Hôm 1/10, đã diễn ra buổi tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Bush và TNS John Kerry về vấn đề chính sách đối ngoại. VietNamNet đã giới thiệu phần 1 và 2. Dưới đây là phần cuối cùng của buổi tranh luận.
Lehrer: Hãy nói về kế hoạch của ông, TNS Kerry. 2 phút.
Ông có thể nêu chi tiết, ví dụ như nội dung, mốc thời gian.... quân đội Mỹ chấm dứt dính líu tại Iraq hay không?
Kerry: Mốc thời gian mà tôi đã vạch ra - và một lần nữa tôi muốn sửa lại lời Tổng thống nói, vì tối nay ông ấy lại hiểu lầm điều tôi từng tuyên bố. Tôi không hề nói tôi sẽ rút quân khỏi Iraq trong vòng 6 tháng. Tôi nói rằng nếu chúng ta làm những việc mà tôi đề xuất và thành công, chúng ta có thể bắt đầu rút quân dần trong vòng 6 tháng.
Tôi nghĩ một nhân tố quan trọng để đạt được thành công tại Iraq là thuyết phục người Iraq và thế giới Ảrập tin rằng Mỹ không hề có dự tính lâu dài nào tại nơi này.
Tôi hiểu điều đó, chúng ta đang xây dựng khoảng 14 căn cứ quân sự tại Iraq và một số người cho biết họ có cảm giác về một cái gì đó "vĩnh cửu". Khi quân đội Mỹ bảo vệ Bộ Dầu lửa mà không canh gác các cơ sở hạt nhân, điều này có thể khiến nhiều người Iraq nghĩ rằng: "Họ chắc chỉ quan tâm đến dầu của chúng ta". Bây giờ vấn đề là ở chỗ họ đã có những ý nghĩ không đúng đắn và đó là những việc ta phải suy nghĩ kỹ.
Điều tôi muốn làm là thay đổi động lực trên chiến trường. Chúng ta lẽ ra phải làm việc này ngay từ đầu bằng cách không rút quân khỏi Fallujah và những nơi khác, tránh phát đi thông điệp sai lầm với bọn khủng bố. Chúng ta phải đóng cửa các biên giới giữa Iraq và nước láng giềng.
Tôi chỉ có một thông điệp rất thẳng thắn: Nước Mỹ không có những kế hoạch dài hạn tại Iraq. Và mục tiêu của chính quyền do tôi thành lập là rút quân đội khỏi nơi này với khoản chi phí thấp nhất dành cho việc huấn luyện và hậu cần, giống như chúng ta từng làm tại một số nước khác trên thế giới để có thể duy trì hoà bình.
Nhanh chóng huấn luyện người Iraq là cách chúng ta sẽ làm để giành được hoà bình. Chính quyền hiện nay thừa nhận rằng họ vẫn chưa thực hiện việc huấn luyện vì còn phải xin ý kiến Quốc hội để tái phân bổ ngân sách cho hoạt động này.
Lehrer: 90 giây
Tổng thống Bush: Đã có 100.000 binh sĩ, cảnh sát, lực lượng cảnh vệ, đơn vị đặc nhiệm và tuần tra biên giới được huấn luyện. Cuối năm nay, con số này sẽ là 125.000. Như vậy, chúng ta đang xúc tiến công việc. Đó là một nhiệm vụ khó khăn. Mọi người đều biết điều này, bởi vì luôn có một kẻ thù quyết tâm đánh bại chúng ta.
Đối thủ của tôi nói ông ấy sẽ cố gắng thay đổi động lực trên chiến trường. Thủ tướng Allawi đã ở đây. Ông ấy là nhà lãnh đạo Iraq. Đó là một người dũng cảm. Lúc ông ấy tới Mỹ, sau khi phát biểu trước Quốc hội, chính đối thủ của tôi đã đặt câu hỏi về uy tín của ông ấy.
Bạn không thể thay đổi động lực trên chiến trường nếu chỉ trích nhà lãnh đạo can đảm của Iraq. Một thành viên trong đội ngũ tranh cử của ông ấy còn so sánh Thủ tướng Allawi giống một con rối. Đó không phải là cách đối xử với một con người can đảm đang cố gắng chèo chống đưa đất nước ấy đi lên phía trước.
Cách để đảm bảo thành công của chúng ta là phải gửi những thông điệp nhất quán, lành mạnh tới người Iraq rằng khi chúng ta nói, chúng ta sẽ giữ lời, rằng chúng ta sẽ đứng về phía họ và rằng chúng ta tin họ muốn được tự do. Đó là việc tôi đang làm.
Tôi tin 25 triệu người dân Iraq mong muốn có các cuộc bầu cử. Tôi phản đối tuyên bố cho rằng nếu bạn là người Hồi giáo, bạn không thể được tự do, bạn không được phép mơ ước tới tự do. Tôi kịch liệt chống lại luận điệu này.
Lehrer: 30 giây
Kerry: Tôi đồng ý rằng người Iraq muốn tự do và họ có thể được tự do. Song tôi nghĩ rằng Tổng thống một lần nữa vẫn chưa cho chúng ta thấy làm thế nào ông ấy có thể thực hiện điều này một cách đúng đắn.
Thủ tướng Allawi đã tới đây và ông ấy nói rằng những kẻ khủng bố đang tràn qua biên giới. Đó là đánh giá do chính ông Allawi đưa ra.
Các báo cáo tình báo quốc gia nộp cho Tổng thống hồi tháng 7 cho thấy tình hình tương tự như hiện này, một cuộc nội chiến - kịch bản xấu nhất đã xảy ra.
Tôi có thể làm việc này tốt hơn.
Tổng thống Bush: Xin lỗi, tôi muốn....
Lehrer: Vâng, 30 giây
Tổng thống Bush: Lý do tại sao Thủ tướng Allawi nói những kẻ khủng bố đang vượt biên giới vì ông ấy nhận thấy rằng Iraq là trung tâm của cuộc chiến chống khủng bố. Chúng đang chống lại chúng ta vì chúng muốn chống lại sự tự do.
Chúng hiểu rằng một Afghanistan tự do hay một Iraq tự do sẽ là một thất bại lớn đối với chúng. Và đó là thách thức.
Đó cũng chính là lý do tại sao chúng ta không thể rời khỏi đây. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải giữ vững phòng tuyến, lý do tại sao ta cần chiến thắng. Với sự lãnh đạo của tôi, chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này.
Lehrer: Thưa Tổng thống, một câu hỏi mới. 2 phút.
Kinh nghiệm từ Iraq có hay khó có thể làm ông đưa nước Mỹ vào một cuộc tấn công quân sự phủ đầu khác hay không?
Tổng thống Bush: Tôi hy vọng sẽ không bao giờ phải làm như vậy. Tôi hiểu khó khăn thế nào khi phải đẩy quân đội của chúng ta vào chiến tranh. Không bao giờ tôi muốn đưa quân tham chién. Khi tôi đang tranh cử Tổng thống, trong cuộc tranh luận năm 2000, tôi không bao giờ nghĩ sẽ phải làm như vậy.
Nhưng kẻ thù đã tấn công chúng ta, Jim và tôi có trách nhiệm cao cả phải bảo vệ người dân Mỹ, phải làm tất cả mọi thứ có thể để bảo vệ đất nước này. Tôi nghĩ rằng bằng cách nói thẳng và làm những gì ta nói, không phát đi thông điệp gây hiểu làm, chúng ta có lẽ sẽ không phải sử dụng vũ lực.
Song một vị tổng thống phải luôn sẵn sàng điều động quân đội. Đó phải là sự lựa chọn cuối cùng. Tôi từng hy vọng biện pháp ngoại giao sẽ cứu vãn vấn đề Iraq. Nhưng tất cả đã tan tành. Tôi không hề nghi ngờ rằng Saddam Hussein hy vọng thế giới sẽ "mù loà" trước những hành động của ông ta. Nếu ông ta còn nắm quyền, ông ta có thể sẽ trở nên mạnh hơn, cứng rắn hơn và thế giới sẽ trở nên tồi tệ hơn. Trong thâm tâm, tôi tin chắc rằng, chúng ta sẽ phải hối hận một khi Saddam Hussein còn nắm quyền.
Chúng ta đang và sẽ sử dụng biện pháp ngoại giao bất cứ khi nào có thể, hãy tin tôi. Tôi hy vọng sẽ không bao giờ phải dùng vũ lực. Nhưng bằng cách nói rõ và phát những thông điệp theo đúng điều muốn nói, chúng ta sẽ tác động đến thế giới theo hướng tích cực.
Hãy xem Libya. Đây từng là một mối đe doạ. Giờ đây, Libya đang từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân theo cách hoà bình. Libya hiểu rằng Mỹ cùng các nước khác sẽ buộc họ phải thực hiện điều này và thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu họ làm như vậy.
Do vậy, để trả lời câu hỏi của ông, Jim, tôi hy vọng chúng ta sẽ không bao giờ phải sử dụng vũ lực. Tôi nghĩ rằng bằng cách hành động kiên quyết và dứt khoát, chúng ta sẽ ít khả năng phải dùng tới sức mạnh quân sự.
Lehrer: TNS Kerry, 90 giây
Kerry: Jim, Tổng thống vừa nói điều gì đó khá thú vị, và nói thẳng là rất quan trọng trong cuộc tranh luận này. Để trả lời cho câu hỏi của ông về Iraq và đưa quân đội tới Iraq, ông ấy nói: "Kẻ thù đã tấn công chúng ta".
Saddam Hussein không hề tấn công ta. Osama bin Laden mới tấn công ta. Al-Qaeda tấn công chúng ta. Và khi chúng ta đang bao vây Osama bin Laden tại vùng núi Tora Bora, 1.000 kẻ tay chân y đã cùng trốn chạy với y. Với lực lượng quân sự đã sẵn sàng triển khai trong khu vực này, chúng ta lại không sử dụng để truy đuổi tên khủng bố số 1 thế giới.
Họ lại chuyển giao nhiệm vụ này cho các thủ lĩnh địa phương Afghanistan, những người chỉ mới 1 tuần trước đó còn ở chiến tuyến bên kia, chống lại chúng ta và không ai trong số họ tin tưởng lẫn nhau.
Đó chính là kẻ thù đã tấn công ta. Đó là kẻ thù đã được phép ra khỏi vùng núi bị bao vây. Đó là kẻ thù mà giờ đây đang rải rác khắp 60 quốc gia, tuyển mộ thêm tân binh.
Tổng thống cũng nói Saddam Hussein có thể sẽ mạnh hơn. Điều này thực tế không đúng. 2/3 đất nước Iraq là vùng cấm bay khi chúng ta bắt đầu cuộc chiến này. Chúng ta có thể sẽ sử dụng biện pháp trừng phạt. Chúng ta sẽ có những thanh sát viên LHQ. Saddam Hussein sẽ tiếp tục bị suy yếu.
Nếu Tổng thống chứng tỏ lòng kiên nhẫn để bàn bạc về các giải pháp, ngồi xuống cùng các nhà lãnh đạo thế giới, hỏi xem họ cần gì, thì chúng ta sẽ ở một vị thế cao hơn hiện nay.
