"Quan nhiếp chính" của Triều Tiên là ai?

Cập nhật lúc 08:18, 13/10/2010 (GMT+7)

Trong khi các hãng thông tấn rầm rộ đưa tin về việc Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-Il đã chọn con trai út làm người kế nhiệm thì dư luận vẫn có những ý kiến cho rằng quyền lực thực sự ở Bình Nhưỡng sẽ được chuyển giao cho anh rể của ông Kim Jong-Il - người sẽ giữ vai trò "quan nhiếp chính" cho con trai ông.

TIN LIÊN QUAN

/chuyenmuc/quangcao/2010/images/vnnmobiad.gif

Ông Jang Song-taek (Ảnh: WordPress)
Ông Jang Song-taek (Ảnh: WordPress)

Đại hội lịch sử của đảng Lao động Triều Tiên hồi cuối tháng 9 vừa qua được đánh giá là một bữa tiệc của Chủ tịch Kim Jong-Il dành cho người con trai thứ ba Kim Jong-un - người ít lộ diện trước đó và được giới quan sát cũng như các hãng truyền thông bên ngoài đất nước này phỏng đoán sẽ kế nhiệm vị trí lãnh đạo của cha. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia bình luận, trong giới chóp bu Triều Tiên còn có một nhân vật thậm chí còn ẩn dật hơn nhưng là một thế lực trung tâm trong cuộc chiến bất định về việc ai sẽ nắm quyền cai trị đất nước vũ trang hạt nhân này.

 

Đó là ông Jang Song-taek, 64 tuổi, anh rể của Chủ tịch Kim. Là người trong gia đình, ông Jang đã trở thành cánh tay phải của người em vợ đầy quyền lực trong vài năm trở lại đây, chuẩn bị trở thành "quan nhiếp chính" cho cháu trai Kim Jong-un. Trong khi ông Kim Jong-il được giới thiệu với thế giới tại đại hội của đảng cầm quyền vào năm 1980 và mất 14 năm tiếp theo để chờ cha ông "truyền ngôi", việc kế nhiệm của Kim Jong-un dường như sẽ diễn ra gấp rút hơn.

Được giáo dục ở Thuỵ Sỹ, chàng thanh niên Kim Jong-un không thể ngay lập tức cân xứng với nền tảng quyền lực hay uy tín của cha, đặc biệt vì anh từng chưa bao giờ có chân trong cơ cấu quân đội có ảnh hưởng sâu rộng ở CHDCND Triều Tiên. Đó có thể là lí do tại sao Chủ tịch Kim Jong-Il mới đây đã phong hàm tướng 4 sao cho con trai út của mình và sự gia tăng ảnh hưởng của ông Jang.

Ông Jang, người được tin là đã nhận sắc phong "quan nhiếp chính", được đề bạt làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng quốc gia - cơ quan nắm quyền kiểm soát quân đội CHDCND Triều Tiên hồi tháng 6 vừa qua. Điều này khiến ông trở thành nhân vật hiện có quyền lực lớn thứ hai ở trong nước. "Uỷ ban quốc phòng quốc gia và đảng Lao động là hai tổ chức cầm quyền hùng mạnh và quan trọng nhất. Trong đó, ông Jang đang nắm giữ những vị trí có thể phát huy đủ quyền lực và ảnh hưởng ở cả hai tổ chức này", Kim Kwangjin, một kẻ đào tẩu cấp trung người CHDCND Triều Tiên cho biết.

Theo An Chan-il, một kẻ đào tẩu khỏi CHDCND Triều Tiên khác và hiện là lãnh đạo Viện nghiên cứu quốc tế về CHDCND Triều Tiên, ông Jang chỉ là một trong 3 người tin cẩn, có thể đối thoại trực tiếp với Chủ tịch Kim Jong-Il. Hai người còn lại là con trai út Kim Jong-un và vợ ông Jang - bà Kim Kyonghui, chị gái của Chủ tịch Kim Jong-Il.

Trong năm vừa qua, vợ chồng ông Jang đã trở thành những bạn đồng hành thường xuyên nhất trong các chuyến công du của Chủ tịch Kim Jong-Il. Chỉ tính riêng từ tháng 1 tới tháng 6 năm nay, ông Jang đã tháp tùng em vợ trong 44 trên tổng số 77 chuyến đi thị sát khắp mọi miền đất nước. Ông Jang cũng bị đồn là "bạn nhậu tâm đầu ý hợp nhất" của người đứng đầu đất nước.

Đối với phương Tây có một tin xấu là: hầu hết các chuyên gia phân tích an ninh tin rằng ông Jang sẽ tiếp tục các chính sách đối đầu, trấn áp và quản lý kinh tế truyền thống của em vợ. "Tôi dự đoán sẽ được chứng kiến sự lặp lại. Có thể có một sự nới lỏng nhỏ, nhưng không có bất kỳ cải cách toàn diện nào", Andrei Lankov - một học giả có tiếng về CHDCND Triều Tiên nhận định.

Theo ông Lankov, là một cột trụ của đội ngũ bảo vệ cũ, ông Jang cần phải nhận ra rằng bất kỳ cải cách kinh tế kiểu Trung Quốc nào cũng đồng nghĩa với sự kết thúc đối với các thành viên hàng đầu trong đảng cầm quyền và đối với bản thân ông. Nhưng ít nhất ông Jang không phải là ông Kim Jong-Il, người được tôn xưng là "người đồng chí tài ba" trong chiến dịch tuyên truyền của Bình Nhưỡng.

