Mahmoud Abbas sẽ kế nhiệm cố Tổng thống Arafat? |
Cuộc bầu cử vì cái gì?
Cuộc bầu cử tổng thống Palestine nhằm chọn ra người kế nhiệm cố Tổng thống Yasser Arafat mất hôm 11/11/2003. Bầu cử sẽ lật trang cuối của thời đại Arafat sang một kỷ nguyên mới và hoàn thành ước nguyện của người Palestine chọn ra một nhà lãnh đạo mới có khả năng mang lại hoà bình cho mảnh đất đẩy rẫy xung đột và đổ máu này.
Đã từ lâu, người Palestine tại các khu vực bị chiếm đóng không đi bỏ phiếu kể từ khi cố Tổng thống Arafat giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử năm 1996.
Ai là người đủ tiêu chuẩn bỏ phiếu?
Chỉ những người Palestine cư trú tại Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem có thể bỏ phiếu vào ngày mai 9/1. Cho đến nay đã có khoảng 1,1 triệu người đăng ký bỏ phiếu - chiếm 60% tổng số người đủ tiêu chuẩn bầu cử.
Người Palestine có quốc tịch Israel - khoảng 1 triệu người - và ước tính khoảng 4 triệu người Palestine và con cháu của họ hiện đang tị nạn tại các quốc gia khác không đủ tư cách bỏ phiếu. Nguyên nhân do Chính quyền Palestine chỉ có thẩm quyền tại Bờ Tây và Dải Gaza. Lợi ích của người tị nạn Palestine được Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) đại diện.
Người Palestine sống tại Đông Jerusalem - nơi do Israel quản lý như một khu vực đặc biệt cho dù theo luật pháp quốc tế đó được coi là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng - sẽ được ''thu xếp'' đặc biệt. Họ sẽ được phép bỏ phiếu ''vắng mặt'' tại 5 bưu điện trong khu vực.
Tuy nhiên, phần lớn trong tổng số 230.000 người Palestine tại Jerusalem có nhiều khả năng sẽ tẩy chay cuộc bầu cử.
Các ứng viên chính?
1. Mahmoud Abbas, 69 tuổi: Lãnh đạo lâm thời Palestine, Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), ứng viên của đảng Fatah. Ông Abbas, nguyên Thủ tướng Palestine, là một người thực tế, chống bạo lực. Quan điểm của ông về một thỏa thuận hòa bình cuối cùng với Israel không khác gì những người trung thành với cố Tổng thống Yasser Arfat: Một nhà nước Palestine được thành lập tại Bờ Tây, Dải Gaza và đông Jerusalem; quyền trở về nhà ở Israel của người tị nạn Palestine cùng gia đình của họ.
2. Marwan Barghouti, 45 tuổi: Lãnh đạo Fatah ở Bờ Tây, đang thụ án trong nhà tù Israel vì liên quan đến các vụ tấn công chết người ở Bờ Tây. Barghouti ra tranh cử với tư cách ứng viên độc lập. Ông mong muốn một nhà nước Palestine tồn tại cùng với Israel song biện hộ rằng các cuộc tấn công nhằm vào dân định cư và binh sĩ Do Thái ở Bờ Tây và Gaza chính là cuộc kháng chiến chính nghĩa chống lại sự chiếm đóng. Israel tuyên bố họ sẽ không trả tự do cho Barghouti.
3. Abdel Sattar Qassem, 56 tuổi: là một nhà vận động chống tham nhũng từng bị Arafat kết án 8 tháng tù. Qassem, giáo sư khoa học chính trị tại trường Đại học An-Najah ở thành phố Nablus thuộc Bờ Tây, là một người có quan điểm cứng rắn đối với Israel. Ông ra tranh cử với tư cách là ứng viên độc lập.
4. Mustafa Barghouti, 50 tuổi: là một bác sĩ kiêm nhà hoạt động ủng hộ dân chủ. Ông cho biết sẽ đại diện cho "đa số người Palestine ít nói" trung lập. Là một người họ hàng xa với Marwan Barghouti, ông cũng ra tranh cử với tư cách là một ứng viên độc lập.
