221
478
Hồ sơ
hoso
/thegioi/hoso/
521852
Diễn biến chi tiết buổi tranh luận Tổng thống (phần 2)
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Diễn biến chi tiết buổi tranh luận Tổng thống (phần 2)
,

Hôm 1/10, đã diễn ra buổi tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Bush và TNS John Kerry về vấn đề chính sách đối ngoại. VietNamNet đã đăng tải phần 1 của buổi tranh luận. Dưới đây là phần tiếp theo.

Soạn: AM 159845 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Tranh luận Tổng thống Mỹ 2004.

Lehrer: Một câu hỏi mới, ông Bush. 2 phút

Ông nghĩ sao về quan điểm của TNS Kerry, cách TNS đối chiếu giữa ưu tiên của chính quyền trong việc truy đuổi Osama bin Laden và truy đuổi Saddam Hussein?

Tổng thống Bush: Jim, chúng ta có khả năng để theo đuổi cả hai mục tiêu này. Bở lẽ, đây là một nỗ lực mang tính toàn cầu. Chúng ta đang đối mặt với một nhóm người mang trong mình thứ lý tuởng của lòng căm thù, chúng sẽ tấn công ở bất cứ nơi nào, bằng bất kì phương tiện nào.

Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải có những liên minh mạnh và trên thực tế ta đang có. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta cần phải đảm bảo sẽ không để vũ khí huỷ diệt hàng loạt rơi vào tay những tổ chức như Al-Qaeda - công việc chúng ta đang theo đuổi.

Nhưng nếu ai đó nói rằng chỉ nên tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố, người đó không thực sự hiểu về bản chất của cuộc chiến này. Tất nhiên chúng ta vẫn đang truy đuổi Saddam Hussein - không, ý tôi là bin Laden. Y bị cô lập. 75% số kẻ trung thành với y đã bị bắt. Kẻ chủ mưu vụ tấn công 11/9, Khalid Sheik Mohammed hiện ở trong tù.

Chúng ta đang tiếp tục đạt được những tiến triển. Song mặt trận của cuộc chiến này không đơn thuần chỉ ở một khu vực. Tại Phillipines, chúng ta đang cố gắng dẹp những chi nhánh của Al-Qaeda. Và tất nhiên, Iraq hiện là khu vực trung tâm của cuộc chiến chống khủng bố. Nơi đây, Zarqawi cùng đồng bọn của y đang tìm cách phá hoại chúng ta. Những kẻ này hy vọng rằng chúng ta sẽ sợ hãi và rút chạy.

Điều có thể thực sự trở thành thảm hoạ là chúng ta không thành công tại Iraq. Nhưng chúng ta sẽ chiến thắng. Chúng ta đã có một kế hoạch để giành được thành công. Và nguyên nhân chính không gì khác là niềm mong ước được tự do của người dân Iraq.

Tôi đã được vinh hạnh tiếp chuyện với Thủ tướng Allawi. Ông ấy là một nhà lãnh đạo can đảm, mạnh mẽ. Ông ấy tin vào sự tự do của người dân Iraq. Song ông ấy không muốn những người lãnh đạo Mỹ phát đi thông điệp gây hiểu lầm rằng Mỹ sẽ không đứng về phía người dân Iraq. 

Cũng như tôi, ông ấy tin rằng người Iraq đã sẵn sàng đấu tranh vì nền tự do của chính họ. Họ chỉ cần được giúp đỡ trong việc huấn luyện kỹ năng. Sẽ có một kỳ bầu cử vào tháng 1 tới. Chúng ta đang xài hợp lý số tiền dành cho việc tái thiết Iraq và liên minh của chúng ta đang rất hùng mạnh. Đó chính là kế hoạch hướng tới chiến thắng.

Và một khi Iraq được tự do, Mỹ sẽ trở nên an toàn hơn.

Lehrer:  TNS Kerry, 90 giây

Kerry: Tổng thống vừa đề cập tới Iraq - một trung tâm của cuộc chiến chống khủng bố. Trên thực tế, Iraq không hề được coi là trung tâm của cuộc chiến này cho tới khi Tổng thống quyết định tấn công.

Tổng thống đã nghĩ tới việc chuyển lực lượng quân sự dưới quyền Tướng Tommy Franks khỏi Afghanistan nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến Iraq ngay cả khi Quốc hội còn chưa phê chuẩn. Ông ấy đã vội vã lao vào cuộc chiến tại Iraq mà không hề có kế hoạch để đạt được hoà bình.

Giờ đây, có thể thấy rằng đó không phải là nhận định mà một vị Tổng thống Mỹ nên đưa ra. Bạn không được phép đẩy nước Mỹ tới chiến tranh nếu không có kế hoạch cho hoà bình. Bạn không được phái quân đội tham chiến mà không cho họ áo giáp cần thiết.

Tôi đã gặp nhiều binh sĩ trẻ tại Ohio, nhiều bậc cha mẹ tại Wisconsin, bang Iowa khi họ phải lên mạng tìm kiếm những bộ trang phục có chức năng bảo vệ tối tân nhất để gửi cho con họ. Một số người thậm chí còn mua loại trang phục bảo vệ này để làm quà sinh nhật cho con.

Tôi nghĩ rằng đó là một sai lầm. Trong số 12.000 xe Humvee tại Iraq, có tới 10.000 xe không được trang bị lớp chống đạn. Và bạn có thể thăm một số binh sĩ trẻ tại bệnh viện - những người bị thương vì không được vũ trang đầy đủ.

Tôi không hiểu Tổng thống của chúng ta thấy được điều gì từ những việc đang thực sự diễn ra tại Iraq. Tình trạng ngày càng trở nên tồi tệ. Hồi tháng 6, con số lính Mỹ thiệt mang cao hơn so với trước đó. Tháng 7, con số này nhiều hơn tháng 7. Và cứ thế, tháng 8 cao hơn tháng 7, tháng 9 cao hơn tháng 8.

Giờ đây, chúng ta lại chứng kiến những cảnh chặt đầu. Chúng ta thấy vũ khí huỷ diệt hàng loạt được phổ biến ra ngoài biên giới Iraq mỗi ngày, và chúng làm cho người ta phẫn nộ. Trong khi đó, chúng ta lại không có đủ quân đội.

