Nhiều nhân vật chính trong cuộc đấu tranh quyền lực hiện nay ở Lebanon là những gương mặt quen thuộc trong chính trường: một thủ lĩnh quân nổi dậy mới thành chính trị gia, một thủ lĩnh thất trận ly khai vừa trở về, một chuyên gia đàm phán các vụ con tin hay một giáo sỹ cao cấp.
Một số quân Syria đang chuyển dần về khu vực biên giới. Việc rút quân cuối cùng như thế nào sẽ được bàn bạc thêm trong cuộc họp diễn ra hôm nay tại Damascus giữa Tổng thống Syria và Lebanon. Ai đóng vai gì sau khi Syria rút quân khỏi Lebanon?
Walid Jumblatt - người hùng bất đắc dĩ
Walid Jumblatt, 57 tuổi, lãnh đạo phe Druze và là thành viên quốc hội. Ông được coi như lãnh đạo cao nhất của phe đối lập Lebanon sau khi cựu Thủ tướng Rafiq Hariri bị ám sát ngày 14/2. Jumblatt đã phát động và đang cầm đầu cuộc biểu tình chống chính phủ và đòi Syria rút quân khỏi Lebanon.
Ông lên nắm quyền Đảng Xã hội tiến bộ từ tay cha mình cách đây 30 năm. Luôn có tư tưởng lạnh nhạt với Syria kể từ đó. Hiếm khi bày tỏ tham vọng chính trị nhưng được nhiều người ủng hộ, thậm chí cả các lãnh đạo phe Maronite theo đạo Thiên Chúa dù trong cuộc nội chiến Lebanon 1975-1990 ông từng mang quân đánh vào các làng mạc của họ.
Sau khi chứng kiến nhiều vụ ám sát mang màu sắc chính trị và bản thân cũng từng bị ám sát hụt, Jumblatt có vẻ muốn lùi sâu một chút sau sân khấu, song tình thế buộc ông phải đóng vai "người hùng bất đắc dĩ".
Michel Aoun - kẻ báo thù
Michel Aoun, 69 tuổi, cựu Thủ tướng Lebanon và lãnh đạo phe Maronite. Được sự hỗ trợ của Mỹ, quân đội của Jumblatt và cả các lực lượng Syria đã ép Aoun - người cầm đầu phe Thiên Chúa Giáo trong cuộc nội chiến - phải tị nạn ở Pháp năm 1990.
Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, Aoun tuyên bố sẽ quay về Lebanon trước bầu cử tháng 5 tới nhằm đánh bại phe thân Syria. Vai diễn của ông là "kẻ báo thù".
Nabih Berri - người hoà giải
Nabih Berri, 67 tuổi, lãnh đạo phe Amal, gồm những người Hồi giáo dòng Shiite trung dung. Hiện là người phát ngôn quốc hội Lebanon. Berri nổi tiếng vì đã đàm phán thành công để giải thoát con tin Mỹ trong vụ không tặc năm 1985.
Berri không muốn dính líu quá sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay và chỉ mong muốn được đóng vai trò "người hoà giải", sở trường của ông.
Sheik Hassan Nasrallah - kẻ phá bĩnh
Sheik Hassan Nasrallah, 45 tuổi, lãnh đạo phong trào Hezbollah, được cho là có sự hỗ trợ về tiền bạc và vũ khí từ Syria và Iran. Nasrallah chưa bày tỏ tham vọng chính trị trong cơ cấu quyền lực mới của Lebanon, song không ngừng chỉ trích phe đối lập là con rối do Mỹ dựng lên.
Nasrallah trở thành lãnh đạo Hezbollah từ năm 1992, sau khi người tiền nhiệm là Sheik Abbas Musawi bị trực thăng Israel bắn chết ở miền Nam Lebanon. Dưới sự lãnh đạo của Nasrallah, Hezbollah không những tăng cường được sức mạnh quân sự mà còn gia tăng thế lực chính trị đáng kể tại Lebanon, với 12 ghế trong quốc hội. Mỹ dã liệt tổ chức này vào loại khủng bố quốc tế.
Sự có mặt của Nasrallah khiến tất cả các bên phải dè chừng, bởi tôn chỉ của họ là chống Israel và Mỹ cũng như các bên ủng hộ. Do vậy, dù ông ta có tham gia chính trường Lebanon hay không, vai trò "kẻ phá bĩnh" vẫn ảnh hưởng không nhỏ tới cơ cấu quyền lực Lebanon thời gian tới.
Các nhân vật chính trên, dù ít dù nhiều, đều được các thế lực ngoài nước khác nhau ủng hộ. Mỗi người trong số họ cũng thể hiện được ý nguyện của các thành phần dân chúng nhất định ở Lebanon. Ai thắng ai không chỉ có ý nghĩa với bản thân người đó. Vì vậy, họ đang được quan tâm sát sao cả trong và ngoài nước.
(NHQ - Tổng hợp)