221
881
Thế giới đó đây
doday
/thegioi/doday/
1229701
Triều Tiên du hành ký
1
Article
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
Triều Tiên du hành ký
,

Những trải nghiệm thú vị trong 4 ngày tới thăm CHDCND Triều Tiên đã được tác giả Sarah Wang kể lại trên Tạp chí Slate Online. Chúng tôi xin giới thiệu câu chuyện này: 

Học sinh trên đường phố Bình Nhưỡng.
Học sinh trên đường phố Bình Nhưỡng. (Ảnh: Slate.com)

CHDCND Triều Tiên không để lại dấu vết nào trong hộ chiếu của tôi, thậm chí không một dấu thị thực. Tấm hộ chiếu chỉ chứng tỏ tôi đã rời Trung Quốc vào tháng 7 và trở lại bốn ngày sau đó. Không có dấu hiệu nào về nơi tôi đã tới, ngoại trừ việc tôi qua hải quan ở Dandong, một thành phố ở đông bắc Trung Quốc giáp biên giới với Triều Tiên.

Trong bốn ngày đó, tôi đã tới Bình Nhưỡng và Kaesong cùng với hàng chục "nhà đầu tư tiềm năng" từ Trung Quốc. Hầu hết mọi người trong nhóm là thương gia, quan tâm đến việc mua các nhà máy, đất đai, mỏ và gỗ ở CHDCND Triều Tiên bất cứ khi nào các lệnh cấm nhằm vào những vụ mua bán như vậy được dỡ bỏ.

Mỗi ngày trôi qua, các thương gia lại cảm thấy khó chịu hơn vì họ không thể dùng máy tính hay điện thoại di động của mình. Họ thậm chí không được phép mang chúng vào nước này. Không có đường truyền Internet ở Triều Tiên. Tầng lớp ưu tiên ở Bình Nhưỡng thì dùng mạng nội bộ để nghe nhạc và xem phim. Chỉ có ba kênh truyền hình và người Triều Tiên thường tới trạm điện thoại công cộng khi muốn gọi điện cho ai đó.


Đối diện với những vị du khách nóng lòng này, các nhân viên bảo vệ của Triều Tiên rất điềm tĩnh, quyết đoán và kiên nhẫn. Họ dành 2 giờ đồng hồ để kiểm tra hành lý của cả nhóm và bốn giờ để kiểm tra tất cả các tấm ảnh trong máy quay của chúng tôi, xóa những bức ảnh mà họ cho là không thích hợp khi chúng tôi rời đi. Thế nhưng dường như họ không hề biết rằng có thể tháo thẻ nhớ ra khỏi máy dễ dàng đến mức nào.

Mô tả ảnh.
Một biểu ngữ yêu nước ở thủ đô Bình Nhưỡng. (Ảnh: Slate.com)

Ngay từ giây phút đầu tiên của chúng tôi ở Triều Tiên, chúng tôi thấy rõ rằng một số người nước này được sự đối xử rất đặc biệt. Con tàu tới Bình Nhưỡng có 15 toa, nhưng chỉ ba toa quốc tế có quạt để làm dịu cái nóng oi ả. Những người bản địa ăn mặc đẹp ngồi phần lớn các ghế đó. Một số phụ nữ diện váy áo rất đẹp, đi dép cao gót còn đàn ông trông béo tốt chỉn chu trong những chiếc sơ mi nét cứng.

Họ là những người mập mạp duy nhất chúng tôi thấy trên tàu. Còn dân chúng đi lại trên đường phố ở Bình Nhưỡng và Kaesong thường gầy hơn. Ở Bình Nhưỡng, tôi có dịp chụp ảnh chung với hai nam sinh tiểu học ở Quảng trường Kim Il-Sung và tôi có thể cảm thấy xương sườn của các em khi tôi đặt tay lên lưng chúng.

Ở các khu vực khác, chính quyền cấm nghiêm ngặt việc chụp ảnh dân chúng. Chúng tôi không được chụp ảnh binh lính đang tuần tra ở vùng biên giới giáp Trung Quốc, bị cấm chụp ảnh tàu, nhà ga hoặc những cánh đồng bên ngoài cửa sổ toa tàu.

Bốn cảnh sát đường sắt ngồi ngay đối diện chúng tôi trong toa. Khi một trong số các thương gia cố gắng chụp ảnh toa tàu, họ lập tức ngăn chặn một cách không ngần ngại. Sau đó trong suốt hành trình, các hướng dẫn viên làm công việc này, can thiệp bất cứ khi nào chúng tôi cố tìm cách chụp ảnh.

"Người dân của chúng tôi không thích bị chụp ảnh", họ giải thích.

Mô tả ảnh.
Trên đường phố Bình Nhưỡng (Ảnh: Slate.com)

Mất 7 tiếng đồng hồ con tàu mới vượt qua được quãng đường dài khoảng 220km nối Sinuiju với Bình Nhưỡng. Khi chúng tôi tới thủ đô Triều Tiên, chúng tôi nhanh chóng được đưa tới một khách sạn 47 tầng trên một hòn đảo sông Taedong. Hầu hết dân chúng bị cấm đến đảo này.

Trong hai ngày tiếp theo, chúng tôi được đưa đi thăm từ công trình kỷ niệm này đến công trình kỷ niệm khác. Qua cửa sổ xe ôtô, tôi có thể thấy con phố nào ở Bình Nhưỡng cũng có ít nhất 2 tòa nhà đang xây dở. Công việc xây dựng bắt đầu từ đầu những năm 1990, bị ngừng vào khoảng năm 1995 đến tận bây giờ. Có một tấm rèm bên cạnh ghế của tôi và thế là tôi có thể tận dụng nó để chụp ảnh phố xá.

