Vì sao Trung, Mỹ chưa thể thôi bất đồng?

Cập nhật lúc 09:02, 21/01/2010 (GMT+7)

Ảnh hưởng từ cuộc "đụng độ" giữa Google với Trung Quốc có lẽ sẽ còn vượt ra khỏi phạm vi của một công ty. Quyết định rút khỏi Trung Quốc, trừ khi chính phủ nước này có những thay đổi chính sách kiểm duyệt, dường như đã báo hiệu một mối quan hệ sắp sóng gió giữa Mỹ và Trung Quốc.

Quan hệ Mỹ - Trung có thể đang đi theo chiều hướng càng thêm căng thẳng. (Ảnh: FT)
Quan hệ Mỹ - Trung có thể đang đi theo chiều hướng càng thêm căng thẳng. (Ảnh: FT)

Lý do vụ Google trở nên "tầm cỡ" như vậy là vì nó cho thấy những đánh giá mà Mỹ vẫn dựa vào để xây dựng chính sách đối với Trung Quốc kể từ sự kiện Thiên An Môn năm 1989, có thể đã thất bại hoàn toàn. Mỹ đã chấp nhận - thậm chí là chào đón - sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc kinh tế, bởi các nhà làm chính sách Mỹ vẫn tự nhủ rằng mở cửa kinh tế sẽ dẫn tới thay đổi về chính trị tại Trung Quốc.

Nếu những đánh giá đó thay đổi, thì chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc có thể sẽ thay đổi theo. Chào đón sự vươn lên của nền kinh tế khổng lồ của châu Á là một chuyện. Còn ủng hộ sự trỗi dậy của đối thủ duy nhất về địa chính trị đối với Mỹ lại là chuyện khác. Kết hợp giữa ảo tưởng chính trị này với thất nghiệp hai con số trong nước mà Mỹ vẫn đổ lỗi cho chính sách bóp méo hệ thống tiền tệ của Trung Quốc, và bạn có được công thức cho phản ứng chống Trung Quốc của Mỹ.

Cả Bill Clinton và George W. Bush đều một mực tin rằng thương mại tự do, và đặc biệt là thời đại thông tin sẽ tạo ra những thay đổi chính trị không thể tránh khỏi tại Trung Quốc. Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 1998, Clinton đã nói: "Trong thời đại thông tin toàn cầu, khi những thành công về kinh tế được xây dựng trên các ý tưởng, thì tự do cá nhân sẽ là thiết yếu cho sự thịnh vượng của bất cứ đất nước nào". Một năm sau, Bush cũng đưa ra quan điểm tương tự: "Tự do kinh tế sẽ tạo thói quen tự do. Và các thói quen tự do sẽ tạo ra những thay đổi về dân chủ... Thương mại tự do với Trung Quốc và thời gian đang đứng về phía chúng ta".

Cả hai vị tổng thống này đang phản ánh suy nghĩ chung trong giới học giả ảnh hưởng nhất tại Mỹ. Tom Friedman, nhà báo của tờ New York Times và đồng tác giả của các cuốn sách nổi tiếng về toàn cầu hóa cũng từng khẳng định, phát triển kinh tế sẽ làm thay đổi Trung Quốc. "Toàn cầu hóa sẽ thúc đẩy điều này". Robert Wright, một trong những nhà tư tưởng được Clinton mến mộ, cũng ủng hộ điều này, và cho rằng Trung Quốc sẽ phải chịu "cái giá sẽ là thất bại thảm hại về kinh tế".

Cho tới nay, các thực tế đều không tuân theo lý thuyết này của người Mỹ. Trung Quốc vẫn đứng vững, và cũng không hề chịu "thất bại thảm hại về kinh tế". Ngược lại, Trung Quốc còn trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nhà xuất khẩu lớn nhất, với dự trữ ngoại hối hơn 2.000 tỷ USD. Tất cả những tăng trưởng về kinh tế này không hề cho thấy dấu hiệu nào về những thay đổi chính trị như Bush và Clinton dự tính.

Quyết định phản đối Chính phủ Trung Quốc của Google là dấu hiệu sớm rằng người Mỹ đã bắt đầu không chào đón một Trung Quốc trỗi dậy nữa. Nhưng áp lực lớn đối với Chính phủ Mỹ có thể sẽ đến từ các chính trị gia hơn là giới doanh nghiệp. Nếu Google thực tế hướng tới việc rút lui khỏi Trung Quốc, thì cũng không có nhiều khả năng người khổng lồ này sẽ được các công ty đa quốc gia khác "noi gương" và đổ xô rút khỏi Trung Quốc. Đối với đa số những công ty lớn, thị trường nước này quả là quá lớn và hấp dẫn đến mức không thể bỏ qua. Mặc dù Google có đi đâu, thì giới doanh nghiệp Mỹ có thể vẫn sẽ duy trì sự "gắn kết" với Trung Quốc.

Áp lực rút rút khỏi Trung Quốc sẽ đến từ các nhà hoạt động vì người lao động, cánh diều hâu và các chính trị gia an ninh, đặc biệt là trong quốc hội Mỹ. Cho tới nay, chính quyền Obama vẫn dựa vào những đánh giá đã được sử dụng suốt thế hệ qua khi tiếp cận với Trung Quốc. Bài diễn văn gần đây của Obama về châu Á là bài diễn văn theo "lối cũ" về cách Mỹ can dự vào Trung Quốc - khẳng định Mỹ chào đón sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng, sau khi được truyền hình hết sức quan tâm khi ông ở Thượng Hải và phải ngồi với các quan chức Trung Quốc cấp dưới tại hội nghị khí hậu Copenhagen, Barack Obama có thể cảm thấy "nóng mặt" hơn đối với Bắc Kinh. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy Nhà Trằng cứng rắn trong chính sách hơn có thể sẽ xuất hiện trong vài tháng tới, với quyết định chính thức gọi Trung Quốc là "nước thao túng tiền tệ".

Ngay cả khi chính quyền không có động thái gì thì, những lời kêu gọi thực thi chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc có thể sẽ trở nên to, rõ hơn tại Quốc hội Mỹ. Quyết định của Google, chỉ ra những nguy hiểm từ cuộc chiến không gian số của Trung Quốc sẽ đóng vai trò làm gia tăng quan ngại về an ninh của Mỹ đối với nước này. Việc Trung Quốc phát triển hệ thống tên lửa sẽ đe dọa ưu thế hải quân của Mỹ trên Thái Bình Dương. "Thương vụ" vũ khí của Mỹ với Đài Loan sẽ góp phần không nhỏ làm rắc rối thêm vấn đề.

Trong khi đó, chủ nghĩa bảo hộ dường như sẽ trở thành điều hết sức được lưu tâm tại Mỹ và có thể nước này sẽ hành động theo cách khiến Trung Quốc phải phản ứng.

Cuộc chiến thương mại là điều cả Mỹ và Trung Quốc đều không mong muốn. Nó có thể đẩy thế giới trở lại cuộc suy thoái và làm gia tăng căng thẳng trong chính trị quốc tế. Nếu điều này diễn ra gay gắt, cả hai bên sẽ đều phải gánh lấy cả hậu quả lẫn trách nhiệm. Những quan điểm còn nhiều khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại tự do và dân chủ, tiền tệ và nhân quyền. Cho tới hiện tại, tất cả các vấn đề này đều đang khá nóng.

  • Đình Ngân (Theo FT)

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác