Haiti: Người sống vật vờ chờ cứu trợ, khiếp đảm an ninh
Tại thủ đô của Haiti, nơi đương đầu với những cảnh hỗn loạn sau thảm hoạ động đất, an ninh là vấn đề lớn tiếp tục ảnh hưởng tới nỗ lực cứu trợ người còn sống.
Những ngày sau khi cơn chấn động lịch sử tàn phá Port-au-Prince, cướp đi sinh mạng hàng chục nghìn người, đã có báo cáo về việc nhiều nhóm tội phạm cướp bóc, trấn lột dân thường.
Một người đàn ông cầm dao, tranh giành những thứ thu được từ cửa hàng bị phá huỷ sau động đất (Ảnh Reuters)
Theo quan chức Haiti, hàng nghìn tù nhân đã lọt ra ngoài sau khi nhà tù chính ở nước này bị phá huỷ.
Hàng cứu trợ đã tới quốc gia nghèo khổ này, nhưng rất ít trong số đó được đưa ra khỏi sân bay. Cảng biển, đường sá và những cơ sở hạ tầng khác bị hư hại nặng đã cản trở tốc độ cấp phát lương thực, nước uống và thuốc men cần thiết.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết, bà sẽ đến Haiti trong hôm nay để đánh giá về mức độ tổn thất và truyền tải thông điệp tới người Haiti về “sự ủng hộ lâu dài, kiên định, thống nhất và đồng cảm của chúng tôi”.
Những người sống sót với nỗi tuyệt vọng sau trận động đất nay lại khổ sở vì nỗi lo an ninh ở Port-au-Prince. "Những người đàn ông mang dao đột ngột xuất hiện và lấy đi hết tiền”, người dân Evelyne Buino cho biết.
An ninh hỗn loạn
Haiti hiện vẫn chưa xác định được hơn 4.000 tù nhân, rất nhiều trong số đó có thể đã trốn thoát từ nhà tù trung tâm. Một đài truyền thanh địa phương đã thúc giục mọi người “tổ chức thành những uỷ ban, cộng đồng để tránh hỗn loạn”.
Có rất ít sự hiện diện của cảnh sát trong thành phố, mặc dù một số lính gìn giữ hoà bình LHQ người Brazil vẫn tuần tra đường phố.
Các phóng viên có mặt tại hiện trường mô tả, người dân bắt đầu tức giận và tuyệt vọng bởi các hoạt động cứu trợ quá chậm chạp. Chuyến tàu chở chuối và than đá đầu tiên đã tới cảng thành phố kể từ khi động đất.
Bộ trưởng Nội vụ Paul Antoine Bien-Aime cho hay, đã thu thập được 50.000 thi thể, nhưng tổng số người thiệt mạng có thể ở mức “100.000 – 200.000 người".
LHQ ước tính có 300.000 người mất nhà cửa. Mỹ đã thiết lập trung tâm kiểm soát tạm thời ở sân bay để phân phối hàng cứu trợ nhanh chóng hơn.
Trong khi đó, LHQ đã kêu gọi viện trợ 562 triệu USD cho Haiti để giúp 3 triệu người dân nước này trong vòng sáu tháng. Tổng cộng có khoảng 360 triệu USD viện trợ được cam kết tính tới thời điểm này, nhưng chỉ một phần rất nhỏ trong đó dành cho cứu trợ khẩn cấp.
Mỹ đã điều động một tàu sân bay USS Carl Vinson, tới Haiti cùng tàu USS Bataan, mang theo đơn vị lính thủy đánh bộ. Một tàu bệnh viện cùng nhiều trực thăng cũng sẽ đến nước này trong vài ngày nữa với tổng số lính Mỹ lên đến 9.000 – 10.000 người.
Hiện nhiều máy bay chở lực lượng cứu hộ, hàng viện trợ đã hoặc đang đến Haiti từ Anh, Trung Quốc, EU, Canada, Nga và các nước Mỹ Latin.
Khát khao nước
Hàng trăm nghìn người Haiti đang khát khao chờ nước khi động đất đã phá huỷ hệ thống ống dẫn và những người lái xe tải không thể hay miễn cưỡng chở nước đi cung cấp.
"Rất nhiều tài xê sợ bị tấn công khi ra ngoài, một số người mất tích trong thảm hoạ, những người khác còn phải tìm kiếm người thân mất tích”, Dudu Jean, một lái xe 30 tuổi - người đã bị tấn công khi lái xe vào khu ổ chuột Cite Soleil ở thủ đô Haiti nói.
Thiếu nước trở thành một trong những nguy cơ lớn nhất mà người Haiti phải đối mặt khi có rất nhiều người vẫn ở ngoài trời cả ngày trong thời tiết nóng vì sợ hãi những cơn dư chấn, hay không dám sống trong các toà nhà đã bị hư hại sau động đất. Trong khi hàng cứu trợ bắt đầu đổ về Haiti từ khắp nơi trên thế giới, thì việc phân phát không thể nhanh chóng hơn với tất cả những ai cần thiết.
Thậm chí trước khi xảy ra thảm hoạ, hệ thống cấp nước ở thành phố ba triệu dân cũng thất thường. Những người nghèo Haiti vẫn sống bằng từng bình nước lấy về từ các giếng công cộng. Rất nhiều người phụ thuộc vào nước cung cấp từ các tài xế xe tải. Kể từ khi cơn chấn động tàn phá thủ đô của Haiti, nước không hề tới Cite Soleil, nơi có hơn 1 triệu dân sinh sống.
Tom Osbeck, một người truyền giáo đến từ Indiana điều hành một ngôi trường ở phía bắc Port-au-Prince, mô tả, nước và lương thực khan hiếm làm nỗi tuyệt vọng của những người còn sống lên tới đỉnh điểm. "Thậm chí việc phân phát lương thực và nước uống cũng rất nguy hiểm. Mọi người tuyệt vọng và sẽ tranh giành tới chết chỉ vì nước”.
Jean Ponce là một người thợ nề 36 tuổi nằm trong số 200 người mang theo xô thùng xếp hàng chen chúc chờ một chiếc xe tải chở nước. Anh đã mất một đứa con trong cơn địa chấn, anh cho hay, xô nước mà anh có được sẽ là đồ uống đầu tiên cho bốn đứa con còn sống kể từ khi xảy ra thảm hoạ. "Nó gần giống như một phép màu”, Ponce nhấn mạnh.
-
Kỳ Thư (Theo BBC, AP)