Tổng thống Bush: Tôi có thể đáp trả hay không?

Lehrer: Ông có 30 giây.

Tổng thống Bush: Cảm ơn Jim

Trước hết, đối thủ của tôi đang muốn các bạn quên đi một điều rằng chính ông ấy từng bỏ phiếu thông qua việc sử dụng biện pháp quân sự. Và giờ đây, lại nói rằng đó là cuộc chiến sai lầm, vào một thời điểm sai lầm và tại một địa điểm sai lầm.

Tôi không hiểu làm thế nào ông ấy có thể giúp nước Mỹ thành công tại Iraq nếu cứ nói rằng đó là cuộc chiến sai lầm, diễn ra không hợp thời điểm và địa điểm? Những lời tuyên bố này sẽ phát đi thông điệp gì cho quân đội của chúng ta? Tuyên bố này phát đi thông điệp gì cho các đồng minh của chúng ta? Và phát đi thông điệp gì tới người dân Iraq?

Không, biện pháp để giành chiến thắng là phải vững vàng, thống nhất và kiên quyết theo đuổi kế hoạch tôi đã phác thảo ra.

Lehrer: 30 giây, TNS Kerry

Kerry: Đúng, chúng ta cần phải vững vàng và đoàn kết. Bản thân tôi cũng vậy. Tôi sẽ làm quân đội của chúng ta thành công tại đó. Chúng ta phải chiến thắng, không thể để thất bại tại đây. Song điều đó không có nghĩa là Tổng thống đã không sai lầm khi quyết định lao vào cuộc chiến này và lái sự chú ý khỏi Osama bin Laden. Chúng ta có thể thành công. Song tôi không tin Tổng thống của chúng ta có thể giúp nước Mỹ đạt được điều này. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần một vị Tổng thống có đủ uy tín để đưa các đồng minh tới bàn thảo luận và làm những gì có thể để nước Mỹ không đơn độc.

Lehrer: Chúng ta sẽ trở lại vấn đề Iraq trong giây lát. Tôi muốn quay về điểm khởi đầu - an ninh nội địa. Một câu hỏi mới, 2 phút thưa TNS Kerry.

Nếu là Tổng thống, ông sẽ làm gì ngoài những việc Tổng thống Bush đang làm hoặc có thể khác những việc ông Bush làm để tăng cường an ninh cho nước Mỹ?

Kerry: Jim, để tôi nói chính xác những việc tôi sẽ làm. Đó là cả một danh sách dài. Trước tiên, tôi xin hỏi, việc sử dụng 500 triệu USD để "huấn luyện" các sĩ quan cảnh sát đi lại trên đường phố Iraq sẽ phát đi kiểu thông điệp "gây hiểu lầm" kiểu gì trong khi Tổng thống lại cắt giảm ngân sách cho chương trình COPS (Lực lượng bảo an hướng về cộng đồng) tại Mỹ?

Sử dụng ngân sách để mở các trạm cứu hoạ ở Iraq trong khi lại đóng cửa các trạm cứu hoả tại Mỹ sẽ phát đi thông điệp "gây hiểu lầm" thế nào?

Tổng thống chưa hề chú tâm vào nỗ lực tu sửa một số đường hầm, cầu và hệ thống xe điện ngầm trong nước. Đó là lý do tại sao Đảng Cộng hoà phải đóng cửa đường xe điện ngầm tại New York khi họ tổ chức Đại hội vừa qua. Chúng ta chưa hề làm những việc cần phải làm.

Thưa Tổng thống, tới 95% các container nhập cảng tại Florida không hề được kiểm tra. Người dân lên máy bay, và hành lý của họ bị máy chiếu X quang kiểm tra song các khoang chở hàng hoá lại không hề được chiếu X quang. Điều này có làm ngài cảm thấy an toàn khi ở Mỹ hay không?

Tổng thống của chúng ta nghĩ rằng cắt giảm thuế cho những người giàu có nhất nước Mỹ quan trọng hơn đầu tư vào an ninh nội địa. Đó không phải là những ưu tiên của tôi. Tôi tập trung vào việc bảo vệ nước Mỹ trước tiên.

Và tôi sẽ giảm thuế - song phải xem xét đối tượng được hưởng chính sách này. Tôi sẽ tập trung nguồn lực vào an ninh nội địa và sẽ đảm bảo chúng ta không cắt giảm ngân sách cho các chương trình COPS tại Mỹ. Chúng ta sẽ có đủ nhân viên tại các sở cứu hoả và bảo vệ các nhà máy hạt nhân, hoá học trên nước Mỹ.

Thật không may, Tổng thống của chúng ta đã đầu hàng ngành công nghiệp hoá chất, không muốn làm gì đó cần thiết để tăng cường quảng cáo cho nhà máy hoá chất trong nước. Còn một công việc vô cùng lớn khác vẫn chưa được thực hiện đó là bảo vệ số vật liệu hạt nhân không được quản lý trên thế giới để chúng không rơi vào tay bọn khủng bố. Đó lại sang một vấn đề khác, song tôi nghĩ chúng ta vẫn còn chút thời gian nữa.

Tôi xin nói vắn tắt rằng, với tiến độ như hiện nay, Tổng thống sẽ không thể bảo vệ số vật liệu hạt nhân còn sót lại ở Liên Xô cũ trong 13 năm nay. Tôi sẽ làm điều này trong vòng 4 năm. Và chúng ta sẽ ngăn chặn bọn khủng bố tiếp cận số vật liệu hạt nhân này.

Lehrer: 90 giây phản biện, ông Bush

Tổng thống Bush: Tôi không nghĩ rằng vào lúc này chúng ta muốn đi tới cùng để biết rõ những tuyên bố mà đối thủ tôi vừa nói, ví dụ như làm thế nào ông ấy có thể chi phí cho tất cả những cam kết ấy? Sẽ cần có một khoản thuế không lồ để bù vào đó. Dù sao, vấn đề này nằm trong buổi tranh luận khác.

