Hai bên Thái Lan bắt đầu dàn trận

Cập nhật lúc 09:22, 12/03/2010 (GMT+7)

Từ phố phường tới chính trường, nội bộ Thái Lan đang căng thẳng cực độ khi hai bên đang phải “dàn thế trận” trước một sự kiện sắp diễn ra và dự báo có nhiều tác động lớn.

Phe áo đỏ. Ảnh AP
Đó là sự kiện những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và Chính phủ đang triển khai lực lượng trước sự kiện biểu tình dự kiến tổ chức vào ngày 14/3.

Ngày hôm nay 12/3, Mặt trận dân chủ chống độc tài Thái Lan (UDD) – tức phe áo đỏ ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra – bắt đầu rầm rộ kéo về thủ đô để “tụ nghĩa”, chờ tới ngày 14/3 để tổ chức đợt biểu tình lịch sử.

Để tập trung lực lượng, UDD đã và đang đi khắp các tỉnh của Thái Lan để vận động người ủng hộ tham gia tuần hành hoà bình tại Bangkok. UDD tuyên bố họ sẽ huy động tới 1 triệu người biểu tình.

Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan như muốn làm giảm “nhuệ khí” đối phương bằng cách công bố ước tính rằng chỉ tầm khoảng 100.000 người sẽ tham gia cuộc biểu tình này.

Phe áo đỏ thậm chí còn chuẩn bị sẵn cả lực lượnghậu cần như trước một trận “huyết chiến”, trong đó có cả xe y tế.

Trước tình hình đó, Chính phủ của Thủ tướng Abhisit cũng đang rốt ráo chuẩn bị đối phó với “trận chiến” mới.

Chính phủ Thái Lan đã quyết định áp dụng "Luật an ninh nội địa" (ISA) để đảm bảo an ninh trong thời gian diễn ra biểu tình, theo đó cho phép triển khai quân đội, áp dụng lệnh giới nghiêm và cấm tụ tập.

Lực lượng an ninh Thái đã bắt đầu triển khai 50.000 người trên các đường phố ở thủ đô Bangkok, đề phòng nguy cơ xảy ra tình trạng hỗn loạn và bạo lực trong cuộc biểu tình lớn chống chính phủ mà phong trào "áo đỏ" dự kiến bắt đầu tiến hành từ ngày 12/3.

Phó Thủ tướng Thái Lan phụ trách an ninh Suthep Thaugsuban - người được chỉ định điều hành các hoạt động kiểm soát an ninh - cho biết lực lượng an ninh được triển khai gồm 30.000 binh sĩ quân đội, 10.000 cảnh sát và 10.000 dân phòng.

Quân chính phủ đã sẵn sàng thế trận. Ảnh Reuters.
Cùng lúc, các trạm kiểm soát đã được lập ở trong và ngoại ô thủ đô Bangkok để kiểm tra những người từ các tỉnh khác đến tham gia biểu tình.

Theo ông Thaugsuban, những người biểu tình đi vào các khu vực quân sự hoặc các đồn cảnh sát sẽ bị coi là những phần tử khủng bố và sẽ bị trấn áp bằng vũ lực.

Đáng chú ý, Thủ tướng Abhisit và một số thành viên Nội các đã lên kế hoạch có thể sẽ tạm lánh ở nơi an toàn trong thời gian biểu tình.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Chai Chidchob cho biết Quốc hội có thể trở thành nơi diễn ra các cuộc đàm phán về những bất đồng chính trị giữa chính phủ và phong trào áo đỏ nếu hai bên có nhu cầu.

  • Nhật Vy (Theo AP, Reuters, CNN, THX)

Tin liên quan

Các tin khác