Nhật Bản - cường quốc không thể thiếu của Đông Á

Cập nhật lúc 14:54, 17/02/2010 (GMT+7)

Ở khu vực Đông Á, “thời thế đang đổi thay”, và các học giả đang xôn xao những dự báo về hình hài kiến trúc mới cho khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt gặp thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama trước cuộc gặp chính thích tại dinh thủ tướng ngày 27/11/2009 (Ảnh: Getty Images)

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt gặp thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama trước cuộc gặp chính thích tại dinh thủ tướng ngày 27/11/2009 (Ảnh: Getty Images)

Sau chiến thắng lịch sử của Đảng Dân chủ Nhật Bản trong cuộc bầu cử trước Đảng Dân chủ Tự do hồi tháng 8/2009, chính phủ của Thủ tướng Yukio Hatoyama có cơ hội chèo lái đất nước theo những hướng đi mới, nhưng vẫn chưa có gì rõ ràng rằng liệu đảng này có tầm nhìn và quyết tâm thực hiện thắng lợi hay không. Mỹ, siêu cường duy nhất của thế giới, đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng và trong khi đó, Trung Quốc lại đang trỗi dậy. Thế giới đang dồn sự tập trung vào việc mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc và cuộc luận bàn về những hình thái mới của chủ nghĩa đa phương. Và có vẻ người ta thường ít quan tâm hơn tới vai trò quan trọng của Nhật Bản khi bàn tới vấn đề thời thế hiện nay. Thực tế, Nhật Bản vẫn là một nước giàu và mạnh, nên loại bỏ Nhật ra khỏi cuộc thảo luận có lẽ sẽ là một sai sót. Dù tương lai của Đông Á như thế nào đi chăng nữa, Nhật vẫn sẽ đóng vai trò thành viên kiến tạo nên cấu trúc mới đó. Vì thế, Nhật Bản là một cường quốc không thể thiếu trong khu vực.

Người Nhật lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng họ thậm chí còn lo lắng hơn về việc phải xử trí ra sao về mối quan hệ của mình với Mỹ - nhà bảo trợ an ninh sau chiến tranh thế giới thứ hai của nước này. Sau khi sự chiếm đóng của quân đồng minh ở Nhật Bản chấm dứt năm 1952, Nhật đã phải phụ thuộc vào cái ô bảo trợ an ninh của Mỹ. Nhưng giờ đây, bá quyền Mỹ ở Đông Á đang gặp vấn đề. Các chính sách tai hại của Tổng thống G. W.Bush trong suốt 8 năm tại nhiệm đã để lại một nước Mỹ suy yếu cả về quân sự, kinh tế và đạo đức. Bị “kéo căng” về quân sự trong hai cuộc chiến bất khả thắng lợi, bị “chóng mặt” sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà chủ yếu do chính nước này gây nên, bị “bẽ mặt” trước những bằng chứng không thể chối cãi về hành động tra tấn trong khi trước đó cứ rêu rao tuyên bố là tấm gương đạo đức cho cả thế giới, nước Mỹ dưới thời Barack Obama phải nỗ lực tìm ra những con đường mới để tiếp tục lãnh đạo trong cái thế giới có vẻ đang sắp trải qua thời hậu bá quyền – trong khi Nhật Bản đang dõi theo một cách đầy âu lo.

Các nhà lãnh đạo Nhật Bản lo lắng không biết liệu những con đường mới này sẽ ra sao. Phe bảo thủ ở Nhật Bản sẽ muốn duy trì nguyên trạng, nhưng thực tế còn đâu nguyên trạng để họ dựa dẫm nữa. Hilary Clinton trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị ngoại trưởng Mỹ đã chọn Nhật Bản là điểm dừng chân đầu tiên, nhưng rõ ràng, bà và Tổng thống Obama đang tìm cách xây dựng chính sách Đông Á trong sự hợp tác với Trung Quốc. Washington không còn cách nào khác nếu muốn giải quyết hiệu quả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, biến đổi khí hậu, Iran và CHDCND Triều Tiên ngoài việc hợp tác với Bắc Kinh. Giống như tất cả các quốc gia khác ở Đông Á, Nhật Bản cũng phải xem xét nên đặt mình ở vị trí nào trong tiến trình chuyển giao quyền lực căn bản này.