Chính quyền của tôi đã tăng gấp 3 khoản ngân sách đang sử dụng cho vấn đề an ninh nội địa, lên tới 30 tỉ USD/năm. Chính phủ đã làm việc với Quốc hội để thành lập Bộ An ninh nội địa, giúp chúng ta có thể phối hợp tốt hơn an ninh cửa khẩu biên giới và các hải cảng. Chúng ta đã có thêm 1.000 đội tuần tra biên giới phía nam và đang cần thêm 1.000 đội tại biên giới phía bắc. Chúng ta cũng đang hiện đại hoá các khu vực biên giới.

Chúng ta đã chi 3,1 tỉ USD cho cứu hoả và cảnh sát. Chúng ta đang làm nhiệm vụ cung cấp thêm ngân sách. Song cách tốt nhất để bảo vệ đất nước này là luôn ở thế tấn công. Các bạn đều biết, chúng ta phải luôn chuẩn xác ở mọi lúc. Còn kẻ thù chỉ cần 1 lần chuẩn xác thì có thể làm tổn hại tới ta.

Có rất nhiều nhân viên năng lực đang làm việc tích cực. Nhân tiện tôi cũng xin nói rằng chúng ta đã thay đổi cách làm việc của FBI theo đó, coi nhiệm vụ chống khủng bố là ưu tiên hàng đầu của cơ quan này. Chúng ta đang có sự liên lạc tốt hơn giữa các cơ quan. Chúng ta sẽ tiếp tục cải tổ cơ quan tình báo để đảm bảo sẽ thu được thông tin tốt nhất có thể.

Đạo luật Ái quốc vô cùng quan trọng ở chỗ Quốc hội đã phải đổi mới đạo luật này để giúp các cơ quan thi hành luật căn chặn những phần tử khủng bố. Song một lần nữa, tôi khẳng định với các bạn, những công dân của nước Mỹ rằng cách tốt nhất để bảo vệ đất nước này là phải ở thế tấn công.

Lehrer: Vâng, hãy phản biện ngắn gọn. 30 giây, ông Kerry.

Kerry: Tổng thống vừa nói FBI đã thay đổi cách làm việc. Chúng ta mới đọc trên các trang nhất báo Mỹ rằng hiện số lượng băng có tổng độ dài lên tới hơn 100.000 giờ vẫn chưa được nghe. Một trong số những cuộn băng này có thể đề cập tới việc kẻ thù của chúng ta sẽ hành động chuẩn xác.

Và kiểm tra không xoay quanh việc bạn có sử dụng thêm ngân sách hay không, mà ở chỗ bạn có làm mọi thứ cần thiết để bảo vệ nước Mỹ hay không. Chúng ta không cần khoản tiền có được từ giảm thuế. Nước Mỹ cần được an toàn.

Tổng thống Bush: Tất nhiên, chúng ta đang làm tất cả những gì có thể để bảo vệ nước Mỹ. Tôi thức dậy hàng ngày với một ý nghĩ thường trực là làm thế nào để bảo vệ đất nước này tốt nhất. Đó là công việc của tôi.

Tôi làm việc với Giám đốc FBI Robert Mueller; tới văn phòng tại Washington mỗi buổi sáng và thảo luận về việc làm thế nào bảo vệ nước Mỹ. Có rất nhiều con người thực sự có năng lực đang tích cực làm việc này.

Đó là một nhiệm vụ khó khăn. Song một lần nữa tôi muốn nói với người Mỹ rằng, chúng ta đang làm tất cả tại đất nước của mình, và các bạn cũng cần có một vị Tổng thống sẵn sàng truy đuổi những kẻ khủng bố, đưa chúng ta ánh sáng công lý trước khi chúng làm tổn thương đến ta một lần nữa.

Lehrer: Câu hỏi mới thưa Tổng thống. Ngài có 2 phút.

Ngài dựa vào tiêu chuẩn nào để quyết định thời điểm bắt đầu rút quân đội Mỹ khỏi Iraq và trở về nước?

Tổng thống Bush: Trước tiên, tôi muốn nói với ông rằng, cách tốt nhất để Iraq được an toàn và trật tự là người dân Iraq được huấn luyện để làm công việc này. Và đó là công việc chúng ta đang thực hiện.

Chúng ta đã huấn luyện được 100.000 người và tới cuối năm nay, con số này sẽ tăng lên 125.000, cuối năm sau sẽ là 200.000. Đây là biện pháp tốt nhất. Chúng ta sẽ không bao giờ thành công tại Iraq nếu người dân ở đây không muốn tự mình giải quyết các vấn đề để bảo vệ bản thân họ. Tôi tin rằng họ muốn điều đó. Thủ tướng Allawi cũng tin người Iraq muốn vậy.

Như vậy, để quyết định thời điểm chúng ta có thể rút quân về nước, cần phải xem cách người Iraq hành động, cách họ tiến bộ và tự chịu trách nhiệm trước sự an toàn của đất nước họ. Tôi thực sự muốn đưa quân về, song tôi không muốn làm việc này chỉ vì lý do đơn giản là để rút quân, mà tôi muốn thực hiện khi chúng ta đã đạt được một mục tiêu định trước.

Câu trả lời cho câu hỏi của ông là: Khi Đại sứ Negroponte nói với tôi rằng Iraq đã sẵn sàng tự bảo vệ họ trước nguy cơ khủng bố, rằng các cuộc bầu cử sẽ được tiến hành, rằng họ đã ổn định và rằng người Iraq đang trên đường xây dựng một đất nước tự do, lúc đó, quân đội của chúng ta sẽ về nước.

Tôi hy vọng điều này sẽ xảy ra càng sớm càng tốt. Song tôi biết nếu tự đặt ra thời hạn sẽ rất khó thực hiện. Có lần, đối thủ của tôi từng nói: "Hãy bỏ phiếu cho tôi, tôi sẽ đưa quân đội khỏi Iraq trong vòng 6 tháng". Thật sự, ông âý không thể làm như thế và hy vọng sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố.

Thông điệp của tôi gửi tới những binh sĩ Mỹ đang làm nhiệm vụ tại Iraq là: "Cảm ơn các bạn vì tất cả những gì bạn đang làm. Chúng tôi luôn ở bên các bạn. Chúng tôi sẽ trang bị cho các bạn mọi phương tiện cần thiết và sẽ để các bạn về nhà ngay khi nào đã hoàn thành nhiệm vụ. Bởi lẽ, đây là một sứ mệnh sống còn".

