Mỹ mất mặt trận ngoại giao ở Nhật vào tay Trung Quốc

Cập nhật lúc 10:15, 26/01/2010 (GMT+7)

Giới quan sát nhận định Bắc Kinh dường như lão luyện hơn chính quyền Obama trong cách đối đãi với chính phủ mới lên cầm quyền ở Nhật.

Mỹ - Nhật - Trung: Tình tay đôi hoá tay ba (Ảnh minh hoạ: FT)
Mỹ - Nhật - Trung: Tình tay đôi hoá tay ba (Ảnh minh hoạ: FT)

Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert M. Gates tới thăm các lãnh đạo mới của Nhật hồi tháng 10 năm ngoái, không lâu sau chiến thắng bầu cử lịch sử của họ, ông đã thúc ép vô cùng mạnh mẽ và công khai về một thoả thuận căn cứ quân sự. Động thái này khiến giới truyền thông Nhật gọi ông là "kẻ bắt nạt".

Sự khác biệt giữa chuyến thăm trên với cách tiếp đón thân thiện mà đoàn đại biểu cấp cao Nhật nhận được chỉ hai tháng sau đó tại Trung Quốc - địch thủ nổi tiếng của Nhật trong lịch sử, dường như không thể nổi bật hơn.

Việc chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tươi cười chụp ảnh cá nhân với hơn 100 nhà lập pháp Nhật viếng thăm, kiên nhẫn bắt tay với mỗi người trong số họ là một cuộc phô diễn ngoại giao đại chúng đầy ấn tượng.

Chuyến công du do Ichiro Ozawa - vị tổng thư ký đầy quyền lực của đảng Dân chủ cầm quyền Nhật dẫn đầu chỉ là một biểu hiện về sự ấm lên đáng kể quan hệ từng có thời băng giá giữa Nhật với Trung Quốc. Nó cũng là một dấu hiệu cho thấy Mỹ - đồng minh thân cận nhất của Nhật - có thể đang đánh mất ít nhất phần đất nào đó trong cuộc chiến lôi kéo ngoại giao về tay Trung Quốc.

Theo các chuyên gia chính trị, sự sốt sắng hơn của Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama trong việc gắn kết Bắc Kinh với phần còn lại của châu Á phản ánh sự tái xem xét vai trò của Tokyo trong khu vực, vào thời điểm Mỹ đang bộc lộ những dấu hiện suy thoái không thể nhầm lẫn. Nó cũng phản ánh nhận thức ngày càng tăng ở Nhật rằng, tương lai kinh tế nước này ngày càng gắn chặt với Trung Quốc - nước đã vượt qua Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nhật.

"Ông Hatoyama muốn sử dụng châu Á để bù đắp cái mà ông nhìn nhận như ảnh hưởng suy giảm của Mỹ. Ông ấy cho rằng bản thân có thể kích Trung Quốc chống lại Mỹ", Yoshihide Soeya, giám đốc Viện nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Keio ở Tokyo, bình luận.

Ông Soeya và các chuyên gia phân tích khác nhận định, các quan hệ đang ấm lên giữa Nhật với Trung Quốc không nhất thiết là một điều tồi tệ đối với Mỹ, nước từ lâu đã lo ngại về sự cô lập của Tokyo trong khu vực. Tuy nhiên, không ít người lo lắng, sự cởi mở mới hướng tới Trung Quốc cũng có thể bắt nguồn từ sự oán giận âm ỉ bên trong chính phủ thiên tả của ông Hatoyama đối với cái mà một số gọi là "tâm lý chiếm đóng" của Mỹ. Những cảm xúc như thế đã được vun đắp từ cái mà nhiều người Nhật nhìn nhận như cách hành xử "kẻ cả" của chính quyền Obama trong tranh chấp liên quan đến căn cứ không quân Mỹ trên đảo Okinawa.