Lehrer: 30 giây
Tổng thống Bush: Trước tiên, tất nhiên tôi biết Osama bin Laden tấn công chúng ta.
Và thứ hai, việc tìm ra giải pháp để buộc Saddam Hussein giải giáp, từ chức luôn nằm trong suy nghĩ của tôi. Đó là sự khác biệt lớn trong quan niệm. Chúng ta từng thử các biện pháp ngoại giao. Chúng ta đã gắng hết sức. Saddam hy vọng chúng ta sẽ mù. Và ông ta sẽ mạnh hơn nếu chúng ta không xử lý. Ông ấy có khả năng chế tạo vũ khí.
Lehrer: 30 giây, TNS Kerry
Kerry: 35-40 nước trên thế giới có nhiều khả năng hơn Saddam trong việc chế tạo vũ khí vào lúc Tổng thống quyết định tấn công. Và trong khi Tổng thống đang bị chệch hướng (9 trong số 10 sư đoàn quân tại ngũ thuộc Bộ Lục quân có thể tới Iraq, trở về nước hoặc sẵn sàng lên đường) thì CHDCND Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân. Iran cũng đang hướng tới chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân và thế giới đang bị đe doạ. Tại Darfur, nạn diệt chủng đang diễn ra.
Thế giới rõ ràng đang trở nên nguy hiểm hơn. Tôi có thể đã lựa chọn tốt hơn Tổng thống.
Lehrer: Câu hỏi mới, 2 phút, TNS Kerry
Lập trường của ông về khái niệm chiến tranh phủ đầu là gì?
Kerry: Tổng thống luôn có quyền ra lệnh tấn công phủ đầu. Đó là học thuyết quan trọng từ thời Chiến tranh Lạnh. Và đây luôn là vấn đề chúng ta tranh cãi bất kì khi nào đụng tới lĩnh vực kiểm soát vũ trang.
Trong suốt lịch sử Mỹ, không có vị Tổng thống nào từ bỏ quyền tấn công phủ đầu bất cứ khi nào cần thiết để bảo vệ nước Mỹ, và tôi cũng sẽ như vậy.
Nhưng bạn làm điều này sau khi đã thử nghiệm thành công, vượt qua cuộc thử nghiệm toàn cầu trong đó người dân của bạn, các binh sĩ của bạn hiểu đầy đủ lý do tại sao bạn phải làm điều bạn đang làm và có thể chứng minh với thế giới rằng bạn làm điều này vì những lý do hợp lý.
Ở đây, chúng ta thấy chính Ngoại trưởng của chúng ta phải xin lỗi thế giới vì lời phát biểu ông ta đưa ra trước LHQ. Chúng ta có thể nhớ lại cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Khi ấy, Tổng thống Kennedy đã phái Ngoại trưởng Mỹ tới Paris để gặp Charles DeGaulle. Trong quá trình hội đàm, để chứng minh cho người Pháp thấy những quả tên lửa tại Cuba, Ngoại trưởng đã nói: "Cho phép tôi đưa ảnh cho ngài xem". Lúc đó, DeGaulle gạt sang một bên và nói: "Không, không. Lời nói của Tổng thống Mỹ đủ để thuyết phục tôi".
Có bao nhiêu lãnh đạo trên thế giới này sẽ đáp lại chúng ta theo cách ấy vì những gì chúng ta đã làm? Do vậy điều cần thử nghiệm ở đây là uy tín của Mỹ và cách chúng ta lãnh đạo thế giới. Iran, Iraq đang trở nên nguy hiểm hơn. Iran và CHDCND Triều Tiên cũng đang trở nên nguy hiểm.
Tôi vẫn chưa biết liệu tấn công phủ đầu cuối cùng có phải là điều phải xảy ra hay không. Song tôi có thể nói với các bạn rằng: Nếu là tổng thống, tôi sẽ không bao giờ rời mắt khỏi mục tiêu này. Tôi đã đấu tranh chống phổ biến vũ khí hạt nhân trong một thời gian dài kể từ khi tôi vào Quốc hội. Và chúng ta đã chứng kiến Tổng thống "quay lưng" với một số hiệp định còn đang nằm trên bàn thảo luận.
Lehrer: 90 giây, thưa Tổng thống
Tổng thống Bush: Tôi không hiểu rõ ông muốn ám chỉ điều gì khi nói sử dụng biện pháp tấn công phủ đầu nếu vượt qua một cuộc thử nghiệm toàn cầu.
Quan điểm của tôi là phải sử dụng biện pháp tấn công phủ đầu nhằm bảo vệ người dân Mỹ, hành động nhằm làm cho đất nước này được an toàn.
Đối thủ của tôi nói rằng tôi không ký một số hiệp định. Hãy để nói với ngài một điều rằng tôi đã không ký, và tôi nghĩ điều này thể hiện sự khác biệt trong quan điểm của chúng ta. Tôi sẽ không tham gia Toà án tội phạm quốc tế. Đó là một cơ quan đặt tại The Hague, nơi những thẩm phán, công tố viên vô trách nhiệm có thể đưa quân đội hay các nhà ngoại giao của chúng ta ra xét xử.
Tôi hiểu rằng tại một số thủ đô trên thế giới, hành động của tôi không được hoan nghênh. Song không tham gia một toà án nước ngoài, nơi chính công dân của mình có thể bị truy tố là việc làm đúng.