Nhật Bản vẫn phải đóng một vai trò quan trọng trong bất kỳ “bản thiết kế” mới nào cho Đông Á. Nếu bỏ qua Nhật Bản, tức là đã có thể ngầm phá hỏng trật tự mới. Đơn cử, sẽ không thể có một cộng đồng Đông Á thành công mà không có sự tham gia của Nhật Bản. Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á ASEAN không muốn bị tổn thương trong cơ chế ASEAN+1 chỉ với Trung Quốc, nên đã nhấn mạnh hợp tác ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc).

Tương tự, vòng đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên không thể thành công nếu không có những khoản tài trợ tài chính đáng kể dành cho Bình Nhưỡng, trong đó Nhật Bản được mong đợi sẽ có đóng góp không nhỏ. Ngoài ra, nếu tình thế ở khu vực chuyển từ hợp tác sang đối đầu giữa hai cường quốc lớn, Mỹ và Trung Quốc, theo kiểu cuộc chiến tranh lạnh mới, Nhật Bản sẽ là trụ cột chính trong vị trí chiến lược của Mỹ ở Đông Á. Mỹ không thể hy vọng sẽ đối đầu thành công với Trung Quốc ở khu vực nếu thiếu vắng sự ủng hộ nhiệt thành từ phía Nhật Bản. Cuối cùng, nếu lợi ích của Nhật Bản không được tính đến, nước này có thể sẽ tiến tới phát triển hạt nhân và huỷ hoại bất kỳ niềm hy vọng nào về sự hợp tác đa phương ở khu vực trong tương lai.

Nhiều năm qua, áp lực cứ ngày càng gia tăng đối với Nhật, từ cả trong và ngoài nước, rằng nước này phải giành lấy một vai trò quốc tế của một quốc gia được gọi là “bình thường”, biến sức mạnh kinh tế to lớn của mình thành ảnh hưởng chính trị và quân sự, và thậm chí quyết định tiến tới phát triển hạt nhân, nếu cần thiết, để khẳng định vị trí của mình trong hệ thống phân chia quyền lực toàn cầu. Nhưng Nhật Bản không phải là một “quốc gia bình thường”. Nhật Bản đặc biệt ở một số điều, một thực tế tạo ra những cơ hội lớn để nước này đóng vai trò khác, quan trọng hơn trên trường quốc tế.

Nhật Bản khác biệt như thế nào?

Ngay trước thời kỳ hiện đại, Nhật Bản đã bị các nhà lãnh đạo gia tộc Tokugawa cố tình cách ly khỏi những ảnh hưởng từ bên ngoài suốt 250 năm - một giai đoạn mà những nét văn hoá khác biệt Nhật Bản được định hình.

“Những con tàu đen” của đô đốc Matthew C.Perry đã phá thủng các hàng rào ngăn cách thương mại của Tokugawa với phương Tây vào giữa thế kỷ 19 và Nhật Bản sau đó đã trở thành quốc gia không phải ở phương Tây đầu tiên tiến hành công nghiệp hoá thành công.

Biến sức mạnh công nghiệp đó thành quyền lực quân sự, Nhật Bản thời Minh Trị đã trở thành cường quốc đế quốc không phải phương Tây duy nhất trong giai đoạn hiện đại, cạnh tranh được với Nga, Anh và Đức và đế quốc Mỹ ở Đông Á.

Thất bại trong chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật là quốc gia duy nhất trong lịch sử bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, ở Hiroshima và Nagasaki.