Tôi nhận thấy, nam giới đi trên phố thường mặc quần áo đen hoặc sẫm màu còn phụ nữ thì mặc áo xám váy xanh. Loại giày phổ biến là giày vải xanh thẫm còn dây giày thì màu trắng.

Khi các nhân viên bảo vệ dùng bữa hoặc xem các buổi trình diễn của trẻ em dành cho khách nước ngoài, tôi đã hai lần tranh thủ lẻn đi dạo phố được khoảng 10 phút. Một lần, tôi vào một cửa hàng tạp hóa ở tầng trệt một tòa nhà chung cư. Cửa hàng trống rỗng ngoại trừ "ba đống" bắp cải, cà chua và củ cải. Chẳng có bảng giá cũng chẳng có người đến mua. Một phụ nữ trung niên mặc đồng phục đen đứng đằng sau quầy hàng.

Các hướng dẫn viên liên tục khẳng định với chúng tôi rằng người dân có đủ thực phẩm và mỗi một cư dân ở Bình Nhưỡng đều nhận được một khẩu phần rau và gạo hàng ngày. Họ không nhắc đến thịt hay trái cây.

Một lần, tôi vẽ một quả chuối lên một mảnh giấy và đưa nó cho người phục vụ. Cô ta chưa từng nhìn thấy loại quả này. Cô ấy có nghe nói về táo nhưng chưa từng được ăn.

Tôi mang 150 thanh Kit-Kat tới Triều Tiên và tôi luôn lấy một vài thanh ra khỏi ba lô mỗi khi có mình tôi đi với một người Triều Tiên. Họ thường lưỡng lự vài giây, nhìn quanh để xem có ai thấy không, rồi sau đó đút Kit-Kat vào túi mình.

Mặc dầu thiếu lương thực, người Triều Tiên làm việc rất chăm chỉ. Họ đang thực hiện một "cuộc chiến 150 ngày" kể từ ngày 20/4. Chiến dịch này được thiết kế để tăng sản lượng công nghiệp nhằm "chống lại các lệnh cấm vận của Mỹ", theo các hướng dẫn viên.

"Người Triều Tiên chúng tôi từ lâu đã có lòng căm thù Mỹ. Những kẻ đã bỏ bom đất nước chúng tôi và giết hại người dân của chúng tôi trong chiến tranh, và họ nối lại việc sử dụng các vũ khí hạt nhân vào năm 1994. Vào lúc đó, chúng tôi đang phải chịu đựng nhiều thiên tai, và họ áp đặt các lệnh cấm vận lên chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi đã có một Arduous March từ 1995 tới 1998. Tất cả chúng tôi đều thiếu đói", một hướng dẫn viên nói.

"Giờ đây chúng tôi không có thảm họa tự nhiên, nhưng người Mỹ áp đặt các lệnh cấm vận gay gắt hơn. Nếu chúng tôi không tăng cường lực lượng quốc phòng của mình, chúng tôi sẽ không bảo vệ được tổ quốc. Nếu chúng tôi không ưu tiên phát triển quân sự, chúng tôi không thể bảo vệ chủ nghĩa xã hội", cô này nói.

Mô tả ảnh.
Đạp xe ở thủ đô Bình Nhưỡng. (Ảnh: Slate.com)

Ở tất cả các khu vực thành thị và nông thôn đều có các biểu ngữ "Làm việc chăm chỉ trong 150 ngày và chúng ta sẽ chiến thắng", và "Kim Jong-il là vầng thái dương của thế kỷ 21".

Những áp phích lớn in hình nông dân, công nhân, binh sĩ và sinh viên liên kết dưới một mặt trời đang tỏa sáng.

"Cuộc chiến" đang diễn ra, song Bình Nhưỡng lại rất yên ả. Không có nhiều xe cộ đi lại trên những con phố rộng. Giờ cao điểm là những hàng dài người chờ ở bến xe buýt. Có ba lần tôi nhìn thấy hành khách phải tự tay đẩy xe buýt cho đến khi động cơ của nó nổ trở lại.

Hòn đảo nơi tọa lạc khách sạn mà chúng tôi ở được canh gác nghiêm ngặt và chúng tôi chẳng thể nào rời khỏi đó vào ban đêm. Cũng chẳng có biển hiệu nào chỉ đường ra ngoài: không có lấy một ngọn đèn đường và sau khi mặt trời lặn, ánh sáng duy nhất là từ cửa sổ các tòa nhà dân. Khoảng 9h tối, tất cả các bóng đèn đều tắt, toàn thành phố chìm trong bóng tối.

Tuy nhiên, mỗi ngày trôi qua, tôi lại càng khát khao "trốn" ra ngoài. Đêm thứ hai tôi ở Bình Nhưỡng, trời mưa rất to và những người gác cầu ra đảo trú mưa dưới ô của họ nên không nhận ra liệu tôi có đeo huy hiệu Kim Nhật Thành hay không. Vì vậy tôi đã ra được khỏi hòn đảo.

Ánh sáng duy nhất trên đường phố hắt ra từ bóng đèn lờ mờ của những chiếc xe đạp chạy qua. Chẳng bao lâu tôi mất phương hướng. Tôi bèn nhìn lên và thấy Tháp Juche, một điểm du lịch hàng đầu ở Bình Nhưỡng, ở phía xa. Ngọn đuốc trên đỉnh tháp và ánh sáng trắng bao quanh thân tháp là nguồn sáng duy nhất trong một thế giới tối như mực.

Khi tôi trở về đảo, tôi tới thăm nhà hàng xoay ở tầng 47 của khách sạn. Từ đây có thể ngắm toàn cảnh Bình Nhưỡng nhưng chẳng thể thấy gì ngoài bóng tối bao trùm.

  • T.H (gt)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,