Một nước Iraq tự do sẽ là đồng minh của chúng ta trong cuộc chiến chống khủng bố, đó là điều cốt yếu. Một nước Iraq tự do sẽ trở thành hình mẫu sáng chói tại một khu vực vốn đang khao khát tự do. Một nước Iraq tự do sẽ khiến Israel được an toàn. Một nước Iraq tự do sẽ thúc đẩy hy vọng của những nhà cải cách tại Iran. Và một nước Iraq tự do đóng vai trò trọng yếu đối với an ninh của chính nước Mỹ.

Lehrer: 90 giây phản biện, TNS Kerry

Kerry: Cảm ơn Jim. Thông điệp tôi gửi tới các binh sĩ của chúng ta cũng là: Cảm ơn vì tất cả những gì các bạn đang làm. Song tôi cũng muốn nói các bạn sẽ được giúp đỡ. Tôi tin các binh sĩ này xứng đáng được nhận những gì tốt đẹp hơn cái mà họ đang nhận hôm nay.

Có một chuyện rất thú vị. Ngày nọ, khi tôi vừa rời khỏi Wisconsin, tôi gặp 2 thanh niên trẻ vừa trở về từ Iraq, một người đang tại ngũ, một người thuộc lực lượng Cảnh vệ quốc gia. Họ nhìn vào mắt tôi và nói: "Chúng tôi cần ông. Ông phải giúp chúng tôi ở nơi đó".

Bây giờ, tôi tin có một cách tốt hơn để thực hiện điều này. Các bạn đã biết, cha của Tổng thống không hề đưa quân tới Iraq, tới Baghdad. Và lý do ông ấy không làm điều này, theo ông ấy viết trong cuốn tự truyện là vì không hề có một chiến lược rút lui khả quan nào. Ông ấy từng nói quân đội của chúng ta sẽ trở thành những kẻ chiếm đóng tại một vùng đất hoàn toàn xa lạ.

Vậy mà đây lại chính là nơi chúng ta tự đi tìm bản thân mình ngày hôm nay. Có cảm giác Mỹ xâm chiếm Iraq, tại sao? Toà nhà duy nhất được canh gác khi quân đội chúng ta tiến vào Iraq là Bộ dầu lửa. Chúng ta không hề canh gác các cơ sở hạt nhân. Chúng ta cũng không hề cắt cử binh sĩ bảo vệ cơ quan ngoại giao, nơi lẽ ra có thể tìm thấy thông tin về vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Chúng ta cũng không canh gác tại biên giới.

Hầu như trong cả quãng đường này, quân đội của chúng ta bị giao những trọng trách vô cùng nặng nề. Tôi hiểu được cảm giác phải bước tiếp, vai gánh theo các sứ mệnh mà trong đầu không hề biết cái gì đang chờ đợi ở góc đường. Và tôi tin rằng quân đội của chúng ta cần có sự trợ giúp của đồng minh. Tôi sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa các nước trong liên quân. Tôi sẽ cho họ thấy họ nên tin tưởng vào Mỹ, một sự khởi đầu mới và chúng ta sẽ hoàn thành công việc một cách tốt đẹp.

Lehrer: Vâng, xin tiếp tục. Thưa ngài, ngài muốn nói gì?

Tổng thống Bush: Tôi nghĩ nên nói tiếp vấn đề này.

Lehrer: Tất nhiên rồi, 30 giây.

Tổng thống Bush: Đối thủ của tôi nói rằng "sẽ có sự giúp đỡ" đối với binh sĩ tại Iraq, nhưng ông ấy phát đi kiểu thông điệp gì khi nói rằng cuộc chiến Iraq là sai lầm, ở một nơi sai lầm và vào một thời điểm sai lầm? Đó phải chăng là kiểu thông điệp mà một vị Tổng tư lệnh nên đưa ra, hay đây là một "sự chệch hướng nghiêm trọng"?

"Sẽ có sự giúp đỡ cho quân đội tại Iraq", song rõ ràng khó có thể nói được điều này khi ông ấy bỏ phiếu chống lại khoản chi bổ sung 87 tỉ USD để cung cấp quân trang, quân dụng cho binh sĩ của chúng ta, rồi sau đó ông ấy lại nói ông ấy thực sự đã bỏ phiếu thông qua nó trước khi bỏ phiếu chống.

Đó không phải là điều một vị tổng tư lệnh nên làm khi đang lãnh đạo quân đội.

Lehrer: TNS Kerry, 30 giây cho ông.

Kerry: Các bạn biết đấy, khi tôi nói về 87 tỉ USD, tôi chỉ mắc sai lầm trong cách nói về chiến tranh. Nhưng Tổng thống đã sai lầm trong quyết định tấn công Iraq. Sai lầm nào nghiêm trọng hơn?

Tôi tin rằng khi bạn biết điều gì đang có nguy cơ sai trái, bạn sửa đổi lại. Đó là điều tôi đã học được. Khi tôi trở về từ cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam, tôi biết cuộc chiến này là sai lầm. Và đó cũng chính là điều tôi mắc phải khi quyết định bỏ phiếu. Tôi sẽ lãnh đạo quân đội của chúng ta tới chiến thắng.

Lehrer: Một câu hỏi mới, 2 phút cho TNS Kerry

Ông có nghĩ rằng những người lính Mỹ chết tại Iraq hôm nay là vì sai lầm?

Kerry: Không, họ không phải chết vì sai lầm nếu chúng ta có giới lãnh đạo đúng như tôi đề xuất. Tôi tin chúng ta phải giành chiến thắng. Tổng thống và tôi nhất trí ở điểm này. Ngay từ đầu, tôi đã bỏ phiếu trao quyền cho Tổng thống vì tôi nghĩ Saddam Hussein là một mối đe doạ và tôi chấp nhận các thông tin tình báo được đưa ra.

