Trong bối cảnh Arafat đã ra đi, chính quyền Bush có thể phải đối phó với những thách thức to lớn ở Trung Đông, nhất là khi chưa có nhân vật xuất chúng nào nào được chọn làm lãnh đạo Palestine trong tương lai gần.
Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times hôm 9/11, Ngoại trưởng Colin Powell cho rằng việc chuyển giao quyền lực tại Palestine sau cái chết của ông Arafat có thể là một cơ hội để thúc đẩy hội đàm Israel - Palestine. "Chúng ta sẵn sàng chớp lấy cơ hội này. Tiến trình hoà bình Israel - Palestine là một trong những vấn đề quan trọng còn để lửng trong chính sách đối ngoại của Mỹ", ông Powell nói.
Ngoại trưởng Mỹ không cung cấp bất kì chi tiết nào về chiến lược "hậu Arafat" và người phát ngôn của Tổng thống Scott McClellan không muốn đưa ra bất kì bình luận nào liên quan tới ông Arafat cũng như "viễn cảnh" mà chính quyền Bush sẽ phải đối mặt với trong thời kỳ tiếp theo.
Bất ổn phía trước
Các chuyên gia Trung Đông không nằm trong bộ máy chính quyền Bush trước đó đã "phác thảo" ra một tình hình bất ổn sâu sắc một khi ông Arafat thực sự ra đi.
Glenn Robinson, một chuyên gia nghiên cứu về nền chính trị Palestine và là tác giả của cuốn: "Xây dựng một nhà nước Palestine: Cuộc cách mạng còn dang dở" cho biết thời kỳ "một lãnh đạo" trong chính trường Palestine đã kết thúc. "Hệ quả của việc ông Arafat ra đi là sự chia rẽ, song không ai có thể điều khiển nền chính trị Palestine giống như ông Arafat từng làm", Robinson nhận định.
Liên quan tới thời gian chính quyền Bush sẽ phải chờ đợi để biết ai là lãnh đạo mới của Palestine một khi Arafat ra đi, Robinson nói: "Họ nên đưa ra quyết định nhanh chóng, song chúng ta hãy chờ xem. Có một vài nhân vật chủ chốt trong chính quyền Bush không muốn khởi động lại những cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine một cách nghiêm túc cũng giống như Thủ tướng Israel Sharon, do vậy họ có thể đưa ra lời khuyên rằng: kéo dài việc lựa chọn lãnh đạo mới là hành động sáng suốt".
Jon Alterman, Giám đốc chương trình Trung Đông thuộc Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế tại Washington thì cho rằng người Palestine sẽ cảm thấy bị "suy yếu" và bị "bao vây" sau khi ông Arafat ra đi. Trong thế giới hậu Arafat, chính quyền Bush có thể sẽ tiến hành hội đàm với Thủ tướng Ahmed Qureia và người tiền nhiệm của ông là Mahmoud Abbas.
Những thách thức với PLO?
Tổng thống Arafat và các phụ tá của ông từng khẳng định quyền lãnh đạo đối với người Palestine song trong thời gian họ không ở Palestine thập niên 1980 và thời kỳ phong trào nổi dậy Intifada, những nhân vật khác trong bộ máy lãnh đạo đã tới Gaza, khu Bờ Tây và nhiều người phản đối hiệp định hoà bình Oslo mà ông Arafat đã chấp thuận hồi năm 1993.
Mặc dù chính quyền Mỹ biết những nhân vật này là ai, song "chưa rõ liệu Mỹ có muốn hội đàm nhiều với họ hay không vì một số có tiểu sử không mấy tốt đẹp khi đàn áp thường dân".
Một nhân tố sẽ ảnh hưởng tới việc lựa chọn lãnh đạo tại Palestine là hàng rào an ninh mà Israel đang dựng lên tại khu Bờ Tây. "Tổng thống Bush đã nói rõ ông coi bức tường an ninh là một dấu hiệu tốt. Đó là động lực quang trọng nhất có khả năng thay đổi cuộc đối thoại giữa Israel và Palestine", một chuyên gia nghiên cứu Trung Đông phát biểu. Kể từ khi xây dựng bức tường này, số lượng các vụ tấn công khủng bố nhằm vào Israel đã giảm đáng kể. Theo quan điểm của một số chuyên gia Mỹ, bức tường an ninh sẽ buộc người Palestine sinh sống tại khu Bờ Tây phải thắt chặt quan hệ với Jordan và bản thân nó đã nói lên một điều rằng: "biên giới không còn là chủ đề thương lượng, những vùng ngoại vi Jerusalem sẽ không được chuyển giao cho người Palestine. Một khi bức tường kéo dài tới đó, sẽ khó có thể di chuyển nó đi chỗ khác".
Quá trình chọn lãnh đạo mới
Việc chọn tân lãnh đạo trong chính quyền Palestine là một quá trình đặc biệt. Người phát ngôn nghị viện Palestine Rauhi Fattouh sẽ trở thành quyền Tổng thống trong vòng 60 ngày - thời gian để tiến hành một cuộc bầu cử.
"Vấn đề ở chỗ cuộc bầu chọn cần có sự hợp tác tích cực từ phía Israel vì Israel kiểm soát vùng lãnh thổ nơi diễn ra bầu cử", Robinson giải thích. "Israel sẽ phải tái triển khai lực lượng khỏi các khu vực đông dân và cần phải cho phép người Palestine tại đông Jerusalem được bỏ phiếu như họ từng làm năm 1996. Cả hai điều kiện này đều quan trọng đối với chính phủ của ông Sharon".
Bên cạnh đó, cũng theo ông Robinson, chính quyền Bush không được phép bỏ lỡ cơ hội lịch sử này. Hội đàm có thể tiến triển trong vòng 6 tháng và cần có sự tham gia tích cực của Mỹ. Nếu bỏ lỡ, các lực lượng khác sẽ liên kết lại, biến tiến trình hoà bình trở nên khó khăn hơn.
-
Huyền Trang - (Tổng hợp)