Nhà Trắng đang thúc bách Nhật thông qua một thoả thuận gây tranh cãi nhằm giữ nguyên căn cứ trên đảo. Thoả thuận này từng nhận được sự chấp thuận của đảng Dân chủ Tự do - đảng bảo thủ hơn đã mất quyền quản lý đất nước về tay đảng của ông Hatoyama từ mùa hè năm ngoái sau nhiều thập kỷ cầm quyền gần như liên tục.

"Nếu chúng ta quan ngại người Nhật đang dùng người Trung Quốc thay thế cho người Mỹ thì điều tồi tệ nhất bạn có thể làm là cư xử theo cách chúng tôi đang cư xử", Daniel Sneider, một nhà nghiên cứu các vấn đề an ninh châu Á tại Đại học Stanford (Mỹ) nói.

Sự chú trọng vào Trung Quốc xuất hiện khi chính phủ của ông Hatoyama bắt đầu quá trình "dọn dẹp" trật tự thời hậu chiến của Nhật sau chiến thắng bầu cử của đảng ông, bao gồm cả việc thách thức sự kiểm soát chính sách ngoại giao cũng như kinh tế của bộ máy quan liêu ăn sâu bám rễ tại đất nước này.

Về các vấn đề an ninh, đảng Dân chủ Tự do rõ ràng nghiêng về Washington. Các chính phủ trước đây ở Nhật không chỉ o bế liên minh quân sự có từ nửa thế kỷ qua với Mỹ mà còn cảnh báo quyền lực đang lên của Trung Quốc cũng như thường xuyên khiến Bắc Kinh phẫn nộ thông qua nỗ lực minh oan cho những giai đoạn đen tối của sự bành trướng quân sự Nhật trong những năm 1930 -1940.

Các chuyên gia Mỹ cáo buộc chính quyền Obama đã chậm trễ trong việc nhận ra mức độ thay đổi trong suy tính của Nhật về người bảo vệ truyền thống cũng như kẻ thù truyền thống của nước này.

Trong thực tế, các chuyên gia chính trị và các cựu quan chức ngoại giao đánh giá, Trung Quốc dường như lão luyện hơn chính quyền Obama trong việc đối đãi với các lãnh đạo mới ở Nhật. Và các cựu quan chức ngoại giao ở đây khuyến cáo rằng, giới lãnh đạo Bắc Kinh đang tận dụng các thay đổi chính trị trọng yếu ở Tokyo như một cơ hội để cải thiện quan hệ với Nhật và có thể tạo thành một vách ngăn giữa Mỹ và Nhật.

Kunihiko Miyake, một cựu quan chức ngoại giao cấp cao người Nhật, từng làm việc ở Bắc Kinh cho rằng: "Đây đã là một cơ hội vàng cho Trung Quốc. Người Trung Quốc đang thể hiện một khuôn mặt thân thiện hơn Washington nhằm làm đối trọng với ảnh hưởng Mỹ, nếu không phải là chia rẽ Nhật khỏi Mỹ".

Một số chuyên gia bảo thủ về Nhật ở Washington thậm chí từng khuyến cáo về một Tokyo độc lập hơn, trở nên miễn cưỡng ủng hộ Mỹ trong một cuộc đối tương lai với Trung Quốc về các vấn đề như Đài Loan, hoặc thậm chí không sẵn lòng tiếp tục cho phép khoảng 50.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại Nhật.

Bất chấp cuộc tranh cãi của các chuyên gia về Nhật ở Mỹ, ông Hatoyama tiếp tục nhấn mạnh rằng liên minh với Washington vẫn là nền tảng an ninh của Nhật. Và theo các nhà phân tích, những nghi ngờ về Trung Quốc cũng như sự oán giận từ việc Nhật đánh mất uy thế ở châu Á đang ăn sâu vào tâm trí số đông người ở đất nước mặt trời mọc, khiến sự thay đổi đáng kể về lòng trung thành hay chính sách đối ngoại dường như khó có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong tương lai trước mắt.