Song tôi cũng đề xuất một loạt quy tắc nghiêm ngặt mà chúng ta cần phải làm để có thể tiến tới việc này trên thế mạnh. Lúc đó, Tổng thống đã cam kết thực hiện. Ông ấy tới Cincinnati và có bài phát biểu trong đó nhất mạnh: "Chúng ta sẽ lên kế hoạch cẩn thận. Chúng ta sẽ tiến từng bước thận trọng. Chúng ta sẽ không làm cho cuộc chiến này trở thành điều không thể tránh khỏi. Chúng ta sẽ tới đó cùng với các đồng minh".

Nhưng ông ấy không hề làm bất kì điều gì. Chính phủ không lên kế hoạch cẩn thận. Họ để việc vạch kế hoạch trên bàn giấy của Bộ Ngoại giao. Họ tránh nghe lời khuyên của ngay chính vị tướng của họ. Tướng Shinsheki, Tham mưu trưởng bộ Lục quân từng nói sẽ cần vài trăm nghìn quân để đánh Iraq. Thay vì nghe theo, họ đã sa thải ông ấy.

Người phụ trách chống khủng bố từng làm việc cho tất cả các chính quyền từ thời Ronald Reagan cũng nói: "Tấn công Iraq để trả đũa vụ 11/9 sẽ giống như Franklin Roosevelt tấn công Mexico để trả đũa vụ Trân châu Cảng".

Điều chúng ta cần bây giờ là một vị tổng thống biết cách làm cho các nước khác nhận thấy họ cũng có lợi ích trong cuộc chiến này. Trên thực tế, họ đang có lợi ích và luôn có.

Các nước Ảrập có lợi nếu không xảy ra nội chiến. Các nước châu Âu có lợi khi không có gì lộn xộn xảy ra "trước cửa nhà họ". Song Tổng thống của chúng ta thậm chí không hề tổ chức các hội nghị cấp lãnh đạo để kéo các nước lại gần nhau, cùng "đầu tư" vào những khu vực chiến lược. Trên thực tế, ông ấy làm ngược lại. Ông ấy đẩy họ cách xa nhau.

Khi Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đề nghị sẽ đưa vấn đề ra trước LHQ, Tổng thống gạt đi: "Không, chúng tôi sẽ tự làm việc này". Để giành các "chiến lợi phẩm" cho Halliburton, Bộ Quốc phòng đã gửi một bức thư báo trong đó nêu rõ: "Nếu các ngài không tham chiến cùng chúng tôi, đừng lấy làm phiền khi không được tham gia bất kì hợp đồng tái thiết nào".

Đó thực sự không phải là cách để mời gọi người ta.

Lehrer: 90 giây, thưa Tổng thống

Tổng thống Bush: Điều ông ấy vừa nói thật phi lý. Tất nhiên, LHQ đã được hỏi ý kiến. Và chúng ta vẫn đang ủng hộ mọi nỗ lực của LHQ tại Iraq. LHQ đã rút nhân viên sau khi Sergio de Melli bị sát hại. Nhưng giờ đây họ đã quay trở lại cùng chúng ta giúp người Iraq tiến hành bầu cử.

Đối thủ của tôi nói rằng chúng ta không có bất kì đồng minh nào trong cuộc chiến này. Ông ấy nói gì về Tony Blair? Về Alexander Kwasniewski của Ba Lan? Bạn không thể mong đợi xây dựng một liên minh khi phỉ báng sự đóng góp của những người đang sát cánh với quân đội Mỹ tại Iraq.

Hơn nữa, ông ấy nói rằng điểm mấu chốt trong kế hoạch giành thắng lợi tại Iraq là kêu gọi các nước khác cùng giúp đỡ. Vậy thông điệp ông ấy gửi đi sẽ thế nào, phải chăng là: "Hãy cùng chúng tôi đến Iraq. Chúng ta đang chệch hướng nghiêm trọng. Hãy cũng chúng tôi tham gia cuộc chiến sai lầm, ở một nơi sai lầm và vào một thời điểm sai lầm"?

Tôi biết những nhà lãnh đạo ấy nghĩ thế nào. Tôi tiếp xúc với họ thường xuyên. Tôi tiếp chuyện các lãnh đạo thế giới, nói với họ qua điện thoại. Họ sẽ không thể đi theo người nào luôn miệng nói rằng: "Đây là một cuộc chiến sai lầm, ở một nơi sai lầm và vào một thời điểm sai lầm".

Họ sẽ không nghe theo người luôn thay đổi trong quan điểm cơ bản để phục vụ cho mục đích chính trị tại Mỹ.

Và cuối cùng, đối thủ của tôi nói rằng chúng ta nên tổ chức một hội nghị thượng đỉnh. Tất nhiên, đã có nhiều hội nghị thượng đỉnh được tổ chức. Nhật Bản sắp tổ chức một hội nghị dành cho các nước tài trợ, và đã nhận được cam kết trị giá 14 tỉ USD. Thủ tướng Koizumi sẽ kêu gọi các nước đóng góp. Và sắp có một hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Ảrập, thành phần tham gia là láng giềng của Iraq. Ngoại trưởng Colin Powell đã giúp sức tổ chức hội nghị này.

Lehrer: 40 giây, TNS Kerry

Kerry: LHQ, Kofi Annan đã đề nghị giúp đỡ sau khi chính quyền Saddam bị lật đổ. Và chúng ta đã không hề để ý tới Tổng thư ký LHQ, không hề làm những gì cần thiết đề chuyển giao quyền kiểm soát và chuyển giao nhiệm vụ tái thiết. Tất cả đều do Mỹ điều hành.

Thứ hai, khi chúng ta tới Iraq, chỉ có 3 nước: Anh, Australia và Mỹ. Đó không phải là một liên minh mạnh. Chúng ta có thể làm tốt hơn.

LEHRER: 30 giây, thưa Tổng thống

Tổng thống Bush: Sự thật, ông ấy đã quên Ba Lan. Và giờ đây có tới 30 nước đang tham gia, cùng sát cánh với quân đội Mỹ.

Tôi tôn trọng sự hy sinh của họ. Và tôi không đánh giá cao việc một ứng viên Tổng thống phỉ báng sự đóng góp của những người lính dũng cảm ấy. Bạn không thể lãnh đạo thế giới nếu không tôn trọng sự đóng góp của những người luôn bên ta. Ông ấy cho rằng họ bị ép buộc, "nhận hối lộ". Đó thực sự không phải là cách đưa mọi người lại gần. Liên minh của chúng ta đang hùng mạnh. Nó sẽ tiếp tục hùng mạnh chừng nào tôi là Tổng thống. 