Một số nhà phân tích cáo buộc ông Jang chính là bộ óc điều khiển đứng sau vụ tấn công làm chìm tàu tuần tra hải quân Cheonan của Hàn Quốc hồi tháng 3, khiến 46 thuỷ thủ nước láng giềng thiệt mạng. Hơn thế nữa, giới truyền thông phương Tây cũng cho lan truyền những đồn thổi về việc vài ngày trước khi ông Jang được bổ nhiệm vào Uỷ ban Quốc phòng quốc gia, đối thủ chính của ông - Ri Je-gang - đã qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi khả nghi, làm dấy nên những câu hỏi về một cuộc cạnh tranh quyền lực ngấm ngầm.

Cuộc gặp công bố sự đề bạt của ông Jang đã được triệu tập trong một phiên họp đặc biệt vào phút chót, ám chỉ một cuộc ganh đua gay gắt. Nhiều tướng được cho là đã phiền lòng đối với vị trí mới của ông Jang, kể cả Kim Jong-gak- người đứng đầu Quân đội nhân dân Triều Tiên, O Kuk-ryol - Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng quốc gia và Kim Yong-chun - Bộ trưởng Các lượng vũ trang nhân dân.

Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-Il và con trai út Kim Jong-un. (Ảnh: AP)
Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-Il và con trai út Kim Jong-un. (Ảnh: AP)

 

Trên cương vị mới trong Uỷ ban Quốc phòng quốc gia, ông Jang chính thức nắm quyền kiểm soát các lực lượng an ninh nội địa, kể cả cảnh sát mật. Một phần nhiệm vụ của lực lượng này bao gồm cả các cuộc tuần tra hải quan và biên giới, hoạt động đã tăng đột biến thời gian gần đây nhằm chặn trước sự phát triển của các chợ tư nhân cũng như những kẻ buôn lậu xuyên biên giới. Tuy nhiên, tầm với của ông Jang còn mở rộng xa hơn nhiều.

Trong giai đoạn dễ nao núng tiếp sau cơn đột quỵ của ông Kim Jong-Il vào tháng 8/2008, ông Jang được cho là đã nắm quyền hoạch định chính sách thường nhật. Nếu tất cả những điều này diễn tiến đúng kế hoạch, ông hiện sẽ trở thành người chịu trách nhiệm quản lý công việc phía sau hậu trường cho Kim Jong-un cho tới khi người cháu trai này có thể tự mình kiểm soát được các lãnh đạo đảng.

Ông Jang bắt đầu thăng tiến nhanh chóng trong đảng Lao động sau khi kết hôn với bà Kim Kyong-hui - ý trung nhân thời đại học và cũng là chị gái của ông Kim Jong-Il vào năm 1972.  Mặc dù cha của bà Kim Kyong-hui và cũng là người sáng lập CHDCND Triều Tiên Kim Il-sung, không ủng hộ mối quan hệ này nhưng ông Kim Jong-il rất yêu mến ông Jang.

Theo Helen-Louise Hunter,  một chuyên gia phân tích về vùng Viễn Đông của CIA đã nghỉ hưu, trong những năm 1970 và 1980, ông Jang đã trở thành kiến trúc sư của hoạt động bị cấm vận của CHDCND Triều Tiên, sử dụng các nhà ngoại giao buôn lậu hàng hoá bất hợp pháp như thuốc lá giả, thuốc men và cuối cùng giả mạo các đồng đô la của Mỹ xuyên biên giới.

Michael Madden - chuyên gia nghiên cứu về giới lãnh đạo CHDCND Triều Tiên tại Đại học Suffolk University ở Boston bình luận, dòng chảy của đồng tiền mạnh đã tài trợ cho hệ thống chóp bu của chính quyền và ông Jang đã làm hoàn hảo việc này. Để đổi lấy lòng trung thành với ông Kim Jong-Il, các quan chức hàng đầu của đảng sẽ nhận được các hàng hoá đáng thèm muốn như xe hơi sang trọng, thuốc lá nhập khẩu và các căn hộ xa hoa.

Tuy nhiên, chính trường CHDCND Triều Tiên có thể đầy bất trắc. Ông đã không còn được "sủng ái" vào đầu năm 2004. Một số nhà phân tích quy điều đó cho cách tiêu xài cá nhân hoang phí của ông. Những người khác lại cho rằng, mức độ ảnh hưởng của ông Jang đã tạo nguy cơ làm lu mờ quyền uy của ông Kim Jong-Il.

Theo cách nào đó, ông Jang biến mất khỏi đời sống công chúng suốt 18 tháng trước khi được tái phục chức tới một vị trí tầm trung trong đảng. Kể từ đó, ông đã đóng một vai trò trung tâm trong các kế hoạch kế nhiệm triều đại Kim Jong-Il. Hiện tại, khi ông Kim Jong - Il bị đồn là đang chuẩn bị cho con trai út sớm kế nhiệm chức Chủ tịch CHDCND Triều Tiên, với việc ông Jang sẽ "buông rèm nhiếp chính" cho cháu trai, giới quan sát phương Tây nhận định sẽ chẳng có mấy thay đổi ở đất nước này dưới thời của vị lãnh đạo mới.

  • Thanh Bình (Theo Newsweek)

Các tin khác