5. Bassam Salhi, 44 tuổi: Lãnh đạo Đảng Nhân dân. Là cư dân vùng Ramallah, ông Salhi từng bị Israel bắt giữ vài lần.
6. Taysser Khalid, 65 tuổi: ứng viên của Mặt trận Dân chủ Giải phóng Palestine, một chi nhánh của PLO. Năm 1995, Khalid từ Syria trở về thành phố Nablus ở Bờ Tây. Tháng 4/2002 ông bị Israel bắt và trả tự do vào năm ngoái.
7. Abdel Karim Shaber, 44 tuổi: Luật sư đến từ Gaza City. Ông này không phải là thành viên của phong trào du kích Hamas hay Thánh chiến Hồi giáo. Shaber ra tranh cử với tư cách là ứng viên độc lập.
8. Saed Baraka, 49 tuổi: Một thương gia kiêm giáo viên dạy tiếng Ảrập đến từ Dải Gaza. Baraka từng bị Israel bắt giữ và trục xuất tới Lebanon vào năm 1989 do có liên quan tới nhóm Thánh chiến Hồi giáo. Ông trở về Gaza năm 1996 và là thành viên của Hội đồng Quốc gia Palestine. Baraka ra tranh cử với tư cách ứng viên độc lập.
9. Abdelhalim al-Ashkar, 43 tuổi: Cư dân Mỹ, có bằng Quản trị Doanh nghiệp. Ông này bị các nhà chức trách Mỹ bắt giữ hai lần vì tình nghi cung cấp tài chính cho các nhóm Hồi giáo cấp tiến. Vợ và ba con ông là công dân Mỹ. Là người gốc Bờ Tây, ông ra tranh cử với tư cách là ứng viên độc lập.
10. Hassan Khreishe, 49 tuổi: Chủ tịch lâm thời của Hội đồng lập pháp Palestine. Là một bác sĩ, ông bị Chính quyền Palestine chỉ trích tham nhũng. Khreishe đến từ thành phố Nablus thuộc Bờ Tây và ra tranh cử với tư cách là ứng viên độc lập.
Công tác chuẩn bị?
Hơn 1.000 điểm bỏ phiếu với sự góp mặt của khoảng 17.000 nhân viên bầu cử sẽ mở cửa từ 07h sáng đến 19h chiều tại tất cả các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng. Hàng trăm giám sát viên bầu cử quốc tế sẽ giám sát tiến trình bỏ phiếu. Phiếu bầu sẽ được đánh dấu bằng loại mực không thể tẩy xoá để tránh gian lận.
Nhà nước Do Thái tuyên bố sẽ giảm thiểu những hạn chế đi lại đối với người Palestine tại Bờ Tây và Dải Gaza. Nước này sẽ hạn chế sự hiện diện quân sự tại các thị trấn của người Palestine và rút quân khỏi tất cả các thành phố trước khi diễn ra bỏ phiếu. Một số trạm kiểm soát quân sự sẽ được dỡ bỏ.
Liệu bầu cử có mang lại hy vọng hoà bình?
Cộng đồng quốc tế dường như tin tưởng vào một chiến thắng của ứng cử viên nặng ký Mahmoud Abbas. Nếu ông này giành thắng lợi, tiến trình hoà bình Trung Đông sẽ được khởi động trở lại. Ông Mahmoud Abbas được đánh giá là nhà thương thuyết hoà bình hợp lý và không bị Mỹ và Israel nghi ủng hộ các cuộc tấn công vũ trang.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, ông Abbas sẽ có phạm vi quyền lực như thế nào trong bộ máy chính quyền Palestine. Thậm chí ngay cả khi ông giành chiến thắng áp đảo, ông vẫn phải đấu tranh để thể hiện mình là một nhân vật thống nhất như cố Tổng thống Arafat đã làm.
Nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas và Jihad tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử, sự bất đồng trong nội bộ đảng Fatah - khoảng cách giữa vũ trang và chính trị, giữa thành viên trẻ và già, giữa những người trở về từ nước ngoài như ông, Arafat và những anh hùng trong nước như Barghouti, giữa Bờ Tây và Dải Gaza. Nếu ông Abbas không làm tốt việc của mình, ''cơn giận dữ'' sẽ bùng phát trong Đại hội Fatah dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8 tới. Và như vậy, tuần trăng mật sẽ chẳng kéo dài lâu nếu ông Abbas - với tư cách là Tổng thống - không mang lại sự cải thiện ''có thể thấy được'' cho cuộc sống của người Palestine.
-
Trần Kiên - (tổng hợp)