Lehrer: Câu hỏi mới cho ông, thưa Tổng thống, 2 phút.

Ông nói rằng đã có sự đánh giá sai lầm về tình hình hậu chiến tranh Iraq. Sự đánh giá sai lầm ấy là gì và đã được đưa ra như thế nào?

Tổng thống Bush: Không, tôi nói là: vì chúng ta đã giành thắng lợi một cách nhanh chóng, vẫn còn lại rất nhiều phần tử trung thành với Saddam. Ý tôi là, chúng ta từng nghĩ, chúng ta sẽ quét sạch chúng.

Nhưng vì Tướng Tommy Franks đã phác thảo một kế hoạch tấn công tuyệt vời, chúng ta tiến nhanh và rất nhiều các thành viên đảng Baath cũng như những kẻ trung thành với Saddam hạ vũ khí và biến mất. Tôi cứ nghĩ chúng sẽ cố thủ và chiến đấu, song không phải như vậy.

Và bây giờ, chúng ta vẫn đang tiếp tục chiến đấu chống lại lực lượng này. Đó là một công việc khó khăn. Tôi hiểu nó khó khăn như thế nào. Tôi nhận được báo cáo về con số thương vong hàng ngày. Tôi thấy trên màn hình TV mức độ khó khăn của nó. Nhưng nhiệm vụ này là cần thiết.

Và tôi lạc quan. Tôi nghĩ chúng ta có thể vừa thực tế, vừa lạc quan. Tôi lạc quan cho rằng chúng ta sẽ giành chiến thắng và tôi biết sẽ không thể chiến thắng nếu phát đi những thông điệp gây hiểu lầm. Chúng ta đã có một kế hoạch, theo đó sẽ tổ chức những cuộc bầu cử vào tháng 1. Kế hoạch nói rằng chúng ta sẽ huấn luyện binh sĩ Iraq để họ có thể đảm nhiệm những công việc khó khăn.

Không chỉ Mỹ, mà cả Nato cũng đang tham gia giúp Iraq, Jordan giúp huấn luyện cảnh sát, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất giúp huấn luyện cảnh sát. Chúng ta đã phân bổ 7 tỉ USD trong vài tháng tới cho nỗ lực tái thiết và chúng ta đang đạt được những tiến triển.

Liên minh của chúng ta rất mạnh. Như tôi vừa nói, sẽ có một hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Ả rập. Nhật sẽ làm chủ nhà cho hội nghị này.

Đây là một nhiệm vụ khó khăn, khó khăn ở chỗ ta phải đi từ chế độ chuyên quyền tới dân chủ, khó khăn khi phải bắt đầu từ một nơi mà ngời dân bị chặt tay hoặc bị hành hình tới một nơi mọi người đều được tự do.

Song đó là một công việc cần thiết. Một nước Iraq tự do sẽ làm cho thế giới yên bình hơn.

Lehrer: 90 giây, TNS Kerry

Kerry: Tôi cho rằng điều khiến đa phần người dân Mỹ lo ngại chính là việc Tổng thống chỉ phạm một kiểu sai lầm. Song điều ông ấy vừa nói cho thấy ông ấy vẫn sẽ thực hiện những việc đã làm ngay cả khi biết rằng không hề có vũ khí huỷ diệt hàng loạt, biết rằng không hề có mối hiểm hoạ trực tiếp nào, và không hề có sự liên hệ với al-Qaeda. Đó là những lời ông ấy đã nói.

Nhưng tôi sẽ không như vậy. Điều tôi đang cố làm chỉ là nói sự thật cho người Mỹ và cho thế giới. Sự thật chính là nền tảng của một chính sách tốt. Đó là điều mà giới lãnh đạo cần phải dựa vào.

Tổng thống nói tôi đang phỉ báng những người lính. Tôi tôn trọng nước Anh, Tony Blair và kính trọng những gì họ sẵn lòng làm. Nhưng ngài không thể nói với tôi rằng chúng ta đang có một liên minh thật sự để hoàn thành sứ mệnh này khi nhìn vào thực tế nước Anh với 8.300 quân là nước đóng góp nhiều nhất trong các nước đồng minh, tiếp theo là 4 nước khác với số quân đóng góp dưới 4.000, và cuối cùng là các nước chỉ có vài trăm quân được phái sang Iraq.

Ngài không thể nói với tôi rằng vào ngày chúng ta quyết định bắt đầu cuộc chiến ấy, lực lượng tham gia chủ yếu là Mỹ, Anh và 1 hay hai nước khác. Đó là điều đáng lưu ý. Giờ đây, chúng ta chịu 90% tổng số thương vong, và 90% chi phí. Trong khi đó, CNDCND Triều Tiên đang sở hữu vũ khí hạt nhân. Hãy nói về các thông điệp gây hiểu lầm. Chính tổng thống là người nói: "Chúng ta không thể cho phép các quốc gia có vũ khí hạt nhân". Thực tế là họ đang có. Nhưng tôi sẽ thay đổi thực tế này.

Lehrer: Một câu hỏi mới. TNS Kerry, 2 phút.

Ông vừa cáo buộc Tổng thống Bush - không chỉ tại đây tối nay mà ở mọi nơi khác trước đây, rằng ông không nói sự thật về Iraq, thậm chí nói dối người Mỹ về Iraq. Hãy cho chúng tôi vài ví dụ về những việc ông nghĩ Tổng thống đã nói dối.

Kerry: Tôi chưa bao giờ, chưa từng dùng từ mà ông vừa dùng. Tôi cố gắng để không sử dụng nó. Song tôi sẽ nói với các bạn rằng tôi nghĩ Tổng thống đã không thẳng thắn với người Mỹ. Và tôi sẽ giải thích tại sao.

Trước tiên, chúng ta đều biết rằng trong Thông điệp liên bang, ông ấy nói với Quốc hội về những vật liệu hạt nhân không hề tồn tại. Chúng ta biết rằng ông ấy cam kết với người Mỹ ông ấy sẽ xây dựng liên minh. Tôi vừa mới miêu tả về "liên minh" ấy. Đó không phải là kiểu liên minh mà chúng ta được nghe khi thảo luận để bỏ phiếu trao quyền cho Tổng thống.