Đối thủ của tôi ủng hộ việc gia nhập Toà án tội phạm quốc tế. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng việc tạo cảm giác hài lòng cho các nước mà không đem lại lợi ích cao nhất cho chúng ta chẳng có nghĩa lý gì. Tôi muốn làm việc với các quốc gia và tôi đã làm rất nhiều. Song tôi sẽ không đưa ra những quyết định sai lầm cho nước Mỹ.
Lehrer: Một câu hỏi mới, ông Bush.
Ông có tin rằng biện pháp ngoại giao và trừng phạt có thể giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Iran hay không? Ông có thể trả lời theo thứ tự tuỳ chọn.
Tổng thống Bush: Trước hết là CHDCND Triều Tiên. Trước khi tôi tuyên thệ nhậm chức, chính sách của Mỹ là tiến hành thương lượng song phương với CHDCND Triều Tiên.
Chúng ta đã ký một thoả thuận với nước này nhưng chính quyền của tôi phát hiện ra rằng CHDCND Triều Tiên không tôn trọng thoả thuận.
Do vậy tôi quyết định rằng cách tốt hơn để tiếp cận vấn đề này là để các nước khác cùng tham gia giải quyết, bên cạnh Mỹ. Tại Crawford, Texas, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và tôi đã nhất trí rằng một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân có lợi cho chúng ta và cho thế giới.
Chúng tôi bắt đầu tiến hành đối thoại với CHDCND Triều Tiên, cuộc đối thoại bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc. Tương tự, chúng ta cũng để Hàn Quốc, Nhật và Nga tham dự. Giờ đây, không chỉ 1 nước mà có tới 5 nước tham gia hội đàm với Kim Jong Il.
Và nếu CHDCND Triều Tiên lại một lần nữa quyết định không tuân thủ thoả thuận, điều đó sẽ không chỉ bất công với Mỹ mà với cả các nước khác.
Tôi nghĩ cách làm này sẽ đem lại hiệu quả. Nó sẽ không có hiệu quả nếu chúng ta chỉ mở một cuộc hội đàm với Chủ tịch Kim Jong Il. Ông ta muốn tách các cuộc hội đàm 6 bên thành nhiều phần.
Về vấn đề Iran, tôi hy vọng chúng ta cũng sẽ làm theo cách này, tiếp tục cùng thế giới thuyết phục các giáo sĩ Hồi giáo Iran từ bỏ tham vọng hạt nhân của họ.
Chúng ta làm việc tích cực với ngoại trưởng Pháp, Đức và Anh, những người đã phát đi thông điệp tới các giáo sĩ Iran rằng nếu họ muốn tham gia cộng đồng thế giới, hãy từ bỏ các chương trình hạt nhân.
IAEA cũng tham gia nỗ lực này. Có một nghị định thư đặc biệt mới được thông qua gần đây cho phép tiến hành các cuộc thanh sát. Tôi hy vọng chúng ta có thể thành công. Và chúng ta đã có một chiến lược tốt.
Lehrer: TNS Kerry, 90 giây
Kerry: Liên quan tới Iran, cả Anh, Pháp và Đức đều là những nước đi đầu trong nỗ lực ngăn chặn khả năng hạt nhân của Iran mà không có Mỹ. Tôi tin chúng ta đã có thể làm tốt hơn.
Tôi nghĩ Mỹ lẽ ra nên tạo cơ hội để cung cấp vật liệu hạt nhân, thử thách họ, xem xem liệu họ có thực sự theo đuổi chương trình hạt nhân vì mục đích hoà bình hay không. Nếu họ không sẵn sàng thoả thuận, chúng ta có thể đã cùng áp dụng lệnh trừng phạt. Song Tổng thống đã không làm như vậy.
Liên quan tới CHDCND Triều Tiên, câu chuyện là: Chúng ta đã có các thanh sát viên và máy quay camera tại lò phản ứng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Bill Perry đã tham gia đàm phán dưới thời Tổng thống Clinton. Và chúng ta biết nơi những thanh nhiên liệu đang được cất giấu. Chúng ta biết giới hạn khả năng hạt nhân của họ.
Một lần, Ngoại trưởng Colin Powell tuyên bố rằng chúng ta sẽ tiếp tục đối thoại với CHDCND Triều Tiên. Tổng thống đã đảo ngược tuyên bố này một cách công khai trong khi Tổng thống Hàn Quốc còn đang ở đây. Tổng thống Hàn Quốc đã trở về nước với tâm trạng hoang mang, khó xử vì tuyên bố này đi ngược lại chính sách của ông ta. Và trong 2 năm, chính quyền này không hề đàm phán với CHDCND Triều Tiên.
Trong thời gian không tiến hành đàm phán, các thanh nhiên liệu bị phát hiện, các thanh sát viên bị "hất ra ngoài", các máy camera bị hất ra ngoài. Giờ đây, có 4-7 vũ khí hạt nhân đang nằm trong tay CHDCND Triều Tiên.
Tất cả những điều này xảy ra trước con mắt của Tổng thống. Tôi nghĩ rằng đó là một trong những thông điệp gây nhầm lẫn nghiêm trọng nhất mà ngài đã phát đi.
Lehrer: Tôi muốn đảm bảo rằng những người đang theo dõi tranh luận hiểu rõ sự khác biệt trong quan điểm giữa hai người về vấn đề này. Ngài muốn tiếp tục các cuộc hội đàm đa quốc gia, đúng không?
Tổng thống Bush: Chính xác
Lehrer: Và ngài sẵn sàng làm điều này.....
Kerry: Cả hai. Tôi muốn các cuộc hội đàm song phương trong đó thảo luận tất cả mọi vấn đề từ thoả thuận đình chiến năm 1952, các vấn đề kinh tế, nhân quyền, vấn đề khu vực phi quân sự, vấn đề hạt nhân...