Hiến pháp Nhật Bản, được xây dựng trong thời chiếm đóng của các cường quốc đồng minh, bao gồm điều khoản đặc biệt tại điều 9, quy định rằng: Nhân dân Nhật Bản thành thật mong muốn một nền hoà bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế bao gồm chiến tranh xâm phạm chủ quyền dân tộc và các hành vi vũ lực hoặc các hành vi đe doạ bằng vũ lực”.

Tái công nghiệp hoá thành công sau chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã trở thành hình mẫu kinh tế cho các nước đang phát triển khác ở châu Á, là thành viên không phải phương Tây duy nhất gia nhập nhóm các nước đang phát triển G7 đầy thế lực, và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới.

Cuối cùng, trong suốt 65 năm, kể từ năm 1945, Nhật đã chung sống hoà bình với các nước láng giềng, là nhà viện trợ song phương số 1 của thế giới và có đóng góp to lớn cho các thể chế của Liên Hợp Quốc và các hoạt động gìn giữ hoà bình quốc tế.

Tuy nhiên, các chính phủ kế nhiệm nhau của Nhật Bản lại không tận dụng được nhiều cái lịch sử dân tộc đặc biệt của mình để tạo nên vai trò quốc tế mới mà nước này có thể đảm nhận. Thay vào đó, trong các cuộc đàm phán chiến lược như đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản thường chỉ được đánh giá là một lá phiếu khác ủng hộ Mỹ - “một người luôn chỉ biết nói có” trước George W. Bush hay một quốc gia phủ nhận tội ác của mình trong quá khứ khi một vị thủ tướng không chịu thôi xúc phạm tới các nước láng giềng bằng việc liên tục viếng thăm ngôi đền Yasukuni hoặc phủ nhận thực tế của không ít phụ nữ (comfort women) bị ép buộc trở thành trò tiêu khiển trong suốt thời gian chiến tranh.

Cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi rõ ràng là một người có hành động quyết đoán mà nước Nhật cần. Đôi khi người ta quên mất rằng ông đã hai lần mạo hiểm tiến hành chuyến công du chưa từng có tiền lệ tới Bình Nhưỡng để giải quyết các vấn đề với Kim Jong-Il. Còn một vị thủ tướng Nhật Bản sau thế chiến thứ hai dám “tấn công” phe bảo thủ trong chính đảng của mình bằng việc đưa các ứng cử viên “sát thủ” ra tranh cử chống lại họ ở chính những khu vực bầu cử của họ? Chiến thắng của Koizumi trong cuộc bầu cử tháng 9/2005 đã tạo cho ông một cơ hội đặc biệt, vừa thắng thế trong Thượng viện nếu họ phản đối kế hoạch cải cách vừa thực hiện những sáng kiến quan trọng trong chính sách đối ngoại, nhưng cơ hội cải thiện quan hệ với châu Á đã bị bỏ lỡ bởi ông liên tục nhấn mạnh việc tới thăm ngôi đền Yasukuni.

Khi Nhật Bản nỗ lực giành một ghế thường trực ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, một số quốc gia thành viên LHQ phải tự hỏi chính họ rằng tại sao Nhật Bản xứng đáng nhận ghế thường trực? Có điều gì đặc biệt khi so sánh Nhật Bản với tất cả các quốc gia khác muốn đạt được một vị thế nhiều chiến lược như vậy? Phần còn lại của thế giới sẽ được lợi gì khi ủng hộ mong muốn của Nhật Bản? Có lẽ, Thủ tướng Hatoyama và các cộng sự của mình trong liên minh cầm quyền nên trả lời những câu hỏi này. Nhật Bản đã cho thấy con đường tới thịnh vượng kinh tế ở châu Á trong quá khứ. Vậy liệu Nhật có thể lãnh đạo châu Á tiến tới sự ổn định chiến lược và an ninh trong tương lai hay không?

  • Đình Ngân (Theo East Asia Forum)

Tin liên quan

Các tin khác