Tổng thống nói sẽ bàn bạc kỹ về những biện pháp của LHQ và tuân thủ quá trình này một cách nghiêm ngặt. Song ông ấy đã không làm vậy. Ông ấy gạt sang một bên tất cả những đề xuất ý kiến, một kiểu chuyên quyền.

Và chúng ta biết rằng có những nỗ lực ngoại giao được tiến hành để cứu vãn tình hình. Nhưng họ quyết định thời gian giành cho quá trình thương lượng đã kết thúc và vội vàng lao vào cuộc chiến mà không hề lên kế hoạch cho những việc xảy ra tiếp sau đó.

Giờ đây, Tổng thống lại làm người Mỹ lầm lẫn khi trong bài phát biểu của mình, ông ấy nói chúng ta sẽ có kế hoạch cẩn thận. Rõ ràng chính quyền không hề lên kế hoạch. Ông ấy làm cho người Mỹ hiểu lầm khi nói rằng chúng ta bắt buộc phải đi tới chiến tranh vì đó là sự lựa chọn cuối cùng. Chúng ta đã không lao vào cuộc chiến này như một sự lựa chọn cuối cùng. Và nhiều người Mỹ hiểu được sự khác biệt ấy.

Cuộc chiến này đã làm chúng ta chịu nhiều thiệt hại. Tôi tin việc nói sự thật với người dân Mỹ là quan trọng. Tôi đã làm việc với các nhà lãnh đạo mà Tổng thống đề cập tới, thậm chí tôi làm việc với họ trong 20 năm, lâu hơn Tổng thống. Và tôi biết nhiều người trong số họ nói gì, tôi biết làm thế nào để đưa họ trở lại bàn đàm phán.

Tôi tin vào một sự khởi đầu mới, uy tín mới và một vị tổng thống biết cách làm thế nào để vươn ra thế giới Hồi giáo. Osama bin Laden đã lợi dụng việc chúng ta tấn công Iraq để rêu rao rằng nước Mỹ đã tuyên chiến với thế giới Hồi giáo.

Chúng ta cần thông minh hơn trong cách tiến hành cuộc chiến chống khủng bố. Chúng ta cần ngăn chặn chúng tuyển thêm thành viên mới, không được để chúng có nơi ẩn náu an toàn. Chúng ta cần xây dựng lại các liên minh.

Tôi tin rằng Ronald Reagan, John Kennedy và những người khác đã làm điều này tốt hơn. Tôi sẽ có gắng để theo chân họ.

Lehrer: 90 giây, ông Bush

Tổng thống Bush: Đối thủ của tôi vừa nói điều gì đó rất đáng ngạc nhiên. Ông ấy nói Osama bin Laden dùng cuộc tấn công Iraq của chúng ta để giải thích cho việc y tuyên truyền sự hận thù đối với nước Mỹ. Osama bin Laden sẽ không thể thay ta quyết định cách chúng ta bảo vệ chính bản thân mình.

Osama bin Laden không được quyết định. Chính người Mỹ sẽ làm chuyện này. Tôi đã đưa ra quyết định đúng đắn tại Iraq. Đối thủ của tôi nói rằng đó là một sai lầm. Nó không phải sai lầm.

Ông ấy nói tôi đã làm người Mỹ lầm tưởng về vấn đề Iraq. Tôi không nghĩ ông ấy từng gây hiểu lầm khi nói rằng Iraq là một mối đe doạ lớn vào mùa thu năm 2002. Tôi không nghĩ ông ấy làm người Mỹ lầm tưởng khi chính ông ấy nói rằng giải giáp Iraq vào mùa xuân năm 2003 là đúng đắn.

Tôi không nghĩ ông ấy làm các bạn lầm tưởng khi nói rằng bất kì ai nghi ngờ thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu Saddam Hussein không nắm quyền sẽ không đủ tư chất đề làm tổng thống.

Tôi cho rằng điều gây hiểu lầm chính là việc tuyên bố bạn có thể lãnh đạo và thành công tại Iraq trong khi liên tục thay đổi lập trường về cuộc chiến này. Đối thủ của tôi như vậy đấy. Khi bối cảnh chính trị thay đổi, lập trường của ông ấy cũng thay đổi. Và đó không phải là cách một vị tổng tư lệnh hành động.

Tôi xin kết thúc câu trả lời. Những thông tin tình báo mà tôi đọc cũng chính là những thông tin đối thủ của tôi nhận được. Khi tôi đến Quốc hội và phát biểu, tôi nêu ra chính những thông tin mà ông ấy đang nhìn vào để đưa ra quyết định trao quyền cho tôi tiến hành chiến tranh.

Lehrer: 30 giây

Kerry: Tôi không gây hiểu lầm khi nói Saddam là một mối đe doạ. Tôi cũng không làm người Mỹ lầm tưởng vào ngày Tổng thống quyết định tấn công, khi tôi nói rằng ông ấy đã sai lầm khi không xây dựng những liên minh mạnh và rằng tôi sẽ vui lòng hơn nếu ông ấy tiến hành thêm các biện pháp ngoại giao.

Tôi chỉ có 1 quan điểm, một lập trường kiên định: Saddam Hussein là một mối đe doạ. Có một biện pháp đúng đắn để giải giáp Saddam và cũng có một cách làm sai trái. Tổng thống đã chọn đường sai.

Lehrer: 30 giây, ông Bush

Tổng thống Bush: Điều nhất quán duy nhất trong lập trường của ông ấy là: ông ấy không hề nhất quán. Đối thủ của tôi liên tục thay đổi lập trường. Và bạn không thể thay đổi lập trường trong cuộc chiến chống khủng bố một khi mong đợi giành chiến thắng.

Tôi hy vọng chúng ta sẽ chiến thắng. Và chúng ta cần phải chiến thắng. Chúng ta đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Và nhiệm vụ của chúng ta đối với đất nước này, với những thế hệ tương lai của nước Mỹ là phải xây dựng một Iraq tự do, một Afghanistan tự do và làm thế giới vắng bóng vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

Lehrer: Một câu hỏi mới, thưa Tổng thống. 2 phút.

