏi Iran phải chấp nhận các cuộc thanh sát vũ khí của IAEA. Ngoài ra, nhóm 3 nước thúc giục Iran tham gia đàm phán về vấn đề an ninh và kinh tế nhằm giúp nước này bình thường hoá quan hệ với cộng đồng quốc tế.
Trong suốt thời gian qua, Mỹ liên tiếp cáo buộc Iran đang bí mật triển khai chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, quốc gia Hồi giáo này tuyên bố, kế hoạch hạt nhân của họ mang mục đích hoà bình: sản xuất điện năng để phục vụ nhu cầu dân sự.
Gần đây nhất, Nga và Iran đã hoàn thành việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Busher tại khu cảng phía nam. Dự kiến, nhà máy điện hạt nhân Busher, có công suất 1.000 megawat, sẽ được vận hành và hoạt động hết công suất vào năm 2006.
-
Trần Kiên - (tổng hợp)