Ngày mai (9/1), người Palestine ở cả Bờ Tây và Dải Gaza sẽ đi bỏ phiếu chọn người kế nhiệm cố lãnh đạo Yasser Arafat. Một điều ai cũng dám chắc là ứng viên của phái Fatah thuộc PLO Mamoud Abbas sẽ giành chiến thắng. Nếu đúng vậy, liệu tiến trình hoà bình Trung Đông vốn bị bế tắc có được phục hồi?
Hình các ứng viên tham gia tranh cử lãnh đạo Palestine được dán đầy các bức tường tại Ramallah. |
Trong bối cảnh Trung Đông đang bị xoáy vào vòng hận thù và đổ máu, người ta hy vọng cuộc bầu cử ngày mai có thể mở đường để khu vực này tiến tới hoà bình.
Cuộc bầu cử không chỉ là vấn đề lớn đối với cử tri Palestine mà ảnh hưởng tới cả cộng đồng quốc tế. Hiện, Mahmoud Abbas đang dẫn điểm cách biệt so với 6 ứng viên khác. Với chiến thắng thuộc về Abbas, giới phân tích dự đoán tiến trình hoà bình Trung Đông sẽ tiếp tục. Có 3 lý do giải thích điều này.
Trước hết, ông Abbas là một nhân vật ôn hoà, có thể "hoà hợp" với cả Israel và Mỹ - nước đóng vai trò trung gian trong các cuộc thương lượng hoà bình giữa Israel và Palestine. Trong chiến dịch tranh cử, ông Abbas đã kêu gọi Israel rút toàn bộ dân định cư và quân đội khỏi Bờ Tây, Dải Gaza, cho rằng Israel nên rời khỏi những vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm được trong cuộc chiến Trung Đông lần 3 năm 1967.
Theo lẽ tự nhiên, đáng lý ông chỉ nên nhấn mạnh nguyên tắc này nhằm giành được sự ủng hộ của đại đa số người Palestine. Song ông lại đồng thời bày tỏ hy vọng tiếp tục hội đàm với phía Israel và khẳng định người Palestine đều mong muốn có hoà bình.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn một tờ báo tiếng Ảrập gần đây, ông Abbas đã kêu gọi người Palestine chấm dứt tình trạng chống đối bằng "vũ lực" đối với Israel. Đó là lần đầu tiên ông thể hiện rõ quan điểm muốn tìm kiếm hoà bình thông qua đối thoại mà không phải bằng bạo lực. Với một sáng kiến tích cực như vậy, ông Abbas đã tạo dựng cho mình hình ảnh một nhà kiến tạo hoà bình đầy triển vọng trong con mắt dư luận quốc tế. Đó dường như cũng là điều không thể tưởng tượng được trong thời đại Arafat.
Thứ hai, môi trường chính trị tại Iraq cũng đã thay đổi theo chiều hướng ủng hộ hoà bình. Năm ngoái, Thủ tướng Ariel Sharon, một nhân vật cứng rắn đã tự đưa mình vào "thế kẹt" khi quyết định rút quân đội Israel khỏi Dải Gaza. Quyết định này ngay lập tức làm dấy lên làn sóng chống đối từ ngay trong nội bộ đảng cầm quyền Likud. Tuy nhiên, sau đó, ông Sharon đã thiết lập được một chính phủ liên minh với Công đảng, nhóm chống đối lớn nhất và chính phủ mới đã ủng hộ giải pháp rút các khu định cư Do Thái khỏi Dải Gaza. Tuần này, ông Sharon lại tiếp tục củng cố hơn nữa nền móng chính trị của mình khi các đảng tôn giáo đồng ý tham gia liên minh.
Như vậy, ông Sharon hiện đang ở trong vị thế vô cùng thuận lợi để thúc đẩy các kế hoạch rút khỏi Dải Gaza đã vạch ra. Nhà lãnh đạo Israel không hề đưa ra tuyên bố công khai nào liên quan tới cuộc bầu cử tại Palestine nhằm tránh mọi "đàm tiếu" cho rằng ông đang tìm cách can thiệp vào nền chính trị Palestine. Tuy nhiên, người ta tin rằng ông coi Abbas là đối tác đầy tiềm năng của mình trong các cuộc hội đàm về hoà bình giữa hai bên trong tương lai.
Mamoud Abbas, ứng viên phái Fatah thuộc PLO đang bắt tay những người ủng hộ. |
Và cuối cùng, với tình hình tại Palestine đang tiến triển theo chiều hướng tích cực, cộng đồng quốc tế sẵn sàng ủng hộ hai bên tiếp tục tiến trình hoà bình. Hồi tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Anh Tony Blair đã đồng ý với Mỹ tổ chức một hội nghị Ngoại trưởng về hoà bình Trung Đông tại London sau cuộc bầu cử Palestine. Ông Blair sau đó còn tham gia một số công tác chuẩn bị về mặt ngoại giao tại Trung Đông, tiến hành các cuộc hội đàm với cả ông Sharon và Abbas.
Mới đây, Bộ ngoại giao Anh đã ra tuyên bố, hội nghị ngoại trưởng sẽ được tiến hành vào đầu tháng 3. Các bên tham dự sẽ bao gồm đại diện chính quyền Palestine, Mỹ, Nhật, Nga, EU, Ai Cập, Jordan. Tuy nhiên, Israel cho biết sẽ không tham dự hội nghị này. Sự vắng mặt của Israel, một nhân vật chính của tiến trình hoà bình sẽ là điều đáng tiếc. Song hội nghị sắp tới sẽ tạo cho ông Abbas cơ hội để lần đầu tiên gây dấu ấn trên chính trường. Với ý nghĩa đó, hội nghị London sẽ là một dịp quan trọng để ông Abbas giành được sự công nhận của cộng đồng quốc tế cho vị trí lãnh đạo Palestine.
Cuối năm ngoái, Thủ tướng Israel đã nói năm 2005 sẽ là một "năm lịch sử" cho quan hệ Israel-Palestine. Nhưng để điều đó trở thành hiện thực, hai bên phải ngồi vào bàn đàm phán. Hiện nay, một quan điểm được nhiều người ủng hộ trong cộng đồng quốc tế là ông Sharon sẽ gặp ông Abbas để thảo luận kỹ về kế hoạch hoà bình do Mỹ đỡ đầu, còn gọi là "lộ trình hoà bình Trung Đông".
-
Tân Huyền - (Tổng hợp)