Cuôc chiến tại Iraq liệu có xứng đáng để nước Mỹ hy sinh mạng sống của 1052 người, tính tới hôm nay hay không?

Tổng thống Bush: Bạn biết rằng cuộc sống vô vùng quý giá. Mọi mạng sống đều quan trọng. Phần khó khăn nhất trong công việc của tôi là biết rằng tôi đã đưa quân đội đến những khu vực nguy hiểm và sau đó làm tất cả những gì tốt nhất có thể để xoa dịu những người mất con, mất chồng, hay mất vợ.

Tôi muốn nói về cô Johnson. Đó là một phụ nữ khá lập dị tôi từng gặp tại Charlotte, bắc Carolina. Cô và con trai Brian đến gặp tôi. Chồng cô đã hy sinh. Ông ấy từng ở Afghanistan trước khi sang Iraq.

Bạn biết đấy, đó là một công việc khó khăn khi tôi phải xoa dịu cô, trong khi biết rõ rằng quyết định của tôi đã làm cô mất đi người thân yêu. Tôi nói với Johnson sau khi chúng tôi đã cầu nguyện, khóc, và cười rằng tôi nghĩ sự hy sinh của chồng cô rất cao cả và đáng giá. Bởi vì tôi hiểu những lợi ích của cuộc chiến chống khủng bố. Tôi hiểu rằng chúng ta phải truy lùng al-Qaeda ở bất cứ nơi nào.

Chúng ta phải loại trừ hiểm hoạ trước khi chúng kịp biến thành hiện thực. Saddam Hussein là một thảm hoạ và chúng ta phải phổ biến sự tự do bởi lẽ rốt cục cách đánh bại lòng căm thù và chế độ chuyên chế là phổ biến tự do.

Cô Johnson hiểu điều này. Cô ấy nói với tôi rằng chồng cô hiểu được điều đó. Vậy ông nói: "Liệu sự hy sinh có xứng đáng không?", mọi mạng sống đều vô giá. Đó là điều làm chúng ta khác biệt với kẻ thù. Jim, tôi nghĩ là xứng đáng.

Lehrer: TNS Kerry, 90 giây.

Kerry: Tôi hiểu điều Tổng thống đang nói vì tôi biết mất mát con người trong chiến tranh có nghĩa thế nào. Và câu hỏi, liệu sự hy sinh này có xứng đáng không làm tôi nhớ lại suy nghĩ của riêng tôi khi trở về từ cuộc chiến trước đây.

Nó nhắc tôi nhớ rằng điều vô cùng quan trọng là chúng ta không được lầm lẫn chiến tranh với các chiến binh. Điều này từng xảy ra trong quá khứ.

Và đó là một trong số những lý do khiến tôi tin rằng tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ này. Tôi được lựa chọn vì những người lính ấy, và vì gia đình họ, vì những thanh niên đang phải mạo hiểm mạng sống trên chiến trường.

Thật là cao quý. Đó là điều cao quý nhất mà mọi người có thể làm. Và tôi muốn đảm bảo rằng kết quả xứng đáng với sự cao quý ấy. Giờ đây, chúng ta có một sự lựa chọn. Tôi đã phác thảo một kế hoạch và với kế hoạch này tôi nghĩ chúng ta có thể thành công tại Iraq: tổ chức hội nghị thượng đỉnh, làm tốt hơn việc huấn luyện người Iraq, đẩy nhanh tốc độ, cắt giảm, và làm những gì cần thiết trên tinh thần tôn trọng LHQ, tổ chức bầu cử.

Tổng thống đã không hoàn thành nhiệm vụ. Do vậy, sự lựa chọn đối với người Mỹ là bạn có thể xem kế hoạch mà tôi vừa phác thảo qua 4 điểm, mỗi điểm tôi có thể nói cụ thể hơn hoặc các bạn có thể vào địa chỉ johnkerry.com và xem.

Tôi nghĩ kế hoạch của tôi tốt hơn của Tổng thống. Tôi sẽ không bao giờ bỏ lửng, sẽ truy đuổi và tiêu diệt những kẻ khủng bố dù chúng ở bất cứ nơi nào.

Lehrer: Vâng, thưa Tổng thống, xin ngài tiếp tục. 30 giây.

Tổng thống Bush: Tôi hiểu điều đó có nghĩa thế nào đối với một vị tổng tư lệnh. Và nếu tôi có nói: "Đây là một cuộc chiến sai lầm, ở vào thời điểm sai lầm và tại một địa điểm sai lầm", binh sĩ sẽ hoài nghi, làm thế nào có thể đi theo một người như vậy?

Bạn không thể lãnh đạo cuộc chiến khủng bố nếu cứ luôn thay đổi lập trường và nói những câu như: "Đây là một sự chệch hướng lớn". Đó không phải là sự chệch hướng.

Và như vậy, kế hoạch mà ông ấy đề cập tới sẽ không có hiệu quả.

LEHRER:  TNS Kerry, ngài có 30 giây. Và sau đó đến lượt Tổng thống.

Kerry: Ngoại trưởng Colin Powell từng nói với Tổng thống về quy tắc Pottery Barn (đồ trang trí nội thất): Nếu bạn làm hỏng, bạn phải sửa lại.

Còn bây giờ, nếu bạn làm vỡ, bạn đã phạm sai lầm. Đó là việc làm sai trái. Nhưng bạn sở hữu nó. Và sau đó bạn phải sửa chữa, làm gì đó với nó.

Đó là việc chúng ta cần làm bây giờ. Không có sự không nhất quán ở đây. Các binh sĩ ở Iraq biết rằng vẫn chưa có gì đúng đắn được thực hiện. Tôi sẽ giúp họ thấy rằng chúng ta đang làm những điều đúng đắn bởi vì nó quan trọng đối với Israel, quan trọng đối với Mỹ, quan trọng với thế giới và với cuộc chiến chống khủng bố.

Tôi có kế hoạch để thực hiện điều này. Nhưng tổng thống thì không.

* Còn tiếp

  • Tân Huyền - (Tổng hợp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,