Tuy nhiên, trong 4 tháng kể từ khi ông Hatoyama lên nắm quyền, các quan chức hàng đầu của Nhật và Trung Quốc đã có những chuyến viếng thăm qua lại nhộn nhịp khác thường, kể cả chuyến công du Tokyo hồi tháng trước của Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tâm trạng hoà giải mới cũng hiển hiện trong các ý tưởng gần đây nhằm vượt qua những bất đồng trong lịch sử chiến tranh, vốn đã khiến Nhật bị cô lập trong khu vực suốt một thời gian dài.

Những ý tưởng này bao gồm cả một bài báo mới đây trên tờ báo Nhật Yomiuri Shimbun, dựa theo các nguồn tin ngoại giao giấu tên, về một sáng kiến hoà giải của Trung Quốc, trong đó đề cập tới việc Thủ tướng Hatoyama tới Nam Kinh để xin lỗi về vụ thảm sát các thường dân Trung Quốc vào năm 1937 do quân xâm lược Nhật tiến hành. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sau đó sẽ tới Hiroshima để tuyên bố các ý định hoà bình của Trung Quốc.

Trong khi cả hai nước đều bác bỏ bài báo chỉ là phỏng đoán, nó đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sâu rộng rằng đó có thể là quả khinh khí cầu thử nghiệm của một trong hai nước, báo hiệu một sự sẵn sàng mới nhằm tạo ra đột phá ngoại giao nào đó về các vấn đề lịch sử.

Và một tuần sau chuyến thăm Bắc Kinh của ông Ozawa và đoàn nghị sĩ Nhật (từng được ông Hồ Cẩm Đào tán tụng là khởi đầu của một thời kỳ suôn sẻ hơn trong quan hệ Trung - Nhật), Tokyo đã đền đáp bằng màn tiếp đón hiếu khách trong chuyến công du Nhật của ông Tập Cận Bình. Ông Hatoyama đã sắp xếp một cuộc gặp giữa ông Tập với Nhật hoàng Akihito tại Cung điện Hoàng gia ở Tokyo trong thời gian ngắn, phá vỡ nghi thức ngoại giao quy định các cuộc tiếp kiến kiểu như vậy phải được thu xếp trước hơn một tháng.

Ông Ozawa, một nhân vật quyền lực trong bóng tối, ngang ngửa Thủ tướng Hatoyama, được cho là có thiện cảm với Trung Quốc, nơi ông thường viếng thăm. Ông cũng được đông đảo nhìn nhận là thế lực đứng sau sự chuyển hướng mới đây của Nhật đối với Bắc Kinh. Trong khi đó, các thành viên khác trong nội các của ông Hatoyama vẫn ít bị thuyết phục hơn về việc rời xa Mỹ là một ý tưởng tốt.

Một trong những người hoài nghi là Bộ trưởng Quốc phòng Toshimi Kitazawa, người nhấn mạnh nhu cầu phải có sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Nhật để đối trọng với Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên có vũ trang hạt nhân. Tháng trước, ông Kitazawa đã mời Yukio Okamoto, một cựu quan chức ngoại giao được đông đảo kính trọng, từng cố vấn cho các thủ tướng Dân chủ Tự do, đảm đương cương vị cố vấn cho Thủ tướng đương nhiệm Hatoyama về các vấn đề an ninh.

"Người Dân chủ phải nhận ra nguy cơ mà chúng ta có trên bán đảo Triều Tiên, và rằng Trung Quốc không phải là nước thân thiện về các vấn đề quân sự", ông Okamoto quả quyết.

Chuyên gia Soeya thuộc Đại học Keio cảnh báo, chính phủ mới của Nhật ít nhất nên nghĩ kĩ trước khi tiến gần hơn về phía Trung Quốc. Theo ông, "Thủ tướng Hatoyama không có nhận thức rõ ràng về việc dựa vào Trung Quốc thực sự nghĩa là thế nào hay liệu việc đó thậm chí có đáng mong ước hay không".

  • Thanh Bình (Theo NYT)

Ý kiến của bạn

Các tin khác