221
478
Hồ sơ
hoso
/thegioi/hoso/
572650
Kịch bản nào chờ Iraq ở phía trước?
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Kịch bản nào chờ Iraq ở phía trước?
,

Bất chấp lời đe doạ tấn công của các phần tử nổi dậy, cử tri Iraq vẫn xếp hàng dài bỏ phiếu. Nhưng giờ đây, điều khó khăn mới đang chờ đợi họ, đó là thành lập một liên minh cầm quyền, soạn thảo hiến pháp và giành được niềm tin.

Phụ nữ Iraq xếp hàng chờ bỏ phiếu.

Người Hồi giáo dòng Shi'ite và người Kurd tại Iraq đã nhiệt tình tham gia cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi Saddam Hussein bị lật đổ. Những kẻ nổi dậy đã thất bại trong nỗ lực phá hoại bầu cử mặc dù họ sẽ không biến mất hoàn toàn trong chốc lát.

Cử tri gan dạ

Lực lượng nổi dậy từng tuyên bố tiến hành một cuộc thánh chiến nhằm vào cuộc bầu cử, nhằm vào bất kì ai tham gia bầu cử, hay nói cách khác là nhằm vào chính khái niệm "dân chủ". Song vào ngày chủ nhật 30/1, hàng triệu người Iraq đã bất chấp bom, đạn, những mối đe doạ, những lời nguyền để xếp hàng bỏ lá phiếu của họ trong cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên trong vòng nửa thế kỷ tại đất nước Trung Đông này. Do lo ngại bị ám sát, chỉ những lãnh đạo cao cấp trong các đảng thực hiện chiến dịch tranh cử. Tên của gần 7.000 ứng viên tranh cử 275 ghế trong Quốc hội cũng như địa điểm đặt các hòm phiếu đã được giữ bí mật cho tới phút chót.

Đúng như dự đoán, cử tri tại các khu vực người Kurd phía bắc Iraq và những vùng có đông cộng đồng người Shi'ite đi bỏ phiếu đông nhất. Cử tri xếp thành hàng dài để bỏ phiếu, đôi khi còn hát và vỗ tay vui vẻ khi được đích thân chọn ra chính phủ.

Nhân viên bầu cử Iraq bê hòm phiếu đi kiểm sau khi điểm bỏ phiếu đóng cửa.

Tại những vùng có người Hồi giáo dòng Sunni sinh sống, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất thấp, thậm chí không có. Nhưng một điều đáng ngạc nhiên là tại một số vùng bị bom đạn tàn phá thuộc Fallujah hay "tam giác Sunni" chết chóc phía tây Baghdad, cử tri cũng đi cố gắng đi bỏ phiếu. Tổng thống Mỹ Bush tuyên bố cuộc bầu cử là một thắng lợi, còn Tổng thư ký LHQ Kofi Annan thì chúc mừng những người Iraq đã can đảm đi bỏ phiếu. "Họ bỏ phiếu vì tương lai của đất nước họ. Họ bỏ phiếu vì một ngày họ sẽ nắm giữ trong tay số phận của chính mình", ông Annan nói.

Một trong những nhóm vũ trang khát máu nhất do trùm khủng bố người Jordan Abu Musab al-Zarqawi lãnh đạo đã rêu rao trên Internet rằng chúng đứng sau hàng loạt vụ đánh bom liều chết nhằm vào các điểm bỏ phiếu, chủ yếu tại Baghdad. Tổng cộng, gần 35 người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công. Tuy nhiên, trước khi quá trình bỏ phiếu kết thúc, người ta đều nhận thấy một điều rằng những kẻ nổi dậy đã thất bại trong việc khủng bố tinh thần cử tri khi 60% tương đương với 8 triệu trong tổng số 13 triệu cử tri đăng ký đã đi bỏ phiếu.

Kết quả đưa ra sau 7 ngày?

Công tác kiểm phiếu đã bắt đầu song phải mất thêm 1 tuần nữa người ta mới biết được những kết quả sơ bộ. Kịch bản dễ xảy ra nhất là Liên minh Thống nhất Iraq còn được biết tới với tên gọi "ngôi nhà Shi'ite" hay "danh sách của các giáo sĩ" hoặc đơn giản chỉ là "169" sẽ giành thắng lợi vì phe này giành được sự ưu ái đặc biệt của Giáo chủ Ayatollah Ali al-Sistani, nhân vật tôn giáo có ảnh hưởng lớn nhất trong cộng đồng người Hồi giáo dòng Shi'ite. Liên minh Kurd chắc chắn sẽ giành được đa số phiếu của người Kurd và một nhóm do ông Allawi dẫn đầu có thể sẽ giành được nhiều hơn những gì người ta mong đợi nhờ vào hình ảnh ông là một lãnh đạo gan dạ và cứng rắn.

Công tác kiểm phiếu được tiến hành ngay sau đó.

Kịch bản khác của cuộc bầu cử lần này là hình thành một liên minh bao gồm "Ngôi nhà Shi'ite", người Kurd, nhóm của ông Allawi và một vài đảng của người Ảrập dòng Sunni khác. Trong những ngày gần đây, có tin đồn rằng ông Allawi có thể thành công trong việc thuyết phục những đảng khác để ông tiếp tục đảm nhiệm chức Thủ tướng dù còn một thời gian dài chờ đợi trước khi chính phủ mới được hình thành.

