Ông từng cam kết sẽ thành lập một nhà nước Palestine bằng máu và lửa. Nhưng sự nghiệp ấy còn đang dang dở thì ông đã ra đi. Liệu người Palestine có thể hoàn thành nguyện vọng thiêng liêng ấy khi thiếu vắng Yasser Arafat? Và liệu nền hoà bình Trung Đông vốn dĩ mong manh có được phục hồi?
Đám tang theo đúng lễ nghi
Những người kế nhiệm Arafat muốn một tang lễ chu toàn. Họ đem xe ủi tới san phẳng và dọn dẹp khu trụ sở vốn đã ọp ẹp của ông tại Ramallah. Họ phong toả ngôi nhà trước những ánh mắt hiếu kỳ của người dân khu Bờ Tây, thậm chí họ còn dọn sạch căn phòng nơi thi hài của ông được quàn để quan khách tới viếng. Song, cái mà họ nhận được là một quang cảnh náo loạn - đối ngược hoàn toàn với sự ngăn nắp mà họ cố gắng tạo ra.
Trước khi thi hài ông Arafat được đưa về Ramallah, hàng nghìn thanh niên, một số đem theo loại súng trường Kalashnikov đã bắn thủng những bức tường tại khu trụ sở Muqata, nơi Israel từng giam lỏng vị cố lãnh đạo Palestine trong suốt 3 năm. Rồi khi hai chiếc trực thăng xuất hiện trên bầu trời, đám đông bắt đầu huýt sáo và hô vang những lời cầu nguyện cho Arafat và Đức Allah. Khi quan tài ông Arafat phủ lá cờ của Palestine được dỡ xuống khỏi máy bay, đám đông bắt đầu đổ xô vào, cố gắng đụng tay lên cỗ quan tài. Một cảnh huyên náo bắt đầu diễn ra, phá tan sự bình yên nhỏ nhoi trước đó.
Di sản mà ông Arafat để lại - khát vọng đấu tranh bằng máu, bom và đạn rõ ràng sẽ phủ một bóng đen lên toàn khu vực Trung Đông trong nhiều năm tới. Tuần trước, trong khi các nước Ảrập đau buồn tiếc thương nhà lãnh đạo Palestine - người đã một tay chèo chống đưa vấn đề Palestine lên bàn đàm phán thế giới suốt 40 năm qua, thì tại Washington và Israel, các lãnh đạo cấp cao cũng thì thầm những lời tiễn biệt ông và cũng có những người vẫn duy trì quan điểm cứng rắn, bày tỏ hy vọng rằng sự ra đi của ông sẽ tạo ra "cơ hội mới" cho hoà bình Trung Đông.
Ít nhất, đó cũng là quan điểm chính thống. Thủ tướng Israel Ariel Sharon từng tuyên bố ông coi việc ông Arafat ra đi là cơ hội để phục hồi các cuộc đàm phán. Tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Bush nồng nhiệt đón chào đồng minh thân cận - Thủ tướng Anh Tony Blair bằng lời cam kết sẽ "dành viện trợ của Mỹ để hỗ trợ việc thành lập một nhà nước Palestine". Tuy nhiên, Bush lại bác bỏ một số đề xuất của Thủ tướng Anh như: tiến hành một hội nghị về vấn đề Trung Đông và chỉ định phái viên cấp cao của Mỹ tới khu vực này. Ông cũng "né tránh" cơ hội buộc Thủ tướng Israel rút khỏi các khu định cư, một nghĩa vụ đối với nước này xét theo "lộ trình hoà bình" của Mỹ.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell từng tuyên bố ông sẽ gặp gỡ giới lãnh đạo Palestine khi ông tới thăm khu vực vào cuối tháng này. Song phía sau hậu trường, các quan chức Mỹ vẫn tỏ ra dè dặt và thận trọng. Một số bày tỏ quan ngại rằng chỉ cần ám chỉ sẽ can thiệp vào việc chọn người kế nhiệm ông Arafat có thể tạo ra bất hạnh cho bất kì ứng viên nào bởi lẽ người ta sẽ nghĩ ứng viên đó là "tay chân cho Mỹ".
"Chúng tôi không muốn can thiệp vào kỳ bầu cử. Chúng tôi sẽ kêu gọi LHQ và EU giúp Palestine tiến hành bầu cử. Chúng tôi có thể làm việc với Israel để nới lỏng hạn chế về đi lại để các ứng viên và cử tri có thể tới nơi họ cần", một quan chức cao cấp trong chính quyền phát biểu.
Câu hỏi đặt ra là: liệu hoà bình có hiện diện tại khu vực này hay không? Cả Mỹ và Thủ tướng Israel Sharon đều rất muốn hợp tác với Mahmoud Abbas, phụ tá lâu năm của Arafat - người từng đảm nhiệm chức Thủ tướng trong 4 tháng trước khi từ chức hồi năm ngoái. Các quan chức trong chính quyền Bush nhận thức rằng họ đã bỏ qua Abbas thời kỳ đó khi không giúp đỡ ông trong việc gây dựng uy tín với người Palestine. Và giờ đây Abbas có thể sẽ được chọn làm tân Tổng thống Iraq khi bầu cử diễn ra trong vòng 60 ngày theo đúng luật định. Quan chức cao cấp thuộc Tổ chức giải phóng Palestine là Selim Zaanoun cho hay Fatah - phong trào chính trị thuộc PLO đã đồng ý với các đảng phái khác tại Palestine cho phép ông Abbas tranh cử chức Tổng thống. "Sau khi tiếp xúc với các đảng phái Hồi giáo và quốc gia trong vài ngày, chúng tôi biết rằng họ sẽ không chống lại Abu Mazen (biệt danh của Abbas)".
