Quan hệ Trung - Mỹ "xấu đi" trong năm mới?

Cập nhật lúc 16:09, 04/01/2010 (GMT+7)

 

Các quan chức và nhà phân tích cho rằng, mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ trải qua những tháng đầu tiên của năm mới đầy thách thức khi Nhà Trắng có vẻ sắp bán một số vũ khí cho Đài Loan và tổng thống Mỹ Obama đang dự định có cuộc gặp với Dalai Lama.

Nhân viên cảnh sát Trung Quốc đứng gác tại Bắc Kinh trong chuyến thăm của tỏng thống Obama hồi tháng 11/2009 (Ảnh: AP)
Nhân viên cảnh sát Trung Quốc đứng gác tại Bắc Kinh trong chuyến thăm của tổng thống Obama hồi tháng 11/2009 (Ảnh: AP)
Chính phủ Obama sẽ thông qua việc bán các máy bay Black Hawk và khẩu đội pháo trị giá vài tỷ USD cho Đài Loan vào đầu năm nay, có thể kèm theo kế hoạch đánh giá khả năng thiết kế và sản xuất tàu ngầm chạy bằng diesel cho Đài Loan.
 
Tổng thống Mỹ cũng dự định gặp lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng, người bị Bắc Kinh cho là kẻ ly khai. Obama đã khiến báo chí tốn không ít giấy mực khi Nhà Trắng đã từ chối cuộc gặp với Dalai Lama hồi năm ngoái nhằm thể hiện thiện ý đối với Trung Quốc. Điều đáng nói là, nó đánh dấu lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua tổng thống Mỹ không "tiếp" vị lãnh tụ tôn giáo trong chuyến thăm thường niên của ông này tới Washington.

Sự "xuống cấp" trong quan hệ với Bắc Kinh sẽ vẫn diễn ra, mặc dù chính quyền Obama đã rất nỗ lực cải thiện mối quan hệ gần gũi hơn. Các ghi chép cho thấy, các quan chức Mỹ đương nhiệm đã tổ chức các cuộc gặp với đối tác phía Trung Quốc nhiều hơn hẳn so với 4 tổng thống tiền nhiệm trong năm đầu cầm quyền của họ kể từ khi quan hệ với Bắc Kinh được bình thường hóa năm 1979.

David M. Lampton, Giám đốc Nghiên cứu Trung Quốc tại trường Nghiên cứu quốc tế chuyên sâu John Hopkins nói: "Tôi nghĩ, 3 yếu tố trong quyền lực của Trung Quốc "Sức mạnh quân sự, tài chính, và trí tuệ" đều có ảnh hưởng rất lớn. Điều đó có nghĩa là Mỹ và Trung Quốc vẫn cần đến nhau".

Ben Rhodes, trợ tá cố vấn an ninh quốc gia Mỹ thì cho rằng: "Quan hệ Trung-Mỹ giờ đây đã mở rộng và sâu sắc hơn nhiều. Chúng ta vẫn bất đồng... nhưng chúng ta đã chứng tỏ rằng chúng ta có thể hợp tác trên các vấn đề toàn cầu và khu vực, như phục hồi kinh tế, phổ biến vũ khí hạt nhân và biến đổi khí hậu, và trên hết, chúng ta hành động như vậy là phù hợp với lợi ích hai nước".

Tuy nhiên, căng thẳng vẫn xảy đến tại thời điểm nhạy cảm. Sau khi đưa ra thỏa thuận chính trị vớt vát với Trung Quốc về biến đổi khí hậu tại Copenhagen, Mỹ lại cần sự giúp đỡ của Trung Quốc trong 3 vấn đề nan giải: Iran, Triều Tiên, và tái cơ cấu nền kinh tế Trung Quốc để người dân tiêu thụ nhiều hơn và xuất khẩu ít đi.

Trung Quốc gần đây đã ủng hộ tuyên bố mang lời lẽ mạnh mẽ của Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA đối với Iran, nhưng vẫn tiếp tục phản đối gia tăng trừng phạt, điều mà chính quyền Obama đã ra tín hiệu sẽ làm vào năm 2010. Mỹ cũng tìm kiếm sự ủng hộ hơn nữa của Trung Quốc trong lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên và trong việc thúc đẩy Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa.

Các quan chức chính phủ nói rằng họ chắc chắn Trung Quốc sẽ phản ứng tiêu cực đối với việc bán vũ khí và gặp gỡ Dalai Lama. Ở mức thấp nhất, các quan chức Mỹ cho rằng, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ không tới dự hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân như dự kiến diễn ra vào tháng 4. Trung Quốc có thể sẽ ngừng cuộc đối thoại vừa được nối lại của Mỹ với quân đội Trung Quốc, một trong những mục tiêu trung tâm trong chính sách Trung Quốc của Nhà Trắng.