Lehrer: Và tổng thống, ngài phản đối điều đó, đúng không?
Tổng thống Bush: Lúc chúng ta tiến hành hội đàm song phương, các cuộc hội đàm 6 bên đã bước vào giai đoạn tạm ngừng. Đó chính là điều ông Kim Jong Il muốn. Và nhân tiện, việc vi phạm thoả thuận không phải ở chất plutonium, và chính là chất uranium được làm giàu. Đó là điều mà chúng ta phát hiện ra. Đây chính là nơi ông ấy bắt đầu vi phạm thoả thuận.
Thứ 2, đối thủ của tôi nói rằng khi ông ấy áp dụng lệnh trừng phạt với Iran, chúng ta đã trừng phạt Iran. Chúng ta không thể trừng phạt họ thêm. Đã có nhiều lệnh trừng phạt đang được thực thi.
Cuối cùng, chúng ta là một bên tham gia hội đàm, cùng làm việc với Đức, Pháp và Anh để cùng gửi ngoại trưởng tới Iran.
Lehrer: Câu hỏi mới, 2 phút
Thượng nghị sĩ Kerry, ông đã đề cập tới Darfur, khu vực Darfur tại Sudan. 50.000 người đã chết tại đây. Hơn 1 triệu người không có nhà cửa. Và đó được coi là hành động diệt chủng. Song theo tôi biết, không ai trong cả hai ông, hay những người có liên hệ tới chiến dịch tranh cử của hai người từng đề cập tới khả năng gửi quân đội tới khu vực này. Tại sao lại không?
Kerry: Tôi sẽ giải thích tại sao lại không. Song trước hết tôi muốn nói thêm về những lệnh trừng phạt đối với Iran.
Chỉ duy nhất Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt Iran và đó chính là điều tôi đang nói tới. Để lệnh trừng phạt có hiệu lực, lẽ ra chúng ta phải làm việc với Anh, Pháp và Đức cùng những nước khác. Đó là điểm khác biệt giữa Tổng thống và tôi.
Bây giờ, quay trở lại vấn đề Darfur. Đúng, đó là sự diệt chủng. Nhiều tháng trước đây, nhiều người trong chúng ta muốn hành động.
Tôi nghĩ có vài lý do để chúng ta không nói tới việc gửi quân đội Mỹ tới nơi này.
Trước tiên, chúng ta có thể làm việc đó thông qua Liên đoàn châu Phi với điều kiện chúng ta hỗ trợ hậu cần cho họ. Hiện giờ, tất cả những gì Tổng thống đang cung cấp cho khu vực này là hỗ trợ nhân đạo. Chúng ta cần làm nhiều hơn thế. Họ cần phải có khả năng hậu cần để tiến vào Darfur và chấm dứt nạn diệt chủng. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn.
Tôi cũng cho rằng, một trong những lý do chúng ta không thể đưa quân tới Darfur là vì ta đã quá dàn trải. Hãy hỏi những người trong quân đội, chúng ta có lực lượng Cảnh vệ và Dự phòng đang phải gánh vác gấp đôi nhiệm vụ bình thường, 9 trong số 10 sư đoàn quân tại ngũ của chúng ta có nhiệm vụ tại Iraq theo cách này hay cách khác.
Như vậy, đây chính là cách Tổng thống đã "mở rộng" nước Mỹ. Đó là lý do tại sao trong kế hoạch của mình, tôi bổ sung thêm hai sư đoàn quân tại ngũ, không phải vì Iraq, mà vì nhu cầu chung của chúng ta trên toàn cầu.
Tôi cũng có dự định tăng gấp đôi số lính đặc nhiệm để chúng ta có thể thực hiện công việc cần thiết liên quan tới chống khủng bố trên thế giới. Nếu làm vậy, chúng ta có khả năng đối phó tình huống nhanh hơn.
Song tôi muốn nói với các bạn rằng, nếu quân đội Mỹ phải tham gia ở một mức độ nào đó nhằm kết nối Liên đoàn châu Phi, tôi sẵn sàng chấp nhận bởi lẽ chúng ta không thể để xảy ra một thảm hoạ Rwanda thứ 2.
Đó là trách nhiệm đạo đức đối với chúng ta và thế giới.
Lehrer: 90 giây, ông Bush
Tổng thống Bush: Trở lại vấn đề Iran, chỉ xin thêm 1 giây.
Chính quyền của tôi không áp đặt lệnh trừng phạt với Iran. Điều này xảy ra từ rất lâu trước khi tôi tới Washington D.C.
Liên quan tới Darfur. Tôi đồng ý đó là nạn diệt chủng. Và Ngoại trưởng Colin Powell cũng đã tuyên bố. Chúng ta đã cam kết viện trợ 200 triệu USD. Chúng ta đang dẫn đầu danh sách các nước mạnh thường quân giúp đỡ người dân nơi này. Chúng ta sẽ cam kết nhiều hơn để giúp họ.
Chúng ta rất tích cực thảo luận tại LHQ về chính sách trừng phạt chính phủ Bashir tại Sudan. Trước khi vụ Darfur xảy ra, Đại sứ Jack Danforth đã thương lượng để tìm kiếm một thoả thuận bắc - nam mà chúng ta hy vọng có thể sẽ mang lại hoà bình cho Sudan.
Tôi đồng ý với đối thủ của tôi rằng chúng ta không nên gửi quân tới đây. Chúng ta nên làm việc với Liên đoàn châu Phi để tiến hành việc này, đúng theo cách mà ta đã làm tại Liberia. Chúng ta giúp ổn định tình hình ở đó với một số lượng quân hạn chế và khi Liên đoàn châu Phi tới, chúng ta rút quân về.
Tôi hy vọng rằng Liên đoàn châu Phi sẽ nhanh chóng hành động để cứu các mạng sống đang bị đe doạ. Và thật may mắn, mùa mưa sẽ sớm kết thúc, điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận viện trợ và giúp người dân ở đây.
Lehrer: Một câu hỏi mới, Tổng thống Bush.
Rõ ràng, như chúng ta vừa nghe thấy, có những khác biệt lớn về chính sách giữa hai người. Liệu có những vấn đề tế nhị liên quan tới cá tính mà ngài cho là nghiêm trọng tới mức TNS Kerry không thể đảm nhiệm chức tổng tư lệnh quân đội Mỹ hay không?
Tổng thống Bush: Đó là một câu hỏi khá nặng nề. Trước hết, tôi ngưỡng mộ sự đóng góp của TNS Kerry đối với đất nước này. Tôi ngưỡng mộ thực tế ông ấy là một người cha vĩ đại. Tôi đánh giá cao việc các con gái của ông đã rất niềm nở với các con tôi trong khi đây rõ ràng là một việc làm khó đối với những cô gái trẻ, phải chứng kiến cha họ đang tranh cử.
Tôi ngưỡng mộ việc ông từng phục vụ 20 năm trong Thượng viện mặc dù tôi không chắc tôi ngưỡng mộ những gì ông đã làm.
Tôi sẽ không chỉ trích việc ông tới đại học Yale. Không có gì sai trái ở đó. Song mối quan ngại của tôi về TNS thể hiện ở chỗ, trong quá trình tiến hành tranh cử, tôi từng lắng nghe rất chăm chú những gì ông nói và ông liên tục thay đổi lập trường về cuộc chiến Iraq. Ông ấy thay đổi lập trường trong cả những vấn đề được coi là cốt lõi.
Bạn không thể lãnh đạo nếu chỉ phát đi những thông điệp lộn xộn. Những thông điệp ấy đã phát tín hiệu sai lầm tới quân đội của chúng ta. Thông điệp lộn xộn phát tín hiệu sai lầm tới đồng minh của ta và phát tín hiệu sai lầm tới người dân Iraq.
Đó là điều tôi lo ngại nhất về đối thủ của mình. Tôi ngưỡng mộ sự cống hiến của ông. Song tôi biết thế giới này vận động ra sao, rằng trong cuộc họp giữa các chính phủ, cần phải có sự chắc chắn từ Tổng thống Mỹ.
Tất nhiên, chúng ta sẽ thay đổi chiến thuật khi cần thiết, song chúng ta không bao giờ thay đổi đức tin, những niềm tin chiến lược là điều cần thiết để bảo về đất nước này.
Lehrer: 90 giây, TNS Kerry
Kerry: Trước hết, tôi đánh giá cao những lời nhận xét mang tính cá nhân mà Tổng thống dành cho tôi. Tôi đồng ý với ông. Tôi cũng ghi nhận cử chỉ của các con gái Tổng thống. Tôi đã nhìn thấy họ và lặng lẽ cười thầm vài lần trước những lời nhận xét của họ. Và....
Tổng thống Bush: Tôi đang cố gắng thòng dây vào cổ chúng...(cười)
Kerry: Tôi biết. Tôi vẫn biết không được làm vậy. Và tôi kính trọng, ngưỡng mộ phu nhân Tổng thống. Tôi nghĩ bà là một phụ nữ tuyệt vời.
Tổng thống Bush: Cảm ơn
Kerry: ....và là một Đệ nhất phu nhân tuyệt vời. Song chúng tôi có những khác biệt. Tôi sẽ không nói về sự khác biệt trong cá tính. Tôi không nghĩ đó là công việc của tôi.
Hãy để tôi nói về điều mà Tổng thống chưa nói hết. Có thể có người sẽ gọi đó là một đặc điểm tính cách, song có thể có người không cho là vậy. Đây là vấn đề cần chắc chắn, nhưng bạn có thể vừa chắc chắn và vừa sai lầm.
Nó khác với việc chắc chắn và đúng đắn hay chắc chắn và đi đúng hướng. Điều làm tôi lo ngại ở Tổng thống là ông ấy không nhận thức được những gì đang diễn ra, không thừa nhận thực tế về CHDCND Triều Tiên, không thừa nhận thực tế khoa học của việc nghiên cứu tế bào gốc hay về hiệu ứng nhà kính cũng như các vấn đề khác.
Và sự chắc chắn đôi khi làm bạn phiền phức.
Lehrer: 30 giây
Tổng thống Bush: Tôi hoàn toàn đồng ý rằng người ta nên thay đổi chiến thuật và chúng ta sẽ làm như vậy ở Iraq. Các tư lệnh của chúng ta có đủ khả năng linh hoạt để làm những gì cần thiết cho chiến thắng.
Điều tôi sẽ không làm là thay đổi các quan điểm cơ bản vì chính trị hay vì áp lực. Và đó là một trong những điều tôi học được từ Nhà Trắng: Luôn có một áp lực nặng nề đối với Tổng thống, song không được phép đầu hàng áp lực. Nếu không, thế giới sẽ không thể tốt đẹp.
Lehrer: 30 giây
Kerry: Tôi không có ý định đầu hàng. Tôi sẽ không bao giờ tỏ ra yếu đuối trong cả cuộc đời mình và tôi chưa từng tỏ ra yếu đuối.
Tôi biết chính xác việc ta cần làm tại Iraq. Lập trường của tôi luôn nhất quán: Saddam Hussein là một mối đe doạ. Ông ấy cần phải bị giải giáp. Chúng ta cần tới LHQ. Tổng thống cần quyền sử dụng vũ lực để làm điều gì đó, vì ông ấy không bao giờ làm mà không cần sức mạnh quân sự.
Song chúng ta không cần phải lao vào chiến tranh mà không có kế hoạch để đạt được hoà bình.
Lehrer: Một câu hỏi mới, 2 phút, TNS Kerry
Nếu ông trúng cử, ông sẽ coi điều gì là mối đe doạ lớn nhất đối với an ninh quốc gia?
Kerry: Phổ biến vũ khí hạt nhân. Có khoảng hơn 600 tấn vật liệu hạt nhân không được bảo an vẫn đang tồn tại ở Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ. Với tiến độ Tổng thống đang bảo vệ số vật liệu này, sẽ mất 13 năm để giải quyết.
Tôi đã làm khá nhiều việc liên quan tới vấn đề này. Tôi từng viết sách về nó cách đây 6, 7 năm có tựa đề: "Cuộc chiến mới" trong đó nêu ra những khó khăn của mạng lưới tội phạm quốc tế. Và trở lại thời điểm đó, chúng ta thu được một chiếc vali tại một nước Trung Đông trong đó đựng vật liệu hạt nhân. Giá bán tại thị trường chợ đen là khoảng 250 triệu USD.
Giờ đây, có những kẻ khủng bố đang tìm cách với tay tới số vật liệu này. Và rất lấy làm tiếc khi tôi phải nói rằng từ hai năm trở lại đây, từ sau vụ 11/9, Tổng thống của chúng ta đã không chú ý nhiều tới việc bảo vệ hạt nhân so với hai năm trước vụ 11/9.
Chúng ta phải làm công việc này, các ngài không thể cắt giảm ngân sách cho nó. Tổng thống thực sự đã giảm bớt ngân sách.
Và một phần trong giới lãnh đạo hiện nay đang phát đi thông điệp tới các nước như CHDCND Triều Tiên. Giờ đây, Tổng thống đang chi hàng trăm triệu USD để nghiên cứu vũ khí hạt nhân phóng từ boongke. Mỹ đang theo đuổi một thế hệ vũ khí hạt nhân kiểu mới. Nó thật phi lý.
Ngài nói về những thông điệp lộn xộn. Chúng ta đang nói với những người khác rằng: "Các ông không thể có vũ khí hạt nhân", trong khi chúng ta lại theo đuổi loại vũ khí mới và có thể còn sử dụng chúng.
Không, tôi sẽ cho ngừng chương trình này, và chúng ta sẽ tuyên bố với thế giới rằng chúng ta rất nghiêm túc trong việc kiềm chế phổ biến vũ khí hạt nhân. Chúng ta sẽ hoàn thành công việc kiểm soát vật liệu hạt nhân tại Nga trong vòng 4 năm. Và chúng ta sẽ xây dựng một mạng lưới quốc tế hùng mạnh nhất để ngăn chặn phổ biến hạt nhân.
Đây chính là quy mô của kế hoạch do Tổng thống Kennedy từng vạch ra liên quan tới hiệp ước cấm thử hạt nhân. Tôi dự định sẽ hoàn thành công việc này.
Lehrer: 90 giây, thưa Tổng thống
Tổng thống Bush: Thực sự, chúng ta đã giảm ngân sách cho việc giải quyết phổ biến hạt nhân khoảng 35% kể từ khi tôi lên làm Tổng thống. Tôi đồng ý với đối thủ của tôi rằng mối đe doạ lớn nhất đối với đất nước này là vũ khí huỷ diệt hàng loạt có thể rơi vào tay mạng lưới khủng bố. Và đó là lý do tại sao phổ biến hạt nhân là một trong những hạt nhân của chiến lược lâu dài nhằm bảo vệ đất nước này.
Chính quyền của tôi đã bắt đầu Sáng kiến an ninh Phổ biến. Hơn 60 nước đã tham gia ngăn chặn việc truyền thông tin hoặc chuyển giao vật liệu sản xuất vũ khi huỷ diệt hàng loạt. Và chúng ta đã đạt được tiến triển. Chúng ta phá mạng lưới của A.Q. Khan. Đây là một kẻ phổ biến hạt nhân ra ngoài Pakistan, bán bí mật hạt nhân tới những nơi như CHDCND Triều Tiên và Libya. Chúng ta đã thuyết phục Libya giải giáp.
Đây là phần quan trọng khi giải quyết vấn đề vũ khí huỷ diệt hàng loạt và phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt.
Tôi sẽ nói với các bạn một cách khác để bảo vệ nước Mỹ trong tương lai xa. Đó là tiếp tục phòng thủ tên lửa. Chúng ta đã có một cuộc nghiên cứu quan trọng, chương trình phát triển tên lửa đang tiếp tục diễn ra trong nhiệm kỳ của tôi. Chúng ta sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trong thời gian ngắn.
Đó là một biện pháp giúp chúng ta đối phó với những hiểm hoạ trong thế kỷ 21. Đối thủ của tôi phản đối phòng thủ tên lửa.
Chúng ta cần có sự góp sức của Trung Quốc khi hội đàm với Kim Jong Il. Và nếu bạn tham gia các cuộc đàm phán song phương, họ sẽ rất vui thích đứng lên, rời khỏi bàn.
....
Lehrer: Vâng, bây giờ tới phần phát biểu kết thúc buổi tranh luận.
Một lần nữa, theo kết quả tung đồng xu, TNS Kerry, ông nói trước. Ông có 2 phút.
Kerry: Rất cảm ơn Jim. Một lần nữa tôi xin cảm ơn Đại học Miami.