Nếu Abbas trở thành Tổng thống
Song ngay cả khi Abbas thắng cử, cũng phải mất thêm nhiều năm nữa ông mới có được uy tín "gần giống" như của Arafat đối với người Palestine. Những "phẩm chất" khiến cho Abbas được "lọt vào mắt xanh" của Washington - quan điểm ôn hoà và tính thực dụng, lại làm ông không được lòng người Palestine. Khalil Shikaki, chuyên gia thăm dò ý kiến hàng đầu tại khu Bờ Tây cho hay Abbas sẽ chỉ giành được 3% phiếu nếu bầu cử diễn ra ngay bây giờ.
Có thể thấy điều này khá rõ. Tuần trước khi ông Arafat từ trần, các đám đông tụ tập tại Quảng trường Manarrah, Ramallah để treo biểu ngữ, áp phích có hình vị lãnh đạo của họ và rì rầm bàn tán về những người có khả năng kế nhiệm. "Không ai thích Abu Mazen", Mohammed Alwash, một sinh viên 25 tuổi phát biểu và đám đông ồ lên tán thành, "Ông ấy quá thân với Mỹ". Trước đó, hàng chục chiến binh mang mặt nạ thuộc phong trào Fatah đã tuần hành tới khu quảng trường mang theo súng và rải truyền đơn kêu gọi người dân chống lại bất kì nỗ lực nào của giới lãnh đạo mới nhằm cản trở Intifada - phong trào nổi dậy đã bắt đầu suy tàn từ tháng 9/2000.
Để giành được lòng tin của người Palestine, Abbas có thể phải hợp tác với một số lãnh đạo trẻ của Fatah - những người đóng vai trò chủ chốt trong phong trào Intifada. "Nếu ông ấy không làm được điều này, ông ấy khó giành được thắng lợi", nhân viên thăm dò ý kiến Shikaki nói. Người mà Abbas cần tiếp cận nhất chính là Marwan Barghouti, lãnh đạo chi nhánh Fatah tại khu Bờ Tây hiện đang bị Israel giam giữ. Barghouti, 44 tuổi là một chính trị gia được nhiều người Palestine tại Bờ Tây và Dải Gaza yêu thích và tuần trước, ông này cũng ngầm ám chỉ rằng ông có thể tranh cử cùng với Abbas từ trong tù. "Nếu tìm kiếm một người kế nhiệm ông Arafat, đó sẽ là Barghouti", một quan chức cao cấp trong chính quyền Palestine phát biểu.
Trên thực tế, Barghouti từng giúp đỡ Abbas trong quá khứ. Khi Abbas được chỉ định làm Thủ tướng hồi năm ngoái, từ trong tù Barghouti đã đưa ra một lệnh ngừng bắn đơn phương giữa các phe phái Palestine bao gồm cả Hamas. Theo một số chuyên gia phân tích, ngoài Barghouti, không một nhân vật nào có đủ uy tín để buộc Hamas và các tổ chức vũ trang khác bỏ súng. Nhiều quan chức Palestine tiết lộ ý tưởng giúp Barghouti tự do để ông này giúp tăng cường uy tín cho Abbas đang được thảo luận trong các cuộc hội đàm kín với phía Israel. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Israel Sylvan Shalom đã nói thẳng rằng Barghouti sẽ "ở trong tù suốt phần đời còn lại". Năm ngoái, Barghouti bị kết án 5 án chung thân vì kích động các cuộc tấn công của Intifada nhằm vào người Israel. Dù vậy, giờ đây, Barghouti vẫn có thể là niềm hy vọng duy nhất của Abbas.
Một nhân vật khác có thể trở thành người kế nhiệm Arafat là Mohammed Dahlan - 42 tuổi, cựu chỉ huy an ninh Dải Gaza và bị coi là có quan điểm "quá thân Mỹ" (trong những năm 1990, CIA từng giúp đào tạo lực lượng an ninh của Dahlan). Dahlan cũng muốn Abbas kế nhiệm Arafat và ông sẽ được chỉ định làm chỉ huy an ninh toàn bộ khu Bờ Tây và Dải Gaza nếu Abbas thành lập nội các mới. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Dahlân thừa nhận rằng Abbas không phải là nhân vật "được lòng dân" song các nhà hoạt động trẻ sẽ tranh cử cho ông và giúp ông giành đa số phiếu.
Những lo ngại về Abbas
Điều làm người ta hoài nghi về Abbas chính là tất cả những gì gợi nhớ tới sự ra đi của Arafat. Ngay cả khi Arafat không hoàn tất tiến trình hoà bình Oslo, ông vẫn là lãnh đạo duy nhất của Palestine có thể đại diện cho mọi khuynh hướng đấu tranh của dân tộc này. Ông là người duy nhất có đủ tầm vóc để quyết định tương lai của họ. Và chỉ duy Arafat được coi là nhà lãnh đạo của nhiều thế hệ, dẫn dắt phong trào Intifada lần đầu tiên và cả bây giờ. Tầm vóc của ông quá lớn tới mức khi đương kim Thủ tướng Palestine Qurei nhìn thấy thân thể phờ phạc của ông tại Paris, Thủ tướng đã ngất xỉu. "Rồi ông Qurei nói với những người khác rằng tốt hơn không nên vào thăm Tổng thống, rằng họ nên nhớ về Arafat bằng con người ông trước đây", một quan chức trong chính quyền phát biểu.
Điều này có nghĩa ngay cả khi Bush và Sharon sẵn sàng giải quyết vấn đề hoà bình Trung Đông, cũng phải mất nhiều năm để Abbas hay bất kì vị lãnh đạo nào khác của Palestine tạo lập được vị thế hợp pháp cần thiết để tham gia đàm phán về hoà bình.
-
Huyền Trang - (Tổng hợp)