Haiti cần cam kết lâu dài hơn là lời nói suông
Việc gánh chịu các thảm họa thiên nhiên là không thể tránh khỏi. Nhưng Haiti không cần những lời nói suông. Họ cần sự giúp đỡ thực sự và điều kiện để tự thoát khỏi vòng luẩn quẩn chỉ tồn tại dựa vào trợ giúp quốc tế.
Các nạn nhân động đất Haiti cần được giúp đỡ thực sự (Ảnh: AP) |
Một lần nữa, thế giới lại rơi nước mắt vì Haiti. Cơn động đất ngày thứ 3 vừa qua là một thảm họa ít ai có thể tưởng tượng được nếu không tận mắt nhìn thấy những bức ảnh và đoạn phim ghi lại những hình ảnh đầy đau thương và khuôn mặt nhàu nát những nạn nhân còn sống sót. Các khu ổ chuột ở gần chân núi, trường học, bệnh viện, thậm chí cả tòa nhà quốc hội và cung điện của tổng thống đã sụp đổ chỉ trong nháy mắt.
Mỗi khi nghe tin nơi này hứng chịu các thảm họa thiên nhiên, chúng ta mới lại nhớ ra đây là đất nước nghèo đói nhất tây bán cầu. Và mỗi lần thảm họa xảy ra, chúng ta lại kêu gọi sự giúp đỡ - trong một thời gian ngắn. Liệu lần này có sự khác biệt?
Haiti thực sự cần giúp đỡ đề đưa người thoát khỏi đống đổ nát và tìm nơi trú ẩn. Họ cần được chăm sóc y tế, thức ăn và quần áo cho những con người vốn đã khốn cùng. Nhưng Haiti còn cần nhiều hơn thế. Đất nước này cần sự cam kết lâu dài với mục tiêu cuối cùng là thoát ra khỏi sự nghèo đói đang dai dẳng bám đuổi, sự tuyệt vọng, và sự bất ổn của đời sống chính trị. Với những nơi khác, đây là một thảm họa còn ở Haiti, đây là chuyện “thường ngày ở huyện”.
Các cá nhân có thể giúp đẩy nhanh quá trình này bằng cách gửi tiền ủng hộ tơi các tổ chức từ thiện có tài khoản ở Haiti. Họ sẽ biết phải chuyển các hỗ trợ nhân đạo đến đúng địa chỉ và sử dụng số tiền này một cách minh bạch. Cựu tổng thống Bill Clinton, đại sứ đặc biệt của Liên hợp quốc cũng có mặt ở đây. Ông có cơ hội đem hết tài năng lãnh đạo và thuyết phục người khác ra để kêu gọi sự đồng lòng và giúp đỡ cho những con người khốn khổ.
Tổng thống Obama và ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã hứa rằng mọi sự trợ giúp từ nước Mỹ sẽ nhanh chóng tới nơi nhờ sự phối hợp với các cơ quan có thể: qua quân đội, các tổ chức cứu trợ dân sự, và các tổ chức phi chính phủ. Nhưng những người lãnh đạo Washington phải đảm bảo chắc chắn rằng sự giúp đỡ nhất thời này sẽ biến thành những hành động có tính lâu dài ổn định, thay thế sự hỗn loạn và bất ổn đang diễn ra ở đây bằng một chiến lược hợp lý và có hiệu quả. Đầu tiên là cứu trợ. Sau đó là tái thiết.
Nước Mỹ có một trách nhiệm đặc biệt đối với người láng giềng. Đây là cơ hội để TT Obama thể hiện vai trò của một nước lớn trong việc “gánh trên vai những người nhỏ bé và yếu đuối hơn mình” cũng như khả năng huy động các nước khác đi theo một chiến dich cứu trợ do Mỹ đề ra. Tuy nhiên Obama nên tâm niệm một điều, và cũng nhắc nhở các quan chức dưới quyền mình rằng: công việc này không phải một sớm một chiều, mà là sự cam kết kéo dài hàng năm.
Một trận động đất như thế này sẽ là thảm họa với bất cứ nước nào. Nhưng việc đổ lỗi cho thiên nhiên chỉ là một phần của vấn đề. Hãy nhìn vào Haiti, bạn sẽ thấy hàng thế kỷ đói nghèo, bất ổn chính trị và các nhà lãnh đạo tồi đã phá nát đất nước này. Việc gánh chịu các thảm họa thiên nhiên là không thể tránh khỏi. Nhưng Haiti không cần những lời nói suông. Họ cần sự giúp đỡ thực sự và điều kiện để tự thoát khỏi vòng luẩn quẩn chỉ tồn tại dựa vào trợ giúp quốc tế.
-
Ngọc Diệp (Theo NYTimes)