Cảm ơn Tổng thống.
Hỡi những người dân Mỹ, như tôi đã phát biểu ngay từ đầu cuộc tranh luận này, cả Tổng thống Bush và tôi đều yêu đất nước này. Không có gì phải nghi ngờ về điều đó.
Nhưng chúng tôi có những quan điểm trái ngược nhau về cách bảo vệ nước Mỹ và làm đất nước này được thế giới kính trọng.
Tôi biết rằng đối với nhiều người đang ở nhà, cha mẹ của những thanh niên đang làm nhiệm vụ tại Iraq, các bạn muốn biết ai là người có thể trở thành vị tổng tư lệnh, người có thể giúp đưa con bạn về nhà và hoàn thành nhiệm vụ, giành được hoà bình.
Đối với tất cả những bậc cha mẹ còn lại trên đất nước này, những người đang lo lắng khi con cái họ đến trường hay đi bất kì nơi nào trên thế giới, họ đang tự hỏi con cái họ đang lớn lên trong một thế giới như thế nào. Hãy để tôi nhìn vào mắt các bạn và nói: khi còn trẻ, tôi từng tham gia chiến tranh và bảo vệ đất nước này. Tôi sẽ tiếp tục bảo vệ nếu tôi là Tổng thống.
Song tôi khác với Tổng thống Bush. Tôi tin rằng chúng ta mạnh nhất khi ta vươn ra ngoài và lãnh đạo thế giới, xây dựng những liên minh hùng mạnh.
Tôi có một kế hoạch cho Iraq. Tôi tin chúng ta có thể thành công. Tôi không nói về việc ta rút khỏi nơi này mà đang nói về việc giành chiến thắng. Chúng ta cần một sự khởi đầu mới, một uy tín mới, một vị tổng thống có thể đem các đồng minh lại gần phía ta.
Tôi cũng có một kế hoạch để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố, đầu tư vào an ninh nội địa, tăng cường sức mạnh quân đội, giảm các khoản tài chính, vươn ra thế giới và lại xây dựng các liên minh mạnh.
Tôi tin những ngày tươi đẹp nhất của nước Mỹ đang ở phía trước vì tôi cho rằng tương lai phụ thuộc vào tự do, không phải sự sợ hãi.
Đó là đất nước mà vì nó tôi sẽ đấu tranh. Và tôi mong các bạn cho tôi cơ hội được làm các bạn tự hào. Tôi mong cách bạn cho tôi cơ hội để lãnh đạo đất nước này, để chúng ta có thể hùng mạnh hơn trong nước, được kính trọng trên thế giới và có giới lãnh đạo đầy trách nhiệm mà chúng ta xứng đáng được hưởng.
Xin cảm ơn. Chúa phù hộ cho nước Mỹ
Tổng thống Bush: Rất cảm ơn Jim vì đêm nay. Cảm ơn Thượng nghị sĩ.
Nếu nước Mỹ chứng tỏ dấu hiệu không chắc chắn, hay yếu đuối trong vòng 10 năm tới, thế giới sẽ rơi vào bất ổn. Điều đó sẽ không xảy ra chừng nào tôi là tổng thống của các bạn.
Trong vòng 4 năm tới, chúng ta sẽ tiếp tục củng cố khả năng phòng thủ. Chúng ta sẽ cải tổ các cơ quan tình báo. Chúng ta sẽ tăng cường sức mạnh quân đội. Quân đội Mỹ sẽ là một đội quân luôn sẵn sàng trực chiến.
Chúng ta sẽ tiếp tục ở thế tấn công. Chúng ta sẽ chống lại những kẻ khủng bố trên thế giới để không phải đối mặt với chúng tại nước Mỹ. Chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng các liên minh. Tôi sẽ không bao giờ trao an ninh nước Mỹ cho các nhà lãnh đạo nước khác vì chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng liên minh.
Chúng ta sẽ tiếp tục phổ biến sự tự do. Tôi tin rằng một nước Iraq tự do sẽ đem lại lợi ích cho chúng ta. Tôi tin một Afghanistan tự do sẽ đem lại lợi ích cho ta.
Và tôi tin một Afghanistan tự do cùng một Iraq tự do sẽ là những ví dụ điển hình cho hàng triệu người đang thầm cầu mong tự do ở Trung Đông.
Chúng ta đã cùng nhau làm rất nhiều việc trong 3 năm rưỡi qua. Chúng ta đã bị thách thức và đã đối mặt với những thách thức đó. Chúng ta đã trèo lên một ngọn núi đồ sộ. Tôi thấy phía dưới là thung lũng, đó là thung lũng của hoà bình.
Bằng cách kiên định và thống nhất, bằng cách giữ lời, ủng hộ tinh thần cho quân đội Mỹ, chúng ta có thể đạt được nền hoà bình theo mong muốn.
Tôi xin cảm ơn các bạn đã lắng nghe buổi tranh luận đêm nay. Tôi mong các bạn bỏ phiếu cho tôi. Chúa sẽ phù hộ cho đất nước của chúng ta.
Lehrer: Xin kết thúc buổi tranh luận đêm nay. Các bạn hãy nhớ, buổi tranh luận thứ hai sẽ diễn ra 1 tuần nữa, ngày 8/10 tại Đại học Washington, St. Louis. Điều phối viên sẽ là Charles Gibson hãng ABC News. Sau đó, ngày 13/10, từ Đại học Arizona, Tempe, Bob Schieffer hãng CBS News sẽ dẫn chương trình cho cuộc tranh luận thứ 3.
-
Tân Huyền - (Tổng hợp)