Tuyệt thực 10 năm vẫn sống

Cập nhật lúc 09:32, 04/11/2010 (GMT+7)

Một nhà hoạt động nhân quyền ở đông bắc Ấn Độ, được mệnh danh là "Người đàn bà thép của Manipur", vừa hoàn tất cuộc biểu tình tuyệt thực kéo dài 10 năm và thề sẽ tiếp tục tuyệt thực, những người ủng hộ cô hôm 3/11 cho biết.

Sharmila trong cuộc biểu tình tuyệt thực ở New Delhi năm 2006

Irom Chanu Sharmila, ở bang xa xôi Manipur, sát biên giới với Myanmar, bắt đầu nhịn ăn vào 2/11/2000 sau khi chứng kiến quân đội giết 10 người tại một trạm xe buýt gần nhà.

Hiện giờ, Sharmila đã 38 tuổi. Người phụ nữ này bị bắt ngay sau khi bắt đầu biểu tình, với cáo buộc âm mưu tự sát. Sharmila bị đưa vào bệnh viện nhà tù, nơi mà hàng ngày cô bị ép hấp thụ vitamin và dưỡng chất qua đường mũi ba lần một ngày.

Sharmila thường được tòa án địa phương trả tự do, song một khi ra khỏi bệnh viện nhà tù, người phụ nữ này lại tiếp tục tuyệt thực và bị bắt lại. Sharmila hiện bị giam trong một căn phòng biệt lập ở bệnh viện Jawarharlal Nehru tại Imphal.

Sharmila chiến đấu đòi hủy Đạo luật quyền lực đặc biệt của lực lượng vũ trang (AFSPA), vốn cho phép lực lượng an ninh bắn ngay lập tức hoặc bắt giữ không cần lệnh bất cứ ai tại Manipur, khu vực quân sự hóa chặt chẽ và nghèo khổ.

"Sharmila quyết định sẽ tiếp tục sứ mệnh nhịn đói tới chết cho tới khi đạo luật tàn bạo trên được chính phủ hủy bỏ", Babloo Loitongbam thuộc tổ chức nhân quyền địa phương nói. "Sharmila đã bày tỏ ý định rất rõ ràng sau khi hoàn tất cuộc biểu tình tuyệt thực kéo dài 10 năm", Babloo nói sau khi đi thăm Sharmila nhân kỷ niệm 10 năm - từ ngày người phụ nữ này bắt đầu nhịn ăn.

AFSPA được thông qua năm 1990, cấp quyền đặc biệt và miễn trừ truy tố cho lực lượng an ninh nhằm đương đầu với các phong trào nổi dậy tại đông bắc Ấn Độ và Kashmir ở tây bắc.

Manipur là nơi ở của 2,4 triệu dân và có khoảng 19 nhóm ly khai đòi hỏi tự trị, độc lập. Ước tính, khoảng 10.000 người đã bị giết trong hai thập niên qua vì bạo lực.

Biểu tình tuyệt thực đã được các phong trào đòi độc lập ở Ấn Độ áp dụng khá hiệu quả trong thời kỳ thực dân Anh, đặc biệt là Mahatma Gandhi, người đã sử dụng cách này như một phần không thể tách rời trong cuộc kháng chiến phi bạo lực của mình.

  • Hoài Linh (Theo ANN)

Các tin khác