Ghế trong Quốc hội mới sẽ được phân phối theo nguyên tắc đại diện tương xứng. Quốc hội sẽ phải bầu ra một Tổng thống và hai Phó Tổng thống, hình thành nên một Hội đồng Tổng thống có nhiệm vụ chọn ra Thủ tướng. Thủ tướng sau đó sẽ chọn các thành viên trong chính phủ và sự lựa chọn này phải được đa số thành viên Quốc hội thông qua. Quan trọng hơn nữa, Quốc hội phải giám sát việc soạn thảo một hiến pháp mới, dự kiến sẽ ra mắt vào giữa tháng 8 và thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý vào giữa tháng 10, tiến tới tổ chức một cuộc tổng tuyển cử hoàn thiện theo luật mới vào giữa tháng 12. Nếu 2/3 số cử tri tại 3 tỉnh phản đối hiến pháp mới, quá trình này phải bắt đầu lại từ đầu. Điều này tạo cho người Kurd và người Ảrập dòng Sunni có quyền phủ quyết.

Tuy nhiên, tất cả những kịch bản trên dường như là phi thực tế khi tình trạng bạo động ngày càng gia tăng với tốc độ cao hơn năm ngoái. Các sĩ quan Mỹ cho hay quân đội đang phải đối phó với 70 cuộc tấn công mỗi ngày. Từ khi đưa quân vào Iraq, khoảng 1.100 lính Mỹ đã chết trên chiến trường và 250 người khác chết trong các vụ tai nạn. Kinh hoàng hơn, tổng số thường dân Iraq thiệt mạng tiếp tục tăng, từ tháng 3/2003 tới nay đã có 15.000-18.000 người chết.

Thách thức còn ở phía trước

Cử tri náo nức chờ tới lượt.

Viện nghiên cứu Brookings đưa ra một ước tính dựa trên báo cáo của Lầu Năm Góc rằng khoảng 32.000 phần tử nổi dậy đã bị tiêu diệt hoặc bắt giữ kể từ khi giai đoạn chiến tranh thông thường kết thúc vào tháng 4/2003. Song số lượng những kẻ chống đối vẫn gia tăng mặc dù rất khó dự đoán. Hồi đầu tháng này, người đứng đầu cơ quan tình báo Iraq cho biết có 40.000 phiến quân cùng 160.000 người Iraq đang giúp đỡ chúng.

Như vậy, chính phủ mới sẽ phải đối phó với những thách thức lớn lao, bao gồm số đông những người bất mãn chính quyền, lực lượng thanh niên Iraq bị thất nghiệp đang sẵn sàng tham gia vào không chỉ các nhóm nổi dậy mà cả các nhóm găngxtơ có vũ trang, tội phạm thế giới ngầm...

Giáo sĩ trẻ Muqtada al-Sadr cùng các chiến binh của y được biết tới với tên gọi Quân đội Mahdi đã "án binh bất động" từ sau khi Giáo chủ Sistani yêu cầu họ chấm dứt những hành động bạo lực chống quân đội Mỹ. Song họ đang kiểm soát nhiều vùng thuộc miền trung, miền nam và có thể nổi dậy nếu họ bị gạt ra ngoài thoả thuận chia sẻ quyền lực. Không chỉ có vậy, mặc dù khu vực người Kurd phía bắc vốn được coi là an toàn nhất Iraq, bạo động tiếp tục gia tăng tại thành phố tranh chấp Kirkuk.

Các phần tử vũ trang sẽ làm mọi cách để phát động cuộc chiến phe phái giữa người Kurd và người Sunni, giữa người Sunni và người Shi'ite hay giữa bất kì nhóm dân tộc nào hay tôn giáo nào khác tại Iraq. Nếu chính phủ mới không có biện pháp khéo léo, bất kì cuộc chiến phe phái nào cũng có thể châm ngòi cho một tình trạng bất ổn nặng nề hơn, đẩy Iraq vào một cuộc nội chiến, và thậm chí một kết cục tan rã.

Những cử tri dũng cảm thực hiện nghĩa vụ công dân.

Ông Allawi vẫn lý luận rằng một khi người Mỹ không "đem con bỏ chợ", phong trào nổi dậy có thể bị kiềm chế, thậm chí dẹp yên. Kế hoạch là phải tăng cường lực lượng vũ trang gốc Iraq, cho phép Mỹ và các nước đồng minh giảm bớt quân số. Nếu xét trong thời gian vài năm tới, đây chỉ là một hy vọng viển vông. Hiện, chỉ khoảng 5.000 lính Iraq có đủ khả năng đối phó với lực lượng nổi dậy.

Bên cạnh việc trao quyền đại diện tương đối trong Hội đồng Tổng thống và Uỷ ban soạn thảo hiến pháp cho một số người Sunni ôn hoà, chính phủ mới cũng phải "thân thiện" với những phát ngôn viên của lực lượng nổi dậy. Phần đông quân nổi dậy là những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc. Chính phủ có thể dàn xếp với họ nếu họ tin rằng người Mỹ chắc chắn sẽ rời khỏi Iraq. Một chính phủ mới có thể yêu cầu quân đội nước ngoài rút khỏi Iraq song đó là điều "không tưởng" trong tương lai gần bởi lẽ bất kì chính phủ nào cũng chắc chắn phải trông đợi vào quân đội Mỹ đơn giản chỉ để "bảo toàn mạng sống".

  • Tân Huyền - (Tổng hợp)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,