Theo các nhà phân tích, một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ "phản ứng" đã xuất hiện từ cuộc gặp của Obama với Hồ Cẩm Đào hồi tháng 11/2009. Hồ Cẩm Đào đã sử dụng cụm từ "vũ khí tinh vi" khi nói các thiết bị mà Mỹ nhiều khả năng sẽ bán cho Đài Loan. Các quan chức Mỹ thì nghĩ ngay tới việc ám chỉ đó là nhằm vào máy bay chiến đấu F-16 mà Đài Loan đã yêu cầu, nhưng theo nhiều nguồn tin Mỹ, loại máy bay này sẽ không có trong danh sách mua sắm lần này của Đài Bắc.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Châu Văn Trọng, nói khi được hỏi về khả năng diễn ra "thương vụ" vũ khí và cuộc gặp với Dalai Lama rằng: "Chúng tôi hy vọng ông Obama sẽ không làm điều đó. Chúng ta đã vừa có chuyến thăm rất thành công".

Tuy nhiên, các quan chức và nhà phân tích Mỹ vẫn thấy có sự tự tin thái quá - những gì mà một quan chức Mỹ gọi là "thái độ hân hoan chiến thắng" - trong một số các quan chức và dân chúng Trung Quốc. Điều này bắt nguồn từ bầu không khí chung tại Bắc Kinh cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế chứng tỏ sự vượt trội của nền kinh tế Trung Quốc và rằng phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đang "thất thế".

Thái độ "hân hoan chiến thắng" thể hiện rõ trong cuộc đàm phán khí hậu vừa kết thúc tại Copenhaghen. Trung Quốc chỉ cử tới thứ trưởng Ngoại giao trong cuộc họp dành cho cấp nguyên thủ quốc gia; các đại diện của nước này thì công khai mâu thuẫn với đối tác Mỹ. Và, tại đỉnh điểm của hội nghị, lực lượng an ninh của Trung Quốc cố tình ngăn cản Obama và những người còn lại trong đoàn hộ tống không được tham gia một cuộc họp do thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo làm chủ tọa.

Thái độ tự tin thái quá này mới có ở Trung Quốc và có thể sẽ góp phần vào phản ứng mạnh hơn từ Bắc Kinh.

Bonnie S. Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nói: "Nếu họ thực sự tin rằng Mỹ đang đi xuống và rằng Trung Quốc sẽ sớm nổi lên thành siêu cường, thì họ sẽ tìm cách vượt qua Mỹ theo những cách không hề dễ chịu".

Làm phức tạp thêm bức tranh này là quan điểm của một số nhà phân tích Mỹ rằng chính quyền Obama - vốn đang hướng mạnh hơn tới Bắc Kinh - đã nỗ lực rất lớn trong năm đầu để vun đắp quan hệ với Trung Quốc. Theo họ, nếu chính phủ Mỹ cứ cố gắng đạt được điều này sẽ càng khiến sự tự tin thái quá của Trung Quốc ngày càng lên cao".

Lampton cho rằng: "Chính phủ có vẻ đã đưa tín hiệu với Trung Quốc rằng, chúng ta cần họ nhiều hơn họ cần chúng ta. Chúng ta đang ở vị trí của kẻ phải đi năn nỉ".

Năm qua, chính phủ Trung Quốc đã khiến không ít các doanh nghiệp phương Tây phải lo lắng. Mặc dù Trung Quốc luôn cáo buộc Washington sử dụng các biện pháp bảo hộ - hôm 30/12/2009, Mỹ đã áp đặt thuế mới đối với ống thép nhập khẩu từ Trung Quốc - nhưng cũng mạnh tay không kém khi đóng cửa thị trường đối với một số hàng hóa của các công ty phương Tây sản xuất tại Trung Quốc. Giờ đây, các tổ chức như Phòng Thương mại Hoa kỳ, cơ quan có truyền thống ủng hộ quan hệ với Trung Quốc, thấy mình ở vị trí khác bình thường khi phải tổ chức chiến dịch kêu gọi người dân viết đơn gây áp lực cho Trung Quốc phải thay đổi chính sách.

Một quan chức thương mại Mỹ nói: "Nếu họ còn tiếp tục theo con đường thiếu linh hoạt, họ sẽ nhận được sự phản đối chính trị rất lớn, không chỉ ở Mỹ. Trung Quốc nên ý thức về điều này".

  • Đình Ngân (Theo